Sáng 6/6, Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt (JVE) công bố kết quả thí điểm công nghệ Nano – Bioreactor làm sạch sông Tô Lịch của Nhật Bản.
Video: Bất ngờ với độ dày bùn sông Tô Lịch sau khi dùng công nghệ Nano của Nhật Bản. (Nguồn: VTC News)
Chuyên gia Nhật Bản – TS Kubo Jun cho biết, sau 3 tuần thử nghiệm, công nghệ Nano – Bioreactor cơ bản đáp ứng được yêu cầu, các chỉ số về độ dày bùn, mùi hôi giảm đáng kể và khớp với chỉ số dự kiến trước đó, báo VTC News thông tin.
Vị chuyên gia Nhật Bản lần lượt lấy 4 mẫu nước, bùn ở 2 khu vực trước và sau xử lý để làm mẫu so sánh. Trong đó, có 2 tiêu chí được chuyên gia Nhật Bản nhắc tới là độ trong của nước lớp mặt và độ dày của lớp bùn tầng đáy.
“Những gì chúng ta nhìn thấy màu đen là lớp bùn dưới đáy vẫn gồm cát, sỏi chưa phân hủy được do không phải chất hữu cơ. Còn lớp bùn ở những khu vực không đặt máy xử lý thì vẫn còn mùi và có độ nhớt, dính do còn chứa nhiều chất thải hữu cơ”, ông Kubo Jun nói.
Sau 3 tuần áp dụng công nghệ lọc nước, độ dày bùn ở sông Tô Lịch cũng giảm rõ rệt. Cụ thể, tại điểm B cách cầu Hoàng Quốc Việt 50 m, độ dày bùn giảm từ 91,3 cm xuống 72 cm. Tại điểm C cách 110 m, độ dày giảm từ 96,7 cm xuống còn 76 cm. Tại điểm D cách 210 m, độ dày bùn giảm từ 87,7 cm xuống còn 79 cm.
Ông Nguyễn Tuấn Anh – Chủ tịch HĐQT JVE cho biết, sau 3 tuần triển khai thí điểm, mùi của nước sông giảm đáng kể dựa trên các chỉ số nồng độ NH3 và H2S. Tuy nhiên, kết quả đạt được sẽ rõ ràng hơn sau 2 tháng áp dụng công nghệ này.
Trao đổi với Zing, ông Tuấn Anh cũng cho biết, sau một tháng, các đơn vị đánh giá độc lập sẽ tiếp tục công bố các chỉ số làm sạch của công nghệ này. Sau 2 tháng JVE và đoàn chuyên gia Nhật Bản sẽ tổ chức họp báo, thông tin đầy đủ về kết quả, chỉ số ô nhiễm sau khi kết thúc quá trình thí điểm.
“Đoàn chuyên gia Nhật Bản sau khi thử nghiệm 2 tháng xong sẽ kết hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND TP. Hà Nội sẽ báo cáo Thủ tướng rồi mới quyết định chủ trương đầu tư chứ không phải duy nhất Hà Nội quyết định về dự án này”, đại diện JVE cho biết.
Từ ngày 16/5, Hà Nội triển khai phương án thí điểm xử lý ô nhiễm, làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano – Bioreactor của Nhật Bản. Đoạn sông Tô Lịch (từ ngã tư Bưởi – Hoàng Quốc Việt xuôi về Cầu Giấy) được thí điểm lắp đặt 4 máy sục khí kèm các tấm vật liệu thiên nhiên. Sau vài ngày đưa máy vào hoạt động, ở một đố điểm đặt máy, nước sông Tô Lịch bắt đầu chuyển màu từ đen sang trắng đục, lượng khí amoniac (NH3) gây mùi hôi thối giảm nhanh chóng, cùng với đó là lượng bùn giảm. |
Khôi Minh (tổng hợp)