Người quân tử luôn là mẫu hình hướng đến của xã hội xưa. Quân tử và tiểu nhân chính là hai vế đối lập nhau như nước với lửa. Chẳng ai muốn làm tiểu nhân để phải nhận sự chê bôi của người đời. Nhưng nhìn thế nào để ra được bậc quân tử và kẻ tiểu nhân đây?

Khổng Tử cho rằng quân tử và tiểu nhân phân biệt nhau ở hai chữ “đức hạnh”. Quân tử coi đức hạnh là lẽ sống mà tự ước thúc bản thân, còn tiểu nhân coi đức hạnh là trò viển vông. Dưới đây là những điểm cơ bản phân biệt hai loại người đó.

1. Trí tuệ

Trí tuệ không chỉ nói đến sự thông minh, khôn khéo, ứng biến giỏi hay học thức cao. Rất nhiều người học cao, thông minh nhưng vẫn chưa đạt đến cảnh giới “quân tử”. Ngoài ra, nhiều kẻ khôn vặt, giảo hoạt, dù có được trí thông minh thì cũng chỉ là kẻ tiểu nhân đắc chí.

Trí tuệ của người quân tử đôi khi không biểu hiện ra ngoài trong những hoàn cảnh bình thường, chỉ như mặt nước hồ thu không mảy may gợn sóng. Trí tuệ của họ không phải là cái khôn nhất thời để chiếm đoạt lợi ích cho mình mà là trí huệ cao xa, lòng dạ quang minh chính đại, khoan dung độ lượng.

Quân tử lấy tĩnh chế động, bình ổn, hoà ái trong tâm. Tiểu nhân lấy động chế động, càng làm càng hỏng việc, luôn bứt rứt, lo nghĩ chẳng yên. Trí tuệ của người quân tử là để làm lợi cho người, cho quốc gia. Trí khôn của kẻ tiểu nhân thì chỉ một mực chăm chăm vụ lợi cho mình.

2. Kết giao

Người quân tử kết giao bạn bè nhạt như nước, kẻ tiểu nhân kết giao nồng như rượu. Nhạt như nước không có ý nói là nhạt nhẽo, vô vị mà bởi nước là thứ thuần khiết, nguyên sơ, là khởi nguồn của vạn vật. Nước không mùi không vị nhưng không ai thiếu nước mà sống được. Rượu tuy nồng đượm nhưng chỉ khiến người ta chìm trong cơn say nhất thời, tỉnh ra mọi thứ thật trống rỗng, chuốc rượu quá chén còn mệt thân, hại người.

Trong mối quan hệ với người khác, quân tử luôn thực hành đạo lý: “Điều mình không muốn, không làm cho người” (Khổng Tử). Họ kết giao vì tình thâm nghĩa nặng chứ không xuất phát từ lợi ích, danh tiếng. Họ ứng xử với người bằng tấm lòng ngay thẳng, chính trực, công bằng, không thiên vị.

Còn tiểu nhân thì kết bè kéo phái, dựa vào mấy chữ danh lợi mà quây quần bên nhau. Trong lòng họ đầy rẫy nghi tâm, nghi kỵ dù ngoài mặt nói nói cười cười. Họ dùng thủ đoạn để trừ diệt những người bất đồng ý kiến với mình, gây bao nghiệp quả, cuối cùng tự hại chính mình.

Người quân tử “hòa” mà không “đồng”, kẻ tiểu nhân “đồng” mà không “hòa”. Ảnh dẫn theo duitang.com

3. Lời nói và hành vi

Lời người quân tử nói ra có sức nặng như núi Thái Sơn. Có câu: “Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy” (quân tử nói một lời, bốn ngựa khó đuổi). Chính là nói một lời khi phát ra thì đã không thể thu lại, cũng là nói lời của người quân tử rất uy tín, không thể thay đổi.

Người quân tử “hòa” mà không “đồng”, kẻ tiểu nhân “đồng” mà không “hòa”. Ý nói rằng, người quân tử nói chuyện bằng tâm thái hòa ái, bao dung nhưng không ba phải, hùa theo người khác. Còn kẻ tiểu nhân thì đoán ý người khác để phụ họa lời theo mà trong lòng lại có bụng khác, nham hiểm khó lường.

Người quân tử tiếp nhận, bao dung hết thảy ý kiến bất đồng, cũng không giấu giếm lòng mình, bộc trực thẳng thắn ngay từ lời nói. Nhưng kẻ tiểu nhân thì luôn giấu kỹ suy nghĩ của mình, bằng mặt mà không bằng lòng.

4. Khí chất

Khí chất của người quân tử lâu nay vẫn là vấn đề nhiều người bàn luận. Nhưng khái quát lại, thì khí chất ấy có thể tóm lại trong mấy câu: Không sợ kẻ mạnh, chở che kẻ yếu, uy vũ không khuất phục, giàu sang không tha hóa, bần hàn không chuyển lay.

Người ta thường nhầm tưởng người quân tử thì phải có khí chất kiêu ngạo, coi mình là độc nhất giữa đất trời. Nhưng kỳ thực đó chỉ là cái khí độ của kẻ thất phu, coi trời bằng vung. Người quân tử ung dung, bình thản, sống hợp đạo Trời, thuận theo lòng người mà vẫn nhận được sự tôn kính tột bậc.

Người quân tử trang trọng trong ăn mặc, bình thản trong tâm hồn, không làm chuyện thất thố, thái quá. Còn kẻ tiểu nhân thì khoe mẽ, thùng rỗng kêu to, tâm hồn xáo động như khỉ nhảy nhót, như ngựa chạy rông, chẳng lúc nào yên.

5. Chí hướng

Loài chim sẻ sống ở bụi rậm thì không biết được chí của chim bằng tung cánh giữa trời xanh. Chí hướng của người quân tử cao xa, trải dài bốn bể, tầm nhìn phóng ra ngoài mối lợi nhỏ nhen trước mắt. Họ thuận theo Đạo, ngày càng đề cao cảnh giới của mình, ngày càng thăng hoa. Kẻ tiểu nhân, trái lại ngày càng đi xuống, tàn phế dần theo những dục vọng thấp hèn.

Kỳ thực điều đó cũng phản ánh một sự thật hoàn toàn khách quan. Chỉ khi hướng đến những giá trị cao đẹp, người ta mới có thể vươn lên, thoát khỏi số kiếp tầm thường. Còn trước mắt chỉ là lợi ích nhỏ nhoi, vật chất hiện thực thì không cách nào buông bỏ tâm phàm mà đề cao tầng thứ của mình được.

6. Truy cầu

Điều người quân tử một đời theo đuổi, truy cầu chính là đức hạnh. Điều kẻ tiểu nhân cui cút lo âu chỉ là lợi lộc. Sự tu dưỡng đức hạnh là nền tảng tạo ra khí chất, phong thái, tinh thần quân tử. Còn những mối lợi nhỏ chỉ rặt tạo thành những kẻ trọng lợi khinh nghĩa, không phân phải trái, đúng sai.

Điều người quân tử một đời theo đuổi, truy cầu chính là đức hạnh. Ảnh dẫn theo duitang.com

7. Tu dưỡng

Người quân tử luôn lấy tu dưỡng bản thân làm trọng yếu, không hề buông lơi. Sự tu luyện ấy thể hiện là trong khi mâu thuẫn, va chạm, họ có thể hướng nội tìm sai, xét lại chính mình, thấy được sai sót bản thân từ đó không ngừng tu sửa.

Kẻ tiểu nhân ngược lại luôn hướng ánh mắt phán xét vào người khác, cứ không chịu nhìn lại chính mình. Họ yêu cầu người khác rất cao nhưng lại tự buông lơi bản thân, không ước thúc dục vọng của mình. Họ không bao giờ tìm lỗi sai ở chính mình, luôn quy chụp cho người khác. Bởi thế trước những rắc rối, bản thân họ rất lúng túng, thay vì quang minh chính đại hành xử lại lén lén lút lút giở ra thủ đoạn thấp hèn.

***

Có người nói “Làm quân tử trong thời hiện đại này khó lắm! Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều, quân tử đâu có đất dụng võ?“. Kỳ thực, người quân tử là sống thuận theo Đạo. Mà Đạo là thứ vĩnh hằng, là điều chi phối vạn vật, trong đó có cả xã hội nhân loại. Lẽ nào những kẻ không thuận theo Đạo lại có thể tồn tại mãi sao? Và lẽ nào những người duy hộ thiên lý, Đạo Trời kia lại không còn chốn dung thân nữa?

Dù là xã hội thời nào, người quân tử cũng luôn nhận được sự tôn trọng, yêu mến. Bởi họ là tinh anh của xã hội, là những người có thể quyết định vận mệnh hưng suy của quốc gia. Hẳn nhiều người đã từng nghe chuyện về Mạnh Thường Quân, một người quân tử nổi tiếng thời cổ đại.

Mạnh Thường Quân hào hiệp, trượng nghĩa, nuôi trong nhà 3, 4 nghìn môn khách, tiếng tăm vang dội. Mạnh Thường Quân còn kết đồng minh với Ngụy, Hàn đánh Tần cả thảy 3 lần, tiến sát cửa Hàm Cốc. Quân Tần lui về cố thủ, không dám ra ngoài. Các nước chư hầu thấy Tề quốc có Mạnh Thường Quân tài giỏi như vậy thì mấy chục năm không dám lăm le xâm phạm bờ cõi. Một người quân tử có sức mạnh lớn như vậy đấy!

Bạn nghĩ trong xã hội kim tiền này, quân tử như thế còn đất dụng võ hay không? Hãy chia sẻ với chúng tôi ý kiến của mình.