Đại Kỷ Nguyên

Hà Nội với ‘2 thành phố ở phía Bắc và phía Tây’ kỳ vọng tạo ra cực tăng trưởng mới?

Huyện Đông Anh nhìn từ trên cao (Ảnh sưu tầm).

Huyện Đông Anh nhìn từ trên cao (Ảnh sưu tầm).

Sau 15 năm mở rộng, 12 năm thực hiện quy hoạch chung Thủ đô, Hà Nội vẫn không đạt mục tiêu giãn dân và giảm áp lực hạ tầng nội đô. Trong khi 5 đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn trong tình trạng quy hoạch “treo”, dân số thành phố đã vượt ngưỡng dự báo gần một triệu, khoảng 8,5 triệu, khiến hạ tầng đô thị ngày càng quá tải.

Trong tờ trình gửi HĐND thành phố đầu tháng 7 về điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn 2065, chính quyền thành phố vẫn giữ nguyên định hướng hình thành các đô thị vệ tinh, tuy nhiên đề xuất mô hình “thành phố trong thành phố”, với thành phố phía Bắc và phía Tây trực thuộc Thủ đô.

Thành phố phía Bắc sông Hồng rộng 633 km2, gồm ba huyện Đông Anh, Sóc Sơn và Mê Linh, dân số đến năm 2045 khoảng 3,25 triệu. Trong quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 năm 2011 (quy hoạch 1259), Sóc Sơn là một trong 5 đô thị vệ tinh, nhưng nay thành phố phía Bắc sẽ bao trùm. Thành phố sẽ khai thác lợi thế sân bay Nội Bài, các khu công nghiệp, tạo dựng hình ảnh đô thị mới hiện đại gắn với dịch vụ cấp vùng.

Thành phố phía Tây rộng 251 km2, bao trùm hai đô thị vệ tinh Hòa Lạc và Xuân Mai, phát triển mở rộng ra đến sông Tích và sông Bùi, dân số đến năm 2045 khoảng 1,2 triệu. Thành phố phát triển khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo theo hướng hiện đại, sinh thái.

Hai đô thị vệ tinh Sơn Tây, Phú Xuyên và các thị trấn sinh thái, thị trấn vẫn thực hiện theo cấu trúc trước đây.

Theo quy định, đô thị là thành phố thuộc thành phố trung ương phải có quy mô dân số từ 500.000 trở lên, nội thành từ 200.000 người trở lên. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt từ 65% trở lên; nội thành từ 85% trở lên.

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, tỷ lệ đất nông nghiệp huyện Mê Linh, Sóc Sơn còn khá lớn. Huyện Sóc Sơn có diện tích đất nông nghiệp chiếm 60% tổng diện tích đất tự nhiên, có cả đất rừng phòng hộ, nên lao động phi nông nghiệp chỉ đạt khoảng 40%, không thể đạt theo tiêu chuẩn cấp đô thị.

Ông Nghiêm cho rằng thành phố phía Bắc bao gồm 3 huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Mê Linh với diện tích 633 km2 là quá rộng, có sự chênh lệch đô thị hóa, sẽ khiến nguồn lực đầu tư bị phân tán. Ông đề xuất Đông Anh trở thành thành phố trung tâm mới phía Bắc thay vì Sóc Sơn.

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cũng cho rằng huyện Đông Anh đủ điều kiện là quận, còn Sóc Sơn, Mê Linh chưa đạt. Nâng cấp ba huyện này lên thành phố sẽ rất khó khăn, phụ thuộc tốc độ đô thị hóa. Thời gian để một quận, huyện lớn trở thành thành phố trực thuộc có thể kéo dài và cần có lộ trình.

Nhìn từ vị trí thành phố, KTS Ngô Trung Hải nhận định lập thành phố mới ở phía Bắc có nhiều điểm bất lợi cho tổng thể Hà Nội. Bởi vùng lõi Thủ đô sẽ thiếu trung tâm tài chính, triển lãm vì đã quy hoạch ở huyện Đông Anh. Sân bay Nội Bài sẽ không còn do Thủ đô Hà Nội quản lý mà nằm trong thành phố mới, do chính quyền khác quản lý.

Exit mobile version