Đại Kỷ Nguyên

6 cảnh giới cao của nhân sinh và xử thế

Kinh sợ mà không loạn là người mạnh mẽ. Trên mỗi bước đường đời cần phải bình tĩnh.

1. Cảnh giới cao trong xử thế là thanh tỉnh 

Trong tình thế cấp bách chớ nói bừa, chớ nhìn nhầm người khi đối diện với cục diện hỗn loạn, gặp phải tình huống phức tạp thì chớ chọn sai đường. 

Người bình thường, trong lúc rối ren khó tránh khỏi sẽ phát ngôn bừa bãi; trong loạn cục khó tránh khỏi việc nhìn nhầm người; lúc đứng giữa ngã ba đường khó tránh được việc chọn sai lối. Có thể thấy, điều khó khăn bậc nhất trong đời là giữ được sự thanh tỉnh từ đầu đến cuối.

Đời người giống như chơi cờ, mỗi bước đi không hối hận. Mỗi ván cờ nếu đi sai một bước thì các bước tiếp theo tổn thất khó vãn hồi, cho nên mỗi bước đi chúng ta cần cân nhắc kỹ lưỡng, bảo trì thanh tỉnh. 

Vậy, để làm được việc đó có khó không? Kỳ thực cũng không khó, chỉ cần bạn giữ được chuẩn tắc từ đầu đến cuối, ngẩng đầu có phương hướng, cúi đầu giữ thanh tỉnh. Vậy chuẩn tắc của bạn như thế nào? 

2. Cảnh giới cao trong đối xử với người là bình tĩnh 

Có câu: “Thống khổ không kêu than, mỉm cười không nói, kinh sợ mà không loạn”. 

Khi gặp phải thống khổ mà không kêu than thì là người dũng cảm, có dũng khí. Nếu một người chưa từng phải chịu đựng thống khổ đau đớn thì sẽ vĩnh viễn là người yếu nhược, một thương có thể xuyên tim, mãi mãi không thể trưởng thành. Nơi cây bị đóng vảy là cứng rắn nhất, người sau khi bị thương thì sẽ trở nên mạnh mẽ dũng cảm hơn. 

Một người gặp phải thống khổ đau đớn mà không kêu than thì tương lai khi đối diện với sóng gió cũng sẽ không lùi bước, gặp chông gai nhiều hơn nữa cũng không sợ hãi. Một mình cất bước thành chiến sĩ, chào đón khó nạn mà tiến lên sẽ trở thành dũng sĩ. 

Cười mà không nói là người khôn ngoan. Trên đời này, ngoại trừ cha mẹ và gia đình, không ai có nghĩa vụ phải luôn đối xử tốt với chúng ta. Khi ở cùng với mọi người thì không nên ỷ lại, tất nhiên cũng không nên ghi hận đối với người. 

Nhìn rõ tâm của người cũng không cần vạch trần, nhìn thấu sự tình cũng không cần giải thích. Học cách thông minh hơn một chút, không nói loạn, thà im lặng và không gây chuyện thị phi, giữ thái độ mỉm cười không nói mới thật sự là người khôn ngoan hiểu biết. 

Gặp chuyện kinh sợ mà tâm không loạn là người mạnh mẽ. Trên đường nhân sinh có nhiều chông gai, trong cuộc sống cũng có lúc thăng lúc trầm, dù gặp phải chuyện gì cũng đều cần bình tĩnh, nhất thiết không được hoảng sợ. 

Hãy thanh tỉnh và dùng lý trí đối đãi mới không phạm sai lầm mà làm hỏng việc. Hãy kiên nhẫn và kiểm soát tốt tính nóng nảy của mình. Làm được thế thì dù gặp nhiều chuyện phiền phức hơn nữa cũng có thể làm xong, sự việc lớn hơn nữa cũng có thể giải quyết được. 

Hãy như núi cao, dù gặp chuyện gì vẫn vững vàng không lay động.

3. Cảnh giới cao trong sinh hoạt là lạc quan 

Hãy làm một người thú vị lạc quan, lúc rảnh hãy thăm hỏi những người tao nhã hoặc thư giãn bên người thân yêu. Hãy trân quý những gì bản thân đang có ở hiện tại. 

Càng trưởng thành tôi càng cảm thấy cuộc sống của mình có 2 điểm trên một đường, ngoài mái ấm của các con, đó là tổ ấm của chính mình. Có người cảm thấy chán nản nhưng lại có người yêu thích và làm việc vì nó mà không biết mệt mỏi. 

Kỳ thực bản chất cuộc sống phần lớn là như vậy, khô khan, buồn chán. Thế nhưng, người thú vị lại có thể biến nó thành một bông hoa. 

Lâm Thanh Huyền nói, hãy nghĩ về một hoặc hai, đừng nghĩ đến tám hoặc chín. Khi đến một độ tuổi nhất định, chúng ta cần giảm thiểu các bữa tiệc rượu vô nghĩa, tránh lãng phí thời gian và công sức vào việc giao lưu xã giao.

Cất bước trong mưa gió cuộc đời, giúp cho nhân sinh thực hiện một loạt phép trừ để bản thân càng già càng thú vị, quãng đời còn lại sau này có bạn tốt đồng hành, có người thân bên cạnh. Đây chính là cuộc sống tuyệt vời bậc nhất!

4. Cảnh giới cao của giao lưu bạn bè là không làm phiền 

Đã là bạn bè thân, dù không liên hệ thường xuyên nhưng luôn hiện hữu trong tâm là được rồi. Tôi rất thích câu nói như thế này: “Gặp hay không gặp, chỉ cần vẫn nhớ về nhau, dù liên hệ hay không cũng chưa từng quên nhau, vậy là đủ rồi”. 

Cảnh giới cao trong kết giao bạn bè là như thế, không liên hệ không có nghĩa là đã quên; không hỏi han không có nghĩa là không quan tâm. 

Những người bạn tốt nhất trong cuộc đời giống như những ngôi sao trên bầu trời đêm. Dù không phải lúc nào cũng nhìn thấy nhưng chúng ta biết họ luôn ở đó.

Những tình bạn chân thật đó sẽ không bao giờ phai nhạt theo thời gian, cũng không vì xa cách mà lạnh nhạt. Quan tâm thật sự tới một người cũng chưa chắc là phải ở bên cạnh người đó. 

Nhiều khi, không làm phiền cũng là một loại quan tâm, không liên lạc cũng là một loại trân trọng.

Thỉnh thoảng tôi viết thư cho bạn bè đã lâu không liên lạc chỉ để nhắc nhở mấy lời thế này: “Trời lạnh, nhớ mặc thêm quần áo, ốm thì nhớ phải nghỉ ngơi. Dù bận rộn hay mệt mỏi đến đâu, cũng nhất định phải chăm sóc thật tốt bản thân mình đấy nhé!”

Những tình bạn chân thật đó sẽ không bao giờ phai nhạt theo thời gian, cũng không vì xa cách mà lạnh nhạt. (Ảnh: MC Ngọc Trang)

5. Cảnh giới cao của tình cảm là đi cùng nhau 

Dù tóc đã bạc nhưng hai người vẫn nắm tay và ngắm nhìn nhau. Yêu thương là gì?

Yêu thương là: Khi khói bếp nổi lên, anh ở cửa đợi em; Lúc hoàng hôn xuống, em chờ anh bên sườn núi; Đến mùa lá rụng, anh đợi em dưới tàng cây; Thời điểm trăng khuyết, em đợi anh tới lúc trăng tròn. 

Khi hai người cùng già rồi… ta sẽ đợi nhau ở kiếp sau. 

Rõ ràng là khi yêu thương nhau thì cả đời làm bạn. Cảnh giới cao nhất của tình yêu chính là dù bạn tóc còn xanh hay khi đã ngả màu, đều yêu thương trước sau như một, không thay lòng đổi dạ. 

Có người nói tôi không ao ước có được tình bạn đẹp phong nhã hào hoa, tôi chỉ ước đến khi trở thành lão phu lão thê vẫn nương tựa vào nhau.  

Tình yêu từ cái nhìn đầu tiên không bao giờ tốt bằng tình bạn lâu dài. Lời tỏ tình mãnh liệt không bao giờ tốt bằng tình yêu thương đi cùng năm tháng.

Cầu mong lúc nhìn lại tháng năm qua đi, chúng ta có thể thấy được đầu bạc tình thâm. Hy vọng chúng ta có thể cùng người bạn đời yêu thương nhau tới lúc bạc đầu. 

6. Cảnh giới cao nhất sinh mệnh là mỉm cười đối mặt 

Lúc đầu chúng ta đến thế giới này là vì chúng ta phải đến; cuối cùng chúng ta rời xa thế giới này vì chúng ta không thể không đi.

Trong hành trình cuộc đời, không có gì là dễ dàng cả. Những gì diễn ra trong cuộc sống của rất nhiều người đều nói cho chúng ta biết rằng, không có cuộc đời như mơ, chỉ có hiểu rõ cuộc đời. 

Phong Tử Khải từng nói: “Nếu bạn yêu thì mọi ngóc ngách cuộc sống đều thấy được tình yêu. Nếu bạn hận, chỗ nào trong sinh hoạt cũng có thể hận. Nếu bạn cảm ơn, mọi nơi đều có thể cảm ơn. Nếu bạn trưởng thành, mọi việc đều sẽ trưởng thành”. 

Người ta thường nói, nếu tâm mắt nhỏ hẹp thì việc nhỏ sẽ coi là việc lớn, nếu tâm rộng thì tất cả việc lớn đều xem là nhỏ bé. 

Cảnh giới cao của cuộc đời là khóc khi đến và mỉm cười lúc rời đi. Vì vậy, dù cuộc sống có gập ghềnh thì cũng hãy mỉm cười đối mặt với nó. Chỉ có tấm lòng rộng mở mới có thể khiến cho vấn đề khó được giải quyết dễ dàng.

Theo Vision Times
San San biên dịch

Exit mobile version