Chuyên mục “Chữ và Nghĩa” chủ trương trả lại ý nghĩa đích thực, nghĩa gốc của những từ ngữ mà chúng ta đang dùng trong đời sống hiện đại. Nếu chúng ta hiểu không đúng nghĩa của từ, chúng ta sẽ không thể hiểu được lời nói của ông cha, cũng không đọc được sách vở chính thống, chính là tự cắt đi sự liên hệ với quá khứ. Do vậy, chúng tôi xin giúp độc giả phạt cỏ dọn cành ngõ hầu phát quang lối cũ về với người xưa. Và cũng nhân đó giúp cho độc giả có được dăm ba phút giải trí nhẹ nhàng.
Gần đây chúng ta hay nghe thấy từ “bá đạo” trong ngôn ngữ đời thường, nhất là của giới trẻ, những người luôn hấp thu rất nhanh những cái mới, thời thượng.
Chẳng hạn như:
“Thằng ấy chơi game bá đạo luôn”: ý muốn nói chơi game rất giỏi, ít người điêu luyện bằng.
“Một bàn thắng bá đạo”: ý nói bàn thắng quá đẹp, quá đặc biệt, kiểu như cú sút phạt hình quả chuối của Roberto Carlos.
“Cha ấy lái xe bá đạo luôn”: ý nói lái xe quá giỏi, quá nhanh, quá nguy hiểm giống như các nhân vật trong series phim Fast & Furious.
“Bá đạo” đang được hiểu là những gì giỏi, đẹp, xuất sắc một cách đặc biệt, khác người, ít người làm được.
“Nhưng có phải thế không?” là câu hỏi ta luôn cần đặt ra.
Trong cuốn từ điển tiếng Việt uy tín hiện nay là “Từ điển Tiếng Việt” của tác giả Hoàng Phê, ấn bản 2018, có định nghĩa từ “bá đạo” như sau:
Bá đạo: Chính sách của kẻ dựa vào vũ lực, hình phạt, quyền thế mà thống trị ở thời phong kiến Trung Quốc cổ đại; phân biệt với Vương đạo.
Để hiểu về “bá đạo”, ta hãy ngược dòng lịch sử, quay về 2400 năm trước vào thời Chiến Quốc nước Tần, nơi có một ông vua tên là Tần Hiếu Công và một tể tướng tên là Vệ Ưởng hay Thương Ưởng.
Vệ Ưởng là người nước Vệ, thấy nước nhỏ yếu không thi thố được tài năng, bèn bỏ sang Ngụy. Vua Ngụy cũng không biết dùng nên Vệ Ưởng bỏ sang Tần. Lúc ấy vua Tần Hiếu Công đang có chính sách cầu hiền. Trước hết, Vệ Ưởng vào nói chuyện với Cảnh Giám, sủng thần của Tần Hiếu Công. Ông này sau đó biết Vệ Ưởng là bậc kỳ tài, mới tiến dẫn lên Tần Hiếu Công.
Lần đầu tiên gặp Tần Hiếu Công, ông ta hỏi về đạo trị nước. Vệ Ưởng viện dẫn các đời Phục Hy, Thần Nông, Nghiêu, Thuấn. Vệ Ưởng chưa nói xong thì vua Tần đã ngủ khò. Sáng hôm sau, Tần Hiếu Công trách mắng Cảnh Giám tiến dẫn nhầm kẻ chuyên nói lời viển vông. Cảnh Giám nói lại với Vệ Ưởng. Vệ Ưởng giải thích đó là “Đế đạo” và xin vào yết kiến Tần vương một lần nữa.
Sau năm ngày, Tần Hiếu Công lại triệu Vệ Ưởng vào. Lần này Vệ Ưởng giãi bày việc trị nước của vua Hạ Vũ, Thang Vương, Vũ Vương ngày xưa. Tần Hiếu Công vừa vẫy tay bảo lui ra vừa nói:
“Nhà ngươi thật là một người học rộng nhớ nhiều, nhưng cổ kim mỗi lúc một khác, nhà ngươi nói như thế thì dùng nhà ngươi thế nào được!”
Cảnh Giám sau đó lại hỏi thăm tình hình. Vệ Ưởng bảo đã đem “Vương đạo” mà nói nhưng Tần Vương không chấp nhận. Cảnh Giám nói rằng Tần Vương chỉ mong có kết quả ngay, nên không chấp nhận Đế đạo và Vương đạo. Vệ Ưởng bảo còn một phương án nữa, nhưng Cảnh Giám không dám tâu lại với Tần Vương.
Vệ Ưởng có ý muốn rời nước Tần. Cảnh Giám giữ lại, đợi thời cơ thích hợp nói với Tần Vương rằng Vệ Ưởng còn có thuật “Bá đạo” nữa muốn tâu bày. Hiếu Công nghe qua thấy hợp lỗ tai, liền triệu Vệ Ưởng.
Vệ Ưởng trình bày về “Bá đạo”. Cái khác của Bá đạo với Vương đạo, Đế đạo đó là: Đế đạo, Vương đạo thì cốt thuận với dân tình, mà Bá đạo thì trái với dân tình. Vệ Ưởng cho rằng dân đen thấp cổ bé họng, nghĩ ngắn, chỉ cốt sao cho thoải mái nhất thời mà không nhìn được cái lợi trăm năm. Cứ dùng hình thật nặng thì dân phải sợ, trọng thưởng thật nhiều thì dân sẽ ham. Thưởng phạt cho đúng với pháp luật đã đặt ra, chính lệnh phải được mọi người tuân hành. Lại bắt dân lao động, khai khẩn đất hoang làm nông nộp thuế để nuôi nhà nước. Nước có giàu mới xây dựng quân đội mạnh. Quân đội mạnh mới áp chế được thiên hạ, bắt thiên hạ phải theo mình. Đấy là cơ sở để xây nên nghiệp bá.
Vệ Ưởng nói vậy rồi lui ra cho Tần Vương thèm thuồng. Sau cái hẹn 3 ngày, Vệ Ưởng lại yết kiến vua Tần. Lần này hai người nói chuyện suốt ba ngày ba đêm. Vệ Ưởng tâu bày kế hoạch chi tiết, Tần Vương phong Vệ Ưởng làm tả thứ trưởng (tướng quốc).
Vệ Ưởng trước hết làm cho dân phát sợ, tin vào hình luật nhà nước ban ra sẽ được thi hành. Ai trái sẽ hành hình, ai theo sẽ trọng thưởng. Nhưng pháp luật của Vệ Ưởng quá hà khắc. Ông ta còn ban hành một phép gọi là “cấm gian”: trong một liên gồm mười nhà, một nhà làm sai thì chín nhà còn lại phải tố cáo, một dạng đấu tố. Nếu không thì cả mười nhà cũng chịu chém ngang lưng. Bất kỳ ai cho người lạ trọ nhà mình thì phải có giấy chiếu thân do quan nha cấp.
Bất cứ ai dị nghị pháp luật của Vệ Ưởng đặt ra, dù khen hay chê cũng đều bị trị tội. Thế tử của vua Tần dị nghị, thân phận thế tử không trị tội được thì bắt thầy học của thế tử thích chữ vào mặt và cắt mũi. Có ngày, Vệ Ưởng giết đến 700 người, máu chảy đỏ sông Vị, tiếng oán thán vang trời. Trăm họ kinh sợ, không ai dám nhặt của rơi, đêm ngủ cũng giật mình. Nhưng nước Tần rất nhanh chóng giàu mạnh, dân tranh nhau lập công, không ai dám vị tư. Thiên tử nhà Chu lại phong cho Tần vương làm Bá chủ.
Lúc ấy, vua Ngụy mới hối. Cho vời một người tên là Mạnh Kha, học trò của cháu Khổng Tử, đến để hỏi về đạo trị nước sao cho có lợi. Mạnh Kha nói: “Tôi chỉ biết điều nhân nghĩa chứ không biết điều lợi”. Ngụy Huệ Vương lại cho là viển vông rồi cho về.
Lại nói Vệ Ưởng quan cao lộc hậu hết sức nghênh ngang. Trong chiến trận thì lợi dụng tình thân viết thư lừa cả bạn cũ, không từ thủ đoạn nào cốt để cướp đất của lân bang. Nhưng Vệ Ưởng không nuôi được một ân tình nào với trăm họ, với vương hầu khanh tướng, đắc tội với cả vua Tần tương lai.
Sau khi thế tử lên ngôi thì cách chức Vệ Ưởng, Vệ Ưởng oai vệ dùng tiếm cả nghi lễ dành cho vua nên bị đuổi giết. Vệ Ưởng chạy đông chạy tây, đến đâu cũng bị đuổi giết. Có lần ăn mặc giả làm lính xin trọ ở một hàng cơm. Hàng cơm bảo theo phép của Vệ Ưởng thì cần có giấy chiếu thân, Vệ Ưởng không có. Chạy về đất Thương Ô thì bị tay chân bắt trói nộp vua Tần. Vua Tần dùng hình năm con trâu phanh thây Vệ Ưởng, trăm họ xúm lại ăn thịt, chỉ một lúc là hết nhẵn. Thế là hết đời một kẻ Bá đạo.
Lời bàn:
Nói một cách vắn tắt thì Đế đạo, Vương đạo là dùng đức Nhân để trị dân, dùng đức phục người. Còn Bá đạo là dùng lực để trị người. Mạnh Tử, Công Tôn Sửu viết: “Dĩ lực phục nhân giả Bá, dĩ đức phục Nhân giả Vương”. Tư tưởng của Vệ Ưởng bị ảnh hưởng thời kỳ đầu của Pháp gia. Như Tuân Tử, một đại diện của Pháp gia quan niệm rằng: “Nhân chi sơ tính bản ác” nên phải dùng pháp luật mà trị. Nó khác với Nhân trị của Khổng Mạnh coi bản tính con người là Thiện, “Nhân chi sơ tính bản thiện” nên dùng đức Nhân mà giáo hóa.
Thực chất, con người có cả ma tính (ác tính) và Phật tính (thiện tính). Do vậy, trong xã hội thời loạn khi ma tính trỗi dậy, thì cần có pháp luật nghiêm minh. Nhưng khi con người đã biết tuân thủ pháp luật, ma tính bị kiềm chế thì phải dùng nhân đức mà giáo hóa, không thể mãi trông cậy vào pháp luật, vì pháp luật không thể khiến người ta tự giác mà tự quản thúc lấy mình. Các ngóc ngách phức tạp của lòng người cũng là nơi mà pháp luật không đến được. Cho nên, người ta vẫn tìm cách lách luật để tìm lợi riêng. Luật lại chạy theo quản thúc, cuối cùng phong bế hết đường sống của cả xã hội.
Muốn xã hội tốt đẹp, về lâu dài chỉ có lòng Nhân làm được mà thôi. Nhưng dùng nhân đức bao giờ cũng lâu có kết quả, mà bản thân kẻ cầm quyền cũng phải có đức lớn mới mong cảm phục được người khác. Cho nên, con đường nhanh chóng nhất là dùng sức lực thô bạo để áp chế đè nén người khác. Vì thế, có những kẻ như Tấn Hiếu Công, Ngụy Huệ Vương thì mới có Vệ Ưởng.
Sách Quản Tử viết:
“Bậc đế vương chứa ở dân, bậc bá chủ cần chứa ở bọn tướng sĩ, ông vua suy bại chứa ở bọn quyền quí, ông vua mất nước chứa ở bọn phụ nữ và châu ngọc. Cho nên các đấng tiên vương xưa phải thận trọng về chỗ chứa cất”.
Phép Bá đạo, bên trong thì đè nén áp bức dân tình, khơi dậy lòng tham và nỗi sợ của dân chúng, đều là nhìn vào ma tính của con người mà cai trị. Bên ngoài thì lừa gạt mua chuộc lân bang, bành trướng lãnh thổ, mục đích là chiếm thành cướp đất của nước người để mưu toan làm bá chủ, sai khiến người khác như nô lệ.
“Kẻ nào dùng gươm sẽ chết vì gươm”, Chúa Jesus đã nói vậy trong Kinh Tân Ước (Mathew 26:52). Hãy trông gương Thương Ưởng và Tần Thủy Hoàng thì biết.
Một nhà kinh tế học người Việt nổi tiếng đã nói: “Trung Cộng hiện nay là trong Bá, ngoài Vương”. Bên trong thì áp bức dân chúng, dùng bạo lực để dập tắt tiếng nói của người dân về những bất công xã hội. “Muốn làm chính trị hay làm giàu?”, chủ trương của Đặng Tiểu Bình chính là khơi dậy lòng tham của người dân để quên đi chính trị hủ bại, bên trong câu ấy còn hàm ý đe dọa khi người dân dám bén mảng vào đặc quyền chính trị của kẻ cầm quyền. Mặt khác, xóa bỏ văn hóa truyền thống, hủy hoại đạo đức, khiến người dân không còn tin vào nhân quả, vào Thần Phật, chỉ còn tin vào sức mạnh của kim tiền, cá lớn nuốt cá bé. Thật là một xã hội đại loạn.
Bên ngoài thì khuyếch trương hệ thống Viện Khổng Tử, làm ra vẻ trọng Nho học. Tô son trát phấn để khiến thế giới nhìn nhận là kế thừa truyền thống 5000 năm tinh hoa của văn minh Hoa Hạ. Nhưng thực chất, đó là cơ sở tình báo và hệ thống mua chuộc chính quyền sở tại của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Một mặt lại bỏ tiền hủ hóa bộ máy chính trị của nước khác để thao túng. Cướp đất, cướp biển của láng giềng không khác gì thời Trung Cổ. Vậy đó là Bá đạo hay Vương đạo? Thương Ưởng có sống dậy cũng phải chắp tay vái làm sư phụ.
Vậy là chúng ta đã trả lại ý nghĩa đích thực của từ “Bá đạo”. Xin cảm ơn và mong nhận được nhiều góp ý của độc giả cho chuyên mục Chữ và Nghĩa.
Minh Trí