Có câu chuyện cổ xứ Ấn Độ như sau:
Có một bậc đạo sư chân tu từ bỏ tất cả mọi của cải thế gian, chỉ còn giữ lại hai cái chăn (xà rông) để thay đổi thôi.
Ngày kia, ông được một vị vua trong xứ mời đến một khu rừng ven cung vua để đàm luận về Đạo.
Trong khi nói chuyện về Đạo, bỗng cung vua phát hỏa cháy rực đỏ trời. Nhà vua vẫn cứ bình tĩnh ngồi yên chăm chú nghe luận đàm; trái lại vị cao tăng kia, cặp mắt nhớn nhác, cứ dòm chừng mãi đám cháy…
Là vì hồi sáng này, ông có phơi cái chăn gần đó.
Lời bàn:
Tu nghĩa là phải bỏ. Người ta vẫn hay nói tu bỏ, chứ không ai nói tu thêm.
Nhưng cái phải bỏ là gì? Vị chân tu đã bỏ được hết của cải thế gian, chỉ còn lại hai tấm chăn để khoác lên người. Mặc tấm này, giặt tấm kia; mặc tấm kia, giặt tấm này. Tưởng như thế đã là cùng tận rồi, chỉ tư hữu hơn được duy nhất cha con Chử Đồng Tử mà thôi. Người đời nhìn vào, cho rằng ngài đã là chân tu.
Nhưng cái phải bỏ thật sự không phải là cái vật ngoại thân có hình tướng, mà chính là cái tâm lưu luyến với ngoại vật. Khi buông được cái tâm ấy, thì cái xà rông hay cung điện cũng như nhau. Còn thì dùng, mất thì thôi, có chi mà ngại? Ở trong cung điện cũng vậy mà trong rừng cũng thế. Làm sư hay làm vua cũng chẳng có gì quan trọng, với người chân tu thì như nhau cả.
Vậy trong hai người, ai mới là chân tu?
Bình Nguyên