Đại Kỷ Nguyên

6 cái chết bi tráng nhất lịch sử của tướng quân Trung Hoa

Từ xưa đến nay, không chỉ ở Việt Nam mà trong lịch sử các triều đại của Trung Hoa cũng xuất hiện những tướng quân anh hùng mà cái chết của họ khiến người đời rung động mãi không thôi. Trong đó có thể kể đến 6 cái chết bi tráng nhất dưới đây:

1. Nhạc Phi bị giết ở đình Phong Ba

Câu chuyện Nhạc Phi anh dũng chống quân Kim với 126 trận toàn thắng, bảo vệ quốc gia đã trở nên nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Ông là một trong những vị tướng nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc, chức tước của ông trước khi bị giết là Đại nguyên soái. Nhưng điều đáng tiếc là danh tướng của triều đại Nam Tống này lại không chết trận trên chiến trường mà lại chết thảm trong lao ngục của triều đình. Cái chết của Nhạc Phi không chỉ khiến mọi người phẫn nộ mà càng là thổn thức than thở mãi không thôi!

2. Trương Thế Kiệt và trận chiến Nhai Sơn

Trận chiến Nhai Sơn là trận chiến cuối cùng giữa triều đại nhà Tống và triều đại nhà Nguyên. Trận chiến này liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của triều đình Nam Tống, thậm chí cả sự tồn vong của dân tộc Trung Hoa.

Dù chỉ có lực lượng bằng một phần mười đối phương, quân Nguyên dưới sự chỉ huy của Trương Hoằng Phạm đã đánh bại hoàn toàn quân Tống của Trương Thế Kiệt. Trận chiến khiến cho hơn 100.000 binh lính, quan lại và người hầu của nhà Tống thiệt mạng trong đó có cả tiểu hoàng đế Tống Đế Bính. Phụ chính đại thần Lục Tú Phu ôm ông vua cuối cùng của nhà Tống nhảy xuống biển tự vẫn. Trận Nhai Sơn đã đánh dấu sự diệt vong của nhà Tống và hoàn thành quá trình chinh phục Trung Quốc của nhà Nguyên.

Theo “Tống Sử” ghi chép lại rằng, 7 ngày sau trận chiến này, người ta thấy cả trăm ngàn xác người chết trôi nổi trên biển. Dương Thái Hậu sau khi nghe tin hoàng đế Tống Đế Bính chết đã đi đến bờ biển tự sát. Trương Thế Kiệt đem thi thể của Dương Thái Hậu chôn cất bên bờ biển sau đó không lâu, Trương Thế Kiệt cũng bị chết chìm mất tích trong một trận bão.

Truyền thuyết nói rằng, Trương Thế Kiệt trong mưa gió đã hỏi trời, nếu như trời để Đại Tống bị diệt vong thì hãy để cho thuyền bị chìm dưới biển này. Cuối cùng, quả nhiên trong gió táp mưa sa, thuyền chìm, người chết, đất nước vong, thiên hạ vong.

3. Văn Thiên Tường thà chết không chịu khuất phục

Văn Thiên Tường được xưng là anh hùng dân tộc của Trung Hoa và là nhà thơ nổi tiếng vào những năm cuối Nam Tống. Thời ấy, quân Mông Nguyên xâm lược Trung Nguyên, tình hình chính quyền triều đại Nam Tống bất ổn định.

Văn Thiên Tường là một vị quan văn, nhưng vì phản đối Mông Nguyên xâm lược, bảo vệ đất nước nên ông đã dũng cảm ra chiến trường. Ông nói với mọi người rằng: “Cứu nước như cứu cha mẹ. Cha mẹ có bệnh, cho dù là bệnh khó chữa trị thì con cái vẫn phải toàn lực cứu chữa!” Năm 1278, Văn Thiên Tường bị bắt làm tù binh.

Trên đường bị áp giải đến Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay), Văn Thiên Tường đã viết: “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử? Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.” (Tạm dịch: Xưa nay hỏi có ai không chết? Hãy để lòng son chiếu sử xanh). Câu thơ này đã trở thành một áng thơ ca bất hủ nghìn đời. Nguyên thế tổ Hốt Tất Liệt đã dùng quan to lộc hậu để dụ Văn Thiên Tường chiêu hàng nhưng ông thà chết không chịu khuất phục.

Ngàn đời sau, tinh thần ái quốc của Văn Thiên Tường đã đời đời tương truyền, trở thành tài phú tinh thần trong cộng đồng dân tộc Trung Hoa.

4. Phạm Thành Đại phụng mệnh đi sứ

Nếu như nói Lục Du (nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc) chỉ có thể mang trong lòng tràn đầy phẫn hận mà chết già ở vùng núi hoang dã thì Phạm Thành Đại lại dùng hành động thực tế mà bảo vệ danh dự của dân tộc Trung Hoa. Năm 1170, Hoàng đế Hiếu Tông của triều đại Nam Tống quyết tâm bãi bỏ việc Tống đế phải đích thân bước xuống quỳ lạy trước mặt đại sư nước Kim nhận thư rồi chuyển cho nội thị. Đây là một lễ nghi có tính sỉ nhục. Đại thần trong triều đều sợ hãi, tất cả quan văn võ trong triều không ai dám phụng mệnh đi.

Thế là Phạm Thành Đại đứng ra nhận trách nhiệm đến nước Kim thuyết phục Kim Thế Tông cho bỏ qua lễ tiết như vậy. Ông ta ở nước Kim bị hại nhưng không vì thế mà làm nhục sứ mệnh. Trên đường đi sứ, ông đã viết: “Châu kiều nam bắc thị thiên nhai, phụ lão niên niên đẳng giá hồi. Nhẫn lệ thất thanh tuân sử giả: Kỷ thì chân hữu lục quân lai?” (Tạm dịch nghĩa: Phía nam phía bắc cầu Châu đều là đường kinh. Phụ lão đã nhiều năm chờ xe vua trở về. Nuốt nước mắt nghẹn ngào hỏi sứ giả: Bao giờ thì 6 đoàn quân thực sự đến?”)  Bài thơ này đã trở thành thiên cổ có một không hai trong lịch sử văn hóa Trung Hoa.

5. Sử Khả Pháp giữ thành Dương Châu

Sử Khả Pháp là danh tướng vào cuối thời Minh kháng Thanh. Năm 1645, Mãn Thanh xâm lược Trung Nguyên, quân Dương Châu khốn đốn. Sử Khả Pháp dẫn quân kháng Thanh, chỉ huy quân Dương Châu. Vào ban đêm, thành Dương Châu bị phá, quân Thanh ra lời kêu gọi chiêu hàng, Sử Khả Pháp hô to:  “Thành vong dữ vong, ngã ý dĩ quyết, tức toái thi vạn đoạn, cam chi như di, đãn dương thành bách vạn sinh linh bất khả sát lục!” (Tạm dịch: Thành vong cùng vong, ý ta đã quyết, cho dù là bị bầm thây vạn đoạn cũng vui vẻ chịu đựng nhưng Dương Thành trăm vạn sinh linh không thể giết hại). Sau đó, ông bị đưa đi hành hình.

Cho dù dân chúng thành Dương Châu bị quân Thanh tàn sát hơn 10 ngày liền nhưng phong thái của Sử Khả Pháp cùng sống chết với thành Dương Châu vẫn được người đời sau ghi nhớ mãi.

6. Trương Tuần giữ thành Tuy Dương

Trong “An sử chi loạn” của Đường triều có ghi lại, Trương Tuần dùng binh lực mấy ngàn người thủ vững thành Tuy Dương. Ông cùng với 13 vạn phản quân tiến hành hơn 400 trận chiến lớn nhỏ, giết chết hơn 300 tướng địch và 12 vạn binh sĩ. Cuộc chiến lúc bấy giờ vô cùng tàn khốc. Lúc đôn đốc tác chiến, Trương Tuần hô to đến mức “nghiến răng vỡ”.

Cuộc chiến thành Tuy Dương là chiến dịch thảm khốc nhất thời kỳ An Lộc Sơn. Cuối cùng thành Tuy Dương bị phá, Trương Tuần cùng 36 thuộc cấp tự sát để lại khoảnh khắc bi tráng nhất cho Vương triều Đại Đường.

Theo NTDTV
Mai Trà biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version