Làm người phải học cách chừa lại cho người khác một đường lui, bất kỳ việc gì cũng đừng nên làm quá tuyệt tình. Mọi việc đều không tức giận, không so đo tính toán được mất thì có thể giúp con người tu dưỡng tâm tính, tôi luyện ý chí, rèn luyện một phong thái siêu phàm thoát tục, ung dung, trầm tĩnh.
Người lắm lời
Tử Cầm, đệ tử của Mặc Tử thỉnh giáo thầy của mình rằng: “Thưa thầy, nói nhiều có ích gì không?”.
Mặc Tử trả lời rằng: “Cóc, ếch ngày đêm kêu không ngừng nghỉ, kêu đến mồm miệng khô rát nhưng không ai lắng nghe tiếng kêu của chúng. Lại nhìn chú gà trống, đều đặn gáy sáng gọi bình minh lên, khiến thiên hạ chấn động, ai nấy đều trở mình, thức giấc. Nói nhiều có tác dụng gì không? Chỉ khi có thời cơ phù hợp thì lời nói mới có tác dụng”.
Trong cuộc sống hiện thực, người nói nhiều thông thường đều là nói những lời thừa thãi. Hơn nữa thường có câu rằng: “Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra”. Người nói nhiều khó tránh khỏi những khi lỡ lời, lưu lại họa hại vô cùng.
Sinh thời Tăng Quốc Phiên không ưa nhất là những kẻ lắm lời. Cả đời mình ông đã dành rất nhiều tâm huyết vào việc “kiêng nói nhiều”. Ông không chỉ thường phê bình bản thân: “Hàng ngày lỡ lời, thật giống như kẻ nham hiểm!”, mà còn thường tự vấn bản thân rằng: “Đa ngôn trêu đùa không phải là sự chân thành xuất phát tự nội tâm”, thói quen ăn nói và sự thiếu sót về cá tính này “khi nào mới có thể nhổ tận gốc rễ?”.
Ông không chỉ yêu cầu bản thân “kiêng nói nhiều” mà còn coi đây là một nội dung vô cùng quan trọng trong trí huệ gia huấn của gia tộc. Đặc biệt ông thường nhắc nhở và nhấn mạnh điểm này với hai người con trai và các em trai của mình. Nếu muốn dùng lời nói lấn át người khác thì dẫu có thắng người ta cũng không phục.
Con người ngay khi sinh ra đã được ban cho hai con mắt để nhìn và quan sát kỹ hơn, hai bên tai để lắng nghe nhiều hơn. Nhưng mỗi người lại chỉ có một cái miệng. Đây chẳng phải là lời nhắc nhở kín đáo hãy nghe nhiều hơn, quan sát nhiều hơn và nói ít hơn hay sao? Bởi lẽ trong việc đối nhân xử thế, khiêm nhường một chút vẫn hơn.
Người nhiều dục vọng
Trong cuốn Cách ngôn liên bích của Kim Anh thời nhà Thanh viết rằng: “Tấm lòng của con người, nhiều dục vọng ắt hẹp hòi, ít dục vọng ắt rộng rãi. Trong kiếp nhân sinh, kẻ lắm dục vọng thì mệt mỏi, người ít dục vọng thì bình an”. Phật Đà cũng nói với chúng ta rằng: Nhiều dục vọng thì khổ, sinh tử mệt mỏi, bắt đầu từ tham dục, ít tham dục vô vi thì thân tâm đều tự tại.
“Nhiều dục vọng” trong câu “Nhiều dục vọng thì khổ” chỉ ra rằng theo đuổi dục vọng càng nhiều thì càng thống khổ. Tức là những mong cầu và dục vọng của con người trên thế gian chẳng khi nào thỏa mãn. Cảnh giới dục vọng mà chúng sinh truy cầu mặc dù muôn hình vạn trạng, nhưng chủ yếu không ra khỏi 5 loại dục vọng: Tài, sắc, danh, ăn uống, ngủ nghỉ.
Người nhiều dục vọng trong tâm khổ nhất, phiền não cũng nhiều nhất. Bởi lẽ trong quá trình truy cầu và thỏa mãn dục vọng, họ không nhất định có thể được thỏa lòng. Hễ gặp phải trắc trở và không truy cầu được, trong lòng sẽ sinh ra muôn vàn phiền não. Vậy nên mới nói: “Đa dục vi khổ” (Nhiều dục vọng thì khổ).
Trên thế giới này càng muốn được tự do tự tại, sống hạnh phúc thì điều quan trọng nhất là phải biết làm phép trừ, biết kiềm chế dục vọng của bản thân. Giống như Lão tử nói: “Vi đạo nhật tổn” (Vì đạo ngày càng hao tổn, trở thành vô vi), “thiểu tư quả dục” (Bớt tự tư, ít dục vọng).
“Sinh tử hữu mệnh, phú quý tại Thiên”. May mắn, tiền tài, phúc lộc, danh vọng, địa vị và nhan sắc không phải ngẫu nhiên hay tranh giành mà đạt được. Chúng chỉ được ban cho con người theo phúc phận và đức hạnh mà mỗi người mang theo trong đời trước hay kiếp này mà thôi. Nếu không phải của mình, dẫu tranh được thì dù cho giàu có tới đâu, cũng như nước chảy qua cầu mà thôi. Danh vọng và sắc đẹp cũng chỉ như ánh cầu vồng sau cơn mưa, đến thì nhanh mà tan thì chóng.
Người hay lo sợ
Trong cuộc sống, chúng ta thường sợ nọ sợ kia, sợ rất nhiều thứ. Nhưng thường thì càng sợ điều gì lại càng hay xảy ra điều đó.
Sợ hãi là một tấm vải quấn chân tiềm ẩn trong tâm chúng ta, khiến chúng ta không thể tiến về phía trước, tự nhốt mình trong nhà tù của chính mình. Trong cuộc sống hàng ngày, những người tâm lý không đủ mạnh mẽ chỉ có thể bị kìm kẹp lại và chẳng thể tiến về phía trước. Chỉ những người không lo trước sợ sau, có tố chất tâm lý kiên cường mới không bị đe dọa, mới có thể vượt trội.
Bạn lo trước sợ sau, sẽ khiến mình bị bó chân bó tay. Người hay sợ hãi thường tính toán được mất, nơm nớp lo âu, không dám làm gì. Kỳ thực lo sợ có tác dụng gì hay không? Những gì đến thì trước sau gì cũng sẽ đến. Khi đối diện với bất kỳ chuyện gì, đều cần giữ được một cái tâm bình thản, ung dung, trầm tĩnh, nhã nhặn mà đối nhân xử thế. Binh đến thì chặn, nước lên thì đắp đập be bờ.
Nếu bạn mỉm cười trước gương thì khuôn mặt trong gương cũng sẽ mỉm cười với bạn. Nếu bạn nguyện ý phó xuất cho người khác, cho cuộc sống nhiều hơn bạn cũng sẽ nhận được những món quà xứng đáng. Lo lắng chỉ khiến bạn lãng phí thời gian trải nghiệm và hưởng thụ hương vị của cuộc sống. Vạn sự trên đời đều đã được an bài tỉ mỉ.
Hãy tin rằng những gì cần đến với bạn là những gì tốt đẹp nhất, những người cần xuất hiện trong cuộc đời bạn đều là những người nên đến. Cứ mặc cho con tạo xoay vần, bởi gió rét và tuyết sương xuất hiện chỉ để hoa mai thêm rạng rỡ. Những bất trắc và khó nạn nếu tìm đến bạn cũng chỉ như ngọn lửa đốt đi những tạp chất để bạn trở nên thuần khiết như vàng ròng mà thôi. Thay vì sống trong sợ hãi hãy xoay chuyển những góc nhìn mới, trải nghiệm dư vị của cuộc sống và chiêm nghiệm ý nghĩa kiếp nhân sinh.
Người nhiều chuyện, thích so đo tính toán
Người nhiều chuyện thường thích cân đong đo đếm, thường bị coi là những kẻ thích sinh chuyện thị phi.
Trong cuộc sống hiện thực thường có kiểu người này. Họ thích “đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành”, tính toán được mất. Họ có thể sẵn sàng vì một chút lợi ích nhỏ nhoi mà tranh mà đấu với người khác, xưa nay không hề để bản thân phải chịu bất kỳ thiệt thòi nào. Dường như nhờ sự “thông minh” này của mình mà họ kiếm được không ít lợi lộc.
Ví như công ty phát cho nhân viên một lô tặng phẩm, cuối cùng dư lại một kiện, thì một viên chức tinh anh nào đó sẽ nhảy ra viện cớ này cớ kia để biến nó thành của mình. Trong khi những đồng nghiệp khác lại ngại ngùng chẳng dám nói chi… Kiểu người này có vẻ tinh anh, có vẻ vô cùng thực dụng, nhưng thực tế họ lại phạm phải một điều đại kỵ trong việc đối nhân xử thế.
Một vài người khi chung sống với những người khác thường đặt chữ “Lợi” lên vị trí hàng đầu. Họ không chịu thiệt thòi dẫu chỉ một chút, lợi lộc gì cũng muốn độc chiếm, và thích tính toán với người khác. Họ dương dương đắc ý cho rằng người khác không thông minh bằng mình, từ đó có thể “hôi cạn”, chiếm chút lợi. Dường như làm như vậy sẽ sống tốt hơn người khác một chút. Kiểu người này tâm lợi ích quá nặng, coi cái lợi là nhân tố quan trọng hàng đầu trong mối quan hệ giữa người với người. Họ sống rất khổ, rất mệt, khá căng thẳng và thiếu đi niềm vui.
Kỳ thực, nghĩ cho kỹ thì những người nhiều chuyện, cân đong đo đếm thường sống rất mệt mỏi, không hề chiếm được chút lợi lộc nào. Ngược lại còn khiến mọi người ghét bỏ. Vì chút lợi ích nhỏ nhoi, vì những chuyện vụn vặt mà canh cánh bên lòng, chỉ e con thuyền tâm linh không đủ nặng, con thuyền ký ức không đủ oằn mình. Những người như vậy sẽ khiến quá khứ thống khổ kéo dài tới tương lai.
Các cụ vẫn có câu: “Xởi lởi Trời gởi của cho, bo bo Trời gò của lại”, “Người yêu nên phúc, người ghét nên họa”. Khi bạn cho đi cuộc sống sẽ tặng lại bạn nhiều thứ hơn. Mẹ tự nhiên có khi nào toan tính với chúng ta? Dẫu chúng ta gửi lại cho Người rác thải và bao vật thải ô nhiễm nhưng không khí vẫn trong lành mỗi sớm mai, đất vẫn nuôi dưỡng vạn vật, mặt trời vẫn đều đặn tỏa sáng mỗi ngày. Ân đức ấy có khi nào chúng ta có thể trả được, cớ chi phải toan tính ngược xuôi?
Làm người phải học cách chừa lại cho người khác một đường lui, bất kỳ việc gì cũng đừng nên làm quá tuyệt tình. Mọi việc đều không tức giận, không so đo tính toán được mất thì có thể giúp con người tu dưỡng tâm tính, tôi luyện ý chí, rèn luyện một phong thái siêu phàm thoát tục ung dung, trầm tĩnh.
Hiểu Mai