Đại Kỷ Nguyên

3 báu vật kiếp nhân sinh của Lão Tử

Trời có tam bảo (3 báu vật) là Mặt trời, Mặt trăng và các Vì sao. Đất cũng có tam bảo là Nước, Lửa, Gió. Con người có tam bảo là Tinh, Khí, Thần. Lão Tử cũng có tam bảo là Từ, Kiệm, Bất đảm vi thiên hạ tiên (Nhân từ, Cần kiệm, Không dám đứng trước thiên hạ). “Tam bảo” của trời đất khống chế vạn vật, “tam bảo” của con người hun đúc tâm hồn, “tam bảo” của Lão Tử biểu hiện trong đối nhân xử thế phải nghĩa.

Trong “Đạo Đức Kinh” Lão Tử nói: “Ta có tam bảo, luôn giữ bên mình. Một là “Nhân từ”, hai là “Cần kiệm”, ba là “Không dám đứng trước thiên hạ”. Nhân từ mới có thể dũng, cần kiệm thì có thể giàu sang, không dám đứng trước thiên hạ mới có thể thành báu vật.”

(Nguyên văn: Ngã hữu tam bảo, trì nhi bảo chi. Nhất viết từ, nhị viết kiệm, tam viết bất đảm vi thiên hạ tiên. Từ cố năng dũng, kiệm cố năng quảng, bất đảm vi thiên hạ tiên cố năng thành khí trưởng.)

Ba báu vật này là triết học nhân sinh cơ bản nhất trong đối nhân xử thế của Lão Tử, cũng là một trong những tư tưởng triết học mộc mạc căn bản nhất trong “Đạo Đức Kinh”

Lấy thiện đãi người

Lão Tử coi “Từ” (Nhân từ) là đạo của tam bảo. Vậy “Từ” là gì? “Từ” chính là “từ tâm”, “từ tâm” chính là tinh thần trách nhiệm, lòng nhân ái, sự quan tâm và yêu thương.

Trong “Đạo Đức Kinh” Lão Tử giảng: “Nhân từ mới có thể dũng cảm, người đàn ông nhân từ chiến có thể thắng, coi đây là nguyên tắc của mình. Trời sẽ cứu họ, dùng sự nhân từ mà bảo vệ họ” (Từ cố năng dũng… phu từ, dĩ chiến tắc thắng, dĩ thủ tắc cố. Thiên tương cứu chi, dĩ từ vệ chi).

Đối đãi với người khác bằng lòng nhân từ, thực tâm thiện đãi người khác mới có thể khơi dậy dũng khí trong lòng họ. Ngô Khởi dấy binh là một ví dụ điển hình minh chứng cho câu “Từ cố năng dũng” (Nhân từ thì có thể dũng). Ngô Khởi yêu quân như con. Ông sẵn sàng quỳ xuống dùng miệng của mình hút máu và mủ trong vết thương của binh sỹ bị thương. Điều này đã khiến các binh sỹ cảm động sâu sắc, nên họ có thể chiến đấu dũng mãnh nơi xa trường, sẵn sàng xả thân vì ông.

“Từ” là phẩm chất đạo đức cao đẹp được truyền từ đời này qua đời khác của người xưa. Bởi vì có “từ” tâm nên mới có thể thấu hiểu người khác, mới có thể thông tình đạt lý, mới biết cách dùng người. Trên đời này nếu có một thứ có thể khiến người khác cam tâm tình nguyện đi theo mình và làm lợi cho bản thân mình thì đó chính là đối đãi với họ bằng “từ” tâm.

Điều này cũng phù hợp với quy luật “Ở hiền gặp lành”, “Thiện giả thiện báo, ác giả ác báo” được lưu truyền suốt bao đời qua.

Lão Tử coi “Từ” (Nhân từ) là đạo của tam bảo. Ảnh dẫn theo youtube.com

Tôn sùng sự cần kiệm nuôi dưỡng đạo đức

“Kiệm” nghĩa là bạn “có” nhưng không dùng cạn kiệt, mà bồi dưỡng, tích lũy, không làm bừa, không xa hoa lãng phí. Tư tưởng “tôn sùng sự cần kiệm” của Lão Tử xưa nay là một trong những nền tảng quan trọng trong việc bảo thân dưỡng đức của người Trung Quốc xưa.

Vào thời Tam Quốc, Tào Tháo yêu cầu bản thân mình khi sống: “Quần áo của ta đều dùng cả 10 năm, giặt đi khâu lại vẫn dùng tốt”. Sau khi chết ông cũng dặn dò người nhà và thuộc hạ rằng: “Khâm liệm bằng thường phục”“Không tàng trữ bạc vàng, ngọc ngà châu báu”.

Chu Bá Lư thời nhà Thanh trong “Chu Tử gia huấn” cũng đề xướng: “Khi mình muốn dùng phải làm theo nguyên tắc cần kiệm, khi bày yến tiệc đãi khách không được hẹp hòi”.

Trong một bức thư Tăng Quốc Phiên gửi cho tứ đệ của mình, ông cũng chỉ ra rằng: “Nếu anh em ta nguyện lưu lại một chút ân trạch cho tổ tiên, lưu lại chút phúc khí cho kẻ hậu nhân. Ngoài 2 chữ cần kiệm ra thì không còn cách nào khác”.  

Hoặc có những lời dăn dạy khác như:

“Cần cù bù thông minh, tiết kiệm có thể dưỡng đức”, “Mỗi ngày thu thập một bài viết, 10 năm cũng phải chóng mặt”, “Mỗi ngày tiết kiệm một sợi dây, trăm ngày có thể bện thừng dắt mũi trâu”.

Về chữ “kiệm”, người xưa có rất nhiều những câu danh ngôn truyền đời. Điều này thể hiện một cách đầy đủ đức hạnh tiết kiệm, giản dị từ xưa tới nay của cổ nhân. “Tôn sùng sự cần kiệm dưỡng đức” không chỉ giúp nhân phẩm bản thân người đó thăng hoa, mà còn khiến lòng người ngưng tụ. Họ vừa có thể tích lũy tài phú, lại được giàu sang, phú quý như hàm nghĩa chân chính trong câu “kiệm cố năng quảng” (Cần kiệm thì có thể giàu có) mà Lão Tử nói.

Làm người không cần kiệm, xa hoa lãng phí thì vất vả, ngược xuôi cả một đời. Làm quan mà không cần kiệm, thích ăn chơi hưởng thụ lại thường sinh lòng tham lam, vơ vét của dân, bán dân hại nước.

Tôn sùng sự cần kiệm dưỡng đức” không chỉ giúp nhân phẩm bản thân người đó thăng hoa, mà còn khiến lòng người ngưng tụ. Ảnh dẫn theo youtube.com

“Không dám đứng trước thiên hạ”

Trong cuộc sống hiện thực ngày nay, rất nhiều người đều có suy nghĩ “không  muốn đứng sau người khác”, “tranh bơi lên trên”. Phàm là những việc có ích thì ai nấy đều dũng cảm tiến về phía trước, chứ không cam tâm ở lại đằng sau. Nhưng Lão Tử lại tuân theo tư tưởng của ông. Từ đó đề xuất một triết học xử thế ngược lại: “Không dám đứng trước thiên hạ”.

Không dám đứng trước thiên hạ là một trí huệ nhân sinh “Đạo tiến như thoái” (Tiến đạo nhược thoái). Trên bề mặt thì người có đức thường khiêm nhường lui về ở ẩn. “Không dám đứng trước thiên hạ” có vẻ như thoái lùi, nhưng về bản chất “thoái” lại chính là “tiến”. Thoái chỉ là một biện pháp để tiến lên mà thôi. Cho nên “Bậc thánh nhân đặt mình phía sau mọi người nên được ở phía trước, đặt mình ở bên ngoài mà thân còn tồn tại” (Thánh nhân hậu kỳ thân nhi nhân tiên, ngoại kỳ thân nhi thân tồn)

Nguyên tắc xử thế “không dám đứng trước thiên hạ” xưa nay đều được những danh sỹ nổi tiếng nhiều đời trong lịch sử tôn sùng và truyền bá. Trong cuốn “Phóng Ông gia huấn”, Lục Du, nhà thơ thời Tống cũng chỉ ra rằng: “Dù làm cao quan cũng xin được đặt mình ở phía sau” (Tuy cao quan, diệc đương lực thỉnh cư kỳ hạ). Dương Kế Thịnh thời Minh cũng dăn dạy con trai rằng: “Đạo sống hòa hợp với  người khác, trước tiên là phải khiêm nhường, thành thực. Cùng làm việc thì không được ngại khó ngại khổ, cùng ăn uống thì không được tham của ngon vật lạ, cùng đi thì không được chọn đường đẹp. Ngủ chung giường thì đừng chiếm chỗ, thà nhường người chứ không để người phải nhường mình”.

Trong “Tự vi mộ chí lộ” Trương Đại cũng sùng bái tư tưởng khiêm nhường của Lão Tử như một nguyên tắc xử thế của mình. Ông nói: “Tranh danh đoạt lợi, xin tình nguyện ở phía sau, xem ngắm trò chơi xin nhường cho người xem trước”.

Tư tưởng “không dám đứng trước thiên hạ” của Lão Tử không phải là khiếp sợ không dám tiến lên, mà là tinh thần “khiêm nhường ôn hòa” lùi để tiến. Đây là đạo xử thế rất giàu trí huệ. Giống như biển rộng có thể dung nạp trăm sông bởi biển đặt mình nơi đất thấp.

Những lời răn dạy của cổ nhân cho tới nay vẫn còn nguyên giá trị. Nếu ai cũng có được ba báu vật này của Lão Tử ắt sẽ người người hạnh phúc, nhà nhà yên vui, đời đời hưng vượng.

Nhã Văn biên dịch

Exit mobile version