Bài này là ghi chép của bà Long Ứng Đài (nữ nhà văn nổi tiếng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Đài Loan) về cuộc đối thoại với người con trai của mình khi cậu 21 tuổi.
Ngày đó mẹ hỏi con: “Tương lai con muốn làm nghề gì?”. Mẹ đã để ý thấy con rất xem thường việc trả lời vấn đề này, cho nên đã nói hỗn với mẹ một trận. Là bởi vì ở thế hệ này của các con, thường quá tự tin về tương lai, cho nên cảm thấy không cần phải giống như thế hệ mẹ lúc còn trẻ, nghiên cứu một cách kỹ càng, cẩn thận; hay là kỳ thực, các con không tự tin với tương lai?
Cho nên con mới cố tình giả bộ để tạo ra một thái độ giễu cợt và ngạo mạn, nhằm né tránh trả lời câu hỏi của mẹ?
Mẹ gần như muốn tin tưởng rằng con là làm bộ phóng khoáng, thanh niên của ngày hôm nay đối với tương lai, phóng khoáng được sao? Một đoạn phim nói về người thanh niên Pháp đứng trên đường mà la hét kháng nghị khiến cho toàn thế giới đều phải chấn động.
Đây là thanh niên của thế kỷ 21 đang bị phiền não về những kế hoạch sinh nhai của bản thân, đang đấu tranh vật lộn.
Từ lúc mẹ 21 tuổi đến lúc con 21 tuổi, thì tỷ lệ người tự sát đã tăng cao 60%, con ra sức né tránh vấn đề của mẹ, là vì con 21 tuổi, con vẫn còn đang ngồi trên ghế trường đại học, cũng cảm nhận được áp lực của hiện thực rồi đúng không?
Người họa sĩ đã bắt đầu thất nghiệp từ lúc 18 tuổi
Con còn nhớ lúc chúng ta còn ở Đức đã gặp vị họa sĩ Timothy không? Anh ta từ nhỏ đã yêu thích tranh, ở trong hệ thống giáo dục tự do, không để ý đến ganh đua hay xếp thứ hạng của nước Đức. Anh ta lúc thì học ngoại ngữ để làm phiên dịch, lúc thì học làm thợ khóa, lúc thì lại học làm nghề mộc.
Sau khi tốt nghiệp, không tìm được công việc, một năm trôi qua, hai năm trôi qua, rồi ba năm trôi qua, đến bây giờ, hẳn là đã bao nhiêu năm rồi? Mẹ cũng không nhớ rõ, nhưng, năm mà anh ta thất nghiệp chỉ mới có 18 tuổi, năm nay anh ta đã 41 tuổi rồi, vẫn thất nghiệp như thế và ở cùng với mẹ của anh ấy.
Lúc không có việc gì làm, anh ta ngồi ở cửa sổ sát đường, vẽ hươu cao cổ. Trong các tác phẩm của anh ta, cổ của hươu cao cổ thò ra từ đỉnh của xe buýt, xuyên qua sân bay, đi vào một rạp đang chiếu phim… nó mở đôi mắt to với lông mi dài, nhìn chằm chằm vào một đứa trẻ ngồi trên một chiếc xe ba bánh.
Bởi vì không có việc làm, nên anh ta không thể kết hôn, đương nhiên cũng không có con. Trên thực tế, anh ta vẫn sống cuộc sống của một đứa trẻ. Thế nhưng mà, mẹ của anh ta đã sắp 80 tuổi rồi. Mẹ có lo lắng hay không nếu tương lai con cũng biến thành Timothy? Thành thực mà nói, đúng là mẹ cũng lo lắng!
Coi con thành “người khác” cũng không dễ dàng!
Mẹ nhớ có một đêm chúng ta đã nói chuyện với nhau trên sân thượng, con nói: “Mẹ ơi, mẹ phải biết rõ và chấp nhận sự thật rằng mẹ có một cậu con trai rất bình thường”. Con ngồi trong một chiếc ghế trên sân thượng, quay lưng về phía biển, tay châm một điếu thuốc, đó là lúc 3h sáng.
Bạn bè mẹ nếu trông thấy con hút thuốc lá trước mặt mẹ, nhất định sẽ nhìn mẹ bằng một ánh mắt không thể tin nổi: “Cậu ta làm sao có thể hút thuốc trước mặt mẹ?”. “Làm sao mà bạn lại có thế để con trai hút thuốc trước mặt mình được?”.
Mẹ nghiêm túc nghĩ tới vấn đề này, mẹ không thích mọi người hút thuốc, bởi vì mẹ không thích mùi khói thuốc lá, lại càng không thích con trai mình hút thuốc, bởi vì hút thuốc có thể gây nên căn bệnh chết người là ung thư phổi cho con.
Thế nhưng mà, con trai của mẹ đã 21 tuổi rồi, là một người trưởng thành có khả năng độc lập tự chủ. Là người trưởng thành, phải chịu trách nhiệm với hành vi của chính mình, và cũng phải tự chịu hậu quả do sai lầm của bản thân mình gây ra. Một khi đã tiếp nhận quy luật khách quan này rồi, con tự quyết định hút thuốc, mẹ làm sao có thể “không cho phép” con đây? Mẹ có quyền lực gì hay quyền uy gì để ước thúc con đây?
Mẹ nhìn con hút thuốc, chân kiễng lên, hút thuốc rồi nhả ra một làn khói đen như sương mù, tức giận chỉ muốn rút điếu thuốc từ trong miệng con ra và ném xuống biển.
Thế nhưng mà, trong lòng mẹ lại tự nhủ: “Hãy nhớ kỹ, người đang ngồi trước mặt mình là một người trưởng thành, mình đối đãi với con cũng giống như đối đãi với những người trưởng thành khác trong thiên hạ, mình không thể rút điếu thuốc từ trong miệng của bạn bè mình hay của một người xa lạ mà ném đi được. Vì vậy, mình không thể rút điếu thuốc trong miệng người đang ngồi ngay trước mặt mình mà ném đi được, con từ lâu đã không còn là đứa con bé nhỏ của mẹ nữa rồi, con là một “người khác” rồi!”.
Sự trưởng thành của tuổi trẻ là một việc không hề dễ dàng, mọi người đều biết. Tuy muốn bao bọc con, che chở con, nhưng mẹ học được bài học lớn hơn, “buông tay”, coi như con trở thành một “người khác”, nhưng cũng không hề dễ dàng!
Nếu như con sẵn lòng đi đánh răng cho hà mã
Mẹ nói: “Con bình thường chỗ nào, bình thường là có ý gì?”.
Con nói: “Con cảm thấy, sự nghiệp trong tương lai của con nhất định là kém so với mẹ, cũng thua kém bố, cả bố và mẹ đều có học vị tiến sĩ”, nghe được câu này, mẹ có chút kinh ngạc.
“Con dường như cảm thấy con chắc chắn không thể có thành tựu như của bố, càng không thể có thành tựu như của mẹ, con có thể sẽ trở thành một người rất bình thường, có bằng cấp rất bình thường, có một nghề nghiệp rất bình thường, không có nhiều tiền, cũng không có danh tiếng, một người bình thường nhất”. (Con dập tắt điếu thuốc).
“Mẹ có thất vọng không?”.
Hiện giờ mẹ đã quên lúc đó sao mẹ lại nói với con như thế, mẹ nói rằng mẹ sẽ không thất vọng, cho dù con làm gì thì mẹ cũng vui vẻ, bởi vì mẹ yêu con? Hay là không muốn tranh luận về triết lý “bình thường” với con, hay là rất chân thành mà thuyết phục rằng con không phải một người “bình thường” mà chỉ là con chưa tìm được chính xác bản thân mình?
Mẹ không nhớ rõ nữa, nhưng mà hiện giờ mẹ có thể nói với con, nếu như con là một người “bình thường”, mẹ có thất vọng hay không?
Điều quan trọng nhất đối với mẹ, không phải là con có thành tựu hay không, mà là con có hạnh phúc hay không, trong cuộc sống hiện đại bây giờ, loại công việc nào có thể ít nhiều đem lại cho con niềm hạnh phúc? Thứ nhất – nó cho con ý nghĩa, công việc đó không điều khiển con, không giam cầm con như tù binh. Thứ hai – nó cho con thời gian, nó cho con trải nghiệm đầy đủ trong cuộc sống.
Tiền tài và danh vọng, cái nào là nguyên tố chính của hạnh phúc đây? Giả như đặt hai lựa chọn trước mặt con, hoặc là đến phố Wall làm quản lý ngân hàng hoặc là làm nhân viên chăm sóc sư tử, hà mã trong vườn bách thú, mà con là một người yêu thích nghiên cứu động vật.
Mẹ hoàn toàn không cho rằng làm quản lý ngân hàng là có thành tựu, hay là nhân viên chăm sóc sư tử hà mã là “bình thường”. Mỗi ngày vì tiền mà căng thẳng, mà phấn đấu rất có thể lại không bằng mỗi ngày tắm rửa cho voi hay đánh răng cho hà mã.
Khi làm công việc mà trong lòng con thấy có ý nghĩa, có giá trị, thì là con đã có cảm giác thành tựu. Khi công việc của con cho con thời gian, không lấy đi cuộc sống của con, là con đã có tôn nghiêm. Cảm giác thành tựu và tôn nghiêm, cho con niềm hạnh phúc.
Mẹ sợ con trở thành người vẽ hươu cao cổ như Timothy, không phải vì anh ta không có tiền không có danh, mà là anh ta không tìm được ý nghĩa. Mẹ yêu cầu con chăm chỉ đọc sách, không phải vì mẹ muốn con có thành tựu hơn người khác, mà là bởi vì, mẹ muốn con có nhiều hơn nữa quyền lựa chọn cho tương lai, lựa chọn có ý nghĩa, có thời gian làm việc chứ không phải là bị ép mưu sinh.
Nếu như chúng ta không phải so sánh danh, lợi với người khác, mà chỉ là vì tìm chỗ yên tĩnh thoải mái trong nội tâm bản thân mình, thì như vậy từ “bình thường” này cũng không có ý nghĩa lắm.
“Bình thường” là so sánh với người khác, còn “nội tâm yên tĩnh thoải mái” là so sánh với chính mình. “Thiên sơn vạn thủy” đi đến cuối cùng, thì đối tượng mà chúng ta chịu trách nhiệm nhất vẫn là hai từ “chính mình”. Vì vậy, con đương nhiên không có lý do gì đi so sánh mình với người thế hệ trước, hay là phải sống giống với sự tưởng tượng về con của thế hệ đi trước.
Cũng giống như, hút thuốc hay không hút thuốc, bản thân con hãy tự quyết định đi nhé!
Theo NTDTV
Mai Trà biên dịch