Đại Kỷ Nguyên

Âm gian cai quản nhân gian, làm việc gì cũng nên thận trọng

Tú tài kiện thổ địa: Âm gian cai quản nhân gian, làm việc gì cũng nên thận trọng

Ảnh minh họa: Flickr.

Mọi việc chúng ta làm đều có trời đất chứng giám. Cho dù bạn không thấy được hậu quả của những việc mình làm, thì vẫn có Thần đang giám sát.

Thông thường, Thành hoàng là Thần cai quản cõi âm của một vùng, còn Thổ công, Thổ địa là cấp dưới của Thành hoàng. Bạn có thấy điều ấy rất giống với cấp bậc ở dương gian? Đúng như vậy, cõi âm cũng là nơi cai quản những việc ở dương gian của chúng ta, và dương gian là một phiên bản sống động của cõi âm. Một nơi vô hình lại cai quản những việc trong cuộc sống hiện thực của chúng ta, điều ấy có phải sẽ khiến bạn thấy thật mơ hồ, thật khó tin hay không? Thực ra, nhân quả đều có Thần coi xét, hết thảy đều là có nguyên do.

Ở vùng Nam Xương tỉnh Giang Tây có vị tú tài họ Cầu. Vào một ngày hè nóng nực, Cầu tú tài vào miếu thổ địa tránh nắng. Vì thấy trong miếu vắng vẻ không có ai, anh ta liền cởi hết quần áo ra ngủ một giấc ngon lành, sau khi tỉnh dậy về nhà liền bị ốm một trận thập tử nhất sinh.

Vợ của anh ta nghĩ chồng đổ bệnh là do đã khỏa thân ngủ trong miếu, như thế là báng bổ Thổ thần, vì thế đã mua cống phẩm, vàng mã, và hương đến miếu để tạ tội. Sau đó Cầu tú tài cũng lập tức khỏi bệnh, nhưng khi nghe vợ kể xong thì anh ta không những không cảm ơn mà còn trách mắng vợ.

Cầu tú tài vì quá tức giận nên đã viết một bức sớ dài để cáo tội Thổ thần lừa gạt, rằng đã khiến người mắc bệnh để lấy cống phẩm. Sau đó anh ta cho đốt tờ sớ đó tại miếu Thành hoàng để tố cáo. Sau khoảng 10 ngày, mọi thứ đều yên ắng, chàng tú tài thấy không có động tĩnh gì liền nghĩ Thành hoàng đã không màng tới tờ tấu trình của mình. Anh ta càng thêm bực tức bèn viết tiếp tờ sớ thứ hai, trách cứ Thành hoàng vô trách nhiệm, dung túng cho cấp dưới có hành động tham ô… Rồi anh ta lại đem lá sớ này đi đốt ở miếu Thành hoàng.

Đêm hôm đó, chàng tú tài mơ thấy trên miếu Thành hoàng dán tờ sớ thứ hai của mình. Thành hoàng đã viết vào phía sau tờ sớ của anh ta là: “Lừa gạt để lấy cống phẩm của dân, có lòng tham nên cách chức. Tú tài họ Cầu không tin tưởng sự công minh của Thần Thánh, tố cáo nhiều lần, vậy để tân huyện lệnh đánh phạt 30 roi”.

Sau khi tỉnh dậy, anh ta vẫn thấy trong lòng hoài nghi, nghĩ rằng mình là người Nam Xương, dù có bị phạt chắc cũng không phải đến huyện mới nào hết. Đây chắc chỉ là mơ, không thể linh ứng được.

Sau đó vài ngày, trời bỗng đổ mưa lớn, sấm chớp đùng đoàng, một tia sét xé trời thiêu rụi miếu thổ địa. Chàng tú tài khi đó bắt đầu thấy sợ hãi. Anh ta quyết định sẽ không đi đâu xa, nhất định từ chối đến huyện mới để tránh bị đòn roi.

Một hôm, có vị quan huyện đi tuần qua Giang Tây, đến trước miếu thắp hương, không may bị kẻ lạ mặt đánh thương ở đầu. Thế là, mọi người đều đến điều tra hung thủ là ai. Chàng tú tài nghe xong việc này lấy làm lạ, liền chạy ra miếu để xem sự tình ra sao. Quan huyện mới vừa nhìn thấy anh ta liền hỏi: “Ngươi là ai?”. Tú tài sợ quá, cấm khẩu không nói được lời nào, quan huyện càng thấy bực mình liền lệnh cho lính đánh 30 roi. Sau khi đánh xong, mọi chuyện đều kết thúc.

Mọi rủi ro và tai họa trên đời đều là do nhân quả, mục đích để nhắc nhở con người tránh xa cái ác, hướng đến cái thiện. Thần Thánh trên trời luôn dõi theo con người ở trần gian. Thiện hữu thiện báo, ác giả ác báo, đó là Thiên lý xưa nay. Con người sống thì nên biết người biết ta, không nên làm điều xấu cho kẻ khác. Để tiêu tai tránh họa thì cách tốt nhất là hãy suy nghĩ tốt, nói lời tốt, làm việc tốt, làm người tốt…

Quỳnh Chi
Theo Văn Chương Ba

Exit mobile version