Đại Kỷ Nguyên

Bậc kỳ tài từ chối cưới Tống Mỹ Linh, giang sơn mỹ nữ đều nhường cả cho Tưởng Giới Thạch

Thời Dân Quốc là thời hoàng kim mà những bậc kỳ tài lớp lớp xuất hiện, cũng không thiếu những câu chuyện truyền kỳ. Dưới đây là một trong số bốn nhà thư pháp lớn thời Dân Quốc, đồng thời là vị Tổng tư lệnh Tương quân lừng lẫy một thời.

Thân thế

Ông có biệt danh là “Đàm Tam Thương”, là Tổng tư lệnh Tương quân với kỹ thuật bắn súng cao siêu, cũng là người đứng đầu trong số bốn nhà thư pháp lớn thời Dân Quốc, xếp ngang hàng với Vu Hữu Nhiệm mà mọi người vẫn tôn vinh là “song tuyệt thời Dân Quốc”.

Ông là người văn võ song toàn, nhưng lại từ chối kết hôn với thiên kim tiểu thư Tống Mỹ Linh, một trong ba ái nữ nổi tiếng của gia tộc họ Tống. Ông một đời quan vận hanh thông, từ một người khiêng vác của tỉnh Hồ Nam, một đường thăng cấp lên đến chức chủ tịch chính phủ Quốc Dân. Nhân vật truyền kỳ này chính là: Đàm Diên Khải.

Ngay từ nhỏ, Đàm Diên Khải đã lộ rõ tài năng là một bậc kỳ tài. Cha ông là Đàm Chung Lân là vị quan lớn cuối triều nhà Thanh, đã từng làm Tổng đốc của hai vùng Quảng Đông và Quảng Tây, có thể nói là quyền cao chức trọng, trong nhà thê thiếp xinh đẹp vây quanh, con cháu đầy đàn.

Đàm Diên Khải là con trai thứ ba, mẹ ông từng là một người hầu gái trong nhà họ Đàm. Đại gia đình phân rõ đẳng cấp tôn ti, Đàm Diên Khải gần như không có địa vị trong gia tộc, nhưng ông lại có tư chất vô cùng đặc biệt, cộng thêm sự cần cù chịu khó, trong mệnh đã định sẽ có một cuộc đời phi thường.

Đàm Diên Khải 5 tuổi đi học, 3 ngày viết một bài văn, 5 ngày làm một bài thơ, hàng ngày đều dùng bút lông tập viết chữ. Một đứa trẻ thông minh lại cần cù chịu khó như vậy, tự nhiên được cha gửi gắm hy vọng, tìm mời danh sư cho ông. Trong đó có vị sư phụ Ông Đồng Hòa – thầy dạy học của vua Quang Tự – đã khen ngợi không tiếc lời: “Tam lệnh lang tài năng hơn người, bút lực gần như có thể chạm khắc chữ trên bảo đỉnh”.

Đàm Diên Khải. (Ảnh: Wikipedia)

“Kỳ tài” Đàm Diên Khải quả thật không phụ kỳ vọng của mọi người. Năm 13 tuổi thi đậu Tú tài; năm 22 tuổi trở thành Cử nhân; năm 24 tuổi trở thành sĩ tử đầu tiên của Hồ Nam thi đậu Hội nguyên (người đỗ đầu khoa thi Hội, thời Minh-Thanh ở Trung Quốc) trong vòng 200 năm trở lại. Phía trước ông mở ra một tiền đồ sáng láng: Thi đỗ Trạng nguyên, vào triều làm quan, vinh hoa phú quý nối tiếp vinh diệu hiển hách của gia tộc họ Đàm.

Tiền đồ sáng sủa vốn dĩ đang đợi chờ phía trước, nhưng mọi thứ bất ngờ lại bị hủy hoại bởi tên họ “Đàm” của ông. Khi đó, Từ Hy Thái hậu đích thân chọn Trạng nguyên, vừa nhìn thấy nét bút thư pháp tinh diệu cùng với tài văn nổi bật đã rất lấy làm thích thú, bà muốn chọn thí sinh này làm tân khoa Trạng nguyên. Nhưng khi nhìn thấy ba chữ “Đàm Diên Khải” trên trang giấy, bà không khỏi nhăn mày: Đàm Diên Khải này cũng là người Hồ Nam, không biết có họ hàng gì với tên “loạn thần tặc tử” Đàm Tự Đồng hay không?

Từ Hy Thái hậu sinh lòng nghi ngờ bèn chuyển chức Trạng nguyên cho một thí sinh khác.

Đàm Diên Khải đành ngậm ngùi với thân phận tiến sĩ thứ 35, trở thành một thành viên của viện hàn lâm. Không lâu sau khi ông trở về Hồ Nam mở trường dạy học, triều đình Mãn Thanh dưới áp lực đã tiến hành thiết lập chính quyền mới.

Nguyện lớn chưa hoàn thành, Đàm Diên Khải vẫn tích cực kết giao rộng rãi với các vị tân khách quan trọng trong giới chính trị và thương nhân ở Hồ Nam. Gia thế quan lại hiển hách cộng với năng lực hòa giải chính trị linh hoạt giúp Đàm Diên Khải chưa đến 30 tuổi đã trở thành nhân vật lãnh đạo của phe lập hiến Hồ Nam.

Lòng tràn đầy nhiệt huyết, ông ngây thơ cho rằng chính quyền mới nên phỏng theo chính trị dân chủ của các nước phương Tây; hành vi của chính phủ phải được giám sát, quan chức có thể bị vạch tội cách chức. Do đó, ông nhiều lần đụng chạm đến Tổng đốc Hồ Quảng, còn thỉnh nguyện ba lần lên kinh thành, yêu cầu “đẩy nhanh thành lập quốc hội”, đẩy mạnh lập hiến cải cách. Thế nhưng một loạt các cuộc vận động Duy Tân đã khiến triều đình nhà Thanh nổi giận, nhiều đại biểu lên kinh thành thỉnh nguyện đều bị bắt. Đàm Diên Khải lúc này đã hoàn toàn nhận rõ bộ mặt chân thật của cái gọi là “lập hiến cải cách”, hết sức thất vọng với chính phủ nhà Thanh.

Lòng tràn đầy nhiệt huyết, ông ngây thơ cho rằng chính quyền mới nên phỏng theo chính trị dân chủ của các nước phương Tây. (Ảnh: vi.wikipedia.org)

Trong cục diện chính trị rối loạn không yên, con đường theo đuổi danh vọng của ông lúc lên lúc xuống. Ông từng ba lần nhậm chức đô đốc Hồ Nam:

Lần đầu tiên là được binh sĩ phát động chính biến đưa lên vị trí, trở thành Tổng đốc Hồ Nam kiêm Tổng tư lệnh Tương quân, không lâu bị hạ bệ xuống đài.

Lần thứ hai là được chính phủ cách mạng Bắc Kinh bổ nhiệm, về sau bởi phản đối Viên Thế Khải xưng đế mà bị bãi miễn.

Lần thứ ba là sau khi Viên Thế Khải mất, dưới sự ủng hộ của Tương quân, ông được phục chức đô đốc và nhậm chức tỉnh trưởng Hồ Nam, về sau lại bị một nhóm quân phiệt khác thay thế, ông đành phải chuyển đến sống ở Thượng Hải.

Khi con đường làm quan biến động lên lên xuống xuống, thì thư pháp của ông lại ngày càng nổi tiếng gần xa. Ông cũng là người đứng đầu trong bốn nhà thư pháp lớn thời Dân Quốc. Với tư cách là văn nhân đứng đầu, hoạt động mạnh trong vòng tròn chính trị Dân Quốc, lực bút trong chữ viết của ông chắc nịch, cao ngạo tự đắc, có khí phách bao trùm thiên hạ.

Năm 1916 là lần thứ hai Đàm Diên Khải ngồi lên vị trí đô đốc Hồ Nam. Khi đó, quân phiệt các bên và thế lực vũ trang đều rục rịch ngóc đầu dậy, chỉ cần xảy ra một điểm sai sót là đối mặt với nguy hiểm bị thay thế.

Nhưng khi hay tin mẹ mất, ông đã không chút do dự lên đường về Thượng Hải chịu tang, linh cữu của mẹ được ông đón về quê nhà ở Trường Sa.

Bởi mẹ mang thân phận vợ lẽ nên từ nhỏ Đàm Diên Khải thường bị mọi người gọi là “Tiểu Lão Tam” – chữ “Tiểu” này mang ác ý giễu cợt đối với thân phận con thứ của ông. Mãi cho đến khi Đàm Diên Khải thi đậu công danh rồi ra làm quan thì không còn ai dám gọi ông như vậy nữa, chỉ biết kính cần lễ phép gọi ông một tiếng “Tam Đại Nhân”.

Từ chối cưới Tống Mỹ Linh, giang sơn mỹ nhân đều nhường cả cho Tưởng Giới Thạch

Cuộc đời của Đàm Diên Khải có rất nhiều cái khổ khó nói mà chỉ những ai đã từng trải qua mới hiểu được, vậy nên ông rất phản cảm đối với việc nạp thiếp trong tập tục cưới xin trước đây.

Phu nhân của ông là bà Phương Dung Khanh, tuy là do cha mẹ tác thành, nhưng người vợ tri thư đạt lễ ôn nhu chu đáo khi đối mặt với người chồng “ở cạnh thì ít, xa cách thì nhiều” vẫn không hề một lời oán than. Một mình bà đảm nhận trọng trách hiếu kính phụng dưỡng cha mẹ chồng và nuôi dạy con cái. Không kể quang cảnh nở mày nở mặt khi chồng nhậm chức đô đốc Hồ Nam, hay là cảnh bi thảm khi chồng bị trục xuất cách chức, bà đều hết lòng hết dạ động viên ông.

Khi vợ còn sống, ông trước sau không hề có ý định nạp thiếp, càng không có thói xấu trăng hoa bên ngoài. Về sau, vợ ông bệnh nặng mất sớm, trước lúc ra đi, bà khuyên ông hãy lấy con cái làm trọng, đừng nên nạp thiếp. Ông đã nhận lời và đã dùng cả cuộc đời mình để làm tròn lời hứa ấy.

Sau khi xuống đài lần thứ ba, ông chuyển sang tham gia vào Quốc Dân đảng của Tôn Trung Sơn, trở thành một trong những nguyên lão quan trọng trong thời kỳ đầu của Quốc Dân đảng. Những lúc Tôn Trung Sơn nguy nan ông đã nhiều lần ra sức ứng cứu, rất được sự tín nhiệm trọng dụng của Tôn Trung Sơn.

Khi đó, nhà họ Tống muốn chọn chồng cho tiểu thư Tống Mỹ Linh vừa mới du học từ Mỹ về. Tôn Trung Sơn giới thiệu Đàm Diên Khải – một nhân tài kiệt xuất lại chín chắn chững chạc. Cả nhà họ Tống cũng đặc biệt có thiện cảm với Đàm Diên Khải, nhưng ông lại lấy làm khó xử. Nghĩ đến chuyện lấy Tống Mỹ Linh kém mình đến 18 tuổi làm vợ kế, luôn khiến ông nhớ nghĩ đến những khổ sở tủi nhục mà mẹ ông đã phải chịu đựng lúc còn sống, càng khiến ông thêm phần hổ thẹn với người vợ kết tóc dưới suối vàng. Cuối cùng, ông đã nghĩ ra một diệu kế để từ hôn: Nhận bà Tống làm mẹ nuôi, vậy thì Tống Mỹ Linh sẽ trở thành em gái nuôi của ông, cũng không tiện bàn luận đến chuyện cưới xin nữa.

Tưởng Giới Thạch và Tống Mỹ Linh đã có thể tổ chức lễ kết hôn long trọng. (Ảnh: en.wikipedia.org)

Tưởng Giới Thạch đã giành được trái tim của Tống Mỹ Linh, nhưng lại không được một số thành viên trong Tống gia ưng thuận. Lúc này, Đàm Diên Khải lại đứng ra dàn xếp, tác thành cho đôi uyên ương. Nhờ đó, Tưởng Giới Thạch và Tống Mỹ Linh đã có thể tổ chức lễ kết hôn long trọng, cũng là lễ kết hôn lịch sử làm thay đổi hướng đi của Trung Hoa Dân quốc. Với tư cách là người giới thiệu trong đám hỏi của Tưởng – Tống, ông cũng có mặt trong buổi lễ long trọng này.

Tưởng Giới Thạch có những bước tiến lớn trong chính đàn Quốc Dân, lúc này Đàm Diên Khải đang ngồi ở vị trí chủ tịch chính phủ Quốc Dân đã rất thức thời, trong thời gian nhậm chức chưa đến một năm đã nhường lại vị trí cho người có đức có tài, lui về làm viện trưởng viện hành chính nhiệm kỳ đầu tiên. Mối quan hệ giữa Đàm Diên Khải và Tưởng Giới Thạch mỗi lúc một gần. Tưởng Giới Thạch khen ông “văn võ song toàn”, “tinh anh hiếm có của Quốc Dân đảng”.

Những năm cuối đời

Đàm Diên Khải rất chuộng nghệ thuật ẩm thực, hơn nữa càng biết cách thưởng thức và biết làm các món ăn ngon. Sau khi đã dạo qua tất cả các quán ăn và nhà hàng lớn nhỏ của Nam Kinh, ông phát hiện những cao lương mỹ vị ấy vẫn không ngon bằng tự chính tay mình làm. Mỗi lần thưởng thức một món ăn ngon ông đều trở về nghiên cứu cách làm với đầu bếp trong nhà, có những lúc còn tự mình thiết kế cách chế biến món ăn mới lạ, để cho đầu bếp trong nhà nấu thử.

Cuối cùng, ông cùng với các đầu bếp của Đàm gia đã nghiên cứu ra một bộ gồm hơn 200 món ăn. Một loạt những món ăn Đàm gia này đã dung hợp sự thanh đạm của ẩm thực Hoài Dương và vị chua cay của ẩm thực Hồ Nam, cộng thêm bốn đặc điểm lớn: Nguyên vật liệu lựa chọn công phu, đao công (kỹ thuật xắt rau) xử lý chính xác, kỹ thuật nấu nướng tinh xảo, mùi vị điều hòa tinh chuẩn. Dần dần lưu truyền đã trở thành trường phái nổi tiếng trong món ăn Hồ Nam. Trong suốt cả cuộc đời, ông không e sợ điều gì ngoài một chữ ‘Tham’. Đàm Diên Khải từng nói rằng: “Bốn cái tham lớn của đời người là ăn, uống, trác táng, cờ bạc. Trác táng và cờ bạc không chút dính dáng với tôi, duy chỉ có ăn uống, thật không nỡ chối từ!”.

Năm 1930, ông bất ngờ bị xuất huyết não rồi qua đời, hưởng thọ 51 tuổi. Chính phủ Quốc dân đã tổ chức quốc tang long trọng cho ông, Tưởng Giới Thạch dẫn đầu chúng quan chức nguyên lão đích thân đưa tang, thương tiếc đưa tiễn một bậc kỳ tài của Quốc Dân về nơi chín suối.

Theo Soundofhope
Vũ Dương biên dịch

Exit mobile version