Khổng Tử bàn về đạo của người quân tử như sau:

Đức của người quân tử

Khổng Tử nói: “Nhan Hồi có bốn đức mà người quân tử cần có: một là thực hành nhân nghĩa kiên định; hai là sẵn sàng vui vẻ tiếp nhận lời khuyên bảo của người khác; ba là thận trọng khi nhận lộc quan; bốn là khiêm tốn, cẩn trọng trong lời nói cũng như việc làm. Sử Thu cũng có ba đức như thế: một là tuy không có chức tước gì nhưng vẫn luôn giữ lòng trung với cấp trên; hai là tuy không thờ cúng nhưng vẫn luôn biết tôn kính quỷ thần; ba là đối với mình thì nghiêm khắc, với người thì khoan dung”.

Tăng Tham nói: “Tôi biết thầy có ba đức hay, nhưng tôi không làm được: một là thầy chỉ cần thấy người khác làm một việc tốt là có thể tha thứ cả trăm khuyết điểm trước đây; hai là thầy xem ưu điểm của người khác như của chính mình, không bao giờ đố kỵ; ba là thầy chỉ cần nghe được một câu nói hay là cố gắng đưa vào cuộc sống chăm chỉ luyện tập, không chút lơ là. Đây là những đức hay của thầy mà tôi không học được; vì thế tôi không thể bằng Nhan Hồi và Sử Thu”.

Tử Cống sẽ ngày càng sa sút

Khổng Tử nói: “Sau khi ta chết, Tử Hạ sẽ không ngừng tiến bộ, Tử Cống thì ngày càng sa sút”.

Tăng Tham hỏi: “Thưa thầy tại sao?”

1507150209291734--ss3

Khổng Tử nói: “Tử Hạ thích chơi với kẻ mạnh hơn mình, Tử Cống lại thích chơi với kẻ thua kém mình. Ta nghe nói, muốn hiểu một người có thể quan sát bạn bè và thân phụ người đó; muốn hiểu một quân vương có thể quan sát sứ giả mà ông ta phái đi; muốn hiểu tính chất đất đai có thể quan sát cây cối sinh trưởng trên đất ấy. Vì thế mới nói: ‘chơi với người hay giống như đi vào căn phòng trồng hoa lan, lâu dần sẽ không cảm nhận được hương thơm của nó nữa, vì khi đó mình cũng hòa vào mùi hương hoa rồi; ở với người xấu cũng giống như đi đến chợ cá, lâu dần cũng không còn thấy mùi hôi tanh nữa vì cũng quen mất rồi’. Vì thế, người quân tử cần biết cẩn trọng chọn lựa người ở cùng với mình”.

Nếu nước vào thuyền

Khổng Tử nói: “Thuyền không có nước thì không đi được, nhưng nếu nước vào trong thuyền thì thuyền cũng bị chìm; vua không có dân thì không có gì để gọi là trị quốc, nhưng nếu dân trèo lên đầu vua thì quốc gia cũng không còn. Vì thế, vua ở trên cao không thể không cẩn trọng; thần dân ở dưới thấp không thể không có sự ràng buộc”.

Khổng Tử bàn về “đạo của quân tử”

Cao Đình nước Tề nói với Khổng Tử: “Tôi từ nước Tề xa xôi đến đây gặp Ngài vì muốn học đạo quân tử. Mong Ngài hãy chỉ cho tôi”.

Khổng Tử đáp: “Nội tâm phải chính trực, đây là cái gốc làm người. Bề ngoài, trong công việc phải cẩn trọng, giữ vững ý chí của mình; kiên trì thực hiện nhân nghĩa; thấy người có tài đức thì khiêm tốn học tập; gặp kẻ tiểu nhân bất tài thì tránh xa. Với người quân tử có tài năng không sinh lòng đố kỵ mà phải biết học tập. Làm được như thế thì người ở xa đến mấy cũng có thể thân như anh em. Nếu không muốn học theo đạo người quân tử thì người ở gần bên cạnh cũng khó thân nhau được”.

“Còn nữa, trong cuộc sống thường ngày, mỗi ngày chúng ta nói gì, làm gì, muốn làm sao không nói lời gây tai họa, làm những việc mình phải ân hận, thật không phải dễ dàng. Chỉ có người tài năng, có trí tuệ mới làm được. Vì thế phải luôn cẩn trọng, chú ý lời nói và việc làm của mình. Cần biết: cho dù một người cả đời trước đây chưa làm điều gì sai trái, nhưng cũng có thể chỉ vì một câu nói không hay nhất thời mà bao nhiêu công lao trước đây bị mất hết. Vì thế, muốn trở thành người quân tử phải luôn luôn cẩn trọng!”

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung

Tinh Vệ biên dịch

Xem thêm: