Đại Kỷ Nguyên

5 chiến thuật kinh điển trong binh pháp giúp cuộc đời bạn thay đổi chỉ sau 1 đêm

Lời toà soạnCác dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay. 

Bạn từng nghe đến “Binh pháp Tôn Tử” như một thứ bí kíp cao siêu mà chỉ những ai nghiên cứu chiến thuật quân sự mới cần quan tâm. Nhưng cũng có những thứ triết lý gần gũi với cuộc sống hơn, có thể áp dụng trực tiếp và làm thay đổi cuộc đời bạn một cách hết sức nhẹ nhàng.

Hãy cùng tham khảo một số câu chuyện về chiến thuật dưới đây, chúng là những câu chuyện có thật, có thể truyền cảm hứng để bạn có những giải pháp trong cuộc sống hàng ngày, từ gia đình cho đến công việc, và tất cả những mối quan hệ thân thuộc bên bạn.

1. Gặm nhấm xung quanh rìa bánh Chapati

Một bức tranh Kautilya của họa sĩ. (Wikimedia Commons)

Kautilya là viên cố vấn của vua Chandra Gupta, người cai trị một phần lớn lãnh thổ phía đông bắc Ấn Độ vào thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên. Theo National Geographic (Kênh Địa lý Quốc gia), truyền thuyết kể lại: “Kautilya đã nghĩ ra một cách đánh bại vương quốc Nanda sau khi chứng kiến một cậu bé ăn bánh chapati (bánh mì dẹt của Ấn Độ) bằng cách gặm nhấm xung quanh phần rìa. Sau đó, Chandra Gupta bắt đầu thôn tính Nanda bằng cách càn quét các vương quốc chư hầu của họ”.

Bánh Chapati. (Jamie Rodgers/iStock/Thinkstock)

Áp dụng trong cuộc sống hiện đại thường ngày:

Bạn đều có thể lấy cảm hứng từ chiến lược của Kautilya, cho dù đó là một nhiệm vụ có vẻ bất khả thi, một thị trường mà doanh nghiệp mà bạn dường như không có khả năng chen chân, một người quan trọng bạn muốn kết giao (có thể là một người quyền thế khó tiếp cận, hay một ngôi sao âm nhạc, một cô gái, một chàng trai nào đó…).

Hãy nhìn vào các nhiệm vụ trong phạm vi nhỏ hơn mà bạn có thể dễ dàng thực hiện, hãy thực hiện nó, chọn làm những việc nhỏ xung quanh rìa. Từ từ, từng chút một, mưa dầm thấm đất, nước chảy đá mòn… cuối cùng rồi sẽ đến một ngày nhiệm vụ “bất khả thi” kia sẽ trở thành đơn giản.

Trong binh pháp Tôn Tử thì đây gọi là tránh chỗ mạnh của địch mà tập trung vào chỗ địch yếu nhất, đánh vào chỗ địch không ngờ thì ta hoàn toàn có thể lật ngược tình thế, chuyển bại thành thắng! Vì vậy phải xác định rõ đâu là nơi cần tránh, đâu là nơi cần đụng, cái gì cần gấp rút hoàn thành, cái gì cần từ từ mà làm mới được.

2. Nhà sử gia Xenophon và tầm quan trọng của việc gắn kết

Tượng điêu khắc Xenophon. (Wikimedia Commons)

Xenophon (khoảng 430 – 354 trước Công nguyên) dẫn một đội quân gồm 10.000 binh lính Hy Lạp rút lui từ sâu bên trong lãnh thổ Ba Tư đi ra. Ban đầu, mục tiêu của chiến dịch này là chiếm lấy ngai vàng của Ba Tư dưới danh nghĩa vua Cyrus the Younger nhưng kế hoạch đã thất bại vì nhà vua bất ngờ qua đời. Cuộc tháo chạy của Xenophon là một chiến dịch đầy trắc trở khi phải băng qua sa mạc và đồi núi trong khi quân địch đuổi sát phía sau.

Ông phát hiện rằng nếu ông để những binh lính nhanh nhẹn lên tuyến trước và những binh lính chậm chạp ra tuyến sau thì khoảng cách giữa hai nhóm sẽ nhanh chóng nới rộng, từ đó đội quân bị phân tán thành từng nhóm rời rạc và trở nên dễ bị tấn công. Thay vào đó, nếu đặt các binh lính chậm pháp lên tuyến đầu và các binh lính nhanh nhẹn ra tuyến sau, ông thống nhất đội quân thành một lực lượng hùng mạnh. Những binh lính nhanh nhẹn phía sau có thể dịch chuyển nhanh chóng để bảo vệ lực lượng chủ chốt trước các cuộc tấn công.

Áp dụng trong cuộc sống hiện đại thường ngày:

Cân bằng điểm mạnh và điểm yếu trong đội ngũ, hoặc tạo dựng liên minh để tận dụng lợi thế của tất cả mọi người. Có thể bạn là một giáo viên đang dẫn một nhóm học sinh tiểu học đi dã ngoại, và bạn cần giữ chúng lại với nhau để có thể trông chừng tốt hơn, vậy hãy đặt những đứa chậm chạp ở phía trước.

Có thể bạn đang dẫn dắt một dự án xây dựng và bạn phải giúp các thành viên trong nhóm phối hợp nhịp nhàng. Khi đó thay vì để những người năng suất cao chờ đợi trong khi những người năng suất thấp làm khâu chuẩn bị, thì ngược lại, bạn có thể giao những người năng suất cao làm công việc chuẩn bị và những người năng suất thấp sửa chữa hoàn thiện các sản phẩm đó.

Trong vấn đề nhân sự, bạn cần phân bổ nhân viên đúng vị trí của họ, công việc cần người nhanh nhẹn tháo vát thì phải chọn lấy người có đặc tính này và ngược lại, công việc cần người chu toàn cẩn thận thì phải tìm người tương ứng. Ai cũng có mặt mạnh và mặt yếu, tính cách không giống nhau, nhưng quan trọng là việc bạn nắm rõ mặt mạnh yếu của từng người mà quyết định sử dụng trong những tình huống cụ thể để đạt được hiệu suất tối đa.

3. Lối sống giản dị và đạo đức cao thượng của Nhạc Phi

Bức họa “Trận đánh trấn Chu Tiên”, miêu tả một trận chiến trong đó Nhạc Phi nổi bật giữa chiến trận. (Rolf Müller/Wikimedia Commons)

Tuy có rất nhiều các chiến thuật quân sự được coi là lỗi lạc trong lịch sử đều chủ yếu tập trung vào các mánh khóe mưu mẹo, từ đó giành thế chủ động dựa vào yếu tố bất ngờ, nhưng một danh tướng thời Nam Tống – Trung Hoa đã chọn một hướng đi khác.

Chiến thuật của ông khá linh hoạt. Lấy ví dụ, khi giao chiến với quân đội Nữ Chân, ông chọn chiến thuật tấn công với cường độ ít nhất nhưng lại cho ra hiệu quả lớn nhất. Quân đội của ông sẽ tấn công quy mô nhỏ bất thường về đêm. Quân địch sẽ trở nên sợ hãi và rút lui. Nhạc Phi cũng cố gắng tạo ra sự bất đồng trong nội bộ quân địch.

Ngoài ra, đạo đức cao thượng còn giúp ông lấy được sự ủng hộ không suy suyển của binh sĩ và người dân, và vì thế mà ông trở thành một vị tướng tài giỏi. Một câu nói trong quân đội của ông là: “Tôi thà cóng đến chết chứ không kéo đổ nhà dân. Tôi thà đói đến chết chứ không cướp giật của dân”. Trong doanh trại của ông, việc can nhiễu đến thóc lúa của nông dân sẽ bị xử chém đầu.

Nhạc Phi sống một cuộc sống giản dị và muốn đảm bảo rằng binh sĩ và thân quyến của họ được chu cấp đầy đủ. Ông tự thân đến an ủi những binh sĩ bị thương và chăm sóc gia đình của những viên tướng đã ngã xuống nơi sa trường.

Áp dụng trong cuộc sống hiện đại thường ngày:

Hãy trở nên linh hoạt, chọn phương án giải quyết vấn đề nhằm tạo ra ít tổn thất nhất ở cả hai phía. Quan tâm đến người khác và giữ vững sự trung thành sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn bởi vì bạn sẽ có được sự ủng hộ của rất nhiều người đằng sau. Hãy dẫn đầu bằng cách tự mình làm gương.

Làm người thì cần có những tiêu chuẩn đạo đức, những lý tưởng sống mạnh mẽ, tốt đẹp, và bạn phải tuân thủ nó, chỉ khi ấy mới lấy được thiện cảm và lòng tin của mọi người, lúc đó bạn mới có thể làm những điều vĩ đại.

4. Nhà quý tộc Ba Tư tự cắt mũi mình

Zopyrus, một nhà quý tộc người Ba Tư đã được đề cập đến trong sách sử học của Herodotus. (Wikimedia Commons)

Quân đội Ba Tư của Darius đại đế đã phải đối mặt với một thành trì Babylon kiên cường khoảng năm 500 trước Công nguyên. Quân đội của nhà vua đã bao vây thành Babylon trong một năm rưỡi, nhưng không thể xông phá vào bên trong.

Một ngày nọ nhà quý tộc người Ba Tư Zopyrus đã đến trước cổng thành Babylon với đôi tai và chiếc mũi bị cắt rời cùng với vết đánh roi hằn sâu lên cơ thể. Ông nói Darius đã trừng phạt vì ông không thể đánh bại thành Babylon và ông muốn trả thù Darius bằng cách giúp người dân thành Babylon đánh bại quân đội Ba Tư.

Điều điên rồ là, Zopyrus đã tự làm vậy với mình chỉ để đạt được sự tin tưởng của dân chúng thành Babylon. Và ông đã chiến thắng. Họ mở cổng thành cho ông vào và ngay sau đó thì thành này bị tiêu diệt.

Áp dụng trong cuộc sống hiện đại thường ngày:

Có lẽ tốt nhất là không nên bắt chước bài học này một cách thô thiển, nhưng thỉnh thoảng bạn có thể phải hy sinh một thứ gì đó bạn yêu quý để đạt được thứ bạn yêu quý hơn. Có thể bạn phải chấp nhận một mức lương thấp hơn để làm một công việc bạn yêu thích hơn, hay có thể bạn phải liều lĩnh hơn và chuyển đến một vùng đất mới để nắm lấy một cơ hội tuyệt vời nơi đó.

5. Ngồi xuống và thư giãn

Gia Cát Lượng. (Wikimedia Commons)

Gia Cát Lượng đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch bảo vệ Tây thành trước sự xâm lược của binh lính nước Ngụy vào thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên. Quân địch có hơn 150.000 lính, còn bên ông chỉ vẻn vẹn hơn 300 người lính già, ốm yếu. Ấy vậy ông lại không hề lo sợ, mà để cổng thành mở rộng và bảo người dân trong thành tiếp tục cuộc sống sinh hoạt như thường lệ. Ông thậm chí còn chơi đàn và thưởng trà trên tường thành. Đội quân tiến đánh liền sinh nghi. Nó quá dễ dàng, và tại sao Gia Cát Lượng lại điềm tĩnh thế kia? Họ đi vòng xung quanh thị trấn, nghi ngại vì có thể tiềm ẩn bẫy bên trong. Cuối cùng họ đã không tiến đánh và lui binh quay về.

Áp dụng trong cuộc sống hiện đại thường ngày:

Nếu bạn luôn luôn sắn tay áo và trong tư thế sẵn sáng chiến đấu, có thể bạn sẽ dính vào một cuộc chiến. Nếu bạn coi nó thật nhẹ và buông bỏ căng thẳng, có thể sự thù địch sẽ đi vòng qua bạn.

Trong cuộc sống cũng vậy, có đôi khi bạn nghĩ là phải “tiến” nhưng thực tế “lùi” mới là sự lựa chọn khôn ngoan nhất. Khi mọi thứ xung quanh bạn đang rối loạn, thì có thể nó đang chờ một khoảng tĩnh lặng đến từ bên trong bạn. Lúc đó mọi thứ rối loạn sẽ chợt tan biến như bầu trời quang mây sau cơn mưa lớn. Hãy thử và làm theo, có thể bạn sẽ thấy đây chính là một điều kỳ diệu của tạo hoá.

Theo Tara MacIsaac, Epoch Times

Quý Khải biên dịch

Chân Phong hiệu đính

Xem thêm:

Exit mobile version