Đại Kỷ Nguyên

Bạn có ngôi nhà tăm tối nào trong trái tim?

Ai đã từng có hoặc giữ mãi những niềm oán hận trong tim? Trong kiếp phù sinh ấy, hỏi ai không từng bị gạt dối, ai chưa từng chịu tổn thương?

Bạn có hàng ngàn lý do để giải thích cho vết thương đang rỉ máu, đang tê tái đau trong trái tim của bạn. Bạn cũng có hàng vạn lý do để cất giữ, thậm chí nuôi dưỡng thêm niềm đau ấy… Chẳng ai có quyền phán xét điều đó thay bạn.

Chỉ có một điều chắc chắn, chúng ta chẳng bao giờ biết được khi chúng ta oán hận một ai đó, họ có tổn thương nhiều không, nhưng chúng ta biết chắc rằng chúng ta đang hủy hoại mình trong niềm oán hận ấy.

Muốn cứu mình, bạn hãy học cách tha thứ

Trong giấc mơ, ngôi nhà tăm tối xuất hiện lặp lại nhiều lần. Người phụ nữ trẻ thấy nhiều người bị khóa chặt trong một ngôi nhà tăm tối. Họ cầu xin được giải thoát. (Ảnh minh họa/Joe Lederer)

Câu chuyện nhỏ về tâm oán hận và sự tha sự này có thể gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ, biết đâu chúng ta cũng thấy bóng dáng mình trong đó.

Chuyện kể rằng có một người phụ nữ trẻ nhiều lần mơ một giấc mơ kỳ lạ. Trong mơ, cô thấy nhiều người bị khóa chặt trong một ngôi nhà tối bởi một chiếc khóa đã hoen gỉ và họ cầu xin được giải thoát. Mỗi khi tỉnh dậy khỏi giấc mơ, vùng ngực cô lại bị đau thắt. Lâu dần, cô bị đau thắt vùng ngực và thường xuyên mất ngủ trong nhiều năm vì lo lắng. Bệnh tật khiến cô luôn mệt mỏi, xanh xao và bởi vậy cô trở nên dễ cáu gắt, ngay cả những người thân yêu nhất cũng mệt mỏi khi ở bên cô. Dù đã chữa ở nhiều nơi nhưng bệnh tình không thuyên giảm.

Cô nghe nói có một nhà sư già có thể chữa được những căn bệnh lạ, vì vậy cô đã đi một quãng đường dài để tìm gặp ông. Nhà sư nói với cô: “Điều này không khó. Ta sẽ cho cô một chiếc chìa khóa bằng vàng. Cô hãy treo nó trước mặt, và lần tới khi cô gặp lại giấc mơ đó, hãy nhớ dùng nó để mở cửa cho ngôi nhà tối kia. Bệnh của cô sẽ biến mất sau khi cô giải cứu những người ở trong đó”.

Cô cảm ơn nhà sư và trở về nhà với chiếc chìa khóa. Hai ngày sau, cô lại gặp lại giấc mơ kỳ lạ đó. Lần này cô tiến đến gần ngôi nhà và nhìn vào bên trong. Cô phát hiện người trong ngôi nhà là những người mà cô đã từng rất oán hận: người mẹ chồng đã từng nhục mạ cô; một người hàng xóm đã từng phỉ báng cô; một người bạn thời thơ ấu đã từng đẩy cô xuống một con mương bẩn thỉu và suýt đã làm cô chết đuối, và cả những người khác nữa. Cô tiếp tục nhìn sâu vào trong và thấy một con chó què. Cô chợt nhận ra nó chính là con chó hèn hạ đã cắn cô lúc cô còn nhỏ khi cô đang trên đường đi học. Tóm lại tất cả bọn họ đều đã từng làm tổn thương cô. Cô quyết định không mở cánh cửa vì cô cho rằng bọn họ đáng bị nhốt như vậy. Cô đã không dùng chiếc chìa khóa vàng và mặc cho họ kêu cứu.

Ngôi nhà tăm tối bị bịt kín bởi nỗi oán hận kbhieens mọi lối ra đều bị bị ất chứa trong tim trí bạn? (Ảnh minh họa/phapluatplus.vn)

Sáu tháng trôi qua, bệnh của cô càng trở nên tồi tệ hơn. Cô quyết định đi gặp nhà sư một lần nữa. Nhà sư nói: “Cô chỉ còn một cơ hội cuối cùng. Nếu cô để lỡ cơ hội lần này thì chiếc chìa khóa vàng cũng sẽ không thể giúp gì được cho cô nữa. Tối nay cô sẽ gặp lại giấc mơ đó và cô phải mở khóa trước khi ổ khóa hoàn toàn bị bịt kín bởi vết hoen gỉ”. Và cô quyết định sẽ làm theo lời của nhà sư.

Đúng như nhà sư tiên đoán, tối hôm đó cô lại mơ thấy giấc mơ kỳ lạ ấy. Không một chút do dự, cô đã dũng cảm lấy chiếc chìa khóa ra và mở cánh cửa. Tất cả mọi người trong ngôi nhà chạy ùa nhanh ra ngoài ngay sau khi cửa mở. Một người phụ nữ chậm rãi bước ra sau họ. Cô ta trông rất nhếch nhác, yếu ớt và tội nghiệp. Trông cô ta rất giống cô. Không! Đó chính là cô chứ không phải ai khác. Ngôi nhà tăm tối kia đột nhiên sập xuống ngay sau khi cô bước ra ngoài. Ngay sau đó, cô thấy ánh sáng mặt trời bắt đầu lan tỏa xóa tan mọi thứ tối tăm. Ánh sáng ấy vô cùng huy hoàng và đã khiến cho cô tỉnh giấc.

Cô nghe thấy giọng nói của nhà sư: “Khóa chặt người khác cũng là khóa chặt chính mình. Khóa chặt quá khứ cũng là khóa chặt trái tim. Sự oán hận tích tụ bên trong một căn nhà tối tăm. Hãy mở rộng cánh cửa và hãy để ánh sáng tràn vào.

Bệnh của cô sau đó đã biến mất, khuôn mặt cô hồng hào trở lại, trông cô lại căng tràn sức sống và xinh đẹp như trước đây.

Tìm đâu chiếc chìa khóa vàng giải phóng bạn khỏi ngôi nhà oán hận đầy bóng tối?  

Bạn có còn căn nhà tối nào trong trái tim? Và ngay cả khi bạn tha thiết muốn giải phóng những người làm bạn tổn thương cũng như chính bạn ra khỏi căn nhà đó, bạn có thể may mắn như cô gái ấy không, tìm thấy chiếc chìa khóa vàng cho ngôi nhà tăm tối trong tim bạn?

Khác với câu chuyện trên, câu chuyện dưới đây có thật, là những chia sẻ chân thành và đầy cảm xúc từ một người phụ nữ may mắn tìm được chiếc chìa khóa vàng cho trái tim của cô ấy.

Nguyễn Quế Trà (nhân viên ngân hàng, 36 tuổi) chia sẻ những cảm xúc oán hận của cô với mẹ chồng trong những năm đầu của hôn nhân bởi những mâu thuẫn nối tiếp, chồng chéo dường như không có lời giải: “Mẹ chồng tôi kỳ vọng có một cô con dâu “xinh đẹp, con nhà giầu” nên bà rất thất vọng về tôi. Do sức khỏe yếu, tôi thường xuyên bị cảm, tụt huyết áp, lúc đó chỉ có nằm trên giường, đầu óc tỉnh táo nhưng tứ chi bất động. Tôi đã nhiều lần nghe mẹ chồng rít qua kẽ răng về việc tôi “chả được tích sự gì”. Một lần, do chửa ngoài dạ con, tôi đau đớn muốn ngất đi, thay vì cảm thông và đưa tôi đi bệnh viện cấp cứu, bà chỉ đứng đó và chì chiết tôi. Nước mắt tôi không ngừng tuôn rơi, thấy cô đơn và lạnh lẽo.”

Cô thú nhận mình đã từng nuôi dưỡng tâm oán hận, nhất là khi cô không hài lòng về chồng hoặc khi có khó khăn trong cuộc sống. Những lời nói hay hành động của mẹ chồng khiến cô tổn thương cô đều ghi nhớ và ôn lại mỗi đêm. Cô chia sẻ: “Cá nhân tôi, chấp trước lớn vào bản thân, tự ngã quá lớn, trong đầu đầy rẫy tư tưởng biến dị của xã hội hiện đại ngày nay, chẳng hạn như coi hôn nhân là tạm thời, lúc nào không thích thì sẽ chấm dứt; việc chăm sóc phục vụ bố mẹ chồng xét nét, khó tính là bất công… Tuy không cãi lại bố mẹ chồng, nhưng tâm luôn bất bình, và quay lại chì triết chồng mình. Với tôi, hôn nhân thực sự là một căn nhà tối, nơi đầy rẫy oán hận và nỗi đau. Tôi chỉ nghĩ đến từ bỏ và từ bỏ”.

Oán hận như tảng đá vô hình luôn đè nặng trong tâm trí, tư tưởng mỗi người. Tha thứ là cách để ‘cứu sống’ chính mình và mọi người. (Ảnh: Sưu tầm)

Tâm oán hận hẳn góp phần không nhỏ vào tình trạng thể chất yếu ớt của cô. Nhưng quan trọng hơn cô không nhận ra rằng chồng, con cũng đồng thời là nạn nhân của tâm oán hận ấy.

Cô thừa nhận: “Anh ấy luôn cáu gắt nhưng cũng đồng thời lo sợ tôi sẽ bỏ đi bất kỳ lúc nào. Giờ nghĩ lại, những ngày đó, hẳn anh ấy cũng thống khổ như tôi vậy.”

“Mệt mỏi tranh đấu, không ngừng oán hận và chỉ nhẫn nhịn trong ủy khuất, tôi khao khát tìm sự giải thoát từ trong tâm của mình. Tôi bắt đầu tìm hiểu về Phật gia và các triết lý của nó. Thật may mắn, đầu năm 2013, tôi được một người bạn giới thiệu cuốn sách “Chuyển Pháp Luân”. Vài ngày sau, tôi đọc trong lúc nhàn rỗi.

Kỳ diệu thay, từng chữ từng chữ là chân lý triển hiện trước mắt tôi; tôi đọc mà không dám bỏ sót chữ nào vì sợ mất đi một chân lý nào đó mà mình đang tìm kiếm. Tôi chấn động; hiểu biết của tôi dường như đột ngột được khai mở.

Giờ tôi đã hiểu “Đức” gồm những gì; rằng Nhẫn là đỉnh cao của tâm tính; rằng mục đích làm người là để “phản bổn quy chân”. Tôi nhận ra rằng mình quá xấu so với tiêu chuẩn Chân Thiện Nhẫn, rằng mình cần phải thay đổi để trở thành một người tốt hơn. Lúc đó, tôi đã quyết tâm sống theo Chân – Thiện – Nhẫn.”

Cô chia sẻ con đường từ bỏ tâm tranh đấu, phán xét và oán hận với mẹ chồng. “Bạn biết không, không dễ làm được điều đó nếu bạn không có niềm tin và không thấu hiểu nguồn gốc của các nhân duyên, các mâu thuẫn, các nỗi thống khổ của bạn.

Tôi học được rằng làm người chỉ có hai việc là đền ơn và trả nợ; chẳng có gì là ngẫu nhiên trong cuộc đời của bạn. Nếu tôi chưa từng kết oán duyên với mẹ chồng hoặc những người đã làm tôi đau khổ (trong những kiếp trước) thì họ chẳng bao giờ được phép đối xử với tôi như vậy trong kiếp này. Bởi vậy, tôi đã tự hỏi mình rằng chẳng phải tôi có nhân duyên rất đặc biệt nên mới làm con dâu của bà sao? Dù là duyên xấu đến đâu, tôi nhất định sẽ chiểu theo tiêu chuẩn đạo đức Chân – Thiện – Nhẫn mà chuyển hóa nó.

Trong hiểu biết hạn hẹp của mình, tôi chia sẻ với bà thật nhiều để bà thấu hiểu và ngừng trách móc. Tôi tin rằng điều này cũng giúp bà giữ đức. Tôi đã rất chân thành với bà, nói chuyện với bà về công việc, niềm tin đạo đức của tôi ở góc độ mà bà có thể thấu hiểu. Tôi luôn dành những điều tốt đẹp nhất để tặng bà, từ vật chất đến những lời cảm ơn chân thành nhất; Mỗi khi ai đó nói xấu mẹ chồng tôi, tôi tuyệt đối không tham gia, tôi sẽ thay mặt bà xin lỗi họ nếu cần thiết.

Một hôm, một người hàng xóm nói với tôi rằng hẳn tôi đã phải nhẫn nại trong đau khổ rất lớn khi phải sống với bà. Tôi đã nghiêm khắc nói với chị ấy rằng nếu tôi nhẫn chịu trong ủy khuất thì tôi không thể sống ở đó lâu đến vậy, tôi sẽ hoặc sinh bệnh hoặc phát điên và là một người luyện công, tôi tuân thủ nguyên tắc chỉ nhìn vào điểm thiện của người khác để khuyến khích cũng như cố gắng đối đãi với họ bằng thiện tâm lớn nhất có thể.

Giờ đây, tôi nhận được sự ủng hộ và tình yêu thực sự từ bà. Những khi tôi bận, phải dậy sớm làm việc, mẹ chồng tôi sẽ cho các cháu ăn và đi học; bà còn mua đồ ăn sáng cho tôi. Khi tôi ngồi làm việc ở nhà, bà pha nước hoa quả mang lên phòng cho con dâu; bà rất dịu dàng và chia sẻ. Và giờ đây, khi tôi thường xuyên nhận được quà, những lời khen ngợi và quan tâm từ những người bạn thân của mẹ chồng, tôi hiểu rằng bà đã tự hào kể về tôi với bạn bè của mình. Tôi thực sự cảm nhận được sự kỳ diệu khi có niềm tin vào Chân – Thiện – Nhẫn; tâm chuyển – cảnh chuyển”

Vậy đấy, tha thứ cho người khác chính là tha thứ cho mình. Nhưng để làm được điều ấy, mỗi người cần một chiếc chìa khóa vàng giải phóng cho căn nhà tăm tối trong trái tim của họ. Khi bạn nhận ra vấn đề và thật sự muốn có chiếc chìa khóa vàng kỳ diệu ấy, nhất định bạn sẽ tìm thấy nó theo cách không ngờ nhất.

Đàm Linh

Xem thêm:

Exit mobile version