Đại Kỷ Nguyên

5 con chiến mã độc đáo nhất thời Tam Quốc, là ‘bảo bối’ của các anh hùng (Phần 2)

Lời toà soạnCác dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay. 

Trong suốt thời Tam Quốc, nhiều vị anh hùng đã được vinh danh, cũng có nhiều chiến mã đã được ngợi ca bởi sự trung thành, can đảm và bền bỉ. “Tuấn mã phải đi với anh hùng”, chúng không chỉ được lưu truyền trong sử sách, mà còn được hình tượng hóa trong các tác phẩm văn học, nhạc kịch, và điện ảnh. Xích Thố của Quan Vân Trường có màu đỏ nổi bật, Ô Vân Đạp Tuyết của Trương Phi lại có màu đen như chủ nhân… Mỗi con ngựa nổi tiếng ấy lại có một đặc điểm, một món “võ nghệ” riêng biệt.

3. Ngựa Đích Lô

Đích Lô vốn là ngựa của Trương Vũ, một tướng dưới trướng danh sĩ dòng dõi hoàng tộc thời nhà Hán là Lưu Biểu. Sau này, Trương Vũ phản bội lại Lưu Biểu. Lưu Bị vì thất bại trong trận giao chiến với Tào Tháo nên về đầu quân cho Lưu Biểu. Hai người cùng trong hoàng thất, đợi thời cơ làm lại sự nghiệp.

Lưu Bị nhìn thấy ngựa của Trương Vũ cho rằng đây là một con tuấn mã, liền hết lời ca ngợi rằng: “Con ngựa này chắc chắn là ngựa thiên lý”. Tướng của Lưu Bị lúc đó là Triệu Vân lập tức hiểu ngay ý của chủ nhân, liền tìm cách lấy con ngựa quý này cho ông.

Lưu Bị đặc biệt yêu thích con ngựa quý này, thích ngay từ cái nhìn đầu tiên, nên rất an tâm cưỡi nó rong ruổi bốn phương.

Khi Lưu Biểu nhìn thấy con ngựa này cũng khen không ngớt lời. Lưu Bị đang không biết lấy gì để báo đáp Lưu Biểu liền tặng con ngựa này cho ông. Biểu cảm kích nhận ngựa, nhưng ngày hôm sau lại đem trả cho Huyền Đức, vì nghe một người giỏi xem tướng ngựa bảo: “Có quầng mắt, trên đầu có những đốm trắng, lại tên Đích Lô, ắt là ngựa sát chủ!“, còn nói rằng: “Trương Vũ cưỡi con ngựa này bị chết”, chính là minh chứng, nên vội vàng tìm cớ trả lại cho Lưu Bị.

Hôm sau, khi Huyền Đức từ biệt Lưu Biểu, vừa ra khỏi thành, gặp một người tên là Y Tịch nói: “Nghe nói Lưu Biểu trả lại ông ngựa này vì cưỡi thì hại chủ. Vậy ông còn cưỡi làm gì?”. Huyền Đức đáp: “Người ta sống chết có mệnh, con ngựa hại thế nào được!”. Một hôm, Sái Mạo, em vợ sau của Lưu Biểu, rắp tâm hãm hại Huyền Đức vì ông đã dám can ngăn Lưu Biểu đừng bỏ trưởng lập thứ. Người con thứ của Lưu Biểu là cháu, kêu Sái Mạo bằng cậu.

Huyền Đức hay tin phóng lên ngựa Đích Lô bỏ trốn. Khi đi đến suối Đàn Khê rộng lớn, nước chảy xiết, Huyền Đức gò ngựa trở lại. Nhưng thấy quân của Sái Mạo đã đến, không còn cách nào hơn, Huyền Đức lại quất ngựa xuống suối. Đi được vài bước, ngựa ngã quỵ hai chân trước, làm ướt hết cả áo bào. Huyền Đức chìm dưới nước vung roi hô lớn: “Đích Lô! Đích Lô! Nay mi hại ta rồi!”.

Nói vừa dứt lời, Huyền Đức bỗng thấy Đích Lô vùng lên, vọt thẳng sang đỉnh núi bờ bên kia, lập một thần tích chưa từng có trong lịch sử về loài ngựa. Sái Mạo nhìn thấy cảnh đó, quay lui bảo với tả hữu rằng: “Người ấy có Thần nào giúp vậy? Thật là một con ngựa uy dũng!”. Sau đó, Lưu Bị càng không tin chuyện “Đích Lô sát chủ”, ông càng thêm yêu quý con ngựa này hơn.

Khi đem quân đi đánh nước Thục, thấy ngựa của Bàng Thống, một trong những mưu sĩ lớn của Lưu Bị già yếu quá. Để thể hiện sự trọng dụng, Lưu Bị đã đem ngựa yêu của mình tặng cho Thống. Ai ngờ Bàng Thống không có phúc được hưởng, vừa mới cưỡi lên Đích Lô đã bị kẻ địch tưởng nhầm là Lưu Bị nên bắn chết. Sau này ngựa Đích Lô cũng không rõ lưu lạc về đâu. Thế mới thấy, mỗi tuấn mã sinh ra cũng chỉ vì 1 người mà thôi!

4. Ngựa Bạch Long

Được biết đến là một trong “ngũ hổ tướng” của Lưu Bị, hình ảnh Triệu Vân gắn liền với ngựa Bạch Long đã quá nổi tiếng. Bạch Long Mã là con ngựa đẹp đẽ, dũng mãnh, từng giúp Triệu Tử Long lập nên nhiều chiến công hiển hách.

Hình ảnh ngựa trắng, giáp trắng, áo trắng, mão trắng… đã khắc hoạ lên một phần hình tượng về Triệu Vân.

Trong trận chiến để đời tại Đương Dương Trường Bản, một mình Triệu Vân cưỡi ngựa Bạch Long phá vây hàng vạn quân Tào, cứu sống hậu chủ A Đẩu, chém gãy 2 lá cờ to, giết hơn 50 tướng, đoạt gươm báu Thanh Công – gươm mạ vàng của Tào Tháo (có thể chém gãy các loại binh khí) giữa muôn trùng vây, đã làm nên tên tuổi của vị anh hùng xuất chúng này. Chẳng thế mà mặc dù Tào Tháo bị tổn thất nặng như thế, nhưng kiên quyết không cho cung thủ bắn lén mà phải bắt sống bằng được Triệu Vân về, nhưng vận may đã không mỉm cười với ông…

Tào Tháo thất kinh khi thấy người anh hùng đang giao chiến dữ dội ở đằng xa…

Người đời nay vẫn còn lưu truyền bài thơ về việc Triệu Vân cứu Chúa trong trận Đương Dương nổi tiếng này:

Máu đỏ chan hòa áo giáp hồng

Đương Dương ai kẻ dám tranh hùng

Xưa nay cứu Chúa xông trăm trận

Chỉ có Thường Sơn Triệu Tử Long

Vị chiến tướng ấy với hình ảnh tay cầm trường thương, mình cưỡi lên ngựa Bạch Long, sẽ mãi khắc sâu vào trong tâm trí những người yêu Tam Quốc!

5. Ô Vân Đạp Tuyết

Ô Vân Đạp Tuyết còn có tên là Vương Truy Mã, sống ở thế kỷ thứ hai, toàn thân màu đen nhưng bốn vó màu trắng. Đây là ngựa của Trương Phi, người anh em kết nghĩa với Lưu Bị và Quan Công, được coi là “anh hùng tuấn mã”.

Ô Vân Đạp Tuyết đen tuyền, con ngựa mà Trương Phi “coi như con đẻ”. (Ảnh minh hoạ: Internet)

Ngựa của Trương Phi có tên rất ý nghĩa: Vương Truy Mã có nghĩa là con ngựa đi theo hầu hạ Đại Vương. Tương truyền Trương Phi và Ô Vân Đạp Tuyết đều đen như nhau. Trương Phi quý chú ngựa này như con đẻ, thường xuyên tự tay tắm rửa cho ngựa quý.

Người đời về sau thường nói người dũng mãnh cưỡi ngựa dũng mãnh. Quan Công từng nói: “Người tôi nặng nề, ngựa không vác nổi nên thường hay gầy, chính vì vậy mà tôi không thể cưỡi ngựa bình thường được”. Trương Phi cũng vậy, ngựa bình thường thì không xứng với hào khí phi thường của chiến tướng kiêu dũng này được.

Trên phim ảnh, chiến mã của Trương Phi tuy không được làm nổi bật như chủ nhân, nhưng nếu không có nó, Trương Phi cũng rất khó để nổi tiếng đến vậy.

Trong suốt thời Tam Quốc, nhiều vị anh hùng đã được vinh danh, và cũng có nhiều chiến mã đã được ngợi ca bởi sự trung thành, can đảm và bền bỉ. Chúng không chỉ được lưu truyền trong sử sách, mà còn được hình tượng hóa trong các tác phẩm văn học, nhạc kịch, và điện ảnh.

Chân Phong

Xem thêm:

Exit mobile version