Đại Kỷ Nguyên

4 phẩm chất cao quý nhất của người được Trời ban phúc lành, đạo lý nghìn năm nguyên giá trị

Tinh hoa xử thế, làm người của cổ nhân luôn là kho tàng quý báu chứa đựng những bài học nhân sinh sâu sắc cho hậu thế nghìn năm. Sự minh triết, thấu hiểu lẽ đời, đạo Trời của họ đôi khi khiến chúng ta phải giật mình tự đứng trước gương mà soi lại bản thân.

Con người sinh ra trong bể khổ, một đời bôn tẩu ngược xuôi rồi trăm năm lại qua như mộng ảo. Phật gia giảng, làm người là phải chịu khổ, khổ về tâm chí, khổ về thân thể, cuối cùng là trôi trong cái khổ mênh mông của lục đạo luân hồi nghìn vạn kiếp. Để thoát khỏi cái khổ trùng trùng ấy, người ta phải đặt công phu vào tu dưỡng chính mình. Dưới đây là 4 loại người có thể vượt ra khỏi bể trầm luân ấy.

Đạo Trời đền đáp người cần cù 

“Chu Dịch” viết: “Trời biến đổi mạnh mẽ không ngừng, người quân tử theo đạo ấy mà không ngừng tự vươn lên” (Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức). Ý tứ của nó chính là đời người phải lấy siêng năng, cần cù làm trọng. Người chăm chỉ, cần cù chính là hợp với đạo Trời, ý Trời, sẽ được phù hộ. Đây chính là đạo lý “Thiên Đạo thù cần” (Đạo Trời đền đáp người cần cù).

Tăng Quốc Phiên (1811 – 1872) là danh Nho lỗi lạc, công thần số một cuối thời nhà Thanh, từng dẹp yên khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc. Tấm gương tu thân dưỡng tính của ông khiến hậu thế phải nghiêng mình kính nể. Nhưng họ Tăng vốn không phải là người thông minh Trời phú, thậm chí tư chất của ông còn có vẻ kém cỏi người bình thường.

Có giai thoại kể rằng, thời thiếu niên ông ở nhà đọc sách. Một đêm, có tên trộm lẩn vào nhà, nấp trên xà ngang, có ý đợi Tăng Quốc Phiên đọc sách xong đi ngủ sẽ khua khoắng một phen. Thế nhưng đợi mãi mà họ Tăng vẫn cứ ngồi lì trước đèn, lật qua lật lại, đọc tới đọc lui một bài văn. Tên trộm sốt ruột, không cầm nổi giận dữ, nhảy ra quát lên: “Ngu tối như ngươi thì đọc được sách gì?“. Rồi hắn lập tức đọc thuộc lòng một lượt bài văn này, đoạn nghênh ngang bỏ đi để lại chủ nhà còn đương ngơ ngác.

Nhưng Tăng Quốc Phiên không vì vậy mà nản chí. Sau này, ông lại càng siêng năng, hiếu học, tu thân dưỡng tính, cuối cùng trở thành đại danh Nho, kinh luân đầy bụng, ra ngoài làm tướng vào triều làm quan, được sử xanh lưu danh đời đời. Còn tên trộm láu lỉnh, thông minh kia thì bị vùi lấp vĩnh viễn trong dòng sông dài của lịch sử.

Người biết nỗ lực, cần cù, thuận theo tự nhiên mà gắng công bỏ sức thì chính là sống hợp với Đạo Trời. Bởi hợp với Đạo Trời nên họ sẽ được Trời chở che, nâng đỡ, đáp đền. Tăng Quốc Phiên tư chất chậm chạp, kém cỏi nhưng nhờ cần cù, sống theo Đạo Trời, tự tu chính mình nên mới được phúc báo lớn đến vậy.

Người xưa nói: “Thuận theo Đạo Trời thì hưng, ngược với Đạo Trời thì suy“, quả là đúng vậy thay!

Đạo Trời đền đáp người cần cù. Ảnh dẫn theo pinterest.com

Đạo của Đất đền đáp người thiện lương

Đó chính là: “Địa Đạo thù thiện“, ý tứ lấy từ một quẻ bói của Chu Dịch: “Đất có thế của quẻ Khôn, người quân tử lấy đức dày mà nâng đỡ vạn vật” (Địa thế Khôn, quân tử dĩ hậu đức tải vật). Người ta thuận theo đạo của Đất, ôn nhu, mềm dẻo mà chở che, khoan dung vạn sự vạn vật thì sẽ đắc phúc báo.

Vào thời Xuân Thu (722 – 481 TCN), ở Ế Tang, Triệu Thuẫn (quyền thần nước Tấn) chợt nhìn thấy một người sắp chết đói bên đường. Ông liền cho anh ta thực phẩm. Người bị đói lại chỉ ăn một nửa, còn một nửa gói ghém cẩn thận. Triệu Thuẫn lấy làm lạ, thắc mắc hỏi nguyên do. Người đó nói muốn đem đồ ăn này giữ lại cho mẹ mình. Triệu Thuẫn cảm thương lòng hiếu thảo, để người đó ăn uống thỏa thích, lại chuẩn bị một mâm cơm thịt cho anh ta đem về dâng mẹ.

Về sau Tấn Linh Công tập kích, định giết Triệu Thuẫn. Ngay trong lúc ngàn cân treo sợi tóc, giáp sĩ của Linh Công đuổi gấp sau lưng, bỗng đâu có một võ sĩ xông ra chặn đường, đánh bật quân địch trở lại, cứu thoát Triệu Thuẫn. Bấy giờ, sau khi thoát nạn hoàn hồn, Triệu Thuẫn mới ấp úng tạ ơn và hỏi lai lịch người anh hùng nọ.

Người đó trả lời: “Tôi chính là người bị đói ở Ế Tang năm xưa, nhờ được minh công cứu giúp một bát cơm, lại cho cơm mang về dâng mẹ. Ơn ấy nay phải trả!“. Triệu Thuẫn bấy giờ mới cả mừng hỏi tên tuổi. Thì ra người ấy chính là Linh Chiếp, một trong những hiệp sĩ nổi tiếng thời Xuân Thu.

Đạo của Đất đền đáp người thiện lương. Ảnh dẫn theo pinterest.com

Đạo của Thương nghiệp đền đáp người giữ chữ tín

Đạo lý: “Thương Đạo thù tín” này lấy từ một câu trong “Luận Ngữ”: “Người không có uy tín thì chẳng thể lập thân” (Nhân vô tín bất lập). Trong công việc kinh doanh, giữ được sự thành thật và chữ tín thì mọi việc đều thuận lợi.

Hồ Tuyết Nham (1823 – 1885) là thương gia giàu nhất Hàng Châu cuối thế kỷ 19. Xuất thân nghèo khó nhưng bằng tài năng và nỗ lực của mình, ông đã trở thành thương gia giàu có nhất Hàng Châu. Hồ Tuyết Nham luôn giữ được sự thành tín trong kinh doanh. Ông khởi nghiệp bằng nghề kinh doanh hiệu thuốc. Thuốc ở tiệm của ông đều là hàng thật, đúng giá, lại rất chất lượng. Ví như để chế tạo “Kim Lộc Hoàn” cần phải có đủ hơn 30 loại lộc hươu. Để bảo đảm chất lượng nguyên liệu, Hồ Tuyết Nham không tiếc tiền, bỏ vốn mở một bãi đất nuôi hươu lấy lộc.

Nguyên tắc làm ăn của ông chính là không để đối phương chịu tổn thương, giao dịch phải là đôi bên cùng có lợi, không vì chiếm phần lợi nhỏ của mình mà làm tổn hại đến “Thương Đạo”. Có người đến cầm cố gia sản để lấy vốn mở rộng kinh doanh, ông sẵn sàng cho cầm cố với mức giá cao nhất, còn cao hơn cả giá thị trường, không vì người khác khó khăn mà ép giá, trục lợi.

Hồ Tuyết Nham có một câu nói nổi tiếng: “Ai cũng có ngày mưa không mang theo dù, hãy cho họ dùng nhờ“. Sự thành tín không chỉ tạo dựng nên sản nghiệp lớn mà còn ghi tiếng tăm ông vào sử sách.

Đạo của Thương nghiệp đền đáp người giữ chữ tín. Ảnh dẫn theo pinterest.com

Đạo của nghề nghiệp đền đáp cho người dốc lòng chuyên tâm

Đây chính là đạo lý: “Nghiệp đạo thù tinh“. Trong “Tiến Học Giải” của Hàn Dũ viết: “Nghề nghiệp tinh thông với người cần cù mà hoang phế với sự chơi đùa” (Nghiệp tinh vu cần, hoang vu hi). Ý tứ ở đây là chỉ có cần cù học hành, khổ công luyện tập thì mới đạt được đến độ tinh thông trong học thuật, sau này nghề nghiệp cũng sẽ thành công, tinh tiến.

Vương Hiến Chi là con của Vương Hi Chi, nhà thư pháp xuất chúng thời Đông Tấn (317 – 420). Từ nhỏ, Hiến Chi đã theo cha học tập thư pháp. Có lần, ông xin cha chỉ dạy bí quyết then chốt nhất để tạo ra một bức thư pháp đẹp. Vương Hi Chi chỉ vào 18 thùng nước lớn trong vườn, nghiêm giọng nói: “Bí quyết viết chữ chính là trong những thùng nước này. Con hãy lấy 18 thùng nước lớn này làm mực mà viết, sau đó sẽ hiểu rõ“.

Hiến Chi nghe lời cha dạy, kiên trì ngày ngày khổ luyện, cần cù học tập, cuối cùng chấm bút viết khô cả 18 thùng nước. Đến lúc ấy, trình độ thư pháp của ông đã vô cùng tuyệt mĩ, không những kế thừa phong cách của cha mà còn khai sáng ra một bút pháp riêng biệt của mình. Hai cha con họ Vương được người đời xưng tụng là “Thảo thánh nhị Vương”.

***

Có câu: “Gái có công thì chồng chẳng phụ“. Chỉ khi bạn bỏ ra công phu tu dưỡng thì mới có được những điều tuyệt vời nhất. Người xưa coi việc sống thuận Đạo Trời, hành hiệp trượng nghĩa, tích đức hành thiện, tu dưỡng tâm tính là những điểm then chốt nhất của đạo làm người. Chỉ khi bồi bổ cái gốc ấy tươi tốt, người ta mới có thể có tương lai.

Cần cù, lương thiện, giữ chữ tín hay dốc lòng chuyên tâm đều là những phẩm cách đạo đức tốt đẹp, nghìn đời còn nguyên giá trị. Nó không phải là loại đạo đức khô cứng dùng để bày biện trong tủ kính bảo tàng mà là thứ có tính ứng dụng hiệu quả phi thường. Xã hội hiện đại ngày càng phát triển, khoa học công nghệ đang khiến con người rời bỏ dần các giá trị nhân sinh truyền thống. Máy móc đã làm thay người ta quá nhiều việc. Sự tu dưỡng cá nhân bỗng trở thành xa xỉ.

Nhưng kinh nghiệm cho thấy rằng, tu tâm dưỡng tính luôn là cái gốc của đạo làm người. Người xưa nói: “Ngọc bất trác bất thành khí. Nhân bất học bất tri lý” (Ngọc không mài giũa thì không đẹp, người không học thì không biết lý lẽ), quả là đúng thay!

Đó gọi là:

Tâm lành có Đạo, tâm tự sáng
Người hiền hiểu lý, người dứt mê 

Văn Nhược 

Xem thêm: 

Exit mobile version