Đại Kỷ Nguyên

10 câu thành ngữ thể hiện trí tuệ thiên cổ của người xưa, hậu thế đáng phải học hỏi

Những lời dạy của cổ nhân về thuật ứng xử ở đời luôn là kho tàng quý giá với lớp hậu thế. Hãy cùng đọc qua 10 lời khuyên răn ý nghĩa dưới đây, có thể bạn sẽ tìm được điều gì tâm đắc cho mình chăng? 

1. Việt trở đại bào (Bao biện làm thay)

Câu này được xuất thân từ “Trang Tử – Tiêu Dao Du”, nguyên văn của nó là: “Bào nhân tuy bất trị bào, thi chúc bất việt tôn trở nhi đại chi hĩ”. Ý câu này là nhà bếp tuy không chuẩn bị đồ lễ và làm cơm cúng, thầy cúng cũng không được vượt quá phạm vi của mình mà xuống bếp làm thay. Đây là vượt quá phạm vi bổn phận của mình.

Làm người thì cần phải tuân thủ theo bổn phận của mình, không được “bao biện làm thay”. Làm tốt bổn sự của mình, sống ngày tháng của mình, không nên can thiệp vào cuộc sống của người khác. Ở cương vị nào thì làm tốt bổn phận cương vị đó.

2. Đại nhân vô kỷ (Người có phẩm hạnh cao thượng không vị tư)

Câu nói này bắt nguồn từ “Trang Tử – Thu Thủy” nói về một người có đức hạnh cao thượng, không vì vị tư cá nhân, nguyên văn là: “Chí đức bất đắc, đại nhân vô kỷ”.

Con người sống thì cần nương tựa lẫn nhau, cùng nhau tồn tại trong một hoàn cảnh xã hội, cho nên không ai có thể tự tách mình ra khỏi hoàn cảnh sống được. Mà không chỉ có con người mà là bất kể thứ gì trên cõi đời này cũng vậy, thậm chí ngay cả sỏi đá cũng chẳng thể ở một mình.

Sống ở đời thì mình giúp người, người giúp mình, chân tình rồi lại đổi lấy chân tình, người gian thì ắt gặp kẻ dối. Làm người thì không thể chỉ yêu cầu người khác sống cao thượng không vị tư với mình mà còn cần phải yêu cầu nghiêm khắc ngay cả đối với bản thân mình cũng phải như thế.

Anh em từ bốn phương kết nghĩa xả thân vì nhau, chính là quên đi cái tư lợi bản thân. (Ảnh: Youtube)

3. Hàm Đan học bộ (Hàm Đan học đi)

Câu nói này bắt nguồn từ “Trang Tử – Thu Thủy”. Trước đây, các thiếu niên của nước Yến thường phải sang nước Triệu học các thế đi, thế đứng. Kết quả là Hàm Đan sau khi sang nước Triệu học một thời gian rồi thì liền quên đi mất cả cách đi cách đứng của chính bản thân mình.

Trong cuộc sống thực tại cũng vậy, hiện nay vẫn còn không ít người như Hàm Đan xưa kia, khi học được cái mới thì lại quên đi cái cũ, quên đi nguồn gốc của chính mình. Làm người thì cần phải giữ được bản sắc của chính mình, đừng nên mô phỏng người khác để rồi đánh mất bản thân.

4. Đối ngưu đàn cầm (Đàn gảy tai trâu)

Câu này được bắt nguồn từ “Trang Tử – Tề Vật Luận”. Đàn gảy tai trâu là ví như nói đạo lý cho người không biết nói đạo lý. Ở đây cũng là chế nhạo người nói không cân nhắc đối tượng là ai. Kỳ thực, đàn gảy tai trâu cũng là nhắc nhở chúng ta làm người đối nhân xử thế cần phải cân nhân cách thức, phương pháp của mình, cũng ví như bắt cá thì phải ra sông chứ không thể lên đồi.

5. Hạm hạ chi châu (Ngọc ở thâm sâu)

Đây là câu nói xuất phát trong: “Trang Tử – Liệt Ngự Khấu”. Ý nói rằng, trân châu đáng giá nghìn vàng, nhưng để có được nó thì cũng phải trải qua muôn vàn nguy hiểm.

Vạn sự trên đời ấy cũng lại như thế, có được ắt phải có mất, thành quả và sự phó xuất luôn cân bằng, tương xứng, muốn có được thành công lớn thì phải nỗ lực nhiều. Có họa ắt sẽ có phúc, có phúc thì ắt cũng sẽ có họa. Vậy nên, đừng có vì hám cái lợi mà quên cái hại của bản thân.

6. Tỉnh để chi oa (Ếch ngồi đáy giếng)

Câu nói này được Trang Tử viết trong: “Trang Tử – Thu Thủy”. Ếch ngồi đáy giếng thì chẳng thể hiểu được trời cao, biển rộng, sông dài. Người không có hoài bão và tầm nhìn bị hạn hẹp thì chẳng thể làm lên việc lớn.

Kinh nghiệm trưởng thành của con người chịu sự ảnh hưởng của kiến thức, kiến thức lại chịu hạn chế bởi tầm nhìn. Làm người sống thì cũng cần tìm cho mình một giá trị sống, sống giá trị cũng là một đời, sống vô giá trị cũng một đời qua đi. Vậy nên, làm người thì mắt phải nhìn xa, tâm phải rộng mở, không nên so bì được mất với cái lợi trước mắt mà bỏ đi cái lợi lâu dài.

Quân vương mà không có tầm nhìn, nghe lời xu nịnh ắt nhận kết cục bi thảm. (Ả: Youtube)

7. Đoạn hạc tục phù (Ngắn hạc, dài le)

Câu này được bắt nguồn trong “Trang Tử – Biền Mẫu”. Ý rằng người cao không cho là thừa mà người thấp không cho là thiếu. Vạn vật trên đời đều có quy luật riêng của nó, mỗi người cũng lại có quy luật và cách sống riêng của mình, ví như chim hạc thì không vì chân dài mà thừa, con le le không vì chân ngắn mà thiếu.

Vậy nên không cần phải hâm mộ một ai đó, hoa có lỗi buồn của hoa, bướm có sự kiêu ngạo của bướm. Làm người thì cần biết đủ, người biết đủ là người hạnh phúc, là người sống có giá trị.

8. Đắc ý vong ngôn (Đắc ý quên lời)

Câu này được bắt nguồn trong “Trang Tử – Ngoại Vật” đây là nói rằng lời nói, ngôn ngữ là để biểu đạt ý tứ cho nhau nghe, nhưng khi đôi bên đã hiểu nhau rồi thì không cần phải nói nhiều nữa. Làm người thì điều quan trọng đó là thẳng thắn với nhau, có nhiều lúc chúng ta cảm thấy oan ức, tủi thân, đều là do tự mình tạo cho chính mình.

9. Đạo tại thỉ nịch (Đạo nơi dơ bẩn)

Câu này được bắt nguồn trong “Trang Tử – Trí Bắc Du”. Đông Quách Tử hỏi Trang Tử: “Cái được gọi là đạo và ác nó được nằm ở đâu”? Trang Tử đáp: “Vô sở bất tại” ở đâu cũng có.

Đạo lý trong trời đất, vũ trụ bao la xưa nay vẫn luôn được ẩn mình tại những điều nhỏ bé, làm người cũng lại như vậy, không nên “mắt để quá đầu” mà cần phải để ở dưới trán, học khiêm nhường, sống cung kính đó chính là đạo làm người.

10. Bạch câu quá khích (Ngựa trắng qua khe)

Câu này được bắt nguồn trong “Trang Tử – Trí Bắc Du”. Trang Tử viết: “Nhân sinh trong trời đất như bạch mã qua khe, trôi đi thật mau”.

Nếu như trên thế gian này điều gì cũng có thể dùng kim tiền để đổi được thì có lẽ thời gian là thứ quý giá nhất. Có câu, thời gian như nước chảy qua cầu, một đi không trở lại. Làm người thì cần phải biết trân quý thời gian, có như vậy mới tránh khỏi sự hối hận muộn màng khi năm cận tháng mòn.

Theo soundofhope
Minh Vũ biên dịch

Exit mobile version