Đại Kỷ Nguyên

4 câu chuyện tuy ngắn nhưng nói lên cả cuộc đời của chúng ta!

Ảnh: Freepik

Người khác đối đãi với ta thế nào, đó là nhân quả của ta; còn ta đối xử với người khác thế nào, đó là sự tu hành của ta…

Cuộc sống là một người kể chuyện, mỗi khoảnh khắc đều có ý nghĩa riêng của nó.

Có những lúc bạn tự hỏi, “tại sao mình từng nghe qua rất nhiều đạo lý, nhưng vẫn không thể vui sống một đời này”?. Thực ra, những đạo lý lớn trên thế gian có thể không bằng một câu chuyện có thể rung động lòng người. Bởi vì, xưa nay thứ thay đổi đời người không phải là đạo lý, mà là trí tuệ. Bài viết này xin được chia sẻ với quý đọc giả 4 câu chuyện, tuy ngắn nhưng rất có ý nghĩa.

Câu chuyện 1:

Một vị thiền sư đang trên đường khất thực, bỗng có một kẻ vô lại mặt mày dữ tợn hùng hổ xông đến, độc mồm độc miệng mắng chửi vị thiền sư. Trước những lời nói khó nghe đó, vị thiền sư chỉ im lặng lắng nghe. 

Thấy vị thiền sư thản nhiên làm thinh, kẻ vô lại càng thêm tức giận, lớn tiếng quát: 

– Ông có điếc không vậy?

– Ta không điếc.

– Ông không điếc, vậy sao không nghe tôi chửi?

Thiền sư bình thản đáp:

 – Nếu nhà ông có đám tiệc, thân nhân tới dự, mãn tiệc họ ra về, ông lấy quà tặng nhưng họ không nhận thì quà đấy về tay ai?

Kẻ vội lại đáp: 

– Quà ấy về tôi chứ ai?

Thiền sư nhìn tên vô lại với ánh mắt từ bi, rồi nói:

– Cũng như vậy, hôm nay ông đứng trước mặt ta, nói những lời rất xấu tệ, nhưng ta lại không nhận chúng. Những lời nhục mạ này chẳng phải về ông cả hay sao?

Cảm ngộ:

Người khác nói sao về bạn thì đó là việc của họ. Điều duy nhất có thể làm tổn thương bạn là sự quan tâm của bạn đối với những lời nói đó. Khi ai đó chế nhạo bạn một cách ác ý, bạn liền đáp trả anh ta thật sâu cay; khi ai đó vô lễ khinh thường bạn, bạn liền lập tức khinh bỉ coi thường người đó. Điều đó có đáng hay không?

Những người bạn ghét đó, dễ dàng khiến bạn thành con người mà bạn chán ghét nhất. Đây mới là tổn hại lớn nhất mà kẻ thù dành cho bạn!

Câu chuyện 2:

Tô Đông Pha, một nhà thơ lớn thời Bắc Tống, và thiền sư Phật Ấn là bạn tốt của nhau. Một hôm, Tô Đông Pha đến chùa Kim Sơn chơi và đàm luận cùng thiền sư Phật Ấn cả ngày. Hai người ngồi kiết già đối nhau luận Thiền.

Đông Pha hỏi Phật Ấn: “Ngài thấy tôi thế nào?”.

Phật Ấn đáp: “Rất trang nghiêm, giống một ông Phật”.

Tô Đông Pha nghe nói, phấn khởi lắm.

Phật Ấn hỏi lại: “Ông thấy ta ra sao?”.

Đông Pha thấy Phật Ấn mập tròn, lại mặc áo đen, bèn đáp ngay: “Giống một đống phân bò!”.

Phật Ấn không nói gì. Đông Pha cho rằng mình đã thắng một keo, lòng rất sung sướng, về nhà hớn hở nói với Tô tiểu muội là cô em gái: “Này muội muội, hôm nay anh đã thắng được hòa thượng Phật Ấn được một keo”. Nói rồi, ông thuật lại chuyện đối đáp vừa rồi. Tô tiểu muội tuy phận nữ nhi nhưng cũng là một bậc tài hoa xuất chúng, nghe vậy bèn cười nói: “Trời, anh thua đậm rồi!”.

Đông Pha tức khí mắng: “Ta làm sao mà thua? Nếu ta thua sao ông ấy không nói lại lời nào?”.

Tô tiểu muội hỏi: “Vậy em hỏi anh, Phật quý hay phân bò quý?”.

Đông Pha nói: “Đương nhiên là Phật quý rồi!”.

Tô tiểu muội nói: “Phật Ấn thấy Phật, chính là vì trong tâm ngài ấy chỉ có Phật, còn anh thấy phân bò, thế có phải là anh thua rồi không? Ấn lão hoàn toàn thắng còn gì nữa”.

Đông Pha tiu nghỉu, biết mình đã thua một keo nặng.

Cảm ngộ: 

Sống trên đời, mỗi người đều là tấm gương tham chiếu lẫn nhau. Những gì người khác nhìn thấy ở bạn cũng là những gì họ đang có. Một vạn điều nhận xét của người khác về bạn không làm nên một phần vạn con người bạn, mà nó chỉ bộc lộ con người của chính anh ta mà thôi.

Cho dù bạn là ai, đều sẽ có những người không thích bạn. Không phải vì bạn làm chưa đủ tốt, mà vì tầm nhìn của anh ấy chỉ cao đến thế thôi.

Câu chuyện 3:

Có hai vị hòa thượng đi hóa duyên. Họ đến bên dòng sông nước chảy xiết. Một phụ nữ trẻ đẹp đang bước tới lui trên bờ sông, trông cô rất buồn.

“Có chuyện gì thế?”, hòa thượng lớn tuổi hỏi.

“Tôi lo lắng quá. Mẹ tôi đang ốm nặng, tôi cần băng qua sông để đến báo tin cho cha nhưng cây cầu gãy rồi. Thầy có biết cây cầu tiếp theo nằm ở đâu không?”, cô gái đáp.

“Ồ, cách đây cả dặm cơ, nhưng đừng lo. Tôi có thể đưa cô qua sông”, hòa thượng lớn tuổi trả lời.

Cô gái cảm kích, chấp nhận sự giúp đỡ. Hòa thượng cõng cô đi qua bờ sông bên kia, đặt cô xuống rồi chào từ biệt.

Sau khi về chùa, vị hòa thượng đi cùng, liền thưa với lão hòa thượng trụ trì rằng, vị hòa thượng kia đã phạm giới khi dám cõng một phụ nữ qua suối.

Hòa thượng trụ trì, thấy thế liền gọi vị hòa thượng lớn tuổi lại hỏi. Vị hòa thượng kia liền đáp: “Con đã cõng người phụ nữ qua suối và đã đặt cô ta xuống bên bờ suối”.

Sau khi nghe vị hòa thượng trả lời, lão hòa thượng đã nói rằng: “Sư huynh con cõng cô gái qua suối nhưng không phạm giới, con mới là người phạm giới; bởi sư huynh con đã đặt cô gái xuống từ lâu rồi, còn con, đã đi một đoạn đường dài như vậy, con vẫn chưa bỏ được cô ta ra khỏi đầu”.

Cảm ngộ:

Có những việc người khác đã quên đi rồi, còn bạn vẫn cứ nhớ mãi. Kỳ thực, trên đời vốn không có chuyện phiền muộn, mà đều là do tự bạn lo sợ không đâu. Tất cả phiền não đều là do tự bạn áp đặt cho mình.

Cuộc sống không có chuyện không buông xuống được, mà chỉ có người nghĩ không thông. Nếu bạn không bỏ qua cho mình, thì không ai có thể giải thoát cho bạn. Chỉ khi trong lòng không có vướng bận, thì bạn mới là người tự do.

Câu chuyện 4:

Vào thời nhà Đường, có hai nhà sư lỗi lạc: một người tên là Hàn Sơn và một người tên là Thập Đắc.

Một hôm, Hàn Sơn hỏi Thập Đắc: “Ở đời, có người đánh tôi, mắng tôi, làm nhục tôi, khi dễ tôi, dọa tôi, gạt tôi, chê tôi, khinh tôi, ăn hiếp tôi, cười nhạo tôi cho đến đối xử khắc nghiệt với tôi, thì phải xử trí như thế nào?”.

Thập Đắc đáp: “Chỉ cần nhịn nhục họ, kính họ, sợ họ, tránh họ, nhường họ, khiêm tốn với họ, không chống cự họ, không cần để ý đến họ, rồi chờ ít năm ông hãy nhìn họ xem”.

Cảm ngộ: 

Khi đối mặt với sự tấn công vô cớ từ người khác, sự thờ ơ của bạn chính là đòn phản công tốt nhất; sự siêu việt của bạn tốt hơn mọi lời bào chữa.

Khi bạn không ngừng hướng thượng, và đứng trên đỉnh của vạn núi, rồi khi quay đầu nhìn lại, bạn sẽ thấy rằng những người ghét bạn vẫn còn ở đó, nhưng bây giờ họ chỉ có thể ngước nhìn bạn.

Không tranh luận, không quan tâm, không giải thích. Dành thời gian cho bản thân, dành thời gian cho những thứ khác. Khi bạn tách mình khỏi tất cả mọi thứ, bạn sẽ trở nên yên bình hơn, khoan dung, thân thiện và bình thản hơn.

Theo Aboluowang
Vũ Dương biên dịch

Exit mobile version