“Nhan thị gia huấn” (Gia huấn họ Nhan) là tài sản tinh thần mà Nhan Chi Thôi, học giả nổi tiếng thời Nam Bắc triều, để lại cho con cháu đời sau, được hậu nhân khen ngợi là “gia huấn xưa nay, lấy đây làm gốc”.
Nhan Chi Thôi đem những kinh nghiệm lập thân, trị gia, xử thế, tu học của bản thân chỉnh lý biên soạn ra, truyền lại cho con cháu đời sau. “Nhan thị gia huấn” nội dung phong phú, kiến giả độc đáo, là khuôn mẫu trong giáo dục gia đình, có thể nói là mỗi một chữ đều hết sức tinh tế, mỗi một câu đều là kinh điển.
1. Dạ giác hiểu phi, kim hối tạc thất (Buổi sáng sai lầm, buổi tối phải tỉnh ngộ)
Tạm hiểu: Buổi sáng mắc sai lầm, buổi tối phải tỉnh ngộ; hôm qua làm chuyện sai trái, hôm nay phải biết hối cải. Cải chính sai lầm quý ở chỗ kịp lúc. Con người ta đối với khuyết điểm sai lầm của bản thân, cần phải kịp thời sửa đổi. Biết sai liền sửa chính là yêu cầu tất nhiên để vượt lên trên bản thân mình.
Tăng Tử có nói: “Ta mỗi ngày tự xét lại mình ba lần”, ý nói rằng con người ta cần phải thường xuyên phản tỉnh, nhìn lại bản thân, từ đó sửa chữa lỗi lầm, khắc phục thiếu sót. Con người vốn không phải Thánh hiền, có ai chưa từng phạm phải sai lầm đâu? Điều quan trọng là phạm sai lầm rồi có thể nhận ra kịp thời, biết sai mà sửa, há không phải quá tốt hay sao.
2. Ngô kiến thế gian vô giáo nhi hữu ái (Trên đời có một kiểu cha mẹ không dạy dỗ con cái mà chỉ chiều chuộng)
Nguyên văn: “Ngô kiến thế gian vô giáo nhi hữu ái, mỗi bất năng nhiên, ẩm thực vận vi, tứ kỳ sở dục, nghi giới phiên tưởng, ứng ha phản tiếu, chí hữu thức tri, vị pháp đương nhĩ, kiêu mạn dĩ tập, phương phục chế chi, chùy thát chí tử nhi vô uy, phẫn nộ nhật long nhi tăng oán, đãi ư thành trường, chung vi bại đức”.
Tạm hiểu: Từng thấy trên đời có một kiểu cha mẹ không dạy dỗ con cái mà chỉ chiều chuộng, thường không cho điều là gì to tát lắm. Con cái muốn ăn gì, muốn làm gì, thì cứ cho chúng tùy thích, không quản chế thêm. Những lúc nên răn dạy thì trái lại lại khích lệ, những lúc nên dạy dỗ trách mắng thì trái lại lại vui cười.
Đến khi con cái hiểu chuyện rồi, thì lại cho rằng những đạo lý này vốn dĩ là như vậy. Mãi cho đến khi chúng kiêu ngạo thất lễ đã trở thành thói quen rồi, cha mẹ mới bắt đầu ngăn cấm. Lúc này dù cho có đánh đập tàn nhẫn nghiêm khắc hơn cũng không có được sự tôn nghiêm, tức giận gay gắt hơn cũng sẽ chỉ tăng thêm oán hận. Mãi cho đến khi con trẻ thành người, cuối cùng trở thành những kẻ phẩm đức bại hoại.
3. Giáo phụ sơ lai, giáo nhi anh hài (Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở mới về)
Tạm hiểu: Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ tử thuở bơ vơ mới về. Ý nói rằng, việc thực thi giáo dục đối với một người cần phải áp dụng đúng lúc và sớm nhất có thể.
4. Nhân sinh tiểu ấu, tinh thần chuyên lợi (Con người ta lúc còn nhỏ, khả năng chú ý tập trung cao)
Nguyên văn: “Nhân sinh tiểu ấu, tinh thần chuyên lợi, trưởng thành dĩ hậu, tư lự tản dật, cố tu tảo giáo, vật thất cơ dã”.
Tạm hiểu: Con người ta lúc còn nhỏ, khả năng chú ý tập trung cao, dễ dàng chuyên tâm. Sau khi lớn lên thành người thì không như vậy nữa, tinh thần phân tán, khó mà chuyên tâm. Vậy nên cần phải tiến hành giáo dục ngay từ khi còn nhỏ, tuyệt đối đừng để lỡ mất giai đoạn quý báu này.
5. Phụ mẫu uy nghiêm nhi hữu từ, tắc tử nữ úy thận nhi sinh hiếu hĩ (Cha mẹ trước mặt con cái vừa uy nghiêm, vừa yêu thương thì con cái kính sợ, cẩn thận, hiếu thuận)
Tạm hiểu: Cha mẹ trước mặt con cái vừa có sự uy nghiêm mà lại có thể quan tâm chăm sóc yêu thương chúng, con cái chính là sẽ kính sợ, cẩn thận mà lại hiếu thuận với cha mẹ. Ý nói rằng, cha mẹ đối đãi với con cái, có những lúc cần phải có thái độ rõ ràng, điều này có thể tham khảo được.
6. Nhiên tắc khả kiệm nhi bất khả lận dĩ, kiệm giả; tỉnh xa, kiệm nhi bất lận, khả hĩ (Tiết kiệm mà không bủn xỉn keo kiệt, là chắt chiu tằn tiện hợp với lẽ thường)
Tạm hiểu: Làm được tiết kiệm mà không bủn xỉn keo kiệt. Tiết kiệm, là sự chắt chiu tằn tiện hợp với lẽ thường. Còn như keo kiệt, ngay trong những lúc khó khăn nguy cấp cũng không chịu chi ra một đồng.
Ngày nay thường có lối nói, kiểu như bố thí thì thành như hoang phí một cách quá đáng, tiết kiệm thì đi đến bủn xỉn. Nếu như có thể làm được bố thí mà không hoang phí, tiết kiệm mà không bủn xỉn, thế thật là tốt quá rồi.
7. Phu phong hóa giả, tự thượng nhi hành ô hạ giả dã (Giáo dục cảm hóa là thúc đẩy từ trên xuống dưới, là thi hành ảnh hưởng từ trước đến sau)
Nguyên văn: “Phu phong hóa giả, tự thượng nhi hành ô hạ giả dã, tự tiên nhi thi ô hậu giả dã, thị dĩ phụ bất từ tắc tử bất hiếu, huynh bất hữu tắc đệ bất cung, phu bất nghĩa tắc phụ bất thuận hĩ”.
Tạm hiểu: Việc giáo dục cảm hóa là thúc đẩy từ trên xuống dưới, là thi hành ảnh hưởng từ trước đến sau. Vậy nên, cha không từ ái thì con sẽ khó lòng hiếu thuận, anh chị mà không thân thiện thì các em cũng khó cung kính, người chồng mà không nhân nghĩa thì người vợ cũng không dịu dàng ngoan ngoãn được.
8. Xảo ngụy bất như chuyết thành (Giả dối một cách khéo léo chẳng bằng chân thành)
Tạm hiểu: Giả dối một cách khéo léo chẳng bằng chân thành mà lại có phần vụng về.
Giả dối và bịa đặt nguyên vốn không thể bền lâu được, chỉ có thể dối gạt người ta một lúc, há có thể dối gạt người ta cả đời?
9. Nhân tại niên thiếu, thần tình vị định (Lúc niên thiếu tinh thần thái độ còn chưa định hình)
Nguyên văn: “Nhân tại niên thiếu, thần tình vị định, sở dữ khoản hiệp, huân tứ đào nhiễm, ngôn tiếu cử động, vô tâm ư học, tiềm di ám hóa, tự nhiên tự chi, hà huống thao lữ nghệ năng, giảo minh dịch tập giả dã!”.
Tạm hiểu: Con người ta lúc còn niên thiếu, tinh thần thái độ còn chưa định hình. Vậy nên, khi qua lại thân mật với người khác, sẽ chịu nhận ảnh hưởng. Mỗi từng lời nói hành vi cử chỉ của người ta, dù bản thân không phải cố tình học theo, nhưng cũng sẽ vô hình trung tác động thay đổi chính ta từ lúc nào không hay. Huống chi phẩm hạnh kỹ năng của người ta, càng là những thứ dễ bắt chước học theo hơn nữa! Thế nên có câu, “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” vậy.
Theo Soundofhope
Thuận An biên dịch