Đại Kỷ Nguyên

Bài học cổ tích: Phồn hoa nhân thế là ảo mộng, trở về còn đợi đến ngày nao?

Lời ngỏ:

Văn hoá truyền thống cho chúng ta hiểu rằng: Sinh mệnh vốn từ thiên thượng, do mắc tội nghiệp nên phải đoạ xuống cõi người để tu thân quay trở về. Nhân gian là cõi mê, khiến con người phải trải qua khổ nạn mà tu dưỡng thành một sinh mệnh tốt thật sự, ở trong thùng thuốc nhuộm xã hội mà vẫn giữ được sự thuần thiện tiên thiên. Chỉ khi biết trân quý bản thân mình, phù hợp với tiêu chuẩn của thiên quốc thì sinh mệnh mới tìm được con đường quay trở về. 

Thuở mới xuất hiện văn minh, Thần đã nhiều lần giáng thế để dạy cho nhân loại các tiêu chuẩn cần có để làm người. Thần cũng hiển linh trong các trường hợp đặc thù để con người hiểu được bài học đó, nhớ tới Thần cũng là nhớ về cội nguồn của sinh mệnh. Vì thế bằng nhiều cách khác nhau, Thần đã truyền cấp cho con người văn hoá, những quan niệm đạo đức để con người có được nền tảng tư tưởng đúng đắn, biết phân biệt tốt xấu, đúng sai.

Truyện cổ tích là một bộ phận không thể thiếu trong Văn hoá Thần truyền. Dù cho xã hội đã phát triển như thế nào đi nữa, dù thuyết vô Thần và các loại học thuyết nguỵ khoa học đã dụ hoặc con người bài xích sự tồn tại của Thần, nhưng những quan niệm về tốt, xấu, đúng, sai vẫn được truyền thừa thông qua truyện cổ tích hay những câu chuyện Thần tiên lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Đặc biệt trong văn hoá truyền thống Việt còn lưu lại rất nhiều câu chuyện về tu luyện, để muôn đời hiểu rằng đó mới là mục đích để làm người.

Hãy cùng Đại Kỷ Nguyên sống lại với những bài học từ truyện cổ tích. Chúng tôi lựa chọn những câu chuyện hay, ý nghĩa được lưu truyền trong dân gian và gửi tới bạn đọc những bài học kinh điển rút ra từ những câu chuyện đó.

Trọn bộ: Bài học cổ tích

***

Bích Câu Đạo Quán là một di tích lịch sử nằm ngay trong lòng Hà Nội. Đây cũng là nơi lưu dấu Thần tích của Tiên ông Trần Tú Uyên tu luyện đắc đạo thành Tiên. Bích Câu Đạo Quán chính là minh chứng tiêu biểu cho văn hóa học Đạo tu Tiên đã tồn tại thuở xa xưa nơi kinh thành.

Câu chuyện về Tú Uyên – Giáng Kiều cũng hết sức thú vị, ẩn chứa nhiều triết lý về nhân sinh, cũng như văn hóa tu luyện hết sức thực tại của người xưa. Chuyện kể như sau:

Ngày xưa, vào thời vua Lê Thánh Tông, ở phường Bích Câu, gần kinh đô Thăng Long, có một thư sinh tên là Trần Uyên, người đương thời vẫn gọi là Tú Uyên. Mồ côi cha mẹ từ năm mười lăm tuổi, Tú Uyên thông minh, uyên bác và lương thiện, chàng sống nhờ tài nghệ văn chương. Phường Bích Câu bấy giờ là nơi trú ngụ của rất nhiều tao nhân mặc khách. 

Ảnh: vforum.vn.

Tú Uyên thường cùng các bạn tới viếng thăm những danh lam thắng cảnh, rồi ngâm vịnh, đề thơ nhưng chàng vẫn tỏ ra không tin là có Thần tiên tồn tại trên đời này. Một năm nọ, có lễ lớn ở chùa Ngọc Hồ. Tú Uyên theo đám đông đến dự lễ. Chiều tối, khi mọi người đã ra về cả, chàng thư sinh trẻ tuổi còn thẩn thơ trước cửa chùa. Bỗng nhiên một chiếc lá có đề bài thơ lượn lờ rơi trước mặt chàng. Trên đó đề một bài thơ như sau:

Liễu biếc đào hồng tiết tháng ba
Xe loan hạ cánh cửa thiền gia
Cầu Lam chật ních người như kiến
Ai biết Thần tiên trước mắt ta?

Tú Uyên nhặt lên xem xong rồi thở dài: “Người ta vẫn cho mình là kẻ tài thơ, làm sao mình có thể biết được tác giả bài thơ trên lá này để bày tỏ nỗi lòng?”. Rồi chàng thầm khấn: “Thần Phật đã run rủi cho ta việc này, ước gì lá thắm se duyên cho ta với chủ nhân bài thơ này!”. Bỗng nhiên một làn hương nhẹ thoảng qua, rồi chàng thấy một cô gái cực kỳ xinh đẹp, chừng mười tám tuổi, từ trong chùa đi ra cùng vài cô bạn. Tú Uyên vội bước theo, ngỏ lời ướm hỏi, cô gái đã vội vã ra khỏi chùa, đi về phía lầu Quảng Văn rồi biến mất. Chàng lần theo người đẹp, ngẩn ngơ tiếc rẻ, trở về sinh ốm tương tư. Suốt ngày Tú Uyên chỉ thẫn thờ nhớ tiếc người đẹp, quên cả ăn uống, bỏ cả đèn sách.

Người bạn họ Hà thấy vậy mới khuyên chàng đi lễ đền Bạch Mã để xin một quẻ thăm. Đêm hôm ấy, Tú Uyên nằm mộng thấy một ông già râu tóc bạc phơ, chống gậy trúc đến bảo rằng: “Sáng mai đến phía Cầu Đông thì sẽ được gặp”. Chàng giật mình tỉnh dậy, mong đợi cho chóng sáng mà đi đến Cầu Đông. Trọn ngày Tú Uyên trông ngóng chẳng thấy gì, toan bỏ ra về, bỗng gặp một ông lão bán tranh tố nữ, nhận thấy người trong tranh y hệt cô gái đã gặp ở Ngọc Hồ. Chàng vội hỏi mua lấy, đưa về nhà treo ở phòng văn.

Đến mỗi bữa cơm, Tú Uyên dọn hai đôi đũa, hai cái bát rồi cất tiếng mời người trong tranh ra. Một hôm, chàng đi học về, thấy bàn đã dọn sẵn một mâm đầy thức ăn khéo nấu. Nhìn lên, chàng để ý đến chiếc trâm cài đầu của người đẹp trong tranh cài có hơi khác. Chàng thầm đoán việc đã xảy ra, ngồi vào mâm ăn và không quên mời người trong tranh.

Hôm sau, Tú Uyên vờ đi đến trường, được nửa đường thì quay trở về, bắt gặp cô gái trong tranh đang nấu ăn ở bếp. Chàng chạy vội đến nàng chào hỏi: “Sao nàng lại bắt tôi phải đợi chờ mòn mỏi như thế? Tôi đã bắt gặp được nàng rồi, nàng tên là gì?”. Cô gái đáp: “Thiếp là Hà Giáng Kiều, vốn dĩ có duyên cùng chàng, vâng lệnh Ngọc Hoàng và theo lời thần Bạch Mã xuống trần kết duyên cùng chàng”. Rồi họ kết duyên vợ chồng, Giáng Kiều làm phép hoá ra một toà lâu đài đền các, hai vợ chồng sống trong cảnh giàu có sung túc mà người phàm thường mơ ước.

Ảnh: vforum.vn.

Nhưng từ ngày lấy được vợ Tiên, ăn sung mặc sướng, chàng bỗng đổ đốn say sưa rượu chè, quanh quẩn bên vợ rồi sinh ra tật thích ăn ngon uống rượu, chẳng thiết gì đèn sách nữa, nhiều khi say sưa còn đánh đập vợ chẳng ra gì. Giáng Kiều nhiều lần khuyên bảo chồng không được, một hôm bỏ chàng bay về Trời. Đến lúc tỉnh rượu, thấy vợ đã biến mất, Tú Uyên đau đớn tuyệt vọng, oán trách bản thân, thống khổ vô cùng, toan treo cổ tự tử. Người vợ Tiên bỗng hiện ra. Chàng khóc lóc xin lỗi vợ, hứa sẽ hối cải.

Từ đó, hai vợ chồng sống với nhau rất đằm thắm, chừng một năm thì sinh được một con trai. Tú Uyên ngày đêm chăm lo dùi mài kinh sử, mong một ngày kia tên chiếm bảng vàng. Thấy thời cơ đã chín muồi, một sáng Giáng Kiều bảo chồng: “Vẫn biết danh vọng ở đời là đáng kể, thói tục cõi trần không nên coi khinh, nhưng con người thường ở trong Ngũ hành, chỉ sống theo sự phối hợp của Ngũ hành: Thủy, Hỏa, Mộc, Kim, Thổ. Cuộc đời sống chết chẳng khác nào bọt đầu ngọn sóng, sương trên ngọn cỏ, có thể tiêu tan trong khoảnh khắc. Với trí thông minh, tài giỏi hơn người, chàng cũng chỉ sống trong khoảng năm, sáu mươi năm, hay nhiều lắm thì cũng đến bảy, tám mươi tuổi là cùng. Đời sống con người, dù đến trăm năm phước lộc, giàu sang cũng chỉ bằng một buổi sáng nhàn hạ ở cõi Tiên. Thử hỏi anh hùng, danh tướng người xưa giờ đây đâu tá? Mà lạc thú, khổ đau, sum họp, biệt ly chỉ là những lối thường tình của người đời. Cả quãng đời xưa của chàng há chẳng đã giẫm bước vào đấy ư? Vậy tốt hơn là từ hôm nay chàng nên tu luyện, xóa bỏ thất tình, rửa sạch dục trần thấm nhuần Đạo, buổi sáng trong ba dãy núi, buổi chiều trên chín tầng trời, bạn cùng trăng gió”.

Tú Uyên im lặng nghĩ ngợi. Giáng Kiều lại nói: “Phải chăng bổn phận thiêng liêng của người đàn ông là săn sóc cha mẹ? Song thân của chàng đều đã khuất núi. Về phần em, em không thiết giàu sang với danh vọng. Sao chàng lại định chôn chặt thân mình trong cõi đời khổ ải để giữ lấy một mảnh hình hài diệt vong?”. Tú Uyên gật gù bảo vợ: “Nếu không có nàng vạch rõ con đường mộng ảo, thì chút nữa ta đã mắc vào lối mòn trần tục rồi, từ nay ta quyết chí tu luyện”. 

Thế rồi từ đó chàng bỏ chí nguyện theo đuổi công danh thi cử, chuyên tâm học đạo Thần Tiên, tu bỏ hết thất tình lục dục của người đời. Tu luyện được một thời gian, chàng Đắc Đạo. Từ không trung bỗng xuất hiện đám mây ngũ sắc, tiếng nhạc thánh thót vang lên cùng đội nghi lễ của thiên thượng. Có hai con hạc trắng từ trời bay xuống, đón Giáng Kiều cùng Tú Uyên và con trai cỡi lên lưng chim bay vút vào không trung rồi biến mất.

Sau đó hai vợ chồng hiện ra một cách màu nhiệm tại vùng Bích Câu. Dân chúng tỏ lòng ngưỡng mộ, xây một ngôi đền ở ngay phòng học của Tú Uyên, gọi là Bích Câu Đạo Quán, nơi đây cũng trở thành di tích Đạo giáo của Việt Nam và thường là nơi của các Đạo sĩ lui tới tu luyện, cũng là nơi thờ tự Tiên ông Trần Tú Uyên. Xưa nơi này gọi là An Trạch, huyện Vĩnh Thuận, phủ Phụng Thiên, nay là số 14, phố Cát Linh, phường Cát Linh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. 

Bích Câu Đạo quán thế kỷ XV (ảnh: kienthuc.net).

***

Trong các câu chuyện tu luyện theo trường phái Đạo, thường là sư phụ tìm đồ đệ. Tú Uyên vốn dĩ là một người căn cơ phi phàm, dẫu vậy ở cõi người vẫn là mê, cũng mang đầy đủ thất tình lục dục và giới hạn tư tưởng của người thường. Anh vốn dĩ cũng không tin chuyện Thần Tiên. Vì vậy khi thời cơ tới, để có thể thức tỉnh Tú Uyên tu luyện trở về, Giáng Kiều phải chuyển sinh thành người để kết duyên, dẫn dắt chàng trên con đường tu luyện.

Tình tiết các câu chuyện về Thần Tiên vốn dĩ được người đời cho là hư cấu là bởi người ta không thể lý giải được sự triển hiện của các Thần tích. Nhưng không lý giải được sự việc nào đó không đồng nghĩa với việc nó không tồn tại. Trong các câu chuyện huyền sử của Việt Nam cũng có rất nhiều vết tích như truyện Từ Thức gặp Tiên, Chử Đồng Tử – Tiên Dung, Thánh Gióng…

Những bí ẩn về Thần cũng đã dần được khoa học hiện khai mở ở bước đầu. Ví như lý thuyết về vũ trụ song song, các thời gian và không gian khác tồn tại ở cùng một nơi đã được rất nhiều người trải nghiệm và chứng thực. Hoặc như việc phát hiện ra rằng nhân loại vốn chỉ biết được khoảng 4% vật chất cấu thành nên vũ trụ đã dần khai mở tư duy của con người. Các giác quan khiến ta chỉ nhận thức được một cách rất hữu hạn về sự thật, thậm chí còn bị mê lạc trong ảo giác. Phật gia vẫn cho rằng, hết thảy mọi cảnh tượng trong cuộc đời này đều chỉ là huyễn tượng, tức là không hề thật, chỉ là giả tướng. Thần tích tồn tại trong văn hoá dân gian và lịch sử cũng là để lưu lại một con đường cho nhân loại trong mê lạc vẫn có thể vì tò mò mà tìm tòi và khám phá, nhận ra được lối trở về. 

Exit mobile version