Đại Kỷ Nguyên

Bài học cổ tích: Vì sao nàng công chúa hạt đậu lại là người hoàn mỹ hơn cả?

Lời ngỏ:

Văn hoá truyền thống cho chúng ta hiểu rằng: Sinh mệnh vốn từ thiên thượng, do mắc tội nghiệp nên phải đoạ xuống cõi người để tu thân quay trở về. Nhân gian là cõi mê, khiến con người phải trải qua khổ nạn mà tu dưỡng thành một sinh mệnh tốt thật sự, ở trong thùng thuốc nhuộm xã hội mà vẫn giữ được sự thuần thiện tiên thiên. Chỉ khi biết trân quý bản thân mình, phù hợp với tiêu chuẩn của thiên quốc thì sinh mệnh mới tìm được con đường quay trở về. 

Thuở mới xuất hiện văn minh, Thần đã nhiều lần giáng thế để dạy cho nhân loại các tiêu chuẩn cần có để làm người. Thần cũng hiển linh trong các trường hợp đặc thù để con người hiểu được bài học đó, nhớ tới Thần cũng là nhớ về cội nguồn của sinh mệnh. Vì thế bằng nhiều cách khác nhau, Thần đã truyền cấp cho con người văn hoá, những quan niệm đạo đức để con người có được nền tảng tư tưởng đúng đắn, biết phân biệt tốt xấu, đúng sai.

Truyện cổ tích là một bộ phận không thể thiếu trong Văn hoá Thần truyền. Dù cho xã hội đã phát triển như thế nào đi nữa, dù thuyết vô Thần và các loại học thuyết nguỵ khoa học đã dụ hoặc con người bài xích sự tồn tại của Thần, nhưng những quan niệm về tốt, xấu, đúng, sai vẫn được truyền thừa thông qua truyện cổ tích hay những câu chuyện Thần tiên lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Đặc biệt trong văn hoá truyền thống Việt còn lưu lại rất nhiều câu chuyện về tu luyện, để muôn đời hiểu rằng đó mới là mục đích để làm người.

Hãy cùng Đại Kỷ Nguyên sống lại với những bài học từ truyện cổ tích. Chúng tôi lựa chọn những câu chuyện hay, ý nghĩa được lưu truyền trong dân gian và gửi tới bạn đọc những bài học kinh điển rút ra từ những câu chuyện đó.

Trọn bộ: Bài học cổ tích

***

Nhà văn Nga Paustovsky từng viết: “Trong mỗi truyện cổ tích cho trẻ em của Andersen còn có một truyện cổ tích khác mà chỉ người lớn mới có thể hiểu hết ý nghĩa của nó”. Và tất nhiên, vẫn có những câu chuyện mà không phải người lớn nào cũng hiểu.

“Nàng công chúa và hạt đậu” là một câu chuyện như thế, trong lịch sử cũng từng có rất nhiều tranh cãi xoay quanh câu chuyện này.

Truyện kể rằng…

Ngày xưa, có vị hoàng tử muốn cưới một nàng công chúa, nhưng công chúa phải cho ra công chúa, phải hoàn thiện toàn mỹ. Hoàng tử bèn chu du khắp thiên hạ để kén vợ. Công chúa thì chẳng thiếu gì, nhưng nàng nào cũng có vài nhược điểm hoặc tật xấu. Thế là một ngày kia, hoàng tử đành buồn rầu trở về nhà.

Đến tối hôm ấy nổi lên một cơn giông tố kinh khủng. Mưa ào ào như xối. Có tiếng gõ cửa lâu đài. Lão vương thân chinh ra mở cửa. Bên ngoài là một nàng công chúa, nhưng mưa gió đã làm cho nàng tiều tụy quá thể. Đầu tóc và quần áo nàng sũng ướt, thậm chí nước còn nhỏ giọt từ mũi xuống giày nàng. Nàng tự giới thiệu nàng là công chúa toàn thiện toàn mỹ mà hoàng tử đang chờ đợi. Hoàng hậu nghĩ thầm: “Được, cứ để xem xem!”. Rồi hoàng hậu vào buồng ngủ thắp đèn lên và nhét một hạt đậu xuống dưới đệm giường. Sau đó bà đặt hai mươi cái đệm chồng lên trên cái đệm đã đặt trước. Đấy chính là chiếc giường dành riêng cho công chúa.

Sáng ra người ta hỏi thăm đêm qua nàng ngủ có yên giấc không. Nàng đáp: “Suốt đêm tôi không chợp mắt, vì nằm phải vật gì răn rắn, thâm tím cả mình mẩy”.

Hoàng hậu bèn phán: “Công chúa ra công chúa thật! Đây chính là nàng công chúa toàn thiện toàn mỹ, nằm trên hai mươi lần đệm nàng vẫn thấy đau vì một hạt đậu”.

Hoàng tử cưới nàng làm vợ và hạt đậu được bày trong một phòng triển lãm, đến giờ chúng ta vẫn có thể vào xem được, vì chưa có ai lấy đi cả.

Chuyện tôi kể đến đây là hết, và tôi xin cam đoan với các bạn là chuyện có thật đấy…

Ảnh minh họa: Atlasceska.

***

Hẳn là bạn sẽ thấy khó hiểu vì sao nàng công chúa này lại được hoàng hậu khen là toàn thiện toàn mỹ, và chọn làm hoàng hậu tương lai của vương quốc mình? Một hạt đậu bé tí thì chỉ cần một lớp đệm là đủ, vậy mà vì sao có tới 20 lớp đệm mà nàng vẫn cảm thấy đau nhức khắp mình mẩy?

Chúng ta có thể hiểu rằng, gia đình hoàng gia này vốn dĩ rất khó tính, hoàng tử cất công đi chu du khắp thiên hạ, đã gặp nhiều công chúa cao quý trên thế gian nhưng vẫn không tìm được nàng công chúa chân chính của lòng mình. Gặp công chúa nào chàng cũng thấy có điều không hoàn hảo.

Sự hoàn hảo của nàng công chúa trong câu chuyện này chính ở khí chất cao quý, ở đức hạnh, sự nhân hậu và trí thông minh thiên bẩm của nàng.

Khác với tất cả các nàng công chúa trên thế gian mà hoàng tử từng gặp, nàng đến với hoàng gia không phải trong bộ cánh lộng lẫy kiêu kỳ cùng với đoàn tuỳ tùng của riêng mình, mà là một thân một mình trong đêm mưa gió, với vẻ bề ngoài tả tơi nhưng vẫn tự tin mà nói rằng nàng là một công chúa hoàn hảo. Kỳ thực chỉ người có đức hạnh cao quý, có nội tâm mạnh mẽ thật sự mới có thể đủ tự tin và đủ “to gan” khẳng định mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào – dù cho đó là hoàn cảnh tồi tệ nhất.

Hoàng hậu vốn dĩ cũng là một người rất đỗi trí tuệ. Bà không hề tầm thường khi nghĩ ra thử thách dành cho nàng. Có lẽ bà đã nhận ra trước mặt mình là một cô gái có khí chất, có đức hạnh. Sự khốn khó và hoàn cảnh gian khổ không làm mất đi sự tự tin và đức hạnh của nàng. Nhưng liệu rằng sống trong nhung lụa, nàng ấy liệu có còn giữ được phẩm hạnh hay không, hay nàng sẽ bị “ru ngủ” với sự xa hoa phù phiếm chốn hoàng cung? Vậy thì còn phải thử thách. Hoàng hậu rất trí tuệ khi đưa cho công chúa một thử thách với ẩn ý hết sức thâm thuý.

Rõ ràng việc bà đặt 20 tấm nệm lên một hạt đậu và mời nàng nghỉ ngơi là một sự gợi ý mà chỉ có người rất thông minh và nhạy cảm mới hiểu rằng đây chính là đề bài mà hoàng hậu đưa cho nàng. Có điều gì dưới 20 tấm nệm kia, chắc hẳn khi tìm dưới 20 tấm nệm nàng thấy một hạt đậu. Nhưng giải nghĩa câu đố này của hoàng hậu mới là vấn đề.

Phương Đông có câu: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, và: “Tri âm tri kỷ”. Những người có tư tưởng giống nhau sẽ hiểu cái lý của nhau mà không cần phải nói trực diện. Với những người đức độ, cao quý và trí tuệ, để tìm được tri âm họ sẽ dùng các cách thức không trực diện để hiểu được chiều sâu của tư duy và cảnh giới tư tưởng của nhau. Điều ấy cũng giống như câu chuyện “Bá Nha và Tử Kỳ”, chỉ qua tiếng đàn mà tìm được tri kỷ. Và câu trả lời của cô gái cũng đã khiến hoàng hậu tìm được “người kế vị tri âm” của mình.

Nàng trả lời rằng nàng không thể chợp mắt, thâm tím mình mẩy. Câu trả lời của nàng phải chăng có nghĩa là: Cho dù cuộc sống hoàng cung xa hoa êm ấm, nhưng một vị công chúa thật sự phải có lòng trắc ẩn vĩ đại để quan tâm và trăn trở cho số phận của những thần dân ở tầng đáy của xã hội. Những con người ở hoàn cảnh ấy cũng cách xa nàng như hạt đậu dưới 20 lớp đệm, nhưng chắc chắn sự đau khổ của họ cũng sẽ khiến nàng đau đớn, đây là cái lý mà nàng đã đáp trả câu hỏi của hoàng hậu.

Người có tấm lòng bao dung rộng lớn mới hiểu được ý nghĩa của hạt đậu nằm dưới 20 tấm nệm, mới biết “lo trước cái lo của thiên hạ”, từ đó mới có thể nói ra cái lý này. Với những người không có điều suy tư trăn trở ấy, sẽ vĩnh viễn không tìm ra được câu trả lời trong câu hỏi hết sức thâm thuý của hoàng hậu. Bà đã tìm được tri kỷ của mình, và thật tuyệt vời đó cũng chính là hoàng hậu tương lai của vương quốc.

Và nàng công chúa rõ ràng rất xứng đáng được lựa chọn để đứng đầu thiên hạ, tin chắc rằng thần dân dưới sự cai trị của nàng cũng sẽ được ấm no hạnh phúc…

Exit mobile version