Đại Kỷ Nguyên

10 câu thành ngữ cổ nhân giúp hiểu thấu cõi nhân sinh

Người trí tuệ hiểu được siêu thoát, tùy duyên cơ ngộ mà an định. Vui vẻ buông bỏ một phần, giữ một phần siêu thoát, như vậy mới có thể thoát khỏi vô vàn phiền não và thống khổ trên đời này…

Khi đọc các tác phẩm kinh điển lịch sử, chúng ta thường cảm nhận rằng người xưa lĩnh ngộ rất thâm sâu tinh túy đối với nhân sinh. Trong đó sách “Trang Tử” khác với các sáng tác đồ sộ của Bách gia chư tử, ông sử dụng nhiều câu chuyện ngụ ngôn, tưởng tượng kỳ ảo, kết hợp linh hoạt, ý cảnh rộng mở để nói ra rất nhiều đạo lý sâu sắc với nhiều tầng thứ cảnh giới khác nhau.

Dưới đây là 10 câu thành ngữ trí tuệ của Trang Tử, là những tinh hoa thấu tỏ nhân sinh:

1. An thường xử thuận: Sống yên ổn theo lẽ thường, thuận theo tự nhiên

Dưỡng sinh trong con mắt Trang Tử chính là con người cần thuận ứng theo tự nhiên, sống trong trạng thái bình thường, yên ổn là được rồi, không phải cố ý tẩm bổ.

Người minh bạch hiểu được buông bỏ, tâm an nhiên thuận theo đạo lý tự nhiên.

Người chân tình hiểu được hy sinh, sống điềm nhiên  trước mọi sự việc xảy ra.

Người trí tuệ hiểu được siêu thoát, tùy duyên cơ ngộ mà an định. Vui vẻ buông bỏ một phần, giữ một phần siêu thoát, như vậy mới có thể thoát khỏi vô vàn phiền não và thống khổ trên đời này.

2. An nguy tương dị: Bình an và nguy hiểm chuyển đổi lẫn nhau

Trong cuộc đời, bình an và hiểm nguy, thuận cảnh và nghịch cảnh đều là những cặp phạm trù đối lập biện chứng, thường chuyển hóa lẫn nhau. Trong thuận cảnh mà không hiểu được ‘cư an tư nguy’ – lúc bình yên phải nghĩ đến lúc hiểm nguy, thì thuận cảnh cũng dần dần biến thành nghịch cảnh.

Có câu thành ngữ ‘tuyệt xứ phùng sinh’, khi lâm vào tuyệt cảnh có thể khiến con người đột phá những rào cản trong cốt tủy và huyết dịch, siêu vượt những cái thường thấy, viết được những bài văn xuất thần chưa từng có, lập được kỳ tích không thể ngờ tới.

3. Bạch câu quá khích: Thời gian như bóng câu qua cửa sổ

Thời gian qua mau như bay, giống như qua khe hở cánh cửa nhìn thấy con bạch mã phi nước đại qua, nháy mắt là mất hút.

Tuổi hoa như nước chảy, vùn vụt trôi qua, bao tháng ngày đã thành dĩ vãng nhạt nhòa. Nhân sinh như mộng, chỉ mong tháng ngày êm đềm, đời này yên ổn. Mỗi người đều có một khóm hoa nở trong vườn tâm, cho dù thời gian như bóng câu qua cửa sổ, năm tháng cứ vùn vụt trôi đi, thì hoa vẫn nở, hương vẫn tỏa thơm.

Nhân sinh như mộng, chỉ mong tháng ngày êm đềm, đời này yên ổn. (Ảnh: sohu.com)

4. Bất hệ chi chu: Như thuyền không neo buộc

Trang Tử ví von rất hình tượng đời người tiêu diêu tự tại như con thuyền không neo buộc nhởn nhơ trôi dạt. Nhưng con người chưa đạt được đến cảnh giới cao đó thì không thể không có ước thúc được.

5. Bất dâm chi độ: Điều độ không quá mức

“Dâm” ở đây có nghĩa là quá mức. Vui vẻ với tự nhiên, dừng lại với phần mình được thụ hưởng, không có yêu cầu quá mức.

Đời người cao quý ở thích hợp. Hiểu được mức độ thích hợp, thấy tốt đẹp thì nhận. Người xưa nói: “Lúc thịnh thì hãy nghĩ cho lúc suy, lúc lên voi thì hãy nghĩ đến khi xuống chó”. Làm người chỉ mưu đồ bản thân vinh quang rực rỡ nhất thời, kết quả sẽ thất bại thảm hại, những trường hợp như thế, đều có rất nhiều trong cuộc sống. Những nhân vật được tung hô như anh hùng, hô mây gọi gió, vang bóng một thời, thì chỉ một thời gian sau lại chìm trong nhục nhã, muốn làm người bình thường cũng không thể làm nổi nữa rồi.

6. Sào lâm nhất chi: Chim ri làm tổ trong rừng cũng chỉ cần  một cành là đủ

Cung điện vạn gian, đêm ngủ bảy thước; ruộng tốt ngàn mẫu, ngày chỉ ba bữa cơm. Bất kể sở hữu bao nhiêu vật chất, một người ngủ cũng chỉ ngủ trên một chiếc giường 7 thước (khoảng 2,1m), ăn cũng chỉ mỗi ngày 3 bữa, cũng chỉ như thế mà thôi.

7. Thong dong vô vi

Trời Đất xem như vô vi mà sinh ra, nuôi dưỡng vạn vật. Vô vi không có nghĩa là không làm gì, mà có nghĩa là chớ làm những việc cuồng vọng, loạn động, cần thuận theo hình thế khách quan, tuân theo quy luật tự nhiên. Người xưa gọi là thuận theo Đạo, hay thuận theo tự nhiên, thuận kỳ tự nhiên.

Thong dong vô vi, thuận theo Đạo. (Ảnh: 588ku.com)

8. Đại nhân vô kỷ: Người đắc Đạo thì không vị tư vị kỷ

“Đại nhân” là chỉ người đã siêu thoát khỏi vật dục của người thường, tương tự như “Chân nhân” của Đạo gia, hay Giác Giả trong Phật gia. Chúng sinh nhất thể, yêu người khác cũng chính là yêu bản thân. Con người dung hợp với Đạo Trời thì cũng dung nạp người khác, tiếp nhận các việc thế tục ‘cỏ dại thế gian’ mà trong tâm không có gốc rễ cỏ.

9. Cơ nhân mâu Thiên: Người dị dạng cũng ngang bằng Trời

“Cơ nhân” là người quái dị, dị dạng, quái thai, bị người đời bài xích, lạc lõng trong thế tục, nhưng vẫn có được sự tự do và hoàn chỉnh của linh tính sinh mệnh, vẫn có thể hoàn thiện cảnh giới nhân sinh của mình, nếu đắc Đạo cũng sẽ ngang với Trời, ngang với Thiên nhân.

Thế nên có câu rằng: “Người ta cười mình điên điên dại dại, mình cười người ta chẳng nhìn ra”. Nhiều bậc cao nhân ẩn sỹ, nhiều bậc Thánh nhân, Chân nhân, nhiều tăng nhân đắc Đạo nhưng lại ẩn dưới xác phàm xấu xí, dị dạng, hay điên điên dại dại. Người đời chỉ nhìn thấy ngoại hình, giả tướng mà không biết được chân tướng đằng sau xác phàm này là gì.

10. Đắc tâm ứng thủ: nghĩ sao liền làm được vậy, nhẹ nhàng dễ dàng

Kỹ năng khéo léo có nguồn gốc từ sự nắm bắt và thể hội của tâm linh đối với Đạo, thông thường nói “dĩ nghệ cầu Đạo”, tức là dùng nghề, kỹ nghệ, nghệ thuật để cầu Đạo. Những ngành nghề, kỹ thuật, nghệ thuật cuối cùng đạt đến cảnh giới ‘đắc Đạo’ thì mới được coi là hoàn mỹ.

***

“Nhìn thấy một cái vằn có thể biết được cả con báo”, khi đối nhân xử thế, chúng ta chỉ quan sát được một phần là đã có thể suy đoán được toàn bộ diện mạo của sự vật. Cũng như vậy, trong cuộc sống nhìn một chiếc lá vàng rơi là đã biết được mùa thu đã tới. Thấu hiểu nhân sinh thì sẽ có trí tuệ đối nhân xử thế. Chắc rằng 10 câu thành ngữ trí tuệ của Trang Tử ở trên đã đem lại cho mỗi chúng ta ít nhiều những gợi mở về ý nghĩa nhân sinh.

Theo Soundofhope
Kiến Thiện biên dịch

Exit mobile version