Vào thời Đông Hán, có hai vị hoàng thái hậu thanh danh rất cao, một vị là Mã Thái hậu – con gái của Mã Viện, một vị là Đặng Thái hậu – cháu gái của Đặng Vũ. Điểm chung của họ đều là khiêm nhường, thận trọng, cần kiệm và giản dị.
Mã Thái hậu
Sau khi vua Hán Minh Đế băng hà, con nuôi của Mã hoàng hậu là Hán Chương Đế lên kế vị, nhờ đó Mã hoàng hậu trở thành Mã Thái hậu. Khi Hán Minh Đế còn tại thế, ông vô cùng nghiêm khắc đối với ngoại thích, vậy nên người nhà họ Mã không có ai mưu cầu được tước vị cao sang.
Đến thời Hán Chương Đế, vì cảm niệm ân tình của mẫu hậu, nên muốn sắc phong tước hầu cho ba người cậu (tức anh em của Mã Thái hậu). Mã Thái hậu kiên quyết từ chối, nói với hoàng đế rằng:
“Phàm là những người đưa ra loại kiến nghị này, đều chẳng qua là muốn lấy lòng ta, hòng kiếm chác cho bản thân, tuyệt đối không thể tin tưởng nghe theo. Ta mặc áo vải thô, ăn cơm gạo lứt, không dùng đến phấn son, không đốt mùi hương, đây há là bản tính cần kiệm trời sinh ư? Không phải, là ta muốn làm gương cho thiên hạ. Năm ngoái ta về quê thăm nhà, thấy trước cổng nhà thân quyến người tới kẻ lui không ngớt, ngựa xe như rồng như phượng, người đến thỉnh an chào hỏi nối liền không dứt. Ngay đến cả người hầu trong nhà đều mặc áo lụa xanh, đẹp đẽ vô cùng. Rồi ta quay đầu lại nhìn phu xe của ta, thấy ăn mặc thật là giản dị. Ta không có trách móc họ, mà chỉ hủy bỏ khoản trợ cấp sinh hoạt hàng năm của họ, để họ tự mình kiểm điểm bản thân. Không thể cưng chiều quá mức, nghiêm khắc một chút hẳn sẽ tốt hơn, phong quan thăng chức cho gia tộc ngoại thích, đây tuyệt đối không thể được, nếu làm thế e rằng sẽ dẫm lên vết xe đổ của Vương Mãng năm xưa”.
Chương Đế thành tâm thực ý gắng sức thuyết phục, nhưng Mã Thái hậu vẫn không đồng ý.
Mã Thái hậu căn dặn các quan viên trong kinh thành: Nếu như gia tộc họ Mã can dự chính trị, lôi kéo bè cánh, nhất loạt cần trừng trị nghiêm theo luật pháp. Lại nói với gia tộc của mình rằng: Phàm là những ai không tuân thủ phép nước, sẽ cắt đứt quan hệ họ hàng, trục xuất về lại quê nhà trồng ruộng. Cứ như vậy, người của Mã gia càng thận trọng hơn trước.
Mấy năm sau, Chương Đế cảm thấy thiên hạ thái bình, nhất quyết phong hầu tước cho những người cậu. Mã Thái hậu sau khi biết được, liền đem suy nghĩ của mình viết thư cho huynh đệ Mã Liêu:
“Khi ta còn trẻ, đem lòng ngưỡng mộ người xưa lập ngôn lập đức, lưu lại tiếng thơm muôn đời trong sử xanh. Nay đã già rồi, vẫn cẩn trọng tự ái như xưa, không hề ham muốn hư danh. Ta mong sao anh em trong gia tộc chung lòng chung dạ, là muốn khi nhắm mắt xuôi tay không để lại chút di hận nào. Nào ngờ đến hôm nay, các ông vẫn còn muốn được phong hầu phong tước, vậy ta chỉ có thể ôm hận cả đời mà thôi!”.
Sau khi xem thư của Mã Thái hậu, ba người huynh đệ Mã Liêu cảm thấy bất an, dứt khoát khước từ sắc phong của cháu ngoại (Hán Chương Đế), chỉ tiếp nhận hàm tước vinh dự là “Quan Hội hầu”. Không lâu sau, Mã Thái hậu qua đời, bà ra đi rất bình thản, bởi gia tộc bà không làm chuyện gì khiến bà phải mất mặt xấu hổ.
Đặng Thái hậu
Hơn ba mươi năm sau khi Mã Thái hậu qua đời, Đặng Thái hậu đã xuất hiện.
Đặng Thái hậu tên là Đặng Tuy, từ nhỏ đã thích đọc kinh điển Nho gia, trình độ văn hóa vô cùng uyên bác. Ban đầu bà là Quý nhân của Hán Hòa Đế, khi ấy Âm hoàng hậu rất ganh ghét đố kỵ với bà, thậm chí đã từng tuyên bố muốn giết sạch người của Đặng gia. Đặng Quý nhân cẩn thận dè chừng, thường đóng cửa ở một mình, không gặp mặt hoàng đế. Về sau, Âm hoàng hậu bị phế truất, Hán Hòa Đế kiên quyết muốn lập Đặng Tuy làm hoàng hậu, bà đã từ chối bảy tám lần, sau mới miễn cưỡng tiếp nhận, nhưng hết thảy đãi ngộ vật chất bà đều khước từ. Phàm là hay tin người của Đặng gia muốn được đề bạt, bà đều nhất loạt không cho phép. Bởi vậy, Đặng Chất anh trai ruột của bà trong thời Hán Hòa Đế mãi vẫn không được sắc phong.
Sau khi Hán Hòa Đế qua đời, hài nhi Lưu Long (khi đó chỉ được 100 ngày tuổi) kế vị, Đặng Thái hậu buông rèm nhiếp chính, trên thực tế là nữ hoàng đế. Bà cần anh em Đặng gia làm đại thần tâm phúc, nhưng bà không có dã tâm thay thế đế vị. Không ngờ, Lưu Long chỉ ở ngôi được 8 tháng đã qua đời, sử sách gọi là “Hán Thương Đế”, tức là hoàng đế sơ sinh chết yểu. Đặng Thái hậu lập cháu trai 14 tuổi của Hòa Đế là Lưu Hộ vào trong hoàng cung tiếp nhận hoàng vị. Đặng Thái hậu tiếp tục nhấp chính. Bà bội phục gia tộc của Mã Thái hậu, một lần nữa phong tước cho thế hệ sau của Mã gia nhằm khen ngợi công lao và phẩm cách của bậc tiền bối.
Xét thấy hậu quả đáng sợ của ngoại thích chuyên quyền đời trước, bà đối với gia tộc phạm tội không chút nương tay, hơn nữa còn sẽ phạt nặng gấp bội. Anh em Đặng gia cũng rất sáng suốt, nhiều lần yêu cầu được rời khỏi cung đình, thành khẩn mong được từ bỏ tước hầu, Đăng Thái hậu rất tán đồng cách làm này, đã đồng ý với thỉnh cầu của họ.
Đặng Thái hậu đã kế thừa tác phong của Mã Thái hậu, trong sinh hoạt thường nhật vô cùng tiết kiệm. Bà hạ lệnh giảm bớt chi tiêu trong hoàng thất, ngoại trừ lễ bái lăng miếu, thực phẩm trong cung không được phép chọn lựa, có gì thì ăn nấy. Sớm tối chỉ dùng một món mặn. Cống phẩm các nơi được giảm bớt hơn một nửa, vật dụng trong ly cung dịch quán không thể thêm, dùng hết thì thôi. Phạm nhân nữ trong cung đều được cho trở về quê nhà. Toàn bộ chim săn trong thượng lâm uyển (rừng để vua chúa đi săn) cũng đều bán đi hết.
Đặng Thái hậu rất xem trọng giáo dục văn hóa trong hoàng thất, bà cho mời những nho sinh tài đức vẹn toàn làm tiến sĩ, truyền thụ học vấn cho con em hoàng tộc và các thị vệ thanh niên. Trong trường tư thục tập trung hơn 70 người họ hàng gần của nhà họ Lưu và nhà họ Đặng, năm tuổi học lớp vỡ lòng, học tập Kinh thư, mỗi năm đều đích thân tự mình coi thi. Trong bức thư bà gửi cho người anh họ của mình là Đặng Báo, có nói rằng: “Gia tộc công hầu đang đứng trước bờ vực suy bại, áo gấm cơm ngọc, xe ngựa cao sang, trông thật uy phong lẫm liệt; còn nói đến văn chương học thuật, lại giống như những người quanh năm bị nhốt trong bốn bức tường, đầu óc đều u tối. Không hiểu lịch sử việc người, không rõ thị phi tốt xấu. Nguyên nhân tai họa đổ xuống đầu, đại khái chính là như vậy!”.
Mùa hè năm đó đại hạn, người dân khổ không tả xiết. Đặng Thái hậu nghĩ rằng: “Trời có hạn lớn, không chừng nhân gian có nỗi oan khuất lớn gì đây!”. Bà bèn đến nhà ngục Lạc Dương tuần tra, đích thân thẩm vấn tù nhân. Có một phạm nhân nguyên vốn vô tội, chịu không nổi những đòn tra tấn dã man, đành phải nhận oan tội giết người, mình mẩy trên dưới đều chi chít vết thương, không thể đi lại được, phải dùng cáng tre khiêng đến bái kiến Thái hậu. Phạm nhân sợ ngục quan bên cạnh, không dám lên tiếng. Đợi đến khi bị người ta khiêng đi, y gắng sức ngẩng đầu lên, khóe miệng động đậy mấy cái, dường như muốn nói gì đó. Đặng Thái hậu trông thấy rất rõ ràng, bảo khiêng trở lại, đích thân mình thẩm vấn. Cuối cùng đã làm rõ oan tình, lập tức hạ chiếu bắt nhốt huyện lệnh Lạc Dương vào ngục đền tội.
Chuyện kể ra cũng thật trùng hợp, Thái hậu còn chưa về đến hoàng cung thì trời đã giáng một cơn mưa to như nước từ trên trời trút xuống, dân chúng mừng rỡ vô cùng!
Đặng Thái hậu nắm quyền 15 năm, về phương diện chính trị cũng khá là ổn định. Dòng dõi ngoại tộc được phong hầu làm quan hiển nhiên không phải là ít, nhưng không có ai nghĩ sẽ lật đổ nhà Hán để lập người họ Đặng làm thiên tử. Nhưng mà, Hán An Đế lúc này đã trưởng thành, yêu cầu Thái hậu trao trả lại quyền lực, nhưng bà lại không đồng ý. Tại sao vậy? Bởi bà phát hiện An Đế vẫn không có chút tiến bộ, sợ sẽ xảy ra họa lớn, thà rằng bản thân bận rộn sớm khuya, cũng không yên tâm bàn giao lại quyền hành, và chính điều này đã gieo phải mầm họa cho gia tộc họ Đặng sau này. Đặng Thái hậu vừa qua đời, An Đế đã nghe theo lời khiêu khích của bọn gian thần, bắt nhốt hết người của Đặng gia vào trong ngục. Người thì bị trục xuất về quê nhà, người thì bị buộc phải tự sát, chỉ trong mấy tháng, nhà họ Đặng chẳng còn lại được mấy người. Đây hiển nhiên là điều mà Đặng Thái hậu không sao ngờ đến. Hiền thần và người dân đều thầm thổn thức rơi lệ.
Phẩm cách của hai vị Thái hậu khá là tương đồng, nhưng hậu quả mang đến cho gia tộc ngoại thích lại hoàn toàn trái ngược. Tuy vậy, sử sách đều vô cùng tán dương họ, khen ngợi họ là tấm gương nữ chủ nhân mẫu mực trong chốn cung đình!
(Theo “Tự Trị Thông Giám”)
Thiện Sinh
Xem thêm: