Cuối thời nhà Đường, tại vùng Sơn Tây (Trung Quốc) có một sự kiện kỳ quái xảy ra. Trong một cơn cuồng phong lớn chưa từng có, sấm sét đánh chết một con trâu lớn. Khi đến xem xét, người ta nhìn thấy hai chữ “Bạch Khởi”. Sau hơn một ngàn năm, cái tên từng mang đến bao ác mộng lại một lần nữa gây ám ảnh cho người ta. Dân gian truyền nhau rằng, vì sinh thời Bạch Khởi giết quá nhiều người nên hơn một ngàn năm sau khi chết ông vẫn còn phải chịu quả báo, phải làm kiếp súc sinh bị sét đánh chết.
Năm 262 TCN, quận Thượng Đảng (Sơn Tây, Trung Quốc ngày nay), nổ ra trận đại chiến sống mái giữa Tần và Triệu. Tướng Triệu là Liêm Pha đem đại quân lục tục kéo đến ải Trường Bình, đối mặt quân Tần, hai bên dàn trận sẵn sàng cho cuộc thư hùng sẽ đi vào lịch sử.
Quyết chiến ở Trường Bình
Liêm Pha thấy thế quân Tần hăng hái như hổ sói, khó mà đương đầu, bèn cho đào hào sâu, đắp lũy cao, cố thủ không ra đánh. Quân Tần vây đánh, ra sức công phá suốt 2 năm mà không thể chiếm nổi ải Trường Bình. Lúc ấy, quân chủ nước Tần là Tần Chiêu Tương vương bèn dùng một kế thâm hiểm, sai gián điệp mang vàng bạc đến nước Triệu, đút lót cho các quan phao tin rằng Liêm Pha nhút nhát, không dám giao chiến, người Tần chỉ sợ một mình Triệu Quát con của Mã Phục quân Triệu Xa mà thôi.
Triệu Hiếu Thành vương nghe tin, không thèm điều tra hư thực, quy cho Liêm Pha là già cả, lú lẫn, lệnh cho Triệu Quát thay Liêm Pha làm tướng. Bấy giờ, Quát nổi tiếng là đọc nhiều binh thư, làu thông chữ nghĩa nhưng lại chưa có kinh nghiệm cầm quân bao giờ. Quát vừa đến Trường Bình bèn cho dỡ hết công sự phòng ngự, chủ trương giao chiến với quân Tần.
Tần vương biết Triệu Quát đã thay Liêm Pha, bèn bí mật phái chiến tướng giỏi nhất của mình là Bạch Khởi ra trận chỉ huy, đồng thời truyền rằng “Ai tiết lộ tin Bạch Khởi làm đại tướng cho quân Triệu biết thì chém không tha”. Bằng một kế ly gián khá đơn giản, Tần vương đã xoay chuyển hoàn toàn thế cục trên chiến trường Trường Bình. Quân Triệu không còn lão tướng giàu kinh nghiệm Liêm Pha chỉ huy tỏ ra thất thế vô cùng trước quân Tần thiện chiến của Bạch Khởi.
Nói thêm một chút về Bạch Khởi. Ông là con nhà nòi, cha là quân nhân trong quân đội nước Tần. Từ nhỏ, Bạch Khởi đã ham thích binh thư, chiến trận, hiếu học lại thông minh nên rất say mê nghiên cứu binh pháp Tôn Vũ, Ngô Khởi và Tôn Tẫn. Ông khác với Triệu Quát ở chỗ từ nhỏ đã sống trong doanh trại, vừa giỏi binh pháp lại có đầy mình kinh nghiệm thực chiến. Trước đó, năm 293 TCN, Bạch Khởi đã cầm đại quân đánh bại liên quân Hàn – Ngụy ở trận Y Khuyết, chém 24 vạn thủ cấp, làm kinh động cả mấy nước. Xuất binh chưa từng thua, hễ đánh chắc chắn thắng, uy danh và thực lực của Bạch Khởi là rất lớn.
Triệu Quát ra trận, xua quân đánh tràn sang phía quân Tần. Bạch Khởi nhận định Triệu Quát chỉ giỏi bàn việc binh trên giấy, có tính chủ quan khinh địch nên cố ý thua mấy trận liền để Quát thêm phần cao hứng. Quả nhiên, Quát đắc chí, cho rằng quân Tần yếu nhược không có gì đáng sợ, càng mang đại quân truy kích mạnh hơn. Chỉ đợi vậy, Bạch Khởi chia quân làm 2 đạo, đánh tập hậu, cắt đứt liên lạc hai đầu của quân Triệu. Triệu Quát bị bao vây, đầu đuôi không ứng cứu được nhau, toàn quân hoảng loạn. Bị cắt đường vận lương, tiến thoái đều không được, Triệu Quát phải cho quân đóng doanh hạ trại ngay giữa núi rừng để chờ viện binh.
Nhưng thế quân Tần mỗi lúc một mạnh, đã vây kín trong ngoài, chẹn hết đường tiếp tế từ Hàm Đan (kinh đô nước Triệu) đến Trường Bình. Hơn 40 vạn quân Triệu bị vây khốn, hết lương thực, sĩ khí suy tàn, lại nghe tin chủ tướng quân Tần là Bạch Khởi thì lòng quân càng thêm hốt hoảng, nao núng. Triệu Quát kế cùng, bèn mở đường máu, đích thân dẫn tinh binh liều chết đánh ra ngoài. Bạch Khởi cho cung nỏ phục sẵn, bắn ra như mưa, quân Triệu chết cả, chính Triệu Quát cũng tử trận.
Triệu Quát tử trận, quân Triệu nghe tin đều buông giáo quy hàng. Hơn 40 vạn hàng quân quả là con số lớn chưa từng có. Khi ấy quân Triệu đầu hàng vẫn còn đông gấp đôi quân Tần (chỉ có 20 vạn). Bạch Khởi vì thế mà sinh lo, chưa biết xử sự ra sao.
Thảm sát Triệu quân, vết nhơ muôn đời
Bạch Khởi dù thắng trận nhưng vẫn sợ quân Triệu làm phản bèn bàn với phó tướng Vương Hột một độc kế. Bạch Khởi ra lệnh cho quân Triệu hợp cùng 20 vạn quân Tần, chia thành 10 doanh, mỗi doanh cử một viên tướng thống suất, ban cho rượu thịt để khao thưởng. Bạch Khởi truyền lệnh, sẽ tiến hành tuyển chọn quân Triệu, kẻ khỏe mạnh sẽ giữ lại trong quân, người già yếu thì cho về nước Triệu. Quân Triệu mừng như vớ được cọc.
Nhưng đêm ấy, Bạch Khởi lại ngầm ra lệnh cho 10 viên tướng thống suất các doanh rằng: “Quân Tần đều dùng vải trắng phủ đầu, nếu đầu không có vải trắng thì tức là quân Triệu, đều phải giết đi”. Quân Tần theo lệnh, lập tức hành động, chỉ trong phút chốc hơn 40 vạn quân Triệu tay không tấc sắt bị thảm sát hàng loạt. Bạch Khởi lệnh cho quân thu nhặt đầu lâu quân Triệu chất thành đống trong dinh lũy của Tần, gọi là núi Đầu Lâu. Nếu tính cả trong trận Trường Bình, trước sau Bạch Khởi đã giết hoặc bắt sống tổng cộng 45 vạn quân Triệu, chỉ tha cho 240 người về Hàm Đan để thể hiện cái oai của nước Tần.
Các nhà sử học đánh giá đây là sự kiện thảm sát lớn nhất trong lịch sử cổ đại Trung Hoa. Việc 40 vạn hàng quân bị giết trong khi tay không tấc sắt dù đã tỏ ý quy thuận cho thấy sự khốc liệt của cuộc chiến, quỷ kế của kẻ làm tướng và cách hành xử không chút nhân đạo của bên thắng cuộc. Người đời sau coi sự kiện Trường Bình là vết nhơ lớn trong đời Bạch Khởi. Bởi người Trung Hoa tin rằng, việc giết hại quân địch đã đầu hàng là một hành động không quân tử. Nếu không có vết nhơ giết hàng quân thì Trường Bình xứng đáng trở thành trận đánh hay nhất thời Chiến Quốc với lối dùng binh cực kỳ linh hoạt, đầy bất ngờ và không lệ thuộc vào sách vở, binh thư của Bạch Khởi.
Báo ứng thảm khốc của một danh tướng
Sau khi giết sạch quân Triệu ở Trường Bình, Bạch Khởi thừa thắng tiến lên, chia làm 3 mũi giáp công, chĩa thẳng đến kinh đô Hàm Đan của nước Triệu. Nước Triệu nguyên khí suy sụp, nghe tin quân Tần đang đánh đến thành đô, người người đều sợ hãi, cả nước chấn động. Đúng lúc ấy, Bạch Khởi nhận được trát thu quân của Tần vương, dù vô cùng tiếc nuối cũng không dám làm trái lệnh, bèn rút về không kèn không trống.
Hóa ra, nguyên nước Triệu bị dồn vào chân tường, bèn nghĩ cách sai thuyết khách mang vàng bạc vào Tần yết kiến Thừa tướng Phạm Thư. Thuyết khách lần này là Tô Đại (vốn là em của Tô Tần), gặp Phạm Thư bày tỏ lẽ thiệt hơn, nhấn mạnh rằng nếu để Bạch Khởi diệt Triệu, công lao ngút trời thì vị trí của Phạm Thư cũng sẽ lung lay. Thừa tướng nước Tần vốn không ưa Bạch Khởi, nay lại có người xúi giục, bèn gièm pha với Tần Chiêu Tương vương, cho gọi Bạch Khởi về, lui quân giảng hòa với Triệu với điều kiện Triệu phải dâng 6 thành. Triệu vương chỉ đợi có vậy, lập tức đồng ý.
Bạch Khởi về đất Tần, nghe được chuyện này, trong lòng căm tức vô cùng, nói với tả hữu rằng: “Từ trận thua ở Trường Bình, trong thành Hàm Đan, một đêm mười lần sợ. Nếu thừa thắng tiến đánh, thì không đầy một tháng có thể lấy được. Tiếc thay Ứng hầu không biết thời thế, chủ trương việc rút quân về, làm mất cơ hội ấy!”. Ứng hầu chính là Phạm Thư.
Tần vương nghe thấy, hối hận vô cùng, nhiều lần sai Bạch Khởi dẫn quân phạt Triệu. Nhưng Bạch Khởi cho rằng thế lớn đã mất, Triệu quốc đã lấy lại được nguyên khí, lại có lão tướng Liêm Pha tài giỏi hộ quốc, khó lòng đánh được. Ông nhiều lần cáo ốm để không ra trận. Phạm Thư lại gièm với Tần vương rằng Bạch Khởi chống lệnh không đi. Tần vương tức giận, giáng chiếu cách hết chức ông, đày làm lính, phải đi đến vùng biên ải.
Bạch Khởi nuốt hận mà đi, ngửa mặt lên trời mà than: “Phạm Lãi có nói: “Thỏ khôn đã chết, chó săn tất bị phanh thây”. Ta vì Tần đánh hạ được hơn bảy mươi thành của chư hầu, cái thế tất phải bị mổ!”. Phạm Thư nghe được, lại nói với Tần vương: “Bạch Khởi ra đi, trong lòng tấm tức không phục, thốt ra nhiều lời oán giận, nói có bệnh, không phải là thật, sợ rằng sẽ đi sang nước khác để làm hại Tần!”. Tần vương sai người mang đến cho Bạch Khởi một thanh gươm bén, ý muốn bắt phải tự tử. Bạch Khởi nhận gươm, đâm cổ tự tử.
Trước khi chết, ông ngửa mặt lên trời mà sa nước mắt: “Ta cũng đáng chết thôi. Ở Trường Bình 40 vạn quân Triệu đều đầu hàng, ta lại lừa dối chúng rồi giết hết cả đi. Chúng nó có tội gì mà lại phải bị giết như thế? Bây giờ chính là quả báo của ta chăng?”.
Chính Bạch Khởi cũng đã nhìn ra quả báo nhãn tiền của mình. Nhưng tội nghiệp ông gây ra chưa dừng lại ở đó. Suốt gần 40 năm xông pha chiến trận, đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, Bạch Khởi đã chém đầu gần 100 vạn người (chưa kể thường dân liên lụy). Một con số khủng khiếp! Tuy lập đại công cho Tần quốc, chiếm 73 thành trì, mở rộng hàng ngàn dặm đất đai cho Tần vương, đặt nền tảng để Tần thống nhất Lục quốc sau này nhưng Bạch Khởi giết quá nhiều người, quả báo còn theo đến cả ngàn năm sau.
Cuối thời nhà Đường, tại vùng Sơn Tây (Trung Quốc) có một sự kiện kỳ quái xảy ra. Trong một cơn cuồng phong lớn chưa từng có, sấm sét đánh chết một con trâu lớn. Khi đến xem xét, người ta nhìn thấy hai chữ “Bạch Khởi”. Sau hơn một ngàn năm, cái tên từng mang đến bao ác mộng lại một lần nữa gây ám ảnh cho người ta. Dân gian truyền nhau rằng, vì sinh thời Bạch Khởi giết quá nhiều người nên hơn một ngàn năm sau khi chết ông vẫn còn phải chịu quả báo, phải làm kiếp súc sinh bị sét đánh chết.
Lại theo “Di Kiên Chí” viết: Ở Giang Nam có một người con gái họ Trần 17 tuổi, trước nay chưa từng đọc qua sách sử, thân mắc trọng bệnh. Trước khi lâm chung, cô bỗng nói với người trong nhà rằng: “Ta là tướng quân Bạch Khởi của nước Tần, năm xưa khi còn sống đã từng giết bảy, tám chục vạn người. Sau khi chết, ở địa ngục chịu đủ mọi tra tấn hành hạ, gần đây mới được phép đầu thai chuyển sinh làm người. Nhưng mỗi lần đầu thai đều chỉ có thể làm thân nữ, thọ không quá hai mươi tuổi, cái chết ngày hôm nay, là ta đáng nên bị như vậy”. Nói xong rồi tắt thở qua đời.
Nhân quả báo ứng luôn công bằng, không trừ một ai. Hành ác thì phải chịu ác báo, đó là quy luật muôn đời của Trời xanh, của Tạo hóa. Bạch Khởi tuy được ca ngợi là danh tướng hàng đầu thiên hạ, công lao bao trùm sử xanh nhưng vì quá hiếu sát nên phải chịu cả quả báo nhãn tiền và quả báo luân hồi cả nghìn năm. Ôi, sinh mệnh con người là thứ đáng trân quý nhất trên đời này, sát sinh tạo nghiệp vì thế chính là tội ác lớn nhất. Chỉ có hành thiện tích đức, lương thiện hướng Phật, con người ta mới có thể ra ngoài vòng nghiệp quả mà thôi.
Bạn đang đọc bài viết: “Bạch Khởi tàn sát 40 vạn quân Triệu, nghìn năm sau vẫn phải chịu báo ứng thảm khốc” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn! |
Video: Rốt cuộc sổ sinh tử của Diêm Vương ghi chép những gì?