Đại Kỷ Nguyên

8 pháp khí thần thông quảng đại của Bát Tiên và câu chuyện vượt biển ly kỳ

Nhắc đến các vị tiên trong truyền thuyết, không thể không nhắc tới tám vị tiên huyền thoại với những pháp khí kỳ lạ trong “Bát tiên quá hải, các hiển thần thông” (tám vị tiên vượt biển, triển hiện thần thông).

Vậy, những pháp khí đó là gì, và câu chuyện vượt biển ly kỳ này bắt đầu như thế nào?

Một ngày, Vương Mẫu nương nương mở yến hội bàn đào và mời các vị thần tiên cùng tới tham dự. Bởi Vương Mẫu nương nương là nữ Thọ tinh, cai quản việc luyện thuốc trường sinh ở núi Côn Lôn, do vậy hội bàn đào của bà cũng vô cùng đặc biệt.

Tương truyền, vườn đào tiên được chính Vương Mẫu nương nương tự tay vun trồng, có hết thảy 3.600 cây. Phía trước là 1.200 cây với hoa nhỏ trái nhỏ, 3.000 năm mới chín, người ăn đào này thì thân thể nhẹ nhàng, thanh xuân mãi mãi. Ở giữa là 1.200 cây, hoa nở thành tầng, trái thơm quả ngọt, 6.000 năm mới chín, ăn vào có thể cưỡi mây lướt gió, bay bổng lên chín tầng thiên. Phía sau là 1.200 cây, trái tím hạt vàng, 9.000 năm mới chín, người ăn vào sẽ phúc lộc cùng trời đất, thọ ngang cùng nhật nguyệt, mãi mãi bất lão trường sanh. Cho nên nói, bàn đào là vật báu của thiên địa mà chốn phàm trần không thể có.

Trong yến hội bàn đào, thần tiên khắp mười phương thế giới đều tề hội đông đủ, tiên khí bao phủ, mây lành vây quanh. (Ảnh: galleries.jiangaophoto.com)

Trong yến hội bàn đào, thần tiên khắp mười phương thế giới đều tề hội đông đủ, tiên khí bao phủ, mây lành vây quanh. Trong đó có tám vị tiên huyền thoại, được gọi là “Bát tiên”, đó là: Hán Chung Ly, Trương Quả Lão, Hàn Tương Tử, Lý Thiết Quải, Tào Quốc Cữu, Lã Động Tân, Lam Thái Hòa, và Hà Tiên Cô. Mỗi vị tiên nhân đều có một đặc điểm khác nhau. Tào Quốc Cữu là thân thích của một vị hoàng đế thời nhà Tống; Lý Thiết Quải có dáng vẻ giống như người ăn mày với một bên chân tật nguyền nên phải chống gậy sắt; Hà Tiên Cô là một thiếu nữ trẻ xinh đẹp; Trương Quả Lão là một cụ già tóc bạc, gương mặt hồng hào, râu tóc phất phơ, thường cưỡi ngược trên lưng một con lừa; Hàn Tương Tử là cháu trai của Hàn Dũ, một nhà văn triều Đường, đặc biệt yêu thích thổi sáo; Hán Chung Ly lúc nào cũng phe phẩy một cây quạt ba tiêu, v.v. Họ đều là tiên nhân của Đạo gia, và thường tụ họp cùng nhau.

Trở lại với yến hội bàn đào, sau khi ăn uống no say, tám vị tiên nhân bái lạy Vương mẫu và cùng nhau quay về. Sau khi các vị tiên lên thuyền, Lã Động Tân đột nhiên nảy ra ý tưởng kỳ lạ, đề nghị mọi người không ngồi thuyền mà mỗi người hãy tự nghĩ cách để qua bờ bên kia.

Đầu tiên, Hán Chung Ly ném cây quạt ba tiêu xuống nước, rồi nằm ngửa trên đó để mặt quạt trôi đi. Lý Thiết Quải tháo bầu hồ lô đeo bên mình rồi thổi hơi vào, chiếc hồ lô biến thành lớn nổi trên mặt nước giống như một con thuyền, ông ngồi trên hồ lô tươi cười lướt sóng. Hà Tiên Cô cũng ném lá sen xanh xuống nước, trong phút chốc lá sen hoá lớn, Hà Tiên Cô nhẹ nhàng nhảy lên lướt sóng đuổi theo Lý Thiết Quải. Lam Thái Hoà ném chiếc giỏ trống, đáy giỏ vừa chạm mặt nước, trong giỏ liền có hoa tươi nở rực rỡ, Lam Thái Hoà tay cầm phách ngọc rẽ sóng mà đi. Hàn Tương Tử ném ống sáo rồi nhảy lên, ống sáo trôi như một chiếc tàu, Hàn Tương Tử miệng thổi sáo, chân đạp sáo sang bờ bên kia. Lã Động Tân ném cây bảo kiếm, trong vòng một trượng, sóng biển lặng yên. Tào Quốc Cữu tháo chiếc dây lưng ném xuống, Tào Quốc Cữu đứng trên dây giống như đứng trên lưng con rồng đang lắc đầu quẫy đuôi, rẽ sóng mà tiến. Trương Quả Lão cầm ngư cổ, từ tốn từ trong tay áo lấy ra một con lừa giấy, làm phép biến thành lừa thật rồi cưỡi ngược mà đi. Đây chính là câu chuyện “Bát tiên quá hải, các hiển thần thông” mà người ta vẫn nói.

“Bát tiên quá hải, các hiển thần thông”. (Ảnh: dkn.tv)

Nhắc đến câu chuyện này, không thể không kể tới những pháp khí mà Bát tiên sử dụng. Những pháp khí này là “Bát Tiên ám”, cũng gọi là “Đạo gia bát bảo”, mang ý nghĩa cát tường, cũng đại diện cho tiên thuật vạn năng. Trong đó có hồ lô, phiến tử (cái quạt), bảo kiếm, liên hoa (bông sen), hoa lam (giỏ hoa), ngư cổ, địch tiêu, Âm Dương bản.

Vậy những pháp khí này có gì đặc biệt?

Trương Quả Lão — Ngư Cổ (cái mõ hình con cá)

Bảo vật ngư cổ (trống cả) của Trương Quả Lão có thể nói về mạng sống của con người. “Gõ vào Ngư Cổ sẽ vang lên phạm âm”, nghĩa là có thể đoán trước sự việc xảy ra trong một đời người.

Lã Động Tân — Bảo Kiếm

“Kiếm hiện linh quang, yêu ma quỷ quái đều sợ hãi”, thanh bảo kiếm của Lã Động Tân có khả năng tránh tà, đuổi ma.

Hàn Tương Tử — Địch Tiêu (cây sáo ngang)

“Tử tiêu thổi ra âm thanh có thể ổn định hàng trăm cơn sóng lớn mạnh”, chiếc sáo của Hàn Tương Tử có khả năng khiến vạn vật sinh sôi nảy nở.

Hà Tiên Cô — Liên Hoa (đoá sen)

“Tay cầm liên hoa, không vướng bụi trần”, bông sen của Hà Tiên Cô có khả năng tu tâm dưỡng tính.

Lý Thiết Quải — Hồ Lô

“Trong hồ lô có chứa ngũ phúc”, hồ lô của Lý Thiết Quải có thể cứu giúp chúng sinh.

Hán Chung Ly — Phiến Tử (chiếc quạt)

“Khinh dao tiểu phiến lạc đào viên” (chỉ cần lắc nhẹ chiếc quạt cũng vui vẻ), chiếc quạt của Hán Chung Ly có khả năng cải tử hồi sinh.

Tào Quốc Cữu — Ngọc Bản (miếng ngọc)

“Ngọc bản thanh tẩy, tịnh hoá vạn vật”, tấm ngọc của Tào Quốc Cửu có khả năng thanh tẩy, tịnh hoá mọi vật chung quanh.

Lam Thái Hòa — Hoa Lam (giỏ hoa)

“Thứ cất chứa trong giỏ hoa không phải là vật của phàm trần”, chiếc giỏ của Lam Thái Hòa có khả năng quảng thông thần minh, giúp chư Thần gia tăng sức mạnh.

Các vị tiên đều từ người thường mà tu thành, đều từng trải qua quá trình tu luyện gian khổ trước khi đắc Đạo thành tiên, trở thành bậc thánh thần, tiêu diêu tự tại nơi thiên giới. (Ảnh: youtube.com)

Những pháp khí của Bát tiên không chỉ là báu vật nơi tiên thánh, mà còn là biểu tượng cho trí huệ và pháp lực vô biên. Các vị tiên đều từ người thường mà tu thành, đều từng trải qua quá trình tu luyện gian khổ trước khi đắc Đạo thành tiên, trở thành bậc thánh thần, tiêu diêu tự tại nơi thiên giới. Câu chuyện về họ đã ghi dấu ấn cho một thời nhân thần đồng tại trong văn hoá Thần truyền phương Đông.

Thanh Bình

Exit mobile version