Đại Kỷ Nguyên

1001 chuyện đánh cờ của người xưa: Cao Bá Quát ngông chẳng nể vua, Từ Hy Thái Hậu giận giết người

Cờ tướng đã có hơn 2.000 năm lịch sử. Từ cổ chí kim cũng có rất nhiều danh nhân thích chơi cờ, đã lưu truyền lại cho hậu thế nhiều giai thoại thú vị.

Chơi cờ là một hoạt động giải trí cao cấp. Cờ tướng 32 quân, bàn cờ nho nhỏ, Sở hà Hán giới, đỏ đen đối đầu, gió giật mây vần, khó mà đoán định, ẩn chứa bên trong là đạo lý tiến thoái tồn vong, lại có biết bao huyền diệu âm dương, dài ngắn. 

Văn Thiên Tường đời Bắc Tống chơi cờ theo phong cách rất độc đáo. Khi ông làm Tri châu Cám Châu, Giang Tây, thường với cao thủ cờ nổi tiếng vùng Giang Nam là Chu Tử Thiện đến giữa sông đấu cờ. Họ để bàn cờ làm bằng gỗ trên mặt nước, vừa du ngoạn vừa đấu cờ, đến khi hoàng hôn mới khoan khoái trở về.

Từ Hy Thái Hậu cũng rất thích chơi cờ, mà lại muốn mình phải là người “bách chiến bách thắng”. Thực ra, những đối thủ chơi cờ với bà, đều vì sợ bà mà nhường nước. Thế nhưng Từ Hy lại cho rằng “Ta đây là thiên hạ đệ nhất”.

Chơi cờ tuy thú vị, nhưng chơi cờ với nhân vật như Từ Hy thế này, phải cẩn thận từng đường đi nước bước. Ảnh: Secret China

Một lần, bà gọi Liên Kỳ, thái giám trong cung có cờ nghệ cao siêu, tới hầu cờ. Ngay khi khai cuộc, Liên Kỳ liên tiếp tấn công, Từ Hy phải lùi bước. Lúc này, Liên Kỳ cầm một quân tốt chắp tay bái, cười nói: “Thần giết một con mã của Lão Phật gia”.

Từ Hy thấy thất bại đã định, cầm quân cờ ném mạnh, bừng bừng nổi giận: “Ta giết cả nhà ngươi!”. Đáng thương cho Liên Kỳ chỉ vì một ván cờ mà gây ra cái họa diệt mộn, cả nhà phải chết 

Nội hàm của cờ tướng là rất phong phú. Những câu chuyện về cờ có thể kể mãi không hết.

Kỳ liên (câu đối cờ)

Gia Cát Lượng thời Tam Quốc có viết: “Trời cao như lọng tròn, đất rộng như cuộc cờ. Tả Tông Đường đời Thanh dẫn quân đánh A Cổ Bách phía Tây, có người soạn một câu đối cờ: “Đại Soái dùng Binh, Sỹ Tốt nghe lệnh, Xe ầm ầm, Mã vù vù, khí Tượng lồng lộng, nhìn phen này, một Pháo công, mới xứng danh xuất Tướng nhập Tượng”. Vế đối này đã đưa tất cả các quân cờ vào trong đó. 

Học sỹ Đinh Lượng đã dùng “Bài cửu” để đối lại, ngụ ý chuyện liên quân 8 nước chiếm kinh thành, nhà Thanh bỏ chạy. Vế đối chan chát, chặt chẽ: “Chí tôn thôn dã, tốt xấu đừng bàn, văn tiu nghỉu, võ thẫn thờ, thừa tướng lảo đảo, đến sau này, vạn người thất vọng, bị gục ngã than trời vãn đất”. 

Kỳ thi (Thơ cờ)

Vương Thủ Nhân rất thích chơi cờ. Ảnh: Secret China

Văn nhân mặc khách đều có duyên với cờ, thích làm thơ về cờ, đã để lại rất nhiều kiệt tác khoan khoái lòng người. Nổi tiếng hơn cả có bài “Khốc tượng kỳ thi” (Thơ khóc cờ tướng) của Vương Thủ Nhân (Vương Dương Minh), một nhà triết học đời Minh.

Khi Vương Thủ Nhân còn nhỏ, một lần chơi cờ trên bờ sông với bạn, mải chơi quên ăn, mẹ gọi nhiều lần, cậu đều không thưa. Mẹ cậu giận quá, bèn bước đến ném các quân cờ xuống sông.

Vương Thủ Nhân tiếc nuối khôn nguôi, bất giác ngâm luôn một bài thơ làm mọi người phải vỗ bàn khen ngợi:

“Tượng kỳ tại thủ nhạc du du,
Khổ bị nghiêm thân nhất đán đâu.
Binh tốt trụy hà giai bất cứu,
Tương quân nịch thủy nhất tề hưu.
Mã hành thiên lý tùy ba khứ,
Sĩ nhập tam xuyên trục lãng lưu.
Pháo hưởng nhất thanh thiên địa chấn,
Tượng nhược tâm đầu vi nhân thu”.

Tạm dịch:

Cờ tướng trên tay lạc thú thay
Khổ nỗi mẹ nghiêm ném mất bay
Binh tốt rớt sông không thể cứu
Tướng quân đuối nước cũng đành thôi
Mã phi ngàn dặm theo dòng nước
Sỹ chốn ba sông sóng cuốn trôi
Pháo gầm một tiếng long trời đất
Tượng kia gục ngã ruột gan rơi.

Những câu thơ tỏ rõ ý chí của một đại tướng, nhìn thấy quân sĩ “chết” mà lòng đau đớn khôn cùng. Quả đúng vậy, sau này Vương Dương Minh trở thành một vị tướng tài ba, văn võ song toàn, là cột trụ của triều Minh, đánh dẹp và chấn chỉnh khắp nơi, mãi đến tận đã ngoài 80 tuổi vẫn cầm quân ra trận.

Kỳ ngữ (ngôn ngữ cờ)

Rất nhiều ngôn ngữ trong cờ tướng thường được dùng trong đời sống hàng ngày, như “Mã hậu pháo” (Mã trước pháo sau), “Kỳ phùng đối thủ” (Kỳ phùng địch thủ), “Cử kỳ bất định” (Cầm quân cờ phân vân), “Tinh la kỳ bố” (La liệt như bàn cờ), “Đâu xa mã bảo tướng soái” (Bỏ xe ngựa, giữ tướng soái), “Kỳ thác nhất bộ, mãn bàn giai thâu” (Cờ sai một nước, thua cả ván)… 

Kỳ phổ (Cờ phổ)

Có rất nhiều kỳ phổ, sách dạy đánh cờ, nghiên cứu cờ được lưu truyền lại trong lịch sử rất nhiều, nổi tiếng nhất trong đó có “Thất quốc tượng hý đồ” (Tranh trò chơi cờ tướng 7 nước) của Tư Mã Quang, “Quảng tượng hý tự” (Thứ tự trò chơi cờ tướng) của Hoảng Lợi Chi đời Bắc Tống, “Kỳ kinh luận” (Kinh luận về cờ) của Hồng Mại đời Nam Tống, “Bách biến tượng kỳ phổ” (Kỳ phổ cờ tướng trăm biến) đời Minh, “Thao lược chi cơ” (Tính toán thao lược) đời Thanh…

Lưu hành rộng rãi nhất, có thành công nhất phải kể đến “Kết trung bí” (Bí mật trong con quay), “Mai hoa phổ” (Kỳ phổ mai hoa) và “Trúc hương trai” (Nhà hương trúc).

Giai thoại Cao Bá Quát chơi cờ với Tự Đức

Ở Việt Nam, cờ tướng cũng là một môn khá phổ biến, được nhiều người yêu thích, thường gặp nhất là những bàn cờ vỉa hè, nơi có rất nhiều người cùng vây quanh bàn cờ, bình luận, mách nước, không khí thực náo nhiệt, rôm rả.

Chuyện xưa kể lại rằng, có lần Chu Thần Cao Bá Quát chơi cờ với vua Tự Đức. Thấy cờ mình đang ưu, đôi ngựa nhảy tung tăng, vua bèn đắc ý đọc:

“Lưỡng Mã trì khu thiên lý địa” (tức là: Đôi ngựa tung tăng muôn dặm đất).

Cao Bá Quát vốn tính ngông, thẳng thắn, cũng không chịu lép. Thấy cặp xe của mình đang uy hiếp quân tướng của nhà vua bèn đối trả lại rằng:

“Song Xa truy kích cửu trùng thiên” (tức là: Cặp xe đuổi đến chín tầng trời).

Vua giận tái mặt vì câu đối khá “hỗn” này. Cao Bá Quát dám khoe đôi xe của mình truy đuổi “cửu trùng”. Cửu trùng là từ dùng để chỉ các bậc hoàng đế, quân vương.

***

Người giỏi chơi cờ tướng không phải là ở những việc hãm tướng, vây thành, bắt xe, giết mã mà là ở tầm nhìn, trí tuệ, định liệu được đại cục, rèn luyện được sự nhẫn nại, kiên trì, bền bỉ. 

Thắng thua trong cờ tướng chỉ là chuyện thứ yếu. Người chơi cờ chỉ với mục đích sát phạt, thắng thua thì cổ nhân không hề coi trọng. Trái lại, chơi cờ chính là rèn trí lực, tu tâm tính, vừa là thưởng thức một nét văn hóa, vừa là giải trí giải khuây. Đối thủ trên bàn cờ không phải kẻ thù mà chính là tri kỷ.

Chúng ta thường thấy những bậc cao cờ dù thắng dù thua, kết thúc ván cờ vẫn là tay bắt mặt mừng, cung kính lễ nghĩa, xem nhau như tri kỷ. Ngày nay, sau hàng nghìn năm lưu truyền, cờ tướng đã dần mất đi vẻ đẹp thuần thiện ban đầu. Người ta đấu cờ là để so tài cao thấp, tranh đua giải thưởng, thể hiện cái tôi, tranh đấu không ngừng. Những điều đó vốn không có trong đạo đánh cờ.

Vậy mới nói, đánh cờ cũng là tấm gương phản ánh của đạo làm người vậy. Kẻ hiếu thắng thì nước đi mạnh bạo, chỉ thích sát phạt, ăn quân, tham bát bỏ mâm, không nhìn đại cuộc. Người quân tử đánh cờ là nhìn trước nhìn sau, phân tích thế trận, ứng đối khôn khéo, điềm đạm, thanh thản, thắng không kiêu, bại không nản, từ chuyện đánh cờ mà ngẫm về đạo tu thân, làm người. Ấy mới là người cao cờ thực sự vậy!

Nam Phương

Xem thêm:

 

Exit mobile version