Lời toà soạn: Lịch sử 5.000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Á Đông gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.
Trong thời cổ đại “gần vua như gần với cọp”, bề tôi có công cao cái thế làm thế nào để thoát khỏi sự nghi ngờ vô căn cứ của nhà vua, trừ đi cái họa sát thân? Kỳ thực, đây là một nghệ thuật ứng xử cao thâm, chỉ có người thông minh, nhìn thấu lòng người, biết tiến biết thoái mới có thể làm được.
Dưới đây là 10 danh tướng công cao chấn chủ, cho dù sử dụng phương thức khác nhau nhưng đều đạt được mục đích là nhận được một cuộc sống bình yên đến già trong chính trường “thỏ khôn chết, chó săn bị nấu”. Đó thực sự là một kỳ tích không nhỏ.
Hẳn bạn còn nhớ câu chuyện của Hàn Tín? Dù là bậc lương đống quốc gia, khai quốc công thần số một của nhà Hán nhưng kết cục số phận của ông lại rất thê thảm, phải chịu cái chết oan khuất dưới tay Lưu Bang và Lã Hậu. Những danh tướng dưới đây đã làm gì để bảo toàn được sinh mệnh của mình?
1. Vương Tiễn (304 – 214 TCN)
Vương Tiễn là đại danh tướng nước Tần cuối thời Chiến Quốc, chỉ đứng sau đại danh tướng bách chiến bách thắng nổi tiếng nhất thời điểm đó là Bạch Khởi. Trong chiến dịch thôn tính 6 nước, một mình ông dẫn quân tiêu diệt 3 nước Triệu, Yên, Sở.
Con ông là Vương Bí cũng cầm quân diệt 2 nước Tề, Ngụy. Cha con ông tiêu diệt 5 nước, công lao quá to lớn, vượt xa các tướng khác. Vương Tiễn có công lớn được phong hầu, công danh hiển hách.
Vương Tiễn thấu hiểu lòng vua, biết rõ hậu quả đáng sợ của “công cao lấn chủ”. Trước khi dốc sức diệt Sở, ông cầu xin Tần vương Doanh Chính đất đai, sau khi diệt Sở lại từ giã sự nghiệp khi đang trên đỉnh vinh quang. Do đó Tần Thủy Hoàng rất yên tâm đối với ông. Vì vậy, Vương Tiễn có thể chết già, thật sự rất cao minh.
2. Vệ Thanh (? – 106 TCN)
Vệ Thanh là em trai của hoàng hậu Vệ Tử Phu nên được Hán Vũ Đế trọng dụng và giao phó nhiệm vụ tấn công Hung Nô. Vệ Thanh bảy lần đại thắng quân Hung Nô ở phía bắc, lập được công to cho triều đình. Ông được phong là Trường Bình Liệt hầu, thực ấp vạn hộ, con cháu tiếp tục được kế tập tước hầu.
Tuy Vệ Thanh công cao, chức lớn nhưng rất hiểu lẽ khiêm lui nhường nhịn, đối với đồng sự rộng lượng hữu lễ, không vì thân cận với vua mà ra oai, không dưỡng kẻ sĩ môn khách, khiến Vũ Đế rất yên tâm. Năm 106 TCN, Vệ Thanh mắc bệnh qua đời, được chôn tại Mậu Lăng.
3. Ngô Hán
Ngô Hán từng lập nghiệp bằng nghề buôn ngựa, về sau quy thuận Lưu Tú. Dẫn quân giết chết đại tướng Tạ Cung, Miêu Tằng của chính quyền Canh Thủy Đế, đánh bại cánh quân Đồng Mã. Ông làm Đại Tư Mã, được phong Quảng Bình hầu. Sau khi Đông Hán thành lập, Ngô Hán lại dẫn quân càn quét các thế lực Lưu Vĩnh, Đổng Hiến, Công Tôn Thuật, Lư Phương, công lao quá lớn chỉ đứng sau đại mưu sĩ Đặng Vũ.
Ngô Hán có con tim chất phác trung hậu, địa vị cao nhưng không kiêu ngạo, rất hiểu đạo lý khiêm lui, cho nên được sủng ái tin tưởng đến khi qua đời. Năm 44, Ngô Hán mắc bệnh qua đời, Hán Quang Vũ Đế hạ chiếu hậu táng.
4. Lý Tĩnh (571 – 646)
Lý Tĩnh khéo dùng mưu, giỏi về dùng binh, là tác giả của nhiều cuốn binh thư, sánh vai cùng với Tôn Vũ, Ngôi Khởi trong lịch sử quân sự cổ đại. Ông tiêu diệt Tiêu Tiển, Phụ Công Trạch, bắc diệt Đông Đột Quyết, tây phá Thổ Cốc Hồn, công lao sự nghiệp hiển hách, quan đến Binh Bộ Thượng Thư, được phong Vệ quốc công.
Lý Tĩnh tính tình trầm ổn, cẩn trọng, khi phú quý tại thân ông rất hiểu đạo lý “doanh mãn tắc khuy” (mọi việc đều có giới hạn) nên nhiều lần tha thiết thỉnh cầu Đường Thái Tông cho mình về hưu. Thái Tông hiểu rõ tâm lý của ông, mỗi lần đều nhẹ nhàng an ủi. Năm 649, Lý Tĩnh qua đời, Thái Tông hạ chiếu hậu táng. Lý Tĩnh được chôn cất rất long trọng cạnh lăng Thái Tông ở Chiêu lăng.
5. Quách Tử Nghi (697 – 781)
Quách Tử Nghi có đại công dẹp loạn An Sử, dùng kế phá quân Thổ Phiên thu phục Trường An, một mình thuyết phục quân Hồi Hột lui binh, uy phục phản tướng, dẹp loạn Hà Đông. Sử sách đánh giá ông là “Tái tạo vương thất, công lao cao nhất triều“, “Dùng sinh mệnh để cho thiên hạ yên ổn hai mươi năm“. Quách Tử Nghi làm quan đến Thái Úy, Trung Thư lệnh, quan nội Hà Đông phó nguyên soái, mang tước Phần Dương quận vương, được Đường Đức Tông gọi là “Trọng phụ”.
Quách Tử Nghi là người khiêm lui nhường nhịn, đối với đồng sự rộng lượng hữu lễ, không can thiệp triều chính khiến triều đình rất yên tâm, là thần tử công cao lấn chủ mà chủ không nghi ngờ, chức cao mà nhiều người không đố kỵ, cả nhà được phú quý, sống thọ. Năm 781, Quách Tử Nghi qua đời, được truy phong là Thái sư, hậu táng dưới triều đình.
6. Tào Bân
Tào Bân trải qua ba triều Tống Thái Tổ, Thái Tông, Chân Tông, khi hành quân tác chiến không lạm sát, lập đại công diệt Hậu Thục, Nam Đường, ra quyết sách phạt Bắc Hán và công Liêu, do đó được phong làm Lỗ Quốc Công.
Tào Bân không kể công cao tự ngạo, là người nhân từ và hiền hậu, trong triều chưa bao giờ kháng chỉ và chưa bao giờ nói khuyết điểm của người khác, rất được người trong ngoài triều tán thưởng, có thể sống phú quý đến cuối đời. Năm 999, Tào Bân qua đời. Sau khi ông chết, Hoàng đế Tống Thái Tông khóc mãi trong thương tiếc.
7. Hàn Thế Trung (1089 – 1151)
Hàn Thế Trung chém chết phò mã Tây Hạ trong thời Bắc Tống, lập đại công bắt được Phương Lạp. Trong thời Nam Tống, ông là một trong “Trung hưng tứ tướng”, có công dẹp loạn giải cứu Cao Tông, chặn đánh hoàng tử nước Kim là Ngột Truật làm quân Kim bị thiệt hại nghiêm trọng. Ông làm quan đến Khu mật sứ, phong làm Anh quốc công.
Hàn Thế Trung quan hệ thân thiết với Nhạc Phi, từng mắng Tần Cối vu oan Nhạc Phi mà không sợ hãi. Sau khi cha con Nhạc Phi bị giết hại, Hàn Thế Trung nản lòng, mất hết ý chí, vì thế mà từ quan, cả ngày đàm Phật luận Đạo, mượn rượu tiêu sầu, nhờ đó mà tránh bị triều đình hạ độc thủ. Năm 1151, Hàn Thế Trung qua đời. Ông được truy phong là Thái sư, Thông Nghĩa quận vương. Đến thời Tống Hiếu Tông, ông được truy phong là Kỳ vương.
8. Bá Nhan (1236 – 1295)
Bá Nhan trưởng thành ở Tây Vực, từng đi theo Húc Liệt Ngột tây chinh, sau đó vâng mệnh về chầu Hốt Tất Liệt và được giữ lại làm quan, tham dự quốc chính. Năm 1265, ông được thăng chức làm Trung thư tả thừa tướng.
Thành tích huy hoàng nhất của Bá Nhan là lập công tiêu diệt nhà Nam Tống, dẹp yên chư vương phản loạn ở biên giới phía bắc, ủng hộ lập Nguyên Thành Tông, làm quan đến Thái phó, Lục quân quốc trọng sự, quyền thế hiển hách.
Bá Nhan quyền cao chức trọng nhưng khiêm nhường, công lao hiển hách nhưng không khoe khoang, được triều Nguyên hết sức tín nhiệm. Năm 1295, Bá Nhan qua đời, triều Nguyên hạ chiếu hậu táng, truy phong là Hoài vương.
9. Chu Năng
Chu Năng từng đi theo Yến Vương Chu Lệ bắc chinh, kiêu dũng thiện chiến, lập nhiều công trạng. Ông có thể dũng cảm đoạt 9 cửa Bắc Bình, đánh bại đại tướng triều đình Cảnh Bính Văn, Lý Cảnh Long, tại trận chiến Linh Bích thu hàng 10 vạn quân, phá Dương Châu, vì Chu Lệ đánh chiếm Nam Kinh, lập nhiều công lao hiển hách.
Sau khi Chu Lệ xưng đế, Chu Năng trở thành Tả đô đốc, được phong làm Thành quốc công kiêm Thái phó của Thái tử. Năm 1406, nhận lệnh chinh phạt An Nam, Chu Năng đã chết trên đường đi và được truy phong là Đông Bình Vương.
10. Tăng Quốc Phiên (1811-1872)
Tăng Quốc Phiên sáng lập Tương quân, dẫn quân chiến đấu anh dũng hơn 10 năm, cuối cùng dẹp được khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc. Lúc này, Tăng Quốc Phiên không chỉ có trăm vạn hùng binh mà còn nắm giữ vùng đất có tài nguyên giàu có là Giang Nam. Nếu đem quân tiến đánh phương Bắc, lật đổ triều đình Mãn Thanh mục nát, chính mình lập quốc xưng đế là điều không tốn nhiều sức.
Tuy nhiên, Tăng Quốc Phiên quay mắt nhìn cấp dưới khuyên can 4 lần, dùng danh tiết và đại nghĩa cự tuyệt, cuối cùng cả đời trung thành với Mãn Thanh. Mà triều đình nhà Thanh cũng rất sủng ái Tăng Quốc Phiên. Năm 1872, Tăng Quốc Phiên mắc bệnh chết, được truy phong làm Thái phó, thụy Hào Văn Chính.
Video: 6 Thần tích thời Tam Quốc: Trương Phi hét sập cầu Trường Bản, Lưu Bị nhảy qua suối Đàn Khê