Nếu Quan Vân Trường đại diện cho hình ảnh một mãnh tướng hùng dũng nhưng điềm tĩnh, Lưu Bị mang dáng dấp một nhà quân sự bao dung thì Trương Phi lại được truyền tụng như một người nóng tính, bộc trực và nông cạn. Tuy nhiên đó chỉ là góc nhìn bề ngoài mà thôi, thực tế vị mãnh tướng này vẫn còn rất nhiều ưu điểm khác mà chúng tôi sẽ góp phần làm sáng tỏ sự thật này sau đây. 

Ba huynh đệ Lưu – Quan – Trương kết nghĩa vườn đào là hình ảnh quá quen thuộc với những người yêu thích “Tam Quốc diễn nghĩa”, mặc dù không cùng quê quán, năm sinh nhưng nguyện đồng cam cộng khổ, cùng sinh cùng tử, coi nhau như là người thân ruột thịt. Người em út – Trương Phi, cũng như hai người anh của mình, là một anh hùng kiêu dũng, hiên ngang, bất khuất, toàn trí toàn tài.

1. “Văn võ song toàn” từ thuở thiếu thời 

v

Trương Phi (166 – 221) là vị danh tướng của nhà Thục Hán, khoẻ ngang Lã Bố, Mã Siêu, Quan Vũ, Điển Vi. Có một điều ít người biết là không chỉ giỏi võ, Trương Phi viết chữ rất đẹp, vẽ tranh cũng rất tài. Hồi nhỏ Trương Phi tính khí nóng nảy, các thầy làng đều không ai dạy nổi.

Cậu của ông giới thiệu một ông thầy tên Vương Dưỡng Niên đến dạy, ông thầy này vừa dạy văn vừa luyện võ, được Phi hết sức nể trọng. Mới 13 tuổi, Trương Phi đã tinh thông võ nghệ và thuộc làu sử sách. Thầy Vương muốn rèn giũa tính tình Phi, liền nghĩ ra cách dạy Phi hội họa và thư pháp. Phi vốn tư chất thông minh nên chỉ 3 năm sau, thư, hoạ đều tinh thông, nổi tiếng một vùng.

2. Điển trai và đầy nghĩa khí

La Quán Trung mô tả trong “Tam quốc diễn nghĩa” về Trương Phi như sau: “Tiếng vang như sấm, chạy nhanh như ngựa, râu cọp hàm én, đầu beo mắt lồi, lấy thủ cấp tướng giặc trong muôn quân như lấy đồ trong túi…”

g
Tạo hình nhân vật Trương Phi trên điện ảnh.

Do đó, người ta thường nghĩ diện mạo của Trương Phi có phần “dữ dội” như mô tả của La Quán Trung. Năm Chương Vũ thứ nhất (221), Lưu Bị xưng đế, nạp con gái lớn của Phi làm phi của thái tử Lưu Thiền. Lưu Thiền lên ngôi, con gái Phi tấn ngôi hoàng hậu.

vv
Cả 2 người con gái của Trương Phi sau này đều lần lượt trở thành Hoàng hậu của Thục Hán, đây quả là một chi tiết vô cùng đặc biệt.

15 năm sau, Trương hậu qua đời, hậu chúa Lưu Thiền lấy tiếp con gái thứ của Phi, trước phong làm quý nhân, sau cũng lập hoàng hậu. Nếu không có nhan sắc hơn người, ắt 2 chị em họ Trương khó lòng được phong hậu. Từ đó cũng có thể suy ra, Trương Phi ít nhất cũng có diện mạo không đến nỗi nào nếu không muốn nói là thực sự điển trai, hào hoa phong lưu mới sinh được 2 người con gái cùng làm hoàng hậu như vậy.

3. Không chỉ là “võ biền”

Những chuyện liên quan đến Trương Phi như: Roi quất quan đốc bưu, một mình chống quân Tào ở cầu Trường Bản, dùng mưu lấy ải Ngõa Khẩu, mưu bắt Nghiêm Nhan… cho thấy Phi không chỉ sức mạnh hơn người, còn biết dùng mưu.

Dùng mưu lấy Ngoã Khẩu ải

Canh giữ Ngoã Khẩu ải là hổ tướng Trương Cáp vốn coi Trương Phi chỉ là kẻ hữu dũng vô mưu. Vì thế, Trương Cáp và quân Nguỵ tin rằng Phi sẽ chẳng bao giờ vượt được ải của mình. Thế nhưng, Trương Phi đã chứng tỏ cho Trương Cáp thấy sự lợi hại của mình.

Trương Phi vốn rất giỏi võ nhưng bản tính rất nóng nảy và hay uống rượu. Chưa đánh trận với Trương Cáp mà Trương Phi đã uống mấy chục bình rượu, đồng thời buông lời chửi bới Cáp. Quân về báo tình hình chiến trận, Lưu Bị tỏ ra lo lắng, nhưng Khổng Minh vẫn đặt trọn niềm tin vào Trương Phi.

b
Trương Phi đã không phụ sự kỳ vọng của Khổng Minh, đánh cho Trương Cáp kiêu ngạo một trận tơi tả và lấy được Ngoã Khẩu ải.

Tưởng Trương Phi đã mệt mỏi, còn tinh thần chiến đấu của quân Thục bắt đầu nản, Trương Cáp bèn đem quân đi đánh thì không ngờ Phi đã ở thế chủ động để nghênh chiến. Đánh nhau được gần 50 hiệp, Trương Cáp đã phải bỏ chạy và mất Ngoã Khẩu ải sau đó.

Thu phục lão tướng Nghiêm Nhan

Năm Kiến An thứ 13 (năm 213), Lưu Bị xung đột với người anh em cùng họ Lưu Chương, dẫn đến một trận chiến quyết liệt nổ ra ở Ích Châu. Để tăng cường thế tấn công, đến năm thứ 2, Lưu Bị từ Kinh Châu cấp tốc hiệu triệu Trương Phi và nhiều người khác, theo Gia Cát Lượng dẫn quân tiến đến Ích Châu cứu viện.

v
Gia Cát Lượng và Trương Phi chia làm 2 đường thuỷ – bộ tới cứu viện cho Lưu Bị.

Giang Châu là thủ phủ của Ba Quận, vị trí rất quan trọng song binh lực khá yếu do quân chủ lực của Lưu Chương đã tập trung dốc toàn lực bảo vệ Ích Châu. Trương Phi dẫn một cánh quân đánh Giang Châu và chiếm được không chút khó khăn gì. Nhưng thử thách lớn nhất chính là làm sao thu phục nhân tâm. Trương Phi đã có màn đối đầu nổi tiếng với lão tướng Nghiêm Nhan trí dũng song toàn.

Trong “Tam quốc chí”, mục “Trương Phi truyện” có ghi chép lại màn “đấu khẩu” sinh động giữa Trương Phi và Nghiêm Nhan.

Trương Phi mắng rằng: “Đại tướng quân, vì sao không hàng mà dám kháng cự”. Khi đó Nghiêm Nhan không chút sợ hãi, lớn tiếng đáp: “Các người là lũ vô dạng, cướp đất của ta, đất Giang Châu dù có tướng bị mất đầu, chứ quyết không có tướng đầu hàng giặc.”

Trương Phi nghe vậy, vô cùng bực tức, hạ lệnh đem Nghiêm Nhan đi chặt đầu trước dân chúng. Không hề nao núng, bại tướng đất Giang Châu vẫn cười, nói lớn: “Chém đầu thì chém đầu, việc gì mà phải tức giận như thế.”

v
Trương Phi thu phục lão tướng Nghiêm Nhan trung dũng.

Ngưỡng mộ trước khí khái phi phàm của Nghiêm Nhan, Trương Phi đột nhiên đổi giận thành vui, tự tay cởi trói cho đối phương và tiếp đãi như thượng khách.

Video: Trương Phi thu phục lão tướng Nghiêm Nhan

Việc Trương Phi có thể thu phục được Nghiêm Nhan cho thấy ông không phải là một kẻ vũ phu, hữu dũng vô mưu, thô lỗ như người đời sau vẫn tưởng. Thay vào đó, cách ứng xử, xử lý tình huống của Trương Phi cho thấy, đây là một nhân vật khoan dung độ lượng, biết trọng dụng nhân tài.

Cách mà Trương Phi thu phục, tiếp đãi Nghiêm Nhan cho thấy ông không chỉ là người có phong độ của một bậc quân tử, mà còn có con mắt chính trị, nhìn xa trông rộng, thâm mưu viễn kế.

f
Để giúp đại ca – Lưu Bị hoàn thành đại nghiệp, Trương Phi đã cố gắng không vì tình riêng mà làm hỏng đại sự, trở thành cánh tay đắc lực cho Lưu Bị sau này xưng Đế.

Nghiêm Nhan là biểu tượng của các tướng lĩnh và gia tộc ở Ba Quận. Đối đãi tốt với Nghiên Nhan sẽ tranh thủ được sự ủng hộ và lòng tin của các quý tộc đất Ích Châu. Lưu Bị vào Ích Châu cốt yếu là lấy lòng người. Về điểm này, Trương Phi thực sự đã làm “nở mày nở mặt” người anh kết nghĩa.

Ngoài ra, Nghiêm Nhan tính tình chất phác, thẳng thắn, một khi được đối đãi như thượng khách, ắt sẽ tận tâm tận lực hết mình, không giở âm mưu, ngụy kế.

Cuối cùng, phương pháp thu phục của Trương Phi cũng rất khôn khéo. Đầu tiên là dọa dẫm để Nghiêm Nhan có cơ hội thể hiện dũng khí, sau đó lại tha bổng, đối đãi vô cùng trọng thị để Nghiêm Nhan không bị tổn thương, giữ được sĩ diện, tránh khỏi bị người đời chế giễu.

v
2 vị tướng trước là thù, sau là tri kỷ, đã cùng rong ngựa ngoài sa trường, niềm hân hoan này chỉ những chiến tướng can dũng và đầy nghĩa khí mới có thể hiểu.

Đây chính là điểm mấu chốt, cho thấy sự toan tính, dự liệu kỹ lưỡng của Trương Phi trong việc thu phục Nghiêm Nhan. Hiểu rõ những yếu tố trên, mới thấy Trương Phi là con người cẩn thận, liệu trước tính sau đến mức nào. Rõ ràng, hình ảnh một Trương Phi chân thực trong lịch sử không thô lỗ, nông cạn như những gì nhiều người vẫn lầm tưởng.

Ánh Trăng

Hữu Bằng hiệu đính