Đại Kỷ Nguyên

9 câu nói chứa đựng đạo lý của người xưa

9 câu nói chứa đựng đạo lý của người xưa

Ảnh minh họa chụp màn hình.

Văn minh Á Đông bác đại tinh thâm, tinh hoa trí tuệ của người xưa cũng dần dần lắng đọng theo thời gian. 9 câu nói chứa đựng đạo lý của người xưa, nếu đọc hiểu sẽ khiến ta sống thiện lương và có ý nghĩa hơn.

Có nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ

Xa nhà mới biết nhớ nhà, nuôi con mới thấu hiểu nỗi lòng cha mẹ.

Người chưa có gia đình cũng hiểu được cha mẹ đã vất vả, thương con như thế nào. Khi bản thân có con mới thực sự càng thấm thía điều ấy. Ta hiểu được nuôi con vất vả, khó khăn đến thế nên sẽ biết cảm ơn vô cùng công sức cha mẹ dành cho ta, từ đó yêu kính và hiếu thuận với đấng sinh thành.

Lời nói chẳng mất tiền mua / Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau

Thiện ý một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng. Lời nói ác ý gây tổn thương tinh thần, tựa như cây đinh đóng vào gỗ, khi rút ra vẫn còn dấu vết.

Những lời nói vô ý hoặc cố ý làm tổn thương người khác, thực sự là một loại bạo hành ngôn ngữ. “Thương người như thể thương thân”, giữa người với người là nên yêu mến, việc gì phải nói những lời làm thương tổn người khác.

Nhân vô thập toàn

Vàng không thuần khiết, người không thập toàn. Mỗi người đều có khuyết điểm, nếu bạn cứ nhắm vào khuyết điểm của người khác mà không buông, thì quan hệ của hai người không thể tốt lên được.

“Một cánh én nhỏ không làm nên mùa xuân”, ai nấy đều có điểm mạnh và điểm yếu, nếu chúng ta phối hợp để phát huy sở trường và hạn chế sở đoản của nhau, như thế mới thành đại sự.

Nước lặng chảy sâu, người khôn kiệm lời

Người thực sự có học thức, tâm có sức mạnh thì luôn khiêm tốn, kiệm lời, không phô trương tài năng. Con người thường hay để ý người khác đánh giá mình như thế nào, người nông cạn sợ người khác khinh thường càng cố gắng thể hiện bản thân, nhưng cũng càng dễ để lộ khuyết điểm.

Khiêm nhường là thái độ sống điềm đạm, nhẫn nại, tích cực đối với cuộc sống. Thêm một chút khiêm tốn, một chút bình thản mới là trí tuệ thật sự.

Nước chảy đá mòn

Câu chuyện được ghi lại trong “Đại La kinh” triều Tống. Thời ấy tên quan giúp việc của Trương Quai Nhai ra khỏi phủ với một lượng tiền lấy được. Khi bị bắt, hắn nói một đồng tiền không đáng gì, chỉ có thể phạt đánh chứ không thể giết. Nhưng Trương Quai Nhai nói rằng: “Một ngày một đồng, ngàn ngày ngàn đồng, thừng cưa gỗ đứt, nước chảy đá mòn. Chém đầu!”.

Chuyện nhỏ coi thường, lâu ngày tích tụ thì không còn nhỏ nữa. Việc nhỏ mỗi ngày, nếu kiên trì làm sau này ắt có thành tựu.

Ảnh minh họa: Pinterest.

Thân thích không chung đụng tiền bạc

Với tiền bạc nếu sòng phẳng quá thì anh em thân thích mất vui, nhưng ngược lại nếu không rõ ràng thì cả hai bên cảm thấy không thoải mái.

Có những khoản cần trả thì phải trả đúng hẹn, có vậy tình cảm mới bền lâu. Chuyện liên quan đến tiền bạc nên rõ ràng phân minh, như vậy anh em thân thích mới tránh sứt mẻ tình cảm.

Trà ngon không sợ bình phẩm, việc tốt không sợ soi mói

Vàng thật không sợ lửa. Khi bạn làm việc hết khả năng, trách nhiệm của mình, chăm chỉ cẩn thận thì mới không hổ thẹn với lòng.

Sự vật sự việc chính đáng tốt đẹp thì không sợ hoài nghi và khảo nghiệm bên ngoài.

Khi sinh sống xem thân cận với ai, lúc hiển đạt xem cho ai tiền của. Khi giàu có xem điều gì không làm, lúc bần khổ xem cái gì không lấy

Có câu danh ngôn như thế này: “Hãy cho tôi biết bạn của bạn là ai, tôi sẽ cho bạn biết bạn là người như thế nào”. Ta thường thân với ai, người khác sẽ đánh giá ta là người như thế nào vì những người thân cận phản ánh một phần tính cách của ta.

Một người ở địa vị cao quý, đề bạt trọng dụng những ai, thì biết được tiết tháo của người ấy trọng nhân tài hay yêu thích kẻ tiểu nhân.

Sống bởi khó nhọc, chết bởi an lạc. Khi một người sống trong cảnh giàu có, dùng tiền tiêu vào những gì là có thể biết được khả năng tự ước chế của họ.

“Đói cho sạch, rách cho thơm”, một người trong nghịch cảnh, liệu có vứt bỏ chuẩn mực đạo đức không, là có thể biết được phẩm chất của người đó.

Cho mượn gạo không cho mượn củi, cho mượn y phụ không cho mượn giày

Người khác đang đói cần gạo để ăn, ta không thể chờ gieo mạ đến lúc thu hoạch rồi mới cho họ mượn. Người khác cần quần áo để mặc, ta cũng không thể lấy từng sợi bông, rồi dệt thành vải, sau đó may được y phục rồi đưa họ.

Nhưng củi và giày thì có khác biệt đôi chút. Núi xanh không lo thiếu củi đốt, giày cỏ có thể tự tay đan bện. Chỉ cần bạn nỗ lực thì sẽ thu hoạch được thành quả.

Ngụ ý của cả câu này chính là, đối với việc giúp người khẩn bách thì ta giúp bằng hiện vật sẵn có như gạo hay quần áo, còn những việc người ta có thể làm được thì cứ để họ làm. Điều này sẽ tránh được tâm lý ỷ lại, dựa dẫm.

Video: Năm tháng lấy đi sự yêu kiều nhưng cho ta trí tuệ

Exit mobile version