Đại Kỷ Nguyên

Ba cảnh giới của Nhẫn: Tiểu nhẫn, đại nhẫn, và cái nhẫn của người trí tuệ

Chữ “Nhẫn” (忍) gồm chữ “Tâm” (心) nghĩa là tim và chữ “Nhận” (刃) nghĩa là lưỡi dao, thế nên Nhẫn nghĩa là trên tim có một lưỡi dao. Khi lưỡi dao kề vào tim, dùng tâm đối lại, kiên nhẫn là vượt qua. Nhưng để vượt qua thì cần phải có lòng can đảm, có dũng khí và có trí tuệ.

Nhưng nhẫn cũng có cao có thấp, có lớn có nhỏ, nên được gọi là “tiểu nhẫn”, “đại nhẫn”, và một loại nhẫn nữa là “cái nhẫn của người trí tuệ”, thông tỏ nhân tình thế thái, nhìn thấu cõi hồng trần.

Tiểu nhẫn

Người tiểu nhẫn thường cầu yên ổn, giống như trong Âm phù kinh viết: “Yên ổn, không gì bằng nhẫn nhục”. Người ta thường nói: “Nhẫn một lúc sóng yên biển lặng, lùi một bước biển rộng trời cao”. Hay như trong dân gian vẫn nói: “Một điều nhịn là chín điều lành”. Đó đều là cái nhẫn của người tiểu nhẫn.

Ảnh minh họa: pinterest.ca

Sự khoan dung của một người bình thường dường như rất khó đạt đến cảnh giới “Biển lớn dung nạp trăm sông”. Nhưng chí ít thì bạn cũng có thể làm được, đó là dũng cảm chấp nhận: chấp nhận việc tốt cũng như việc không tốt. Chấp nhận ưu điểm của người khác cũng như chấp nhận cả khuyết điểm của họ. Việc tốt hay ưu điểm thì tự nhiên khiến người ta vui mừng. Việc không vui hay khuyết điểm thì nên khoan dung hơn, bỏ qua khuyết điểm cho người khác, đó chính là nhẫn nhịn.

Một người có tấm lòng khoan dung sẽ là người khiêm tốn. Người khiêm tốn thì sẽ biết nhường bước. Nhẫn nhượng nghĩa là nhường, bạn nhường rồi thì sẽ nhẫn được.

Vợ chồng cãi nhau, có một người nhẫn thì gia đình hòa hợp. Hàng xóm láng giềng va chạm, có một nhà nhường nhịn thì xóm láng thuận hòa. Giữa bạn bè với nhau, việc nhỏ, việc vặt vãnh, việc không vui cũng đôi lúc xảy ra, nhưng chỉ cần hai bên nhường nhịn lẫn nhau thì sẽ không chuyển bạn thành thù.

Câu chuyện “Ngõ 6 thước” của đại học sỹ Trương Anh thời Khang Hy nhà Thanh chính là một minh chứng về nhường nhịn. Trương Anh nhận được thư nhà, nói rằng hàng xóm và gia đình đang tranh chấp ranh giới rộng 3m, muốn Trương Anh dùng chức quyền để quan hệ, để thắng kiện. Trương Anh liền cầm bút viết một bài thơ làm thư trả lời như sau:

Viết thư ngàn dặm bởi tường cao,
Nhường ba thước đất hại gì sao?
Vạn Lý Trường Thành nay còn đó,
Thủy Hoàng năm ấy giờ nơi nao?

Ảnh minh họa: getty.com

Người nhà xem thư vô cùng xấu hổ, chủ động nhường ra 3 thước đất. Hàng xóm biết chuyện vô cùng hổ thẹn, cũng nhường ra 3 thước đất, từ đó trở thành giai thoại ‘ngõ 6 thước’.

Trương Anh hiểu đạo lý, hiểu khoan dung và nhường nhịn. Một chữ “Nhường” này đã viết nên tấm gương nhường nhịn cho người đời sau, cũng khiến Trương Anh danh tiếng lưu truyền thiên cổ.

Do đó nói tiểu nhẫn có ở khắp mọi ngóc ngách cuộc sống. Cái nhẫn của tiểu nhẫn giúp thành tựu trạng thái sinh mệnh mà mọi người trong xã hội chung sống hòa thuận, hài hòa.

Đại nhẫn

Hàn Tín là công thành khai quốc của nhà Hán, là đại tướng quân bách chiến bách thắng, dụng binh như Thần. Hàn Tín học võ từ nhỏ, thường đeo thanh bảo kiếm. Một ngày, có tên vô lại chặn Hàn Tín giữa phố xá sầm uất và nói: “Nếu ngươi gan dạ thì hãy chặt đầu ta đi”. Nói rồi hắn vươn cổ ra thách thức Hàn Tín.

Thấy Hàn Tín im lặng, gã vô lại nói tiếp: “Ngươi không dám chặt đầu ta tức ngươi là kẻ hèn nhát, vậy hãy chui qua háng ta”.

Mọi người xung quanh đều biết hắn cố tình tìm cớ làm nhục Hàn Tín, ai cũng tự hỏi không biết Hàn Tín sẽ phản ứng thế nào. Hàn Tín nghĩ: “Mình có thể dễ dàng giết hắn, nhưng giết người đền mạng, sao có thể khinh suất khi sự nghiệp chưa thành?”.

Ảnh minh họa: youtube

Hàn Tín bèn không nói gì mà chỉ bình thản chui qua háng gã vô lại đó. Mọi người có mặt cười ầm lên, cho rằng Hàn Tín là kẻ hèn nhát.

Giống như Việt Vương Câu Tiễn nếm mật nằm gai, Hàn Tín chịu nhục chui háng được người đời sau gọi là bậc đại nhẫn. Người đại nhẫn có mục tiêu và chí hướng to lớn ở phía trước, nên những xúc phạm, tủi nhục và khổ cực trước mắt xem ra là quá bé nhỏ. Vậy nên họ có thể nhẫn nhịn vượt qua những điều mà người thường không thể nhẫn chịu được.

Trong Luận Ngữ có viết: “Việc nhỏ không nhẫn thì hỏng mưu lớn” cũng có ý nghĩa như vậy. Thế nên, xem người ta nhẫn đến đâu thì biết được chí hướng người ấy lớn đến đó.

Những câu chuyện đại nhẫn như hòn đá thử lòng đối với người sẽ làm nên nghiệp lớn. Đối với họ mà nói, nhẫn chỉ là một biện pháp, một quá trình để đạt được mục tiêu cao cả của mình.  

Cái nhẫn của bậc đại nhẫn, đại đa số đều là tác dụng của trí tuệ chứ không phải do tính cách có thể làm được. Cái nhẫn của người đại nhẫn không phải là để cầu được yên ổn, mà là để đạt được thành công, thành tựu đại nghiệp. Trong dân gian cũng lưu truyền câu thơ:

“Có khi nhẫn để xoay vần
Thiên thời, địa lợi, nhân tâm hiệp hòa”

Đó là cái nhẫn của người đại nhẫn, đại trí tuệ, họ biết rõ con đường mình đi, mục tiêu mình cần đạt được và họ dùng tâm đại nhẫn để làm phương tiện xoay chuyển cục diện, đắc nhân tâm, chờ đợi thiên thời địa lợi. Cuối cùng thành công tất yếu sẽ đến khi họ đã hội tụ đủ các điều kiện.

Và cái nhẫn của người trí tuệ

Thế nào là cái nhẫn của người trí tuệ? Có câu chuyện kể rằng…

Hakuin là một thiền sư nổi tiếng tại Nhật Bản, được mọi người rất kính trọng. Một hôm vị thiếu nữ con nhà gia giáo bị phát hiện đang mang thai. Cô vì sợ dân làng xử tội nên đã khai rằng chính thiền sư Hakuin là cha ruột của thai nhi.

Dân làng và cha mẹ cô gái giận dữ kéo đến am của vị thiền sư rồi la hét, chửi rủa… Nhưng thiền sư chỉ mỉm cười thốt lên: “Thế ư?”.

Khi đứa bé chào đời, gia đình cô gái đem đứa bé đặt trước cửa am. Ông lặng lẽ bồng lấy, nâng niu chăm sóc nó như chính con ruột của mình. Hàng ngày ông bồng đứa nhỏ xuống làng xin sữa, chấp nhận bị thiên hạ chửi rủa đàm tiếu đủ điều.

Ảnh minh họa: pinterest.com

Vài năm sau, cô gái hối hận về hành vi của mình, đã thú nhận rằng cha của đứa bé chính là con của chàng ngư phủ trong làng.

Nghe tin này, dân làng ai ai cũng cảm thấy xấu hổ vì đã nhục mạ một con người đáng kính. Cả làng cùng gia đình cô gái đến trước mặt thiền sư, sụp lạy tỏ lòng sám hối vì đã xúc phạm đến vị cao tăng đức cao vọng trọng. Lúc ấy, thiền sư chỉ mỉm cười nói: “Thế ư?”.

Có thể thấy, để nhẫn được cần phải có tâm thái tốt. Tâm thái đoan chính là quan trọng nhất. Nếu không có lòng khoan dung thì không thể có nhẫn một cách cam tâm tình nguyện. Cho dù có nhẫn được thì trong lòng vẫn uất ức, cũng tự dằn vặt trách móc bản thân, oán Trời trách người, u uất không vui, thậm chí tích tụ lâu ngày thành bệnh.

Do đó trong cuộc sống hàng ngày nếu biết lấy nhẫn làm vui, thì cuộc sống sẽ ung dung tự tại. Kiếp phù sinh bận rộn vùn vụt trôi qua, việc đời phức tạp rắc rối, vui vẻ ít mà phiền não thì nhiều. Thế nên nhẫn được rồi thì bĩ cực thái lai, nhẫn được rồi thì chuyển nguy thành an. Nếu thực sự nhẫn mà không oán hận thì có lẽ sẽ sống một cuộc đời hoàn toàn khác, thăng hoa tâm hồn. Để thực hành được chữ nhẫn đó thì hãy làm theo bài thơ “Chớ tranh cãi”:

Người chửi rủa mình ấy vô minh,
Nếu mình đáp lại càng bất bình
Nghe như không thấy đừng tranh cãi
Một đóa hoa sen giữa lửa sinh.

Khi gặp chuyện tranh chấp, người ta phê phán mình, vu oan mình, thậm chí mắng chửi mình, nếu mình cũng đáp lại tương ứng thì cả hai bên càng sinh ra bất bình, khiến hai bên càng căng thẳng, càng muốn tranh đấu. Khi đó không bên nào chịu nhường bên nào, dễ nảy sinh xung đột, động chân động tay, thậm chí án mạng. Thế nên, người nhẫn nại thì trước tiên phải học được không tranh cãi, nghe mà như không thấy.

Ảnh minh họa: youtube

Khi đã luyện nhẫn đến mức trong tâm không oán hận, không uất ức, không tủi nhục thì lúc đó cảnh giới tinh thần đã lên khá cao rồi, trong trái tim ngụt ngụt lửa tranh đấu kia đã sinh ra một đóa sen thanh tịnh ngan ngát hương. Khi đó có lẽ cũng chẳng còn ai đến gây sự với mình được nữa. Nghe mà như không thấy, biết mà như không biết, tỉnh mà như mê, đó là cái nhẫn của bậc đại trí nhược ngu:

Có khi nhẫn: tỉnh giả ngu
Hơn hơn, thiệt thiệt đường tu khó lường
Có khi nhẫn để vô thường
Không không, sắc sắc đoạn trường trần ai

Từ cấu tạo chữ Nhẫn là “lưỡi dao trong tâm”, có thể thấy bí quyết của chữ nhẫn chính là ở chữ “Tâm”. Con dao là ngoại vật, ngoại cảnh, như con người ở hoàn cảnh nào cũng có những chuyện không vừa ý, nghịch cảnh xảy đến. Nếu có thể giữ được cái tâm bất động trước nghịch cảnh thì con dao kia dẫu sắc nhọn đến đâu cũng chẳng làm tổn hại được. Nhẫn được rất khó, cũng như con dao ở trong tim, rất khó chịu. Nhưng càng khó chịu tâm càng động, càng náo loạn thì con dao đâm càng đau, càng thương tâm thê thảm hơn. Thế nên giữ được cái tâm bình hòa, tĩnh lặng trước mọi sự vật được mất, trước mọi nhân tình thế thái nóng lạnh chốn nhân gian thì nhẫn cũng không phải là không làm được.

Xem ra cũng khó đó mà
Chữ Tâm, chữ Nhẫn ngẫm ra cũng gần.

Nam Phương
(Tham khảo mycyou.com)

Exit mobile version