Đại Kỷ Nguyên

21 câu nói kinh điển chỉ có trong Tam Quốc Diễn Nghĩa (Phần 1)

Trong 84 tập phim Tam Quốc Diễn Nghĩa, tác giả La Quán Trung đã xây dựng thành công rất nhiều hình tượng đặc sắc của các nhân vật nổi tiếng, để lại biết bao câu nói bất hủ khiến người xem không ngừng cảm khái và nhớ mãi. Những câu nói mà bất cứ một người yêu Tam Quốc nào cũng đều muốn “học thuộc lòng”.

Chúng ta đều biết, Tam Quốc diễn nghĩa cũng là một trong tứ đại danh tác của Trung Quốc bên cạnh Thủy Hử, Hồng lâu mộng và Tây Du Kí. Nội dung xuyên suốt chủ yếu của tác phẩm kinh điển này nói về cuộc đấu tranh giữa ba thế lực phong kiến bao gồm nhà Ngụy (do Tào Tháo đứng đầu), nhà Thục (do Lưu Bị đứng đầu) và nhà Ngô (do Tôn Quyền đứng đầu) trong việc nhất thống thiên hạ. Tuy nhiên cái kết cuối cùng lại hết sức bất ngờ khi giang sơn lại rơi vào tay con cháu của Tư Mã Ý, vốn là một đại thần trong triều Ngụy.

Không chỉ đơn thuần là một tác phẩm văn học mang tính sử thi, Tam Quốc Diễn Nghĩa còn để lại những giá trị nhân văn đầy sâu sắc cho biết bao thế hệ người đọc trên toàn thế giới. Và chúng ta hãy cùng nhau xem lại 21 câu nói kinh điển của các nhân vật nổi tiếng trong bộ tiểu thuyết này nhé.

1. Tào Tháo – “Ta thà phụ người chứ quyết không để người phụ ta”

Câu nói này được Tào Thào nói với Trần Cung khi Trần Cung hỏi Tào A Man rằng: tại sao lại giết cả Lã Bá Sa mặc dù biết được gia đình ông ta không hề có ý định hãm hại mình, mà trái lại còn bày tiệc chiêu đãi? Nó thể hiện một góc tính cách của ông: man trá, lạnh lùng đến đáng sợ.

Tào tháo, một gian hùng nhưng cũng là một anh hùng, luôn mang trong mình tư tưởng đa nghi. Vốn sinh ra tài giỏi hơn người, tính tình hào hoa phóng đãng nhưng nhiều mưu mẹo, có tài dụng quân, cai trị thiên hạ. Việc ông giết cả nhà Lã Bá Sa âu cũng chỉ vì bất đắc dĩ, do giải nhầm những “tín hiệu” trong đêm, lúc tâm ông không tĩnh, vì đang bị truy sát, mà tưởng là kẻ thù đã đến nên mới ra tay tàn độc đến thế. Nhưng tự sâu thẳm Tào Tháo không hề muốn (sau này, khi xem cách ông nhìn nhận và trọng dụng nhân tài là biết), nhưng vì quá đa nghi và thông minh mà ông mới có nét tính cách “nguy hiểm” đến vậy.

Đó cũng chính là lý do vì sao người ta gắn cho ông cái mác “gian” vào chữ “hùng”, để trở thành một nhân vật “gian hùng” nhất thời Tam Quốc. Tạo nên một nhân vật rất độc đáo đặc biệt, người ta có thể chê ông, chửi ông, nhưng chắc chắn một điều rằng, ai cũng phải “nể” ông, và có rất nhiều điều phải “học hỏi” từ ông… một nhân vật quá xuất chúng, không thể bàn cãi.

2. Gia Cát Lượng – “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Số trời đã định, không thể cưỡng lại”

Một trong những người được vinh danh muôn đời sau không ai khác là Gia Cát Lượng, phò tá của Lưu Bị. Sự kiệt xuất của ông khiến kẻ thủ phải cúi đầu kính nể, hậu thế phải nghiêng mình bái phục qua rất nhiều điển tích, trận đánh lớn.

“Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” – Số trời đã định, làm sao cưỡng lại! Kỳ nhân như Gia Cát Lượng ngàn năm khó kiếm, mang trong mình trí huệ tuyệt vời của người tu Đạo, được mệnh danh là “liệu sự như Thần”, tức chỉ có thể là “Thần” mới tính được đến mức ấy, là người thì không thể! Ấy vậy mà trong cuộc đời ông, ông cũng không thể nào tránh khỏi “thiên ý”, vốn là sự sắp đặt của định mệnh, của những sinh mệnh tầng cao hơn hẳn ông, vốn đã “an bài” toàn vẹn trật tự xã hội, sự thịnh suy của các triều đại, và của cả từng cá nhân mỗi một con người…

Như lần đốt cha con Tư Mã Ý thất bại vì mưa trên trời ‘tự nhiên’ rơi xuống, cản Lưu Bị tránh khỏi thất bại trong trận Di Lăng không được, lục xuất kỳ sơn nhiều lần suýt thắng thì bị điều về Tứ Xuyên, cầu sống lâu thêm 10 năm nữa để phục dựng sự nghiệp nhà Hán cũng bất thành,… tất cả đó đều là “ý trời”, trời muốn “biến” thì không ai cản nổi… chỉ có thuận theo tự nhiên mới là bậc trí giả, kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt.

3. Lưu Bị – “Thà chết chứ không làm chuyện bất nhân bất nghĩa”

Song hành cùng Gia Cát Lượng trong cuộc hành trình chinh phạt Tào Nguỵ là Lưu Bị với triết lí sống ngược lại Tào Tháo: “Thà chết chứ không làm chuyện bất nhân bất nghĩa”.

Chính vì điều này nên Lưu Bị, mặc dù chỉ là anh bán dép ngoài phố, đã lấy lòng được các anh hùng trong thiên hạ như 2 anh kem Trương Phi – Vân Trường, “thần nhân” Gia Cát Lượng, Triệu Tử Long, Mã Siêu, Hoàng Trung,… và hàng ngàn hàng vạn dân chúng thời bấy giờ, lập nên đại nghiệp hùng tráng, chấn động lịch sử.

4. Chu Du – “Trời đã sinh ra Du sao còn sinh ra Lượng”

Trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, Chu Du là đại danh từ tượng trưng cho lòng dạ hẹp hòi, không chịu thua ai, cũng chỉ khi ông ta bệnh nặng vô phương cứu chữa, không còn sống được bao lâu nữa, mới cảm khái mà thốt ra câu nói này từ tận đáy lòng.

Chỉ có điều là câu nói này quá tự ti, tôn vinh chí khí của Gia Cát Lượng, mà hạ mất uy phong của chính mình. Khiến cho hình tượng của hai người này đã định rõ vị trí trong đầu của mọi người mãi về sau. Thực chất, lịch sử cũng giống như một màn kịch, và để con người có thể hiểu thế nào là thiện-ác, đúng-sai, tốt-xấu thì đều cần người đến đễ “diễn” một phen, mới thấu tỏ được hàm nghĩa của từ đó.

Trong câu chuyện này, Chu Du vốn là 1 đại đô đốc, một vị anh hùng cái thế nhà Đông Ngô, trí tuệ và uy dũng hơn người, nhưng vạn bất đắc dĩ, lịch sử lại “chọn ông” để đóng cái vai “ghen tỵ” ấy, nếu không thì sẽ khó có thể khiến cho con người hiểu được thế nào là “ghen tỵ”. Hoặc cũng có thể đây chỉ là thổi phồng trong tác phẩm nghệ thuật, với bàn tay cố ý sắp đặt của tác giả, cũng là để nhấn mạnh tình tiết ấy, chứ chưa hẳn trong lịch sử Chu Du là người như vậy. Nhưng có thể khẳng định, Đông Ngô có được 1 người như Chu Du quả là quá may mắn!

5. Lưu Bị – “Khắp người Tử Long đều là gan”

Đây là lời bình hăng say nhất của những ai hâm mộ Triệu Vân hay Triệu Tử Long, nguyên là trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, Triệu Vân không phải là đối tượng được tác giả tập trung miêu tả, nhưng vì mỗi lần ông ra trận đều là tư thế hiên ngang hùng dũng, đánh đâu thắng đó, có thể được một câu khẳng định của Lưu Bị như vậy, tất nhiên là quá là vui mừng rồi!

Còn nhớ trong trận Đương Dương Trường Bản, một mình Triệu Tử Long xung pha trận mạc, lọt giữa đại quân Tào Tháo, vẫn chiến đấu bất khuất, giết chết hơn 50 tướng địch, khiến ngay cả Tào Tháo cũng bội phục, từ đó giải cứu thành công ấu chúa A Đẩu, vang danh thiên hạ. Lòng can đảm, ý chí và sự trung thành ấy khiến người đời sau mỗi lần nhắc đến ông đều vô cùng cảm khái, và dành tặng cho ông một tình cảm vô cùng đặc biệt mà hiếm một nhân vật nào xuất hiện “không nhiều” mà lại được mến mộ đến thế.

6. Tào Tháo – “Sinh con thì phải được như Tôn Trọng Mưu”

Tôn Trọng Mưu chính là tên tự của Tôn Quyền. Nhiều người khi mới đọc không hiểu hàm nghĩa của câu nói này của Tào Tháo, rốt cuộc là ông đang khen Tôn Quyền hay đang mắng Tôn Quyền đây. Sau này mới biết, kì thực Tào Tháo là thế hệ cùng thời với Tôn Kiên, cha của Tôn Quyền, nên ông nói câu này cũng không có gì lạ cả.

Ngoài ra, ý của Tào Tháo chính là khen Tôn Quyền có thể giữ được cơ nghiệp của cha anh để lại qua bao phen sóng gió thời loạn thế, so với những đứa con bại trận của Viên Thiệu và Lưu Biểu thì quả là khác nhau một trời một vực. Khó trách Tào lại ngậm bồ hòn làm ngọt, rất khen ngợi Tôn Quyền, tự mình nói ra mấy lời này.

7. Tư Mã Huy – “Phục Long, Phượng Sồ, có được một trong hai, ắt được thiên hạ”

Tư Mã Huy vô cùng coi trọng Gia Cát Lượng và Bàng Thống, ông từng ví Gia Cát Lượng với Khương Thượng (Khương Tử Nha thời nhà Chu), Trương Lương (thời nhà Hán), vậy nên những lời này từ miệng ông nói ra cũng không có gì là lạ. Cả hai đều là bậc kỳ tài trong thiên hạ, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, do đó những lời này cũng không phải là nói quá chút nào.

Tuy nhiên điều kỳ lạ là Lưu Bị đều có được hai người này, nhưng lại không thể bình định được thiên hạ, không thể không khiến người ta suy ngẫm. Thực ra như đã nói ở trên, đó cũng chính là vì “thiên ý” đã định, chứ không phải nói 2 người này không giỏi. Khí số nhà Hán đã mạt, cần thay đổi triều đại, cũng giống như con người, đến lúc già, phải chết thì sẽ phải chết thôi, cố gắng uống thuốc hay làm gì để kéo dài thọ mệnh cũng khó lòng thay đổi được số phận. Nhưng qua đây mới thấy, dù khí số nhà Hán đã cạn, đến thời Hán Hiến Đế là rơi vào tay Tào Tháo, ấy vậy mà sự xuất hiện của Gia Cát Lượng đã khiến bánh xe lịch sử “chậm lại”, vẫn khiến xuất sinh 2 vị Hoàng Đế cuối cùng của nhà Hán là Lưu Bị và con trai ông, điều này cho thấy tài năng của Gia Cát Lượng là hoàn toàn vượt xa sự tưởng tượng!

Exit mobile version