Đại Kỷ Nguyên

Bậc đại trượng phu phải có đủ 3 tố chất

Từ xưa đến nay “Đại trượng phu” là từ dùng để nói về một người đàn ông lý tưởng. Miêu tả về người đại trượng phu, Mạnh Tử viết: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất,” (Tức là giàu sang mà không hoang dâm, nghèo hèn mà không đổi chí khí, gặp uy vũ không chịu khuất phục). Vậy một người đàn ông được xưng là “đại trượng phu” cần 3 tố chất sau:

1. Chí khí

Người phụ nữ khi đánh giá một người đàn ông thông thường đều coi trọng nhất là tâm cầu tiến. Người đàn ông “xem xét” một người đàn ông thông thường đều coi trọng nhất là chí hướng của anh ta. “Chí khí” bao gồm “khí chất” và “chí hướng” hợp lại mà thành.

Từ xưa đến nay, trong quan niệm của mỗi người thì đàn ông đều phải theo đuổi sự nghiệp. Để làm được sự nghiệp gì đi nữa, người đàn ông đều không thể thiếu mất “chí khí”. Trong lịch sử có thể thấy các bậc thánh hiền, học giả đều đề cao và bình luận rất nhiều đến “chí khí. Thân Cư Vân, một vị học giả của triều đại nhà Thanh từng nói: “Người đàn ông mà không có chí khí thì một việc làm cũng không thành.” Lữ Khôn ở triều đại nhà Minh cũng nói: “Người có chí khí mạnh mẽ thì có việc gì là không thể làm được?” Lưu Qua thuộc triều đại Nam Tống nói: “Chí khí của người đàn ông có thể khiến cho biển cả được lấp đầy và di dời được núi.”

“Chí” chính là phương hướng của người đàn ông còn “khí” là động lực của người đàn ông. Một người đàn ông có “chí khí” tức là có phương hướng và có động lực. Một khi đã có phương hướng và động lực thì lo gì không đạt được mục tiêu?

2. Hào khí (Khí phách)

“Chí khí” là ý chí kiên định của nội tâm còn “Hào khí” là sự hào hùng, hăng hái cuộn trào trong lòng. Một người đàn ông có “chí khí” nhưng không có “hào khí” thì con đường cuộc đời sẽ thiếu đi mất một phần hứng thú. Từ xưa đến nay, người đàn ông được xưng là bậc đại trượng phu thì trong lòng đều không thể thiếu hào khí, khí phách. Khi nói về hào khí, Tân Khí Tật – một nhân vât quan trọng của nghĩa quân của triều Tống, đã nói: “Kim qua thiết mã, Khí thôn vạn lý như hổ.” (Tạm dịch: Giáo vàng ngựa sắt, khí thôn muôn dặm hùng hổ – ý chỉ khí thế hào hùng).

Vậy “hào khí” đến từ đâu?

“Hào khí” chính là đến từ sự tự tin mạnh mẽ và mãnh liệt giống như câu “Ngửa mặt nhìn trời cười lớn, ta sao có thể là kẻ vô dụng?”

“Hào khí” đến từ tầm mắt rộng lớn giống như ý tứ trong câu: “Không sợ mây che mất tầm nhìn xa của mắt, vì tự thân ta đã ở trên tầng cao nhất rồi!”

“Hào khí” đến từ sự “ngông nghênh”, cứng cỏi và kiên quyết: “Dễ đâu cúi đầu gãy lưng phụng quyền quý, khiến ta chẳng được mặt mày tươi!”

“Hào khí” cũng đến từ ý chí kiên định: “Gió đìu hiu sông Dịch lạnh lùng ghê, tráng sĩ một đi không trở về!”

“Hào khí” tuyệt không phải chỉ ở phạm vi tình cảm mà ở ý chí, ở sự rèn luyện hàng ngày và ở trí tuệ.

3. Bản lĩnh

Bản lĩnh là tố chất không thể thiếu của mỗi người đàn ông. Bản lĩnh của người đàn ông trước hết phải thể hiện ở việc có thể tự mình kiến lập cuộc sống của bản thân, sau đó là chăm sóc người thân, bạn bè và gây dựng sự nghiệp. Như thế, cuộc sống của họ mới có thể đứng vững và phát triển.

Để có được bản lĩnh vững vàng, điều quan trọng nhất đối với người đàn ông là phải rèn luyện nội tâm hàng ngày. Bởi vì điều này liên quan mật thiết đến phẩm chất cả đời của một người đàn ông và cũng là nền móng để họ dựng lập sự nghiệp. Cuộc đời và sự nghiệp của một người đàn ông đi theo hướng nào sẽ chịu ảnh hưởng rất nhiều từ cảnh giới nội tâm của người đó. Nếu như thiếu bản lĩnh, bản lĩnh không vững vàng, người đàn ông sẽ rất khó để làm chủ được cuộc đời mình.

Mặc dù, sự ma sát trong công việc cũng là cách rèn luyện hàng ngày của người đàn ông, nhưng để làm thành sự nghiệp thì “tu dưỡng” nhất định phải luôn đi trước việc cần làm.

Bản lĩnh của người đàn ông hiện ở một số phương diện như:

“Co được giãn được”: Lý Bảo Gia thời nhà Thanh nói: “Đại trượng phu co được giãn được”. Dương Hùng thời Tây Hán nói: “Đại trượng phu hiểu được lúc nào nên tiến, nên lui.”

Có đủ phẩm đức và nguyên tắc kiên định như “Bắc Tề thư” viết: “Thà rằng làm ngọc nát chứ không làm ngói lành.”

Có khả năng làm việc thực sự chứ không phải lời nói khoa trương, mong ước viển vông, xa rời thực tế,  như “Hậu Hán thư” viết: “Một nhà không quét, sao quét được thiên hạ?” Lý Ngư triều Đại Minh cũng nói: “Đại trượng phu làm việc, mạnh mẽ và vang dội.”

Theo Cmoney.tw
Mai Trà biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version