Ashoka Đại Đế là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử nhân loại chủ trương “tự thắng mình hơn chiến thắng người khác”, ý niệm này đã biến ông từ một con người cực ác thành một con người cực thiện và mở ra biết bao viễn cảnh an lạc trong cuộc đời. Ông cũng là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử quyết định “dùng Pháp âm thay cho tiếng trống trận”…
Xem thêm: Phần 1
A Dục Vương: Một ông vua hộ trì Phật pháp
Có thể nói A Dục Vương là nhà chiêm bái Phật tích đầu tiên và cũng là người có công duy hộ cho những di chỉ Phật tích ấy.
Vào năm thứ 20 – niên hiệu A-sho-ka, vua A Dục đã cầu thỉnh ngài Ưu Ba Cúc Đa đưa đi chiêm bái hết tất cả những Phật tích tại Ấn Độ. Nhà vua cùng với hoàng gia Khổng Tước dưới sự hướng dẫn của Ưu Ba Cúc Đa đã thực hiện cuộc hành trình này trong vòng 265 ngày để đến tận nơi và chiêm bái hết tất cả những thánh tích tại Ấn Độ.
Sau mỗi chuyến đi, từ Lâm Tỳ Ni cho đến Câu Thi Na, tại mỗi thánh tích vua A Dục đều cho xây dựng bảo tháp, bia đá và trụ đá để đánh dấu những nơi mà Đức Phật đã từng lưu trú và thuyết giảng lúc còn tại thế. Chính nhờ những trụ đá, bia đá này mà ngày nay thế nhân và các tăng ni phật tử mới có được những hiểu biết chân xác hơn về lịch sử Phật giáo.
Truyền thuyết còn kể rằng: vua A Dục đã thu nhặt được xá lợi của đức Phật từ bảy hoặc tám bảo tháp nguyên thủy, sau đó các xá lợi Phật được nhà vua chia ra thành nhiều phần và cho xây dựng 84.000 bảo tháp nhỏ trên toàn vương quốc để tôn thờ.
Những trụ đá Ashoka trường tồn cùng lịch sử
Nếu như triều đại A Dục đã lụi tàn cùng với vòng xoay con tạo và biết tháng năm thăng trầm của lịch sử, thì chính những bia đá, trụ đá của A Dục Vương lại để lại những dấu vết không bao giờ bị xóa nhòa. Những chứng tích của vị vua khôn ngoan này đã được các nhà khảo cổ khai quật và tìm thấy rải rác trên khắp Ấn Độ cũng như ở các quốc gia Nepal, Pakistan và Afghanistan. Trên nền hoa văn được chạm khắc tinh xảo, đầy tính thẩm mỹ của những trụ đá Ashoka này còn khắc ghi những lời Phật dạy và được gìn giữ một cách cẩn thận để nhân dân có thể tham chiếu và áp dụng vào đời sống thường nhật.
Ngoài những bài kinh Phật, các bản dịch sớm nhất từ các trụ đá, bia đá còn cho ta thấy nỗ lực của một vị quân vương hùng mạnh đã kiến thiết một quốc gia dựa trên nền tảng tư tưởng đạo đức Phật giáo với một chính sách an dân vượt lên trên mọi biểu hiện tham lam, sân hận và si mê của kiếp người. Đặc biệt qua những trụ đá, bia đá này, ta thấy được vua A Dục là một Phật tử thuần thành, thấm nhuần giáo lý của đức Phật. Ông cũng là người luôn biết thực hành theo lời Phật dạy và đạt được những lợi ích thiết thực cho chính bản thân mình, cuối cùng A Dục Vương muốn đem những lợi ích đó để chia sẻ với mọi con dân trong vương quốc, bằng cách ra lệnh cho khắc huấn dụ của mình lên vách đá khắp nơi rằng: “Nếu quần chúng sau khi nghe được lời Phật dạy và thực hành theo sẽ đạt được lợi ích trong chính Pháp”.
Nhà vua cũng khuyên bảo người dân thực hành không sát sinh, hiếu kính cha mẹ và các bậc trưởng thượng, tôn trọng bậc làm thầy, cung kính các Sa Môn, xử sự tốt với thân bằng quyến thuộc, đối đãi nhân hậu với kẻ làm công, người giúp việc, giúp đỡ người già, người nghèo khó, kẻ khổ đau… Ngoài ra trong một bia ký khác, vua A Dục đã cho khắc bản Kinh chân hạnh phúc (Mahamangala Sutta), đây là một bản kinh mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni có dạy về đời sống đạo đức của những Phật tử tại gia, nếu áp dụng đúng thì hạnh phúc sẽ đến với họ ngay trong đời sống hiện tại này, dưới đây là một đoạn bản dịch – chỉ mang tính chất tham khảo:
“Kẻ si mê nên tránh
Bậc hiền đức phải gần
Chọn nơi lành mà ở
Luôn giữ lòng thẳng ngay
Hiểu rộng và làm hay
Giữ tròn các giới luật
Luôn nói lời hòa ái
Cung dưỡng mẹ cha già”…
Tại thánh tích Lâm Tỳ Ni (Lumbini), nơi Đức Phật giáng trần, A Dục Vương đã cho dựng một trụ đá cao 15 mét, hiện nay vẫn còn tồn tại khá nguyên vẹn, được bao bọc bởi một hàng rào sắt để bảo hộ. Trên trụ đá này có ghi hàng chữ như sau:
“Sau hai mươi năm lên ngôi, vua Priyadarsi (Vương hiệu của Vua A Dục), người được chư thiên yêu mến, đã thân hành viếng thăm và lễ bái nơi đây, bởi vì chính tại nơi này Đức Phật Thích Ca đã được ra đời”. (Twenty years after his coronation, King Priyadarsi, Beloved of the Gods, visited this place himself and worshipped here saying, here Buddha Sakyamuni was born).
Tại vườn Lộc Uyển (Sanarth), nơi Đức Phật từng truyền giảng Pháp, vua A Dục cũng đã đến đó chiêm bái và cho dựng một trụ đá rất lớn (đường kính 7 tấc, cao 15,25 mét) để đánh dấu nơi đức Phật thiết lập Tam Bảo, mở đầu cho công cuộc truyền bá chính Pháp. Đáng tiếc thay, trụ đá này đã bị quân xâm lăng Hồi giáo của Mohammed Ghori hủy diệt, trụ đá bị xô ngã và gãy thành nhiều khúc, chôn vùi dưới lòng đất cho đến khi nhà khảo cổ Kittoe đào bới lên vào năm 1934. Hiện chỉ còn phần trên của trụ đá với bốn con sư tử là giữ được nguyên vẹn và được chính phủ Ấn Độ cho đem trưng bày trong Viện bảo tàng khảo cổ học Lộc Uyển, còn năm khúc gãy khác của trụ đá được tôn trí ngay tại địa điểm khai quật (trong khuôn viên vườn Lộc Uyển), dưới một mái che và được bao bọc bởi một hàng rào sắt để gìn giữ bảo vật vô giá này. Phần dưới trụ đá, có khắc hàng chữ bằng tiếng Brahmi:
“Đấng Thiên nhân sư đã dạy rằng: Giáo hội Tăng Ni không được chia rẽ. Nếu có vị Tỳ-kheo nào phá hoại Giáo hội, vị ấy phải mặc đại y và ở tại một chỗ thanh tịnh chí thành sám hối”…
“Hàng cư sĩ tại gia mỗi ngày rằm hay mùng một phải đến dự họp kiểm thảo nhau để thêm phần tinh tấn về đạo nghiệp. Và các ngày lễ Phật, các quan chức phải đến dự lễ để được thêm phần tin tưởng về đạo đức. Các cấp quận, huyện, xã dù xa xôi thế nào, cũng phải truyền rộng chỉ thị này theo đúng nghĩa của nó cho dân chúng tuân theo”.
Tại thành Tỳ Xá Ly (Vaishali), một thành phố quan trọng vào buổi đầu Phật giáo, nơi Đức Phật cho phép hàng nữ giới xuất gia, là quê hương của cư sĩ Duy Ma Cật, nơi Tôn giả A Nan nhập niết bàn, hiện là Basarh cách Patna khoảng hơn 20 dặm về phía Tây bắc, giữa sông Hằng và rặng Tuyết Sơn. Ngay bên cạnh Bảo Tháp tưởng niệm tôn giả A Nan, còn một trụ đá do vua A Dục dựng lên để tưởng nhớ đến công đức hoằng pháp của Đức Phật tại nơi này. Trụ đá tròn cao khoảng 10 thước, trơn láng, trên đầu có hình một con sư tử, dù không đẹp bằng trụ đá sư tử bốn đầu ở Sarnath, vườn Lộc Uyển, nhưng vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn.
Trong khi đó, tại Sanchi, một thành phố miền trung Ấn Độ, cách Bom Bay khoảng 549 dặm, một địa điểm ít khi được nhắc đến trong văn học Phật giáo, nhưng ngạc nhiên thay, chính Vua A Dục đã cho xây dựng một tu viện và một Đại bảo tháp tại nơi này với lối kiến trúc lộng lẫy và đẹp mắt. Đáng chú ý nhất là trên cổng vào Đại tháp, có một bản chạm nổi hiếm thấy, mô tả sự chiêm bái của vua A Dục trước cội Bồ đề ở Bodhgaya. Tại sao Sanchi là nơi đức Phật chưa từng đi qua mà lại có thánh tích này? Đơn giản là vì Sanchi vốn là quê vợ của vua A Dục. Khi chưa lên ngôi, ông từng làm Phó vương ở đây và kết hôn với thiếu nữ Devi ở Vedisa, một thị trấn cách Sanchi khoảng vài dặm, do vậy mà đức vua muốn biến nơi đây thành một trung tâm sinh hoạt Phật giáo để mang ánh sáng giác ngộ đến cho người dân ở ngôi làng này. Điều đặc biệt là ở Sanchi có rất nhiều trụ đá do A Dục Vương dựng tại khu thánh tích này. Hiện còn một Đại bảo tháp và một trụ đá khác do vua A Dục dựng lên tại cửa phía nam của ngôi Đại tháp nhưng chỉ còn thân trụ và bảng đá, vì trụ đá này về sau đã bị một người dân tên là Semindar phá hủy để làm dụng cụ ép mía đường!
***
Dẫu là một ông vua cai trị một đế chế rộng lớn, quyền uy tột bậc nhưng kỳ thực A Dục Vương vẫn luôn coi mình là một một tín đồ thuần thành của Phật giáo, một quân vương hộ trì Phật pháp. Ông đã đem hết công sức của mình để truyền rộng ánh sáng trí huệ và từ bi của Phật pháp đến muôn nhà. Việc vua A Dục cho xây tám vạn bốn ngàn bảo tháp để thờ xá lợi Phật trên khắp vương quốc tượng trưng cho 84.000 pháp môn tu luyện thuộc Phật gia là một trong những việc làm thể hiện lòng thành kính và uy đức cao dày của bậc đế vương minh triết này.
Dưới ánh sáng từ bi của Phật pháp, A Dục Vương đã xây dựng nên một triều đại vô cùng phồn vinh trên mọi lĩnh vực: kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục… ông đã kiến tạo và duy trì được một xã hội yên bình, an lạc và đem lại hạnh phúc cho muôn dân. Chủ trương tôn trọng tín ngưỡng tôn giáo, khoan dung, bất bạo động của A Dục Vương vẫn mãi mãi là nét đẹp và biểu trưng của văn hóa truyền thống Ấn Độ nói riêng và văn minh nhân loại nói chung.
Đường Phong – tổng hợp.
(Tài liệu tham khảo: ‘Đại đế A Dục, một ông vua hộ trì Phật Pháp’ – Thích Nguyên Tạng).