Thời cổ đại có một thư sinh tên là Ngô Tân. Ngày đi thi làm thần tiên, anh mặc một bộ y phục mới toanh và phù hợp với anh nhất. Đi được nửa đường bỗng nhiên bị một phụ nữ tạt nguyên xô nước bẩn vào người. Chàng thư sinh không những không oán hận, than trách lời nào mà ngược lại anh nhìn vào tâm mình xem vì sao gặp phải chuyện này. “Phải chăng mình còn coi trọng bề ngoài mà chưa thật tâm tu luyện?

Anh quyết định trở về nhà, thay bộ y phục thông thường, sạch sẽ tươm tất và tiếp tục lên đường. Không ngờ rằng đến nửa đường, lại bị một cậu bé tiểu vào người. Chàng thư sinh cũng không động tâm, không hờn trách đứa bé. Anh nghĩ thầm: “Tại sao phải chịu cái nhục này, chẳng lẽ lực nhẫn nại của mình còn chưa đủ”?

Thế là Ngô Tân quay về thay bộ quần áo cũ kỹ rách nát để đi đến trường thi và tự nhủ “Nếu như lần này quần áo lại bị làm dơ thì ta cũng sẽ không trở về thay đồ nữa. Tuy y phục có bẩn những tâm ta trong sạch”. Ý niệm này vừa xuất khởi, mọi thứ thay đổi hẳn. Lần này, không có ai làm vấy bẩn quần áo của anh, mọi chuyện đều suôn sẻ trong suốt chuyến đi.

Từ rất sớm trường thi đã chật kín người. Ai cũng quần áo chỉnh tề, sạch sẽ riêng chỉ có chàng thư sinh họ Ngô là áo quần cũ kĩ. Mọi người đều chê cười anh. Thậm chí có người còn nói anh làm thế là không tôn trọng giám khảo, mau quay về thay đổi bộ y phục lành lặn hơn đi.

Dù họ có nói gì đi chăng nữa tâm anh vẫn bất động. Bởi một lẽ, anh đã tu bỏ được tâm so sánh, tâm khoe khoang, tâm che đậy sợ người khác thấy chỗ xấu của mình từ lâu.

Lúc này chợt nghe vị giám khảo công bố người yết bảng là Ngô Tân. Mọi cặp mắt đều hướng về anh, kinh ngạc nói “Người này thoạt nhìn không có gì đặc biệt, sao lại đạt tiêu chuẩn được nhỉ”? Mọi người liền bàn tán xôn xao.

Riêng về bộ quần áo rách rưới cũ kỹ của Ngô thư sinh, không biết tự bao giờ đã hóa thành trang phục của Thần tiên. Lúc này, giám khảo biến thành vị thần và nói: ”Thần thì chỉ có một, nhưng lại có rất nhiều thí sinh, do đó chỉ hướng về trên mà ra đề quả là rất khó. Vì vậy, mỗi người một đề riêng không ai giống ai. Kết quả chỉ có Ngô thư sinh là hoàn thành tốt tất cả các bài thi của mình, không một chút sai sót. Có thể, bề ngoài không có gì nổi bật nhưng anh ta thật sự đã tu bỏ đi được rất nhiều chủng tâm không tốt: tâm hiển thị, tâm oán hận, nóng vội, tâm tranh đấu, ganh ghét. Và tu xuất tâm từ bi, nhẫn nại, vị tha, bao dung, bình tĩnh, trí huệ. Do đó Bảng Vàng không ai xứng đáng hơn Ngô thư sinh“.

Theo NTDTV
Biên dịch: Thanh Thanh