Đại Kỷ Nguyên

8 phẩm chất làm nên một chiến binh Samurai huyền thoại, quý ông hiện đại cần học hỏi để thành công

Tên nhóc kia, ngươi mong muốn được hầu phục ta sao?”. Một bóng đen sừng sững hiên ngang trước bầu trời đêm, vị Samurai ngồi trên lưng ngựa với chiếc nón sắt nhìn tôi đang quỳ lạy xuống đất như một vị ác thần nhìn xuống một người trần nhỏ bé. Tuy không nhìn thấy rõ khuôn mặt ngài, tôi vẫn có thể nghe được giọng điệu vang trầm đầy quyền thế, pha với đó là chút mỉa mai…

Tôi cố cất lời, nhưng họng khô khốc như một kẻ đang chết khát. Nhưng tôi biết rằng tôi cần đáp lại. Vận mệnh của tôi, và tuy lúc đó tôi chưa ngờ đến – vận mệnh của toàn xứ Nhật Bản đang đặt nặng trên đôi vai tôi, tất cả cùng chờ đợi vào câu trả lời.

Tôi cố ngẩng mặt lên liếc nhìn vị ác thần kia, người đang chằm chằm dõi theo tôi như một con diều hâu chực chờ mồi. Thu hết lòng dũng cảm đang có, tôi đáp lại một cách rành rọt: “Vâng, thưa lãnh chúa Nobunaga, thần sẵn lòng”. 

… Đó là một khoảng thời gian cực kì đen tối: Thời kì Chiến quốc, nơi mà từng tấc đất được phân chia bằng máu, và luật pháp chỉ có thể được quyết định bởi đao kiếm. Vào lúc đó, một người nông dân không một xu dính túi đã quyết định chu du và đi tìm vận may. Từ lâu, ông ao ước được trở thành một chuẩn mực của nam giới – một võ sĩ Samurai, nhưng không ai trông mong được một chiến công nào từ một cậu bé gầy gò và thấp bé này.

Tên của ông là Toyotomi Hideyoshi (Phong Thần Tú Cát). Và vào mùa xuân định mệnh năm 1553, vị lãnh chúa trẻ Nobunaga (Chức Điền Tín Trường) đã quyết định nhận ông với tư cách là một người hầu xách guốc. Với mong mỏi được thoát khỏi cái bóng nhà nông của mình, Hideyoshi dần trở thành người trợ thủ đầy trung thành và là cánh tay phải đắc lực của Nobunaga.

Ông trở thành lãnh chúa tối cao của toàn cõi Nhật Bản, là người đầu tiên leo lên được đỉnh cao của quyền lực với xuất thân là dân thường, và có công thống nhất toàn bộ đất nước sau hơn 100 năm nội chiến.

Chân dung Toyotomi Hideyoshi. (Ảnh theo Dissertation Reviews)

Tiểu sử của Hideyoshi đã truyền cảm hứng cho vô số tiểu thuyết, vở kịch, phim ảnh, thậm chí là trò chơi điện tử, trong vòng 4 thế kỉ trở lại đây. Sinh ra là một người con ốm yếu của một nông dân nghèo, trong thời kì mà chỉ có bước chân vào con đường của võ giáo hoặc tôn giáo mới đạt được tham vọng, ông đã vươn lên và trở thành người điều hành một vương quốc hùng mạnh, cùng với đó là hàng chục vạn võ sĩ samurai dũng mãnh.

Qua nhiều thế hệ, ông được tôn sùng như một vị anh hùng, một biểu tượng của sự vượt khó. Tuy cùng có một ước nguyện cháy bỏng như bao người khác, Hideyoshi khác biệt ở chỗ biết cách dùng lí lẽ và các biện pháp ôn hòa để xây dựng đồng minh, cũng như thu phục kẻ thù.

Thiếu đi sức mạnh hay kĩ năng giao chiến, ông sử dụng trí tuệ và ngôn từ, chiến thuật thay cho binh khí. Vậy những phẩm chất của ông có phải là những phẩm chất thông thường của một võ sĩ Samurai không?

Lịch sử Samurai

Từ Samurai có gốc từ chữ Saburau, nghĩa là người phục tùng, chỉ những người có gốc gác quyền quý được giao trách nhiệm bảo vệ triều đình. Trách nhiệm đó chính là nền tảng của giới samurai. 

Qua thời gian, tầng lớp quý tộc gặp rất nhiều khó khăn trong việc cai trị, và bắt đầu sẻ chia những công việc liên quan tới quân đội, thuế sách cũng như điều hành đất nước cho các chính quyền địa phương. 

Dần dần, chế độ triều đình bắt đầu có dấu hiệu đi xuống, và các Daimyo (đại danh) vốn là các lãnh chúa phong kiến dần dần lên nắm quyền lực và cai quản vùng đất của riêng mình, tách biệt khỏi chính quyền trung ương.

Một samurai. Ảnh dẫn theo pinterest.com

Vào năm 1181, Minamoto no Yoritomo (Nguyên Lại Triều), một lãnh chúa từ phía Đông đã thiết lập chế độ Mạc phủ (1185-1867), kéo dài gần 700 năm. Tuy nhiên, thời kì này không kéo dài mãi trong yên bình. Các chế độ khác dần dần được xây dựng nên, và đến năm 1467, chính quyền triều đình bị sụp đổ hoàn toàn, kéo toàn bộ đất nước Nhật Bản vào một thời kì hỗn loạn.

Đây chính là thời kì Chiến quốc nổi tiếng, một thế kỉ đẫm máu của những cuộc xung đột giữa những lãnh chúa để bảo vệ bờ cõi, cũng như xâm lược lãnh thổ. Trong khoảng thời gian này, những Samurai được biết đến là những binh lính chuyên gìn giữ hòa bình và sẵn sàng hạ thủ khi cần thiết.

Những võ sĩ Samurai đều rất trung thành với lãnh chúa của họ, và luôn tuân theo 8 nguyên tắc Bushido (võ sĩ đạo). Dù chính hay tà, họ đều là những người quan trọng giúp tô điểm thêm cho lịch sử và văn hóa của xứ mặt trời mọc, giống như những hiệp sĩ Trung cổ ở Châu Âu, hay những chàng cao bồi ở miền Tây Hoa Kỳ.

Tuy vậy, văn hóa Samurai thay đổi rất nhiều sau khi Hideyoshi thống nhất Nhật Bản. Vào thời bình, trách nhiệm của một binh sĩ của họ không còn nữa, và sự chuyên tâm rèn luyện binh pháp cũng giảm dần. Thay vào đó, việc nuôi dưỡng bản thể tâm hồn, nghệ thuật và giáo dục được chú trọng hơn.

Vào năm 1867, vào thời kỳ Minh Trị Duy Tân, khi bộ luật cấm mang gươm giáo được đề ra, và tầng lớp chiến binh biến mất hoàn toàn, họ đã trở thành những gì mà Hideyoshi đã tiên đoán vào gần ba thế kỉ trước: Những Samurai không binh khí.

Bushido

Chỉ vài thập kỉ trước khi địa vị Samurai ở Nhật bị xóa bỏ, Tổng thống Mỹ đương thời Teddy Roosevelt đã hết sức tán dương cuốn sách: “Bushido: Tinh thần xứ Nhật Bản”, và đặt mua tận 60 bản cho gia đình và bạn bè. Tác giả của cuốn sách ăn khách trên toàn thế giới này, ông Nitobe Inazo, đã định nghĩa về những nguyên tắc hành xử của một Samurai, và chỉ ra rằng các quý ông thời hiện đại nên áp dụng như thế nào trong cuộc sống của họ.

Tuy một số học giả chỉ trích tác phẩm của ông như một khao khát không tưởng về một xã hội lịch thiệp, thì vẫn không thể phủ nhận rằng công trình này đã được xây dựng dựa trên những giáo huấn, đạo lí của hàng nghìn năm về trước, và là cơ sở đạo đức của các Samurai.

Bushido nhấn mạnh vào lòng cảm thông, từ bi, cũng như những chuẩn mực khác của một đấng nam nhi. Dưới đây là 8 chuẩn mực của Bushido, theo như Nitobe định nghĩa: 

Những chuẩn mực của Bushido: Ảnh dẫn theo pinterest.com

1. Công lý

Bushido không chỉ đề cập đến những công lý thông thường trong võ đường, mà còn về công lý của một cá thể: Công lý chính là chuẩn mực quan trọng nhất trong Bushido. Một Samurai nổi tiếng đã khẳng định rằng: “Công lý là sức mạnh giúp một người có được những quyết định đầy lý lẽ, không chần chừ để hy sinh khi phải hy sinh, để hành động khi phải hành động”.

Một vị khác cũng từng nói: “Công lý chính là khung xương đầy vững chãi. Không có khung xương đó, đầu không thể trụ, tay không thể chuyển, chân không thể vững. Không có công lý, không một tài năng hay phẩm chất nào khác có thể đưa một người trở thành một Samurai được”. 

2. Can đảm

Bushido còn nêu ra sự khác biệt giữa sự dũng cảm và lòng can đảm. Can đảm chỉ xứng đáng được xem như một phẩm chất của Samurai khi nó đi kèm với công lý và chính nghĩa. Khổng Tử có câu: “Kiến nghĩa bất vi, vô dũng dã” (Thấy việc nghĩa không làm, chẳng phải kẻ dũng). Can đảm chính là làm những việc đúng đắn. 

3. Nhân từ

Một bậc tướng sẵn sàng chỉ huy chiến đấu và hành quyết còn cần phải thể hiện ra sự nhân đức vô biên không kém. Tình yêu, lòng khoan dung và cảm thương người khác chính là đặc điểm của sự nhân từ, thuộc tính lớn nhất của con người. Cả Khổng Tử và Mạnh Tử đều răn dạy rằng một nhà lãnh đạo cần nhất lòng cao thượng.

4. Lịch thiệp

Đối với người nước ngoài khi đến thăm Nhật Bản, phân biệt nhã nhặn với lịch thiệp hẳn là điều rất khó khăn. Nhưng đối với một người đàn ông đích thực, sự nhã nhặn bắt nguồn từ lòng tốt nói chung.

Người Nhật xưa nay luôn được coi như biểu tượng của sự ôn hòa, tuy nhiên, phép lịch thiệp còn hơn cả vậy. Nó được thể hiện qua những hành động xuất phát từ sự cảm thông cho người khác. Đây sẽ được xem như một lễ nghĩa xấu nếu chỉ biết hành động vì sợ làm mất lòng nhau. Hình thức lịch thiệp cao nhất chính là tình yêu.

Ảnh dẫn theo pinterest.com

5. Giản dị

Theo tác giả Nitobe, một Samurai đích thực là người coi nhẹ tiền bạc và tin rằng sự giàu sang sẽ cản trở trí tuệ. Các hậu duệ của Samurai đều được dạy dỗ cách không quan trọng hóa đồng tiền. Bushido khuyến khích đức tính tiết kiệm, không phải vì mục đích chi tiêu, mà để học cách rèn luyện bản thân. Vinh hoa phú quý được cho là hiểm họa lớn nhất của con người, và các tầng lớp võ sĩ đều sống một cuộc sống giản dị.

6. Danh dự

Bushido không chỉ khuyên dạy về các phẩm chất của binh lính, mà còn nhắc nhở về hành vi đạo đức của một con người nói chung. Danh dự và phẩm giá hình thành nên nhân cách của một Samurai. Họ được nuôi dạy cách quý trọng những trách nhiệm mình đang gánh vác.

Nỗi sợ hãi sự nhục nhã luôn treo trên đầu các võ sĩ Samurai như một thanh đao nhọn chỉ chực chờ rơi xuống. Ngoài ra, họ còn phải tránh nóng giận khi bị khiêu khích hoặc xúc phạm. Ngạn ngữ có câu: “Nhẫn vô khả nhẫn”, ý tứ là phải biết nhẫn ngay cả những việc tưởng như không thể nhẫn chịu. 

7. Trung thành

Sự bất trung, bội tín luôn có thể thấy được trong xã hội ngày nay, và đó là một hiện tượng khá phổ biến. Nhưng một đấng anh kiệt là người luôn tận tụy, trung thành với những người mình chịu ơn. Đức tính trung thành tuyệt đối với bề trên là điều ở đâu cũng có, kể cả với những kẻ vô lương. Tuy nhiên, chỉ khi gắn liền với danh dự, chữ trung mới thực sự có ý nghĩa. 

8. Nhân cách

Bushido giáo huấn rằng một trang nam nhi luôn phải biết hành xử giữa trên tiêu chuẩn đạo đức, thứ vượt qua những lý lẽ tầm thường. Sự khác biệt giữa tốt và xấu, chính và tà là điều mặc định hiển nhiên, và một bậc trượng phu cần phải biết phân biệt được chúng.

Cuối cùng, nghĩa vụ của họ là dạy dỗ và truyền đạt lại những tư tưởng đúng đắn họ học được cho các thế hệ sau. Thứ cần được giáo dục trước hết chính là nhân cách con người.

Không một nhà sử học nào tranh cãi về việc Hideyoshi đã liên tục cải biến 8 phẩm chất trên trong suốt cuộc đời, để phù hợp với chính mình. Như bao vĩ nhân khác, những tài năng của ông đôi khi cũng đi kèm sự chưa hoàn thiện bản thân. Tuy vậy, việc chọn sự mềm mỏng thay vì đối đầu, và lòng nhân từ thay cho tính hung hãn đã giúp ông xây dựng nên những tiêu chuẩn đạo đức của một quý ông mãi trường tồn với thời gian.

Minh Quang biên dịch 

Xem thêm:

 

Exit mobile version