Đại Kỷ Nguyên

10 tình tiết hay nhất Tam Quốc: Ai cầm 100 quân kỵ đang đêm cướp trại Tào Tháo?

“Tam Quốc diễn nghĩa” là tác phẩm kinh điển để lại ấn tượng sâu sắc cho nhiều thế hệ đọc giả. Hãy cùng chúng tôi điểm lại 10 sự kiện lớn, mang lại nhiều dấu ấn trong tác phẩm.

1. Huyết chiến Uyển Thành

Năm 197, năm thứ 2 niên hiệu Kiến An vua Hiến Đế thời Đông Hán, Tào Tháo chinh phạt Kinh Châu, đưa quân đến Uyển Thành, Trương Tú ra hàng. Tào Tháo rất lấy làm vui mừng, nhưng sau đó Trương Tú làm phản, nhân lúc đêm tối tập kích doanh trại Tào Tháo. Bởi Tào Tháo không có sự phòng bị, Trương Tú đã chiếm ưu thế, Tào Tháo lên ngựa tháo chạy.

Tướng quân Điển Vi ở phía sau ra sức ngăn quân địch tiến vào cửa trại, múa trường kích tả xung hữu đột, chặt gãy mấy chục thanh mâu của quân Trương Tú, làm quân Trương Tú không thể vào được. Một mình tướng Điển Vi với hơn 10 vết thương quần thảo với quân Trương Tú, giết thêm vài chục người, cuối cùng vì bị quá nhiều vết thương nên ông ngã xuống đất chết, mắt còn mở to. Ông chết tới nửa ngày, quân Trương Tú mới dám tiến lại.

Con trai của Tào Tháo là Tào Ngang nhường lại chiến mã cho cha, và dũng cảm ở đằng sau ngăn chặn quân của Trương Tú. Mặc dù ông đã tranh thủ được thời gian cho cha thoát nạn, nhưng bản thân lại bị bao vây giết chết. Cháu trai của Tào Tháo là Tào An Dân cũng chết trận. Lúc này, Tào Tháo đã lui về đóng ở Vũ Âm. Hay tin Điển Vi chết, Tào Tháo thương khóc, sai người đi lấy thi thể ông về, an táng tại Tương Ấp.

Địa vị trong quân Tào của Điển Vi tương tự như Triệu Vân, là đội trưởng cảnh vệ của quân Tào, đã từng cứu Tào Tháo mấy lần, cũng từng đánh ngang tay cùng Hứa Chử. Nhưng những thành tích này đều không để lại ấn tượng sâu sắc như trong trận chiến Uyển Thành. Nhắc đến Điển Vi, là một hình tượng tướng lĩnh trung thành tả xung hữu đột cố thủ nha môn cho đến chết.

Trận chiến Uyển Thành để lại dấu ấn sâu sắc nhất của tướng quân Điển Vi một hình tượng tướng lĩnh trung thành tả xung hữu đột cố thủ nha môn cho đến chết. (Ảnh: youtube.com)

2. Trận Hổ Lao Quan – Tam anh chiến Lã Bố

Trận Hổ Lao Quan là cuộc chiến giữa Đổng Trác – Lã Bố và liên minh 18 lộ chư hầu Quan Đông do Viên Thiệu làm minh chủ vào năm 190. Đó là trận chiến đã khắc họa hình ảnh hào hùng của các vị tướng. Đặc biệt là trận đọ sức trực tiếp nổi tiếng giữa Lã Bố chống lại ba anh em Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi, còn gọi là “Tam anh chiến Lã Bố”: đã đi vào lịch sử, văn hóa Trung Quốc.

Sau khi Quan Vũ chém Hoa Hùng, quân Đổng Trác thua chạy dài. Đổng Trác đích thân dẫn 15 vạn quân tiến ra giữ Hổ Lao quan. Riêng Lã Bố lĩnh 3 vạn quân ra trước quan ải, đóng một trại lớn làm tiền quân còn Đổng Trác thì đóng đồn trên cửa quan. Bên kia, Viên Thiệu họp các tướng lại bàn, cử binh tiến sát cửa Hổ Lao vây đánh. Tào Tháo cũng dẫn quân tiếp ứng. Các chư hầu đều có mặt.

Lã Bố đem 5000 quân thiết kỵ đánh tan quân tiền bộ của Vương Khuông, liên tiếp đánh bại các danh tướng của quân liên minh như Phương Duyệt, Mục Thuận, Vũ An Quốc… Sau đó, Lã Bố lại kéo quân đến thách đánh. Các tướng chư hầu ai nấy đều khiếp sợ trước sự kiêu dũng của Lã Bố.

Công Tôn Toản vác ngọn giáo nhảy ra đánh Lã Bố, mới được vài hiệp thì thua chạy. Lã Bố thúc ngựa xích thố chạy nhanh như bay, đuổi theo gần kịp thì nghe Trương Phi quát lớn: “Thằng đầy tớ ba họ kia đừng chạy nữa! Có Trương Phi người đất Yên đây!”. Lã Bố thấy thế bỏ Công Tôn Toản, đánh nhau với Trương Phi.

Trương Phi hăng hái cố đánh Lã Bố. Hai người đánh nhau được hơn năm mươi hiệp chưa rõ bên nào thua bên nào thắng. Quan Vũ đứng ngoài thấy thế cầm thanh long yển nguyệt đến cùng đánh. Ba con ngựa đứng dàn kiểu chữ đinh, đánh nhau được ba mươi hiệp nữa hai người cũng vẫn không hạ được Lã Bố. Lưu Bị bấy giờ cũng cầm đôi gươm thúc ngựa chạy vào đánh giúp. Ba người vây tròn lấy Lã Bố đánh chẳng khác gì quân đèn cù.

Lã Bố cố sức chống đỡ không nổi, bèn nhắm giữa mặt Lưu Bị phóng vờ một ngọn kích, Bị tránh được, Bố mở góc của trận, cắp đao ngược kích, phi ngựa chạy về. Ba người thúc ngựa sấn vào, quân mã 8 xứ đều reo ầm lên, xô cả ra đánh. Quân Lã Bố chạy về trên cửa Hổ Lao, ba người theo sau đuổi mãi.

Điển cố “Tam anh chiến Lã Bố” trong tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa được đánh giá là một trong những câu chuyện truyền kỳ, khiến cho “chiến thần” Lã Bố vang danh thiên hạ.

Điển cố “Tam anh chiến Lã Bố” trong tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa được đánh giá là một trong những câu chuyện truyền kỳ, khiến cho “chiến thần” Lã Bố vang danh thiên hạ. (Ảnh: neoseeker.com)

3. Trận chiến phấn son: Mỹ nhân vì nước diệt gian thần

Cuối thời Đông Hán vua Hán Hiến Đế, gian thần Đổng Trác chuyên quyền. Vốn bản tính tham tàn, có thêm “chiến thần” Lữ Bố giúp sức, Đổng Trác mặc sức gây ra không biết bao nhiêu chuyện thương thiên hại lý khiến lòng người oán than như: giết vua Thiếu Đế, giết Hà Hậu và Đường Phi, sát hại dã man bá quan văn võ, lạm sát thường dân vô tội…

Biết Lã Bố và Đổng Trác đều là phường háo sắc, quan Tư đồ liền nảy ý dùng mỹ nhân kế, trước tiên hứa gả Điêu Thuyền cho Lã Bố, sau lại dâng cho Đổng Trác. Cả hai cha con sẽ phối hợp với nhau bày mưu lập kế bên trong, khiến hai cha con nghi kỵ thù hằn tàn sát lẫn nhau. Quả nhiên, cả hai cha con Đổng Trác đều bị trúng kế, kết quả Đổng Trác đã chết dưới tay Lã Bố.

Đây thật là một trận chiến phi thường, không giáo gươm, không đổ một giọt máu mà vẫn thành công vang dội. Công lao và sự lợi hại của Điêu Thuyền khiến cho người đời sau không khỏi thán phục. Như Mao Tôn Cương trong Thánh Thán Ngoại Thư có viết: “18 lộ quân chư hầu không giết nổi Đổng Trác, mà một thiếu nữ đào tơ liễu yếu như Điêu Thuyền lại giết nổi Đổng Trác. Ba anh em Lưu, Quan, Trương hùng liệt không thắng nổi Lã Bố, mà chỉ một nàng Điêu Thuyền thắng nổi. Ôi, lấy chăn chiếu làm chiến trường, lấy son phấn làm giáp khôi, lấy mày ngài làm cung nỏ, lấy nước mắt nũng nịu làm tên đạn, lấy lời tình tứ ngọt ngào làm chiến lược mưu cơ. Xem thế thì cái bản lãnh của “nữ tướng quân” quả là tuyệt cao cường, đáng sợ thay!”.

Công lao và sự lợi hại của Điêu Thuyền khiến cho người đời sau không khỏi thán phục. (Ảnh: kenh14.vn)

4. Trận Trường Bản: Triệu Vân giữa trùng vây của chục vạn đại quân

Trong trận chiến gò Trường Bản, Triệu Vân phụ trách bảo vệ hai vị Cam Mi phu nhân và A Đẩu, nhưng bởi chiến trận hỗn loạn mà hai bên đã thất lạc nhau. Triệu Vân dẫn theo ba bốn mươi tên tùy tùng quay trở lại tìm kiếm, tìm khắp một vòng mà không thấy, lại giết chết Thuần Vu Đạo cứu Mi Trúc và Cam phu nhân. Triệu Vân đưa hai người đến cầu Trường Bản, suýt chút nữa bị Trương Phi hiểu lầm chàng đã phản bội Lưu Bị, may được Giản Ung giải thích làm sáng tỏ sự thật.

Triệu Vân sau khi giao phó Cam phu nhân cho Trương Phi, lại quay trở lại tìm kiếm A Đẩu. Nhưng lúc này chỉ có chàng một thân một mình, không có một ai đi theo. Trong loạn quân, Triệu Vân lại đâm chết Hạ Hầu Ân và đoạt lấy thanh bảo kiếm “Thanh Công” mà y mang trên người. Về sau, bên cạnh một bức tường thấp đã tìm được Mi phu nhân và A Đẩu đang nằm trong lòng bà. Nhưng Mi phu nhân đã thân bị thương nặng đi đứng bất tiện, sau khi gửi gắm A Đẩu lại cho Triệu Vân, liền gieo mình xuống giếng khô tự vẫn.

Triệu Vân cõng A Đẩu trên người, may được Tào Tháo cảm mến tài năng, lệnh cho bộ hạ không được bắn tên, nhờ vậy Triệu Vân mới có thể an toàn cõng theo A Đẩu thoát khỏi trùng vây của mấy chục vạn đại quân.

5. Cuộc đối thoại ở Long Trung

Mùa đông năm 207 đến mùa xuân năm 208, khi đó Lưu Bị đóng quân ở Tân Dã dưới sự kiến nghị của Từ Thứ. Đã ba lần đến Long Trung thỉnh mời Gia Cát Lượng, nhưng mãi đến lần thứ ba mới gặp mặt. Gia Cát Lượng phân tích hình thế thiên hạ cho Lưu Bị, đề xuất trước tiên đoạt lấy Kinh Châu làm nhà, kế mới lấy Ích Châu tạo thế chân vạc, rồi mới toan tính ý tưởng chiến lược thu phục Trung Nguyên.

Gia Cát Lượng ngay lúc mới đầu bước lên vũ đài chính trị, liền lấy phương thức “Long Trung đối” vẽ ra viễn cảnh chiến lược cho Lưu Bị. Bài viết nổi tiếng nghìn thu này, rất nhiều người có thể thuộc lòng như cháo, và có một giá trị điển hình trong tư tưởng chiến lược Trung Quốc thời xưa.

6. Uy chấn bến Tiêu Diêu

Uy chấn bến Tiêu Diêu là trận đánh kinh điển lấy ít thắng nhiều của danh tướng Trương Liêu của Tào Ngụy dùng 800 bộ binh đánh bật Tôn Quyền. Tiếp đó đại phá 10 vạn quân Ngô ở bến Tiêu Diêu, hóa giải vòng vây ở Hợp Phì, trận chiến này trực tiếp đánh tan tiến công của đại quân Đông Ngô, chỉ thiếu chút nữa đã bắt sống được Tôn Quyền.

Năm thứ 12 niên hiệu Kiến An (năm 215),Tôn Quyền nhân lúc Tào Tháo dùng binh ở Hán Trung, đã thống lĩnh đại quân bao vây Hợp Phì. Trận chiến này, Đông Ngô dốc hết tinh nhuệ, 10 vạn đại quân cuối cùng lại bị 7000 quân của Trương Liêu đánh tan. Ngay đến cả bản thân Tôn Quyền suýt chút nữa cũng bị quân Tào bắt sống, may nhờ các tướng Lăng Thống, Cam Ninh, Lã Mông ra sức tử chiến, mới được thoát thân.

Hình ảnh Tôn Quyền qua cầu ở bến Tiêu Diệu bỏ chạy khi bị quân của Tào truy kích. (Ảnh: wikipedia.org)

7. Một trăm quân kỵ cướp doanh Tào

Sau sự kiện “Uy chấn bến Tiêu Diêu” thì “Một trăm kỵ cướp doanh Tào”, là một mẩu chuyện đặc sắc liên quan đến giao chiến Ngụy – Ngô. Sự kiện này bộc lộ hoàn toàn dũng khí và mưu lược của đại tướng quân Cam Ninh bên Đông Ngô. Và nó cũng đã trở thành thời khắc vàng son của Cam Ninh trong lòng của biết bao đọc giả say mê Tam Quốc.

Tháng giêng năm thứ 18 niên hiệu Kiến An (năm 213), Tào Tháo dẫn theo đại quân tiến đánh Nhu Tu, phao tin có 40 vạn quân bộ. Tôn Quyền mang 7 vạn quân ra địch, sai Cam Ninh mang 3000 quân làm tiên phong. Tôn Quyền lệnh cho Cam Ninh nhân lúc quân Tào mới đến hãy cướp trại để giảm nhuệ khí địch.

Cam Ninh chọn ra 100 quân tinh nhuệ, đến canh hai lặng lẽ kéo đến trại Tào, nhổ hết cọc rào xông vào chém giết. Quân Tào hoảng loạn chạy xuôi ngược. Cam Ninh loạn đả một trận rồi lui về, 100 quân sĩ còn nguyên vẹn không ai bị chết hay bị thương. Sau này, Tôn Quyền đối với Cam Ninh càng xem trọng hơn.

8. Sáu lần ra Kỳ Sơn

Quốc lực nước Thục vốn không được mạnh, nhưng có thể phòng thủ trước mọi nguy hiểm. Nếu chỉ một lòng chăm lo việc nước, không lấy trứng chọi đá thì hẳn là rất lý trí. Gia Cát Lượng với đại quyền trong tay cũng có thể làm thừa tướng mấy chục năm. Nhưng Gia Cát Lượng vì để thực hiện lời hứa với Lưu Bị, đã lựa chọn đặt bản thân và muôn dân vào trong tình cảnh nước sôi lửa bỏng, mong dựa vào sức của cá nhân dẫn quân Bắc phạt.

Gia Cát Lượng vì để thực hiện lời hứa với Lưu Bị, đã quyết định “Sáu lần ra Kỳ Sơn” xuất binh bắc phạt Tào Ngụy. Sử sách ghi chép Gia Cát Lượng trong thời gian bắc phạt Tào ngụy chỉ có hai lần ra Kỳ Sơn, còn cách nói “sáu lần ra Kỳ Sơn” xuất hiện trong tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa”. Do ảnh hưởng của “diễn nghĩa” ở dân gian khá là to lớn, bởi vậy “sáu lần ra Kỳ Sơn” cũng dần dần trở thành đại danh từ bắc phạt của Gia Cát Lượng.

Trong tình cảnh địch mạnh ta yếu như vậy, Thục quốc không thể có chút sai sót nào. Chính là điều chúng ta thấy được sau này, bất cứ một điều bất lợi nào dù là nhỏ nhất đều có thể khiến cho nước Thục lui binh, bởi vì vốn liếng của họ thật sự quá hữu hạn. Vậy nên, Gia Cát Lượng không nghe theo lời khuyên của Ngụy Diên, đi tắt hang Tý Ngọ đánh úp Trường An. Bởi vì ông biết được, cách làm của Ngụy Diên nếu thành công nhiều nhất chỉ có thể đẩy nhanh tiến trình ra Kỳ Sơn, còn như thất bại thì sẽ trực tiếp dẫn đến thất bại, đại binh phải thoái lui.

Nhìn chung, kết cục chiến dịch không như kế hoạch đề ra của quân Thục mà kiến trúc sư là Gia Cát Lượng. Quân Thục đánh thắng nhiều trận và tiêu diệt được nhiều lực lượng địch, nhưng phần vì tiếp tế lương thảo của quân Thục khó khăn, phần vì quân Ngụy đông hơn lại cố thủ không ra đánh nên trước sau quân Thục đều phải lui binh khi chưa đạt mục tiêu cuối cùng.

Tuy nhiên trước sau mấy lần Bắc phạt đã làm rung chuyển rất mạnh nước Ngụy, đồng thời mở ra điều kiện để cha con Tư Mã Ý nổi lên nắm binh quyền và tiến tới cướp ngôi của nhà Tào Ngụy.

Gia Cát Lượng vì để thực hiện lời hứa với Lưu Bị, đã quyết định “Sáu lần ra Kỳ Sơn” xuất binh bắc phạt Tào Ngụy. (Ảnh: wikipedia.org)

9. Xích Bích đại chiến

Năm thứ 13 niên hiệu Kiến An thời Đông Hán (năm 208), Tôn Quyền, Lưu Bị liên quân ở khu vực Xích Bích, Trường Giang, một lần quyết chiến đánh bại đại quân Tào Tháo. Sau khi Tào Tháo diệt Viên Thiệu, đánh bại bộ tộc Ô Hoàn, cơ bản đã thống nhất phương bắc. Tháo thù tính diệt Lưu Biểu trước, rồi đánh bại Tôn Quyền, thống nhất thiên hạ.

Tháng 9, Tào Tháo tấn công chiếm lĩnh Dã Tân (Hà Nam ngày nay), lúc này Lưu Biểu đã mất, con trai Lưu Biểu là Lưu Tông không đánh mà hàng. Lưu Bị đóng quân ở gần đó vội vàng dẫn theo bá tánh, quân đội rút về phía nam. Sau khi Lưu Bị bị quân Tào đánh bại, trên đường tháo chạy đã cử Gia Cát Lượng đến Sài Tang hội kiến thuyết phục Tôn Quyền liên minh kháng Tào.

Tôn Quyền lệnh cho Chu Du làm chủ tướng, Trình Phổ làm phó tướng, dẫn theo ba vạn thủy quân tinh nhuệ, liên hợp với đội quân của Lưu Bị ở Phàn Khẩu, cộng chừng 5 vạn quân ngược dòng Trường Giang, đón đánh quân Tào. Tháng 11, liên quân Lưu – Tôn và quân Tào giằng co ở Xích Bích. Tào Tháo lệnh cho thuyền kết thành một thể, lợi cho việc diễn luyện thủy quân, tùy thời công chiến. Chu Du tiếp nhận chủ ý dùng hỏa công của Hoàng Cái, và lệnh cho Hoàng gửi thư đến Tào Tháo trá hàng, Tào Tháo trúng kế.

Hoàng Cái chọn thời cơ thống lĩnh chiến thuyền thuận theo hướng gió chạy đến thủy trại quân Tào phóng hỏa. Thuyền trận quân Tào bị thiêu cháy, thế lửa mau chóng lan rộng đến doanh trại trên bờ. Liên quân Lưu – Tôn thừa thế xuất kích, quân Tào tử thương quá nửa. Tào Tháo dẫn theo tàn quân tháo chạy về phía bắc, để lại Chinh nam tướng quân Tào Nhân cố thủ ở Giang Lăng. Liên quân thừa thắng mở rộng kết quả chiến đấu, hai quân Tôn – Lưu chiếm giữ yếu địa Kinh Châu.

Quyết chiến Xích Bích, Tào Tháo dưới hình thế có lợi, tự phụ khinh địch, chỉ huy thiếu sót, cuối cùng thất bại thảm hại. Tôn Quyền, Lưu Bị ngay lúc cường địch trước mắt, liên minh kháng giặc, khuếch trương ưu thế thủy chiến, khéo dùng hỏa công, cuối cùng lấy yếu thắng mạnh. Trận chiến này đã đặt cơ sở vững chắc tạo nên thế chân vạc Ngụy, Thục, Ngô sau này.

Quyết chiến Xích Bích, Tào Tháo dưới hình thế có lợi, tự phụ khinh địch, Tôn Quyền, Lưu Bị ngay lúc cường địch trước mắt, liên minh kháng giặc, khuếch trương ưu thế thủy chiến, khéo dùng hỏa công, cuối cùng lấy yếu thắng mạnh. (Ảnh: wikipedia.org)

10. Kết nghĩa vườn đào

Những năm cuối triều Đông Hán, triều đình hủ bại, Trương Giác thống lĩnh nông dân khởi nghĩa lật đổ triều đình. Quân khởi nghĩa đầu đội khăn vàng làm ký hiệu, nên sử sách gọi đây là “khởi nghĩa khăn vàng”.

Hoàng đế Đông Hán vì để trấn áp “khăn vàng”, hạ lệnh các nơi chiêu mộ binh sĩ. Một hôm, Lưu Bị đang lúc xem cáo thị chiêu binh, đằng sau lại có một đại hán mặt đen chen vào, tên là Trương Phi. Hai người thương lượng cùng nhau gia nhập quân ngũ.

Lưu Bị và Trương Phi cùng đến một quán rượu. Hai người đang uống rượu, thì thấy một đại hán mặt đỏ đi vào, hô lớn: “Tiểu nhị, mau mang rượu thịt ra đây, tôi phải đi đầu quân gấp!”. Lưu Bị thấy đại hán đó tướng mạo phi phàm, lại nhắc đến chuyện đầu quân, liền mời đến cùng uống rượu hỏi rõ lai lịch.

Sau này ba người cùng chí hướng muốn làm nên nghiệp lớn, quyết định kết nghĩa tại vườn đào với lời thề: Tuy không sinh cùng ngày cùng tháng nhưng nguyện chết cùng tháng cùng ngày. Tình cảm của ba vị anh em kết nghĩa này được miêu tả son sắt trong suốt tác phẩm.

Phi Long 

Exit mobile version