Đại Kỷ Nguyên

Ác khẩu hại người, thân gặp ác báo

Trong quyển “Tọa Hoa Chí Quả” của Uông Đạo Đỉnh đời nhà Thanh đã ghi chép lại rất nhiều câu chuyện thiện ác báo ứng, khuyên răn người đời hãy hành thiện tích đức, không làm những chuyện xấu xa. Trong đó có hai câu chuyện đã giảng thuật lại báo ứng của khẩu nghiệp.

Câu chuyện thứ nhất

Có một người, xuất thân trong đại gia đình, đi đến kinh thành chờ nhậm chức quan. Mang theo người vợ mang thai và người mẹ già xuất phát từ Giang Tây, khi đến Dương Châu thì gặp được người anh đồng tộc họ Tư Mã nhậm chức Nam giám đồng tri (chức quan đại diện cho Thái thú), bèn để người vợ và mẹ già ở lại nhà người anh họ, bản thân một mình đi vào kinh thành. Còn chưa kịp đợi được sắc phong, đã bệnh mất ở dịch quán kinh thành. Tin dữ truyền đến Dương Châu, người anh họ Tư Mã muốn tạm thời giữ kín chuyện, bởi thê tử của người đã khuất thân thể ốm yếu lại sắp sinh, mẹ già tuổi cũng đã cao, đợi đến khi nàng ta đầy tháng, rồi mới cho hay.

Nhưng người thiếp của họ Tư Mã, từ sau khi chính thất (vợ cả) qua đời, liền cậy thân phận dần dần quản lý hết mọi việc trong nhà. Sau khi nghe nói, dứt khoát phản đối, rằng: “Tuy là cùng họ, nhưng mỗi bên đều đã thành gia lập thất, làm sao có thể thân mặc tang phục ở nhà người khác trong thời gian dài như vậy được!”. Liền tự mình làm chủ, đem sự thật nói lại với người em dâu sắp sinh và bà cụ, đồng thời yêu cầu họ mau chóng tìm một gian nhà khác dọn đi, vậy cũng tiện thiết lập linh đường (nơi để người ta đến viếng) cử hành tang lễ. Họ Tư Mã tuy trách nàng ta không nên làm như vậy, nhưng mọi chuyện cũng đã lỡ rồi, cũng không còn cách khác, đành phải vậy thôi.

Mấy năm sau, họ Tư Mã được tiến cử điều đi nhậm chức Thái thú ở một quận lớn. Ông một mình đi nhậm chức trước, để thân quyến ở lại Kim Xương, đợi sau khi thu xếp mọi thứ ổn thỏa cả rồi mới trở về nghênh đón. Lúc đó Thái thú mới chỉ 40 tuổi, đang ở vào cái tuổi sung mãn, trong kiểm tra chính tích (thành tích làm việc trong khi tại chức của quan lại) ba năm một lần, thành tích của ông lại đứng đầu Giang Tô. Đặc sứ thông báo cho ông hay, và muốn tâu lên triều đình, sau này hoặc sẽ nhậm chức ở Phiên Đài hoặc nhậm chức ở Nghiệt Đài, vinh diệu hiển hách ở trong tầm tay. Người thiếp của ông lúc này đã quản lý hết thảy mọi việc trong nhà, nghiễm nhiên đã thành chính thức phu nhân.

Một năm này vừa khéo lại là sinh nhật 30 tuổi của nàng ta, bèn giăng đèn kết hoa, bày đặt yến tiệc, tiếp nhận chúc mừng của họ hàng thân thích, tự đắc vô cùng. Nhưng không ngờ Thái thú còn chưa nhậm chức, vừa mới đi đến Viên Phổ, đột nhiên mắc phải bệnh nặng mà qua đời. Chính ngay 1 ngày trước sinh nhật của người thiếp thì tin dữ truyền đến. Nhóm người thuộc hàng con cháu đều chủ trương, đợi đến sau khi sinh nhật được cử hành xong thì mới công bố cử hành tang lễ, còn con trai của quan Thái thú tân nhiệm vừa khéo đang ở Tô Châu, dứt khoát chủ trương không thể như vậy, nói: “Chuyện lớn như vậy! lẽ nào có thể để những người đến phúng viếng đợi chờ ở ngoài cửa, còn bên trong nhà lại trống nhạc tiệc rượu say sưa, nhận lời chúc mừng của tân khách hay sao?”.

Bèn đi thẳng vào trong nhà, đem tin dữ nói lại với người thiếp của quan Thái thú, và đích thân dẫn theo người hầu gỡ bỏ toàn bộ đèn lồng, mình mặc áo tang, thiết lập linh đường cử hành tang lễ.

Câu chuyện thứ hai

Diêu Khang Minh, người em họ của ông ngoại tôi, học vấn sâu rộng, cũng có tài năng. Một đời không có ác nghiệp khác, chỉ là nói năng khinh bạc, thích viết văn chương châm chọc người khác. Phàm gặp phải những chuyện có liên quan đến đàn bà trong nhà người khác, chỉ cần có chút manh mối, liền đặt điều bịa chuyện, thêm mắm thêm muối soạn thành lời nhạc. Bởi lời nhạc mới lạ, có rất nhiều lời nhạc truyền rộng khắp nơi.

Mỗi lần ông tham gia thi cử cũng đều không đậu. Lại bởi thói cợt nhả của ông ta nổi tiếng khắp nơi, vậy nên cũng không có người dám mời ông ta dạy học cho con em của mình, cuối cùng lâm vào cảnh đói khổ mà chết. Khi chết, ngay đến cả quần áo chăn đắp cũng đều không có, thân thể lõa lồ nằm trong một đống bông rách, rận nhiều đến nỗi có thể bắt được cả một nắm to. Ông ngoại của tôi đã lo việc an táng cho ông ta, ông ta có để lại một cậu con trai, không chốn nương tựa, ông ngoại tôi đã nhận nuôi nó. Đứa trẻ kể ra cũng thật thà cẩn trọng, mọi người đều chỉ mong nó có thể lớn lên thành người, thành gia lập thất. Đợi đến tuổi đọc sách, chuẩn bị đi học, đột nhiên mắc bệnh nặng mà chết, Diêu Khang Minh thế là đã tuyệt hậu. Đây há không phải là ác báo của thói khinh bạc hay sao!

Người thiếp của họ Tư Mã trong câu chuyện thứ nhất xuất phát từ ác ý mà nói ra thực tình, đã làm tổn thương người khác, cũng làm hại chính bản thân mình; Diêu Khang Minh trong câu chuyện thứ hai tuy có học vấn, nhưng lại không có dùng vào chỗ đúng đắn, hay gieo tin đồn thất thiệt, hại người vô số, sau cùng chết một cách đau đớn, cũng đã tuyệt hậu, nghĩ cũng thật bi ai! Từ đây có thể thấy được rằng, người sống ở đời, cần phải coi trọng việc tu tâm, tu khẩu, tùy tiện nói lời làm tổn thương người khác, cuối cùng cũng khó tránh khỏi ác báo.

Ánh Trăng

Xem thêm:

Khẩu đức quyết định vận may, người thông minh không nói 10 câu này

Bất chấp cha mẹ phản đối, cô gái vẫn lấy ‘gã ăn mày’. Và đây cái kết sau 10 năm

Exit mobile version