Đại Kỷ Nguyên

3 anh hùng lưu danh sử sách trong ‘Tam Quốc Diễn Nghĩa’ đều chỉ nhờ một chữ này

Kẻ được gọi là hào kiệt trong thiên hạ, ắt phải có khí tiết hơn người, nhẫn chịu được những chỗ mà người thường không thể nhịn được. Kẻ thất phu chịu nhục thì tuốt kiếm tương đấu, đó không phải là dũng.

Xưa nay, phàm là bậc đế vương vì nhẫn mà có được thiên hạ, tướng lĩnh vì nhẫn mà lập được công danh, thương nhân vì nhẫn mà giàu sang phú quý, quân tử vì nhẫn mà kim cổ lưu danh, người thường lại vì nhẫn mà có được tri kỷ. Ở đâu đức nhẫn chịu cũng là một tài sản quý báu.

Khổng Tử nói: “Việc nhỏ không nhẫn, tất loạn đại mưu”. Đạo gia cũng giảng: “Nước khéo làm lợi cho vạn vật mà không tranh giành, ở chỗ mọi người ghét cho nên gần với Đạo”. Phật gia thì cho rằng: “Trong sáu phép độ và hàng vạn phương pháp tu hành, nhẫn là đệ nhất”. 

Như vậy nhẫn không chỉ là con đường dẫn tới thành công mà còn là đạo lý hàm dưỡng tu luyện tâm tính, không chỉ thể hiện khí chất người quân tử mà còn là tinh hoa xử thế ở đời.

Những bậc đại dũng chính là gặp chuyện kinh thiên động địa mà mặt không biến sắc, tâm không lung lay, bản thân chịu điều ngang trái, hàm oan mà không oán hận. Đức nhẫn ấy là thể hiện của hoài bão cao rộng, chí lớn xa xôi, vượt ra tầm mức của người thường.

Nhẫn để lập thành đại nghiệp

Nhẫn chịu hoàn toàn không phải là chuyện dễ dàng. Ở những thời điểm suy sụp nhất trong đời, lúc bị vũ nhục, khi phải đối diện với được và mất, sống và chết, nếu có thể lấy tâm thái bình thản, ung dung, nhẫn nại để đối đãi thì sự tình sẽ chuyển biến. Người ta sẽ được chứng kiến một cảnh tượng mới mẻ, từ đường cùng tuyệt lộ sẽ mở ra lối đi thênh thang. Nhẫn chính là cách để đón lành tránh dữ, chuyển họa thành phúc.

Cùng với Gia Cát Lượng, Tư Mã Ý là một nhân vật nổi tiếng đa mưu, túc trí trong thời Tam Quốc. Ông chính là người hiếm hoi hiểu được gan ruột Gia Cát Lượng. Không tài giỏi như Khổng Minh, sở dĩ Tư Mã Trọng Đạt có thể đẩy lui được 5 lần bắc phạt của quân Thục, giữ yên bờ cõi nước Ngụy chính là nhờ tâm Đại Nhẫn chẳng mấy người có được. 

Người ta gọi Tư Mã Ý là “Nhẫn giả chi vương” (tức là ông vua về đức nhẫn). Tư Mã Ý là trọng thần phò tá đắc lực 4 đời quân vương Tào Ngụy. Nhưng ngay từ những ngày đầu tiên, với con mắt xét đoán người chuẩn xác của mình, Tào Tháo đã cho rằng Tư Mã Ý là một mối nguy hiểm tiềm ẩn bên mình. 

Chỉ nhờ vào một chữ nhẫn mà Tư Mã Ý có thể ẩn mình tới 50 năm để chứng minh mình là một “trung thần”. Để rồi tới năm ngoài 70 tuổi, Tư Mã Ý chỉ cần dùng một kế nhỏ mà lừa được Tào Sảng, chiếm lấy đại quyền, chèn ép vua Ngụy, diễn lại vở kịch cướp quyền nhà Hán của Tào gia. Xem Tam Quốc người ta có thể thấy Tư Mã Ý là người hội đủ được cả hùng tài kinh thiên động địa của Gia Cát Lượng, chí hùng bá thiên hạ của Tào Tháo hay sự kiên trì của Chu Du. 

Một chi tiết thể hiện rõ đức nhẫn chịu của Tư Mã Ý là điển tích mặc váy đàn bà. Gia Cát Lượng xuất quân bắc phạt, Tư Mã Ý cầm cự lâu ngày, quyết không ra đánh. Thời gian càng kéo dài, lương thảo quân Thục càng cạn kiệt. Gia Cát Lượng nghĩ ra một kế khích tướng, bèn lấy một cái khăn, cái yếm và đồ trắng của đàn bà, đựng vào một cái hòm, rồi viết thư, sai người đưa đến trại Ngụy.

Các tướng không dám giấu giếm, dẫn người đưa thư vào ra mắt Tư Mã Ý. Ý sai mở hòm ra xem, thấy có yếm áo đàn bà và một phong thư. Trong thư nói rằng:

“Trọng Đạt đã làm đại tướng, thống lĩnh quân Trung Nguyên, không dám mặc giáp cầm gươm để quyết sống mái mà chịu ngồi núp ở trong tối trong hang để lánh lưỡi đao mũi tên, thế thì khác gì đàn bà? Nay sai người đưa khăn yếm quần áo trắng của đàn bà đến, nếu không dám ra đánh, thì phải lạy hai lạy mà nhận lấy. Nếu còn biết xấu hổ, có chí khí người con trai, thì phải phê vào giấy này, y hẹn ra giao chiến”. 

Tư Mã Ý xem xong dù trong lòng rất giận nhưng cũng gượng cười nói: “Khổng Minh coi ta như đàn bà sao?”. Nhưng rồi ông phát hiện ra đây chính là kế khích tướng, bèn chấp nhận nhịn nhục để không trúng kế Khổng Minh. Tư Mã Ý chịu nhận đồ ấy, mở ra mặc trước ba quân và rất lấy làm thích thú, rồi nhờ gửi lời cám ơn đến sự quan tâm của Gia Cát Lượng.

Trong khi thế sự vần vũ như gió nổi mây trôi, trăm ngàn anh hùng vùi chôn dưới con sóng bạc đầu của Trường Giang, có thể nói Tư Mã Ý chính là người thành công nhất, đắc ý nhất. Sau này cháu nội của ông là Tư Mã Viêm lên ngôi, mở ra nhà Tấn, thống nhất thiên hạ, truy phong ông là Cao Tổ Tuyên Đế.

Nhẫn để thu phục hiền tài 

Người biết nhẫn chịu ắt là cũng có lòng bao dung, khoan dung lớn lao. Vì có lòng bao chứa lớn lao, họ có thể thu phục nhân tâm, gồm thâu được nhân tài thiên hạ. Mà nhân tài chính là vốn quý của quốc gia. Một khi có được hiền tài thì cũng chính là đã có được giang sơn rồi vậy. Thời Tam Quốc, người làm được điều này tốt nhất chính là Tào Tháo.

Tạo hình nhân vật Tào Tháo trong phim “Tam quốc diễn nghĩa” 1996.

Người đời thường cho rằng họ Tào đa nghi, hung ác nhưng trên thực tế ông là người vô cùng nhẫn nại, lại có lòng biệt đãi nhân tài. Ngoài hùng tài văn võ, điều binh khiển tướng, sự quý mến hiền tài và đức nhẫn chính là những yếu tố giúp ông dựng thành đại nghiệp, thống nhất cả một miền bắc Trung Hoa rộng lớn.

Tào Tháo từng bị một cuồng sĩ tên là Nễ Hành dùng đủ loại lời lẽ mắng chửi nhưng vẫn tỏ ra khoan dung, nhẫn nại. Tào Tháo không hại ông ta mà còn đưa Nễ Hành an toàn trở về Kinh Châu cho Lưu Biểu. Khi Viên Thiệu tiến đánh Tào Tháo, nho sĩ Trần Lâm đã viết hịch giúp Viên Thiệu mắng chửi cả tổ tông 3 đời Tào gia. Người ta kể rằng văn chương sắc sảo tuyệt diệu của Trần Lâm khiến cho Tào Tháo đang đau đầu nằm trên giường bệnh cũng phải bật dậy, toát mồ hôi, nhân đó khỏi đau đầu.

Sau này khi phá được Viên Thiệu, bắt được Trần Lâm, Tào Tháo chỉ hỏi đúng một câu: “Ngươi chửi ta thì đã đành, cớ sao lại mang cả 3 đời nhà ta ra mà mắng nhiếc”. Trần Lâm thưa: “Mũi tên đã đặt trên dây cung, không thể không bắn thưa minh công”. Tào Tháo bèn không truy cứu, tha tội chết cho Trần Lâm, lại trọng dụng ông làm chức quan chuyên lo việc bút giấy dưới trướng. 

Nhẫn để bảo toàn phúc phận

Người biết ẩn nhẫn thì cũng tự bảo toàn được phúc đức và sinh mạng của mình. Họ chính là biết lùi một bước, không tranh với đời mà giữ tròn khí tiết.

Giả Hủ (147 – 224) là mưu sĩ nổi tiếng của Tào Tháo, cũng là bậc khai quốc công thần của Tào gia. Với tư chất thông minh, ông mau chóng chiếm được lòng tin của Tào Tháo. Mưu lược của Giả Hủ có thể nói là trước sau vẹn toàn. Ông cũng từng theo dưới trướng phục vụ rất nhiều chủ như: Đổng Trác, Lý Thôi, Trương Tú… nên hiểu lẽ xuất xử. Phàm là thần tử thông minh xuất chúng, trí tuệ vượt qua cả chủ nhân thì rất dễ phải chuốc lấy số phận bi thảm.

Những chiến thắng lớn của Tào Tháo đều có dấu ấn của Giả Hủ. Chính Giả Hủ là người hiến kế đốt kho lương Ô Sào, giúp Tào Tháo đánh bại Viên Thiệu đông quân hơn mình gấp 10 lần. Khi Tào Tháo gặp khó ở Đồng Quan, liên tục thua trận trước Mã Siêu anh dũng, Giả Hủ cũng hiến một diệu kế. Ông khuyên Tào Tháo gửi thư cho Hàn Toại (anh em kết nghĩa với bố Mã Siêu) rồi cố tình tẩy xóa bức thư, cho người báo với Mã Siêu để gây nghi kỵ nội bộ. Quả nhiên Mã Siêu, Hàn Toại nghi ngờ lẫn nhau, không đánh mà tự tan vỡ.

Dù vậy, dưới trướng họ Tào, Giả Hủ luôn cố giữ cho mình không nổi bật, không bao giờ chủ động đưa ra mưu kế. Trừ phi Tào Tháo đích thân đến hỏi, thông thường Giả Hủ tuyệt đối không nói nửa lời. Ông thường ngày ẩn mình nhẫn nại, đóng cửa tự thủ, không giao kết với quan lại khác. Các con của Giả Hủ thành gia lập thất cũng không chọn nơi quyền quý. Là một người tài trí hơn người nhưng có thể ẩn mình giấu trí khôn tới mức đó thực khiến người ta phải cúi mình kính phục. Ngoài Giả Hủ thì có lẽ thiên hạ không có người thứ hai làm được điều đó.

Sau này, Giả Hủ còn trở thành trọng thần dưới trướng Tào Phi, làm đến Tam công, trước sau như một vẫn giữ được cái ẩn nhẫn tuyệt vời ấy. Cuối đời, ông chết trong viên mãn, hưởng thọ 77 tuổi, được truy phong làm Tiêu hầu, con cháu đều được vinh hiển cả.

Trong “Tam Quốc Chí”, Trần Thọ đánh giá: “Giả Hủ toan tính cơ hồ không hề sơ sót, đạt đến mức thấu hiểu sự quyền biến, đại khái là gần được như Lương, Bình vậy!”.

***

Là người ôm chí lớn, muốn xây thành đại nghiệp tất phải có tầm nhìn xa trông rộng. Mà nhẫn chính là cảnh giới của người đại trí huệ, là thể hiện của người có ý chí mưu cầu đại sự lâu dài. Người có tâm đại nhẫn ắt thành đại sự.

Trong khi lợi ích của bản thân bị động chạm, phẩm giá của bản thân bị làm nhục, phải nghe những lời công kích, phải làm những điều trong lòng không muốn, họ vẫn có thể thản nhiên nhẫn chịu. Không động tâm oán hận, không lung lay ý chí, sự nhẫn chịu ấy chính là biểu hiện của ý chí kiên cường.

Bởi vậy mới nói “Nhẫn” là một loại sức mạnh nội tâm to lớn, cũng là một loại tu dưỡng của đời người. Công tử Trùng Nhĩ phải sống lưu vong 19 năm, trải bao sóng gió, cuối cùng đã dựng thành đại nghiệp, trở thành Tấn Văn Công, một trong “Ngũ bá” thời Xuân Thu. Hàn Tín mang theo bảo kiếm bên mình mà phải chịu nhục chui háng một kẻ vô lại, cuối cùng trở thành Đại tướng quân của Lưu Bang, đánh đông dẹp bắc, mở ra cơ nghiệp 400 năm nhà Hán. Tô Vũ chăn dê 19 năm ở Bắc Hải, ngày chăn dê, tối ngủ hang đá, chịu bao khổ cực vẫn nhẫn nại giữ gìn tiết tháo sau được vua Hán đón về cố quốc, lưu lại bài học lớn cho hậu thế. Đó đều là những bài học về chữ Nhẫn đáng lưu tâm nhất.

Video: 6 câu nói của cổ nhân giúp bạn thấy rõ lòng người thật giả

Exit mobile version