Đại Kỷ Nguyên

6 mẩu chuyện đối nhân xử thế của Khổng Tử, đọc xong người người thụ ích

Cả đời Khổng Tử coi việc kế thừa và truyền bá văn hóa truyền thống là trách nhiệm của bản thân. Ngài coi trọng giáo hóa, cả đời “Học không biết chán, dạy người không biết mệt”.

Nhan Hồi nói: “Phu tử giỏi dần dần theo thứ tự dẫn dắt dạy bảo người”.

Chu Hy nói “Phu tử dạy người, tùy theo tài năng sở trường sở đoản của mỗi người”.

Một số câu chuyện dưới đây được ghi chép trong các thư tịch cổ có thể cho chúng ta biết Khổng Tử đã khéo dạy dỗ học trò ngay trong quá trình đối nhân xử thế.

Đạo đối nhân xử thế

Một lần Khổng Tử cùng các học trò đàm luận Đạo đối nhân xử thế.

Tử Lộ nói: “Người ta dùng thiện ý đối đãi con, con cũng dùng thiện ý đối đãi người ta. Người ta dùng bất thiện đối đãi với con thì con cũng dùng bất thiện đối đãi với người ta”.

Khổng Tử đánh giá rằng: “Đây là phương thức của những dân tộc man di không có Đạo đức lễ nghĩa”.

Tử Cống nói: “Người ta dùng thiện ý đối đãi con, con cũng dùng thiện ý đối đãi người ta. Người ta dùng bất thiện đối đãi với con, thì con sẽ dẫn dắt họ hướng thiện”.

Khổng Tử đánh giá rằng: “Đây là phương thức cần có giữa các bằng hữu”.

Nhan Hồi nói: “Người ta dùng thiện ý đối đãi con, con cũng dùng thiện ý đối đãi người ta. Người ta dùng bất thiện đối đãi con, con vẫn dùng thiện ý đối đãi người ta, đồng thời dẫn dắt họ hướng thiện”.

Khổng Tử đánh giá rằng: “Đây là phương thức cần có giữa những người thân. Nếu có thể mở rộng nó ra, dùng thành tâm đối đãi người trong thiên hạ, thì mới thực sự là thiện với người”.

Khổng Tử đối đáp với các học trò của mình. (Ảnh minh họa: reconews.com)

Lời nói khi cáo biệt

Tử Lộ, học trò của Khổng Tử sắp đi xa nên đến cáo biệt thầy.

Khổng Tử nói: “Ta tặng con một cỗ xe nhé, hoặc tặng con mấy lời nhé?”

Tử Lộ nói: “Xin Phu Tử tặng con mấy lời”.

Khổng Tử nói: “Nếu không tự cường không ngưng nghỉ thì không thể đạt được mục tiêu to lớn cao xa. Không cần cù vất vả làm tốt việc của mình thì không thể có công hiệu. Không phát xuất từ nội tâm và có chừng mực đối đãi với người ta, thì không thể khiến người ta thân cận được. Bản thân mình không giữ chữ tín thì không thể khiến người khác giữ chữ tín với mình được. Không thành tâm và khiêm tốn đối đãi với người ta thì không thể nào phù hợp với lễ nghĩa được. Nếu con có thể thận trọng với 5 phương diện này mà làm người, làm việc thì có thể làm được lâu dài”.

Tử Lộ bái lạy lĩnh giáo rồi ra đi.

Ba việc tốt ở Bồ Ấp

Tử Lộ quản lý Bồ Ấp được 3 năm. Một lần Khổng Tử trên đường đi qua, vừa bước chân vào địa phận đất Bồ Ấp, Khổng Tử liền khen rằng: “Tử Lộ làm tốt đấy, làm được cung kính lại giữ chữ tín”.

Khi vào trong thành, Khổng Tử lại khen: “Tử Lộ làm rất tốt, làm được trung tín lại khoan hậu”.

Vào đến nha phủ nơi làm việc của Tử Lộ, Khổng Tử bất giác lại khen rằng: “Tử Lộ làm được thực sự tốt, làm được minh sát lại quyết đoán”.

Tử Cống nghe rất kỳ lạ, tay nắm dây cương hỏi Khổng Tử: “Phu tử còn chưa thấy Tử Lộ đã ba lần khen Tử Lộ làm tốt, huynh ấy làm chỗ nào tốt, đệ tử có thể được nghe không ạ?”.

Khổng Tử nói: “Ta đã trông thấy rồi. Vào địa phận thấy ruộng đất chỉnh tề, hoa màu tươi tốt, cỏ dại đều bị trừ hết, kênh mương dẫn nước được đào sâu thêm. Đó là do Tử Lộ cung kính cẩn thận lại giữ chữ tín, do đó bách tính mới dốc sức làm. Vào trong ấp thấy tường bao và nhà cửa đều rất kiên cố, buôn bán tấp nập, cây cối tốt tươi, đây là nhờ Tử Lộ trung tín lại khoan hậu, do đó bách tính mới không qua loa đại khái. Vào trong nha phủ, khắp sân thanh tịnh, người cấp dưới làm việc đều cẩn thận, tận tâm. Đó là do Tử Lộ minh sát giỏi phán xét, chính lệnh không nhiễu nhương dân chúng. Xem ra nền nhân chính của Tử Lộ đã đạt được thành quả rất nổi bật rồi, dù ta đã ba lần liên tiếp khen Tử Lộ làm tốt, cũng không thể nói hết những việc tốt của Tử Lộ được”.

Thông qua 3 lần quan sát, cả 3 lần Khổng Tử đều khen nền nhân chính của Tử Lộ. (Ảnh minh họa: xuehua.us)

Sau này Bồ Ấp được gọi là “Tam thiện chi địa”, nghĩa là “vùng đất 3 việc tốt”.

Làm chính trị là sửa lại ngay chính các tệ nạn

Tử Cống hỏi Khổng Tử rằng: “Trước kia Tề Cảnh Công thỉnh giáo Phu tử làm thế nào mới có thể khiến cho nền chính trị trong sạch. Phu tử nói: “Chính trị trong sạch là ở tiết kiệm sử dụng tài lực”. Lỗ Ai Công thỉnh giáo Phu tử làm thế nào để nền chính trị trong sạch, Phu tử nói: “Chính trị trong sạch là ở giáo dục bề tôi”. Sở đại phu Diệp Công thỉnh giáo Phu tử làm thế nào để nền chính trị trong sạch, Phu tử nói: “Chính trị trong sạch là ở chỗ khiến người gần vui vẻ, người xa quy về”. Ba người hỏi cùng một câu hỏi, nhưng Phu tử trả lời lại khác nhau, lẽ nào có sự giải thích khác nhau?”.

Khổng Tử trả lời rằng:

“Vì mỗi người có tình hình riêng khác nhau. Tề Cảnh Công trị sửa quốc gia, đình đài lầu các xây dựng quá xa hoa, đất đai khoanh vùng khi săn bắn quá lớn. Một buổi sáng ban thưởng 3 thái ấp lớn có thể cung cấp một ngàn cỗ xe, do đó ta nói ‘Xử lý chính sự là ở tiết kiệm tài vật’.

Lỗ Ai Công có 3 quyền thần là Mạnh Tôn, Thúc Tôn, Quý Tôn, bọn họ ở trong nước thì kết bè kéo phái lo lợi ích cá nhân, ở ngoài nước thì chống lại các khách khanh của các nước chư hầu đến, do đó ta nói ‘Xử lý chính sự là ở giáo dục quần thần’.

Còn nước Sở, đất đai rộng mà đô ấp nhỏ, dân chúng có lòng ly tán, không nguyện ý ở đó an cư lạc nghiệp. Do đó ta nói ‘Xử lý chính sự cần phải để người ở gần thì vui vẻ, người ở xa thì tìm đến quy tụ’.

Đây là nhắm vào 3 tình huống khác nhau, dùng phương pháp khác nhau để xử lý. “Kinh thi” có viết: “Trải qua loạn lạc lâu dài, dân chúng cùng cự hết sạch tài sản, nhưng bên trên không hề cung cấp chút cứu tế nào”. Đây là lời cảm thán họa loạn do xa xỉ lãng phí tạo thành. Kinh thi cũng viết: “Những kẻ tiểu nhân xu nịnh kia luôn luôn nói lời sàm ngôn”. Đây là châm biếm họa loạn gây ra do gian thần bưng bít dối trá quân chủ. Kinh thi còn viết: “Có nỗi lo ly tán trong loạn lạc, có nỗi đau của chết chóc, rốt cuộc phải chạy trốn đến nơi nào đây?”. Đó là lời than vãn họa hại do ly tán gây ra. Khảo sát kỹ vấn đề của 3 phương diện này, lẽ nào những khó khăn về chính sự cần giải quyết, có thể dùng cùng một phương pháp sao?”.

Vì mỗi người có tình hình riêng khác nhau nên đức Khổng Tử dùng phương pháp khác nhau để xử lý. (Ảnh: dkn.tv)

Năm loại xui xẻo

Một lần Lỗ Ai Công hỏi Khổng Tử rằng: “Quả nhân nghe nói, phía đông căn nhà lại làm thêm một căn nhà nữa, thì xui xẻo, nói như vật có đáng tin không?”.

Khổng Tử đáp rằng:

“Việc xui xẻo có 5 loại, nhưng phía đông căn nhà lại làm thêm căn nhà nữa, thì không nằm trong số 5 loại xui xẻo đó.

Tổn hại cho người mà lợi cho mình, đó là xui xẻo của bản thân. Ruồng bỏ người già mà chăm sóc trẻ con, đó là xui xẻo của gia đình. Bỏ người hiền tài sáng suốt lại dùng kẻ phẩm hạnh thấp kém, đó là xui xẻo của quốc gia. Người già trí tuệ không nguyện ý dạy bảo, mà người trẻ tuổi cũng không muốn học, là xui xẻo của phong tục. Người có tài đức ẩn cư, thoái lui, kẻ ngu muội vô trí vô đức bất tài lại nắm quyền, đó là xui xẻo của thiên hạ. Việc xui xẻo, có 5 loại này, nhưng ở phía đông ngôi nhà làm thêm ngôi nhà nữa, thì lại không nằm trong số đó”.

Người quân tử không chỗ nào không cẩn thận

Tử Cống được bổ nhiệm làm quan đứng đầu Tín Dương, chuẩn bị đi nhậm chức, đến cáo từ Khổng Tử. Khổng Tử nói: “Cần phải cần mẫn thành khẩn, phải cẩn thận, phải dựa theo thời lệnh tự nhiên chỉ đạo sản xuất nông nghiệp. Chớ cưỡng đoạt, chớ sát phạt, chớ bạo ngược, chớ trộm cắp”.

Tử Cống nói: “Con từ khi còn thanh niên đã học tập ở chỗ Phu tử, lẽ nào phạm những lỗi lầm như trộm cắp được”.

Khổng Tử nói: “Con không suy nghĩ sâu thêm rồi. Dùng người tài đức vẹn toàn thay thế người tài đức vẹn toàn, đó gọi là “cưỡng đoạt”. Dùng kẻ bất tài thay thế người có tài, đó gọi là “sát phạt”. Chính lệnh lỏng lẻo mà xử phạt lại bạo ngược, đó gọi là “bạo ngược”. Lấy những thứ tốt đẹp quy về mình, đó là “trộm cắp”.

Khổng Tử giảng dạy cho Tử Cống. (Ảnh minh họa: wikipedia.org)

Trộm cắp không phải là trộm cắp tài sản thông thường. Ta nghe nói: Người giỏi làm quan thì tuân theo pháp lệnh làm việc, khiến bách tính được lợi ích. Người không giỏi làm quan, bóp méo pháp lệnh mà hành sự, khiến bách tính chịu tổn hại. Đó là cội nguồn sinh oán hận. Chỉnh đốn tác phong quan lại, không gì tốt hơn công bằng. Đối diện với tiền tài, không gì tốt hơn liêm khiết. Nắm chặt liêm khiết và công bằng, thì dù thế nào đi nữa cũng không thể biến đổi được.

Che đậy cái tốt của người khác, đó chính là vùi lấp nhân tài. Không cùng xem xét khuyên bảo nhau trong nội bộ mà phỉ báng lẫn nhau ở bên ngoài, thì càng không thể chung sống hòa thuận được. Do đó người có tu dưỡng đạo đức, thì không chỗ nào mà không cẩn thận. Nghiêm khắc bản thân tự giác tuân kỷ luật, khoan dung đối đãi với người khác, đó mới là dùng đức hạnh và trí tuệ của mình để tạo phúc cho bách tính”.

(Nguồn: “Khổng Tử gia ngữ”, “Thuyết uyển”, “Hàn thi ngoại truyện”)

Theo minghui.org
Kiến Thiện biên dịch

Exit mobile version