Đại Kỷ Nguyên

10 điều mẹ dặn con: Đừng mong chờ tình yêu hoàn mỹ

Là người làm cha làm mẹ, ai cũng khát khao được gần con cái hơn một chút. Tuy nhiên khi các con càng trưởng thành thì bầu trời thuộc về các con sẽ ngày càng rộng mở, khoảng cách về thời gian và không gian của các con với chúng ta cũng vì thế ngày một xa.

Là cha mẹ, ai cũng mong muốn con cái có thể “nam tử thành rồng, nữ tử thành phượng”. Tuy nhiên, theo thời gian khi con bước vào tuổi trưởng thành, chúng ta bớt đi chút phiền não này lại tăng thêm nhiều những lo âu phiền muộn khác, đến nỗi đôi khi không biết phải trò chuyện chia sẻ ra sao với con.

Bức thư của một người mẹ gửi cho con trai sau đây, có thể là một gợi ý cho các bậc cha mẹ:

Con trai của mẹ, mẹ viết cho con những dòng này bởi ba nguyên nhân:

1. Con đang ở giai đoạn trọng yếu nhất trong đời người: Quay đầu nhìn lại là những khoảnh khắc tuổi thơ hồn nhiên đã đi qua, nhìn về phía trước là bức màn che của tuổi trưởng thành đang dần dần được khai mở.

2. Có một số điều nếu chúng ta không nói với con thì sẽ không ai chia sẻ với con cả.

3. Chúng ta cùng giao hẹn điều này con nhé: Cha mẹ sẽ cố gắng làm việc thật tốt, con sẽ cố gắng nỗ lực học tập để cả hai không ai phải bận tâm lo lắng cho ai cả.

Là cha mẹ, ai cũng mong muốn con cái có thể “nam tử thành rồng, nữ tử thành phượng”. (Ảnh: soils4kids.org)

Thứ nhất: Về mục tiêu của cuộc đời

Con người có thể không có lý tưởng gì vĩ đại, tuy nhiên không thể đánh mất mục tiêu của bản thân. Sống trong thế giới mà suốt cuộc đời là những kỳ thi, cho dù bình thường con có nỗ lực tới đâu, có chăm chỉ tới đâu, có lợi hại tới đâu, chỉ cần con thi hỏng thì sẽ bị đào thải. Con hãy luôn hiểu rằng, cho dù có làm bài tập nhiều tới đâu, sách trong cặp mang nặng tới đâu, cho dù có học ngày học đêm nhưng lại không đạt được mục tiêu như ý, đôi khi không phải bởi sự vô tình giữa người với người, mà là sự khắc nghiệt của hiện thực cuộc sống.

Thứ hai: Xác định vị trí

Con cái trong các gia đình hiện đại, đặc biệt là những gia đình con một, đều là những tiểu hoàng đế. Tuy nhiên con hãy ghi nhớ, vì ở trường hoàng đế quá nhiều nên sẽ không ai coi con ra gì cả. Trừ phi thành tích của con cực kỳ ưu tú, tài nghệ của con cực kỳ xuất chúng và biểu hiện vô cùng xuất sắc, thì các thầy cô mới coi con như một viên ngọc để nâng niu.

Con muốn biến mình thành một người giàu có hay một kẻ nghèo rớt mồng tơi, con muốn sống trong biệt thự hay sống trong nhà mái bằng, con muốn người khác xem thường hay tôn trọng mình, đều do chính bản thân con quyết định.

Thứ ba: Về học tập

Tại trường, việc học tập là chủ yếu, tuy nhiên không phải là duy nhất. Cho dù có học tập tốt tới đâu nhưng thể chất kém thì cũng không khác mấy so với việc “Càng đọc sách càng ngốc”.

Khi bạn bè cùng lớp tụ họp, điều họ thường hay so sánh ở mỗi độ tuổi, đó là:

20 Tuổi so sánh về học lực, 30 tuổi so sánh về năng lực, 40 tuổi so sánh về sự từng trải, 50 tuổi so sánh về khả năng kinh tế; 60 tuổi so sánh về thể lực; 70 tuổi so sánh về bệnh tình; 80 tuổi so sánh về tuổi thọ.

Nói tóm lại trong mấy chục năm của kiếp nhân sinh, điều căn bản nhất, đáng quý nhất của con người là sức khỏe. Bởi vậy con trai của mẹ hãy luôn luôn tự rèn luyện chăm lo cho sức khỏe của mình.

Tương lai của một con người được quyết định bởi tri thức, năng lực và thái độ của người đó. (Ảnh: bhg.com)

Thứ tư: Về tương lai

Tương lai của một con người được quyết định bởi tri thức, năng lực và thái độ của người đó. Tri thức có thể đạt được qua học tập, năng lực có thể tăng trưởng qua thực tiễn, còn thái độ lại được nuôi dưỡng từ thói quen.  

Trong quá trình nuôi dưỡng đã hình thành những thói quen tốt nhưng đôi khi con sẽ thiếu đi tinh thần bền bỉ kiên trì. Tuy nhiên chưa phải là quá muộn, bây giờ vẫn còn kịp để cân đối lại tất cả những thái độ không đúng đắn đó. Mẹ hy vọng tất cả mọi việc con làm trong tương lai đều dựa trên tinh thần giúp đỡ người khác, vì mọi điều tốt đẹp cho người khác mà thực hiện.

Thứ năm: Về bản thân con

Ở trường, thầy giáo không có nghĩa vụ phải đối xử tốt với con trừ khi trước tiên con cần biết tôn trọng họ; những người bạn học họ không có trách nhiệm phải quan tâm tới con trừ khi đầu tiên con biết quan tâm tới các bạn; trong suốt cuộc đời con không ai có nghĩa vụ phải đối xử tốt với con, ngoại trừ mẹ và cha con.

Đừng bao giờ cho rằng trái đất này thiếu con thì sẽ không thể chuyển động, cũng đừng vì một cá nhân nhỏ bé và buông bỏ hay vứt bỏ tự ngã bản thân.

Thứ sáu: Về bạn bè

Trong cuộc sống sau này, con sẽ va chạm với rất nhiều người và kết giao với rất nhiều bạn bè. Vậy làm thế nào để chọn được người bạn thực sự tốt?

Khổng Tử dạy “Vô hữu bất như kỷ giả”, ý rằng: Không kết bạn với người không bằng mình. Hãy nên học theo các bậc Thánh hiền xưa, không kết giao với những người có phẩm chất đạo đức kém hơn mình. Bởi như vậy bản thân ta sẽ bị lây nhiễm những đức tính xấu của người ấy, từ đó đạo đức cũng bị sa đọa.

Nhất là con cần luôn ghi nhớ, khi bạn bè gặp khó khăn hoạn nạn hãy tận lực giúp đỡ hỗ trợ họ. Nguyên nhân là bởi người cùng ta trải qua những niềm vui thì ta dễ dàng quên, còn người cùng ta đồng cam cộng khổ, cùng ta khóc khi đau khổ là khó quên nhất. Điều này cũng giống như trao tặng họ chút than hồng trong đêm tuyết lạnh và có ý nghĩa hơn nhiều so với dệt hoa trên gấm.

Con cần luôn ghi nhớ, khi bạn bè gặp khó khăn hoạn nạn hãy tận lực giúp đỡ hỗ trợ họ. (Ảnh: pinterest.com)

Thứ bảy: Về tình yêu

Sớm muộn gì cũng tới một ngày con sẽ có người yêu, từ kinh nghiệm của người từng trải, mẹ muốn khuyên con một cách chân thành:

Một đóa hoa dưới ánh trăng luôn toát lên vẻ đẹp thuần khiết, những lời mật ngọt sẽ luôn làm người khác mê hoặc, nhưng đừng quên rằng trên thực tế còn có phong sương mưa tuyết. Chuyện tình yêu cũng không ngoại lệ, có trường hợp con yêu cô ấy nhưng cô ấy không yêu con, hoặc cô ấy yêu con nhưng con không yêu cô ấy, và cũng có trường hợp con và cô ấy yêu thương nhau.

Nếu tình yêu của con ở vào trường hợp thứ ba, chắc chắn thứ tình cảm đó sẽ làm con say mê, nhưng xác suất là chưa tới 10%. Bởi vậy, đừng nên quá mong chờ ham muốn mãnh liệt vào sự hoàn mỹ trong tình yêu, cũng đừng phóng đại những đau buồn khi thất tình.

Thứ tám: Về khoảng cách

Là người làm cha làm mẹ, ai cũng khát khao được gần con cái hơn một chút. Tuy nhiên khi các con càng trưởng thành thì bầu trời thuộc về các con sẽ ngày càng rộng mở, khoảng cách về thời gian và không gian của các con với chúng ta cũng vì thế ngày một xa.

Với những người làm cha mẹ như chúng ta, đương nhiên đều đặc biệt muốn vị trí của mình chiếm giữ trong không gian của con cái. Tuy nhiên bầu trời của các con và của cha mẹ là đối ngược thuận theo thời gian. Là một người bình thường, chúng ta cũng có những cảm xúc tình cảm mong muốn được người khác thấu hiểu. Tuy nhiên, tới tuổi này có lẽ cha mẹ nên học cách đọc hiểu những cảm xúc tình cảm của con cái.

Thứ chín: Về được mất

Một người không nên luôn luôn đắc ý cũng không nên mãi ngã lòng. Khi bản thân đắc ý cần phải thanh tỉnh và luôn ghi nhớ rằng, trên thế giới này có rất nhiều người còn lợi hại hơn mình, hãy ghi nhớ mình là một hạt cát nhỏ bé mà thôi;

Khi ngã lòng đừng nên lùi bước, hãy kiên trì bước tiếp: Quá khứ có muốn cũng không thể lấy lại, hiện tại vẫn phải tiếp tục tiến lên.

Cho dù cha mẹ không thể cùng con sánh vai chia sẻ, nhưng khi gian nan hiểm trở ập tới sẽ luôn là người sẵn sàng được cùng con đồng cam cộng khổ. (Ảnh: youtube.com)

Thứ mười: Về tình thân

Người thân là người có duyên phận với con trong kiếp này. Cho dù họ không thể đồng hành cùng con đi hết nửa chặng đường, nhưng khi phong ba bão táp ập tới họ sẽ luôn là người sẵn sàng giúp con che gió che mưa. Cho dù cha mẹ không thể cùng con sánh vai chia sẻ, nhưng khi gian nan hiểm trở ập tới sẽ luôn là người sẵn sàng được cùng con đồng cam cộng khổ.  

Trong kiếp nhân sinh này, cho dù duyên phận của chúng ta được sống chung với nhau trong bao lâu, cũng hãy nên trân quý những khoảnh khắc đáng quý của hiện tại. Bởi kiếp sau này, cho dù có yêu thương hay không, chúng ta chưa chắc đã có thể gặp lại nhau”.

Theo cmoney.tw
Bình Nhi biên dịch

Exit mobile version