Hôm 22/9, trong lúc tham dự “Tuần lễ cấp cao Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc” tại New York, ông Tô Lâm, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Việt Nam đã gặp ông Brendan Nelson – Phó chủ tịch hãng Boeing, kiêm chủ tịch Boeing Global và đề nghị hãng này đầu tư vào Việt Nam.

Tường thuật của VnExpress cho hay, ông Tô Lâm đề nghị hãng Boeing sớm nghiên cứu, khai triển đầu tư các nhà máy sản xuất linh kiện, xây dựng trung tâm bảo dưỡng thiết bị, máy móc máy bay quy mô khu vực gắn với các phi trường lớn của Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông Tô Lâm cũng đề nghị Boeing tiếp tục “phối hợp chặt chẽ với các đối tác Việt Nam để chuyển giao các đơn đặt hàng mua máy bay đã ký kết thời gian qua”.

Ông cũng nói Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi, phù hợp với quy định để các nhà đầu tư Mỹ, trong đó có Boeing, đầu tư kinh doanh hiệu quả và bền vững tại Việt Nam.

Theo ông Tô Lâm, Việt Nam đang đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng hàng không, trong đó nổi bật là dự án phi trường Long Thành tại tỉnh Đồng Nai, có tổng mức đầu tư khoảng 16,06 tỷ USD, với quy mô 5.000 hécta hướng tới là một trong những “trung tâm trung chuyển hàng không của khu vực”.

Ngoài ra, phi trường Tân Sơn Nhất ở Tp HCM, cũng đang được mở rộng với dự án bổ sung nhà ga T3, có tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng (khoảng 447,3 triệu USD).

Đáp lại lời kêu gọi của lãnh đạo Việt Nam, ông Brendan Nelson khẳng định trong thời gian tới hãng Boeing sẽ hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái hàng không tại Việt Nam, trong đó chú trọng việc xây dựng cơ sở hạ tầng hàng không, đào tạo nhân lực, xây dựng phi trường, cơ sở sửa chữa, bảo trì máy bay.

Ngoài ra, Boeing đã có nhiều cuộc làm việc với lãnh đạo Vietnam Airlines, hai bên hứa hẹn trong năm 2028 hoàn thành hợp đồng đã ký kết về việc bán 50 phi cơ trong chuyến thăm của Tổng Thống Joe Biden tới Việt Nam vào năm ngoái.

Một cập nhật khác cũng liên quan đến chuyến đi Mỹ của nhà lãnh đạo Việt Nam.

Thông báo từ Tòa Bạch Ốc cho hay, Tổng thống Joe Biden dự kiến ​​sẽ có cuộc gặp với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vào thứ Tư, ngày 25/9 (theo giờ Mỹ).

Cuộc họp, được Reuters đưa tin đầu tiên, dự kiến ​​sẽ diễn ra bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York.

Trả lời BBC News vào ngày 23/9, Giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm tại Đại học New South Wales (Úc) cho rằng, đây sẽ là một cuộc gặp quan trọng.

“Cuộc gặp này thể hiện sự coi trọng lẫn nhau mà mỗi nhà lãnh đạo dành cho mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vừa mới được thiết lập. Tổng thống Biden đang ra hiệu rằng Việt Nam là một đối tác kinh tế và ngoại giao quan trọng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, ông Thayer nói:

Ông Thayer cũng cho rằng sự kiện này sẽ “giúp nâng cao vị thế trong nước của ông Tô Lâm, với tư cách là người kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng”.

Trước cuộc gặp với ông Biden, ông Tô Lâm, trên cương vị Chủ tịch nước, đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng Sáu khi ông Putin thăm cấp nhà nước tới Việt Nam.

Ông cũng đã hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc vào tháng Tám.

Việc gặp đủ lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc và Nga – ba cường quốc có mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Việt Nam – theo đánh giá của Giáo sư Carl Thayer, là một thành tích đáng kể của ông Tô Lâm.