Bất cứ khi nào ĐCSTQ gây áp lực lên Đài Loan, nó luôn cao giọng gào lên giai điệu phản đối “Đài Loan độc lập”. Nhưng nhiều người không biết rằng chính ĐCSTQ là đảng đầu tiên chủ trương “Đài Loan độc lập”.
Chào mừng các bạn đến với Trăm năm chân tướng!
Ngày nay, ĐCSTQ luôn cao giọng gào lên giai điệu chống “Đài Loan độc lập”. Bất cứ khi nào ĐCSTQ gây áp lực lên Đài Loan, nó luôn mượn lý do “phản đối Đài Loan độc lập”. Nhưng nhiều người không biết rằng, kẻ đầu tiên chủ trương “Đài Loan độc lập” kỳ thực chính là ĐCSTQ.
Trong tập này, dựa trên những thông tin như “ĐCSTQ là kẻ khởi xướng xúi giục ‘độc lập’ ở Trung Quốc”, chúng tôi sẽ kể với các bạn sự thật lịch sử về việc ĐCSTQ năm xưa đã cực lực đề xướng “Đài Loan độc lập”.
Nguồn gốc lý luận “Đài Loan độc lập” của ĐCSTQ
Trước hết chúng ta phải đặt câu hỏi: Tại sao ĐCSTQ khi đó lại cổ xúy “Đài Loan độc lập”? Tìm hiểu sâu hơn, nguồn gốc của lý luận này xuất phát từ Lênin, một trong những lão tổ tông của ĐCSTQ.
Ngay từ trước cuộc đảo chính tháng 10/1917, Lênin đã có quan niệm “cách mạng xã hội chủ nghĩa và quyền dân tộc tự quyết”, sau này càng đề xuất minh xác hơn, rằng muốn làm lung lay nền tảng của chủ nghĩa đế quốc thì phải nảy sinh cách mạng thuộc địa, phải thúc đẩy độc lập của người dân thuộc địa.
Đương thời, mục đích của Lênin khi đề xuất lý luận này là hy vọng “tất cả các dân tộc bị áp bức” trên toàn thế giới đều sẽ “vươn mình đứng lên” tiến hành cách mạng bạo lực, mưu cầu độc lập, khiến cho chủ nghĩa đế quốc bị tiêu diệt. Bằng cách này, áp lực lên nước Nga Xô viết, đương thời là quốc gia duy nhất trên thế giới do đảng Cộng sản cai trị, sẽ giảm bớt áp lực.
Lênin cho rằng các dân tộc nhỏ yếu ở các thuộc địa bị đế quốc thống trị phải chịu sự áp bức dân tộc của chủ nghĩa đế quốc và sự áp bức giai cấp của chính giai cấp tư sản bổn quốc, phải đồng thời hoàn thành cuộc cách mạng kép về giai cấp và dân tộc.
Vậy làm thế nào các dân tộc nhỏ bé yếu nhược này có thể hoàn thành được cuộc cách mạng kép?
Năm 1919, Lênin chủ trương thành lập Quốc tế Cộng sản. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức này là thao túng các dân tộc nhỏ yếu ở thuộc địa thành lập các đảng Cộng sản, sau đó các đảng này sẽ đi đầu đấu tranh giành độc lập và phát động cách mạng cộng sản.
Dưới sự lãnh đạo của Quốc tế Cộng sản, ĐCSTQ, ĐCS Hàn Quốc, ĐCS Nhật Bản, ĐCS Đài Loan, v.v., lần lượt được thành lập. Chủ trương “Đài Loan độc lập” là từ đó mà ra.
Sau khi có căn cứ lý luận, nó bắt đầu hành động. Có ít nhất năm bằng chứng cho thấy năm đó ĐCSTQ ủng hộ “Đài Loan độc lập”.
Bằng chứng 1: ĐCSTQ khởi thảo cương lĩnh “Đài Loan độc lập” đầu tiên
Ngày 12 tháng 12 năm 1927, Bukharin, ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, đã chỉ thị cho ĐCS Nhật Bản giúp thành lập “Chi bộ Quốc gia Đài Loan của ĐCS Nhật Bản”, cũng gọi là ĐCS Đài Loan, vì lúc đó Đài Loan là thuộc địa của Nhật Bản.
Đến năm 1928, khi cảnh sát Nhật Bản tiến hành cuộc đột kích “ngày 15 tháng 3” vào ĐCS Nhật Bản, ĐCS Nhật Bản chưa kịp chỉ đạo thành lập ĐCS Đài Loan nên đã nhờ ĐCSTQ hỗ trợ.
Sau khi tiếp quản nhiệm vụ, ĐCSTQ đã thực hiện một loạt công tác chuẩn bị. Một trong số họ đã chủ trì việc soạn thảo cương lĩnh của đảng “Đài Loan Độc lập” đầu tiên.
Ngày 14/4/1928, hội nghị trù bị thành lập ĐCS Đài Loan được tổ chức tại Thượng Hải. Ai dẫn đầu? Hiện có ba thuyết pháp đang được lưu hành, một là do Bành Vinh, đại biểu Trung ương ĐCSTQ, một thuyết pháp khác được cho là do Cù Thu Bạch, chủ tịch Bộ Chính trị Lâm thời của Trung ương ĐCSTQ, và cũng có người nói là do Nhậm Bật Thời, ủy viên Bộ Chính trị Lâm thời Trung ương ĐCSTQ. Mười một người bao gồm Bành Vinh, Lâm Mộc Thuận và Tạ Tuyết Hồng người Đài Loan từng được đào tạo tại Đại học Phương Đông Moscow đã tham dự hội nghị.
Vào ngày 15 tháng 4, Bành Vinh, Lâm Mộc Thuận, Tạ Tuyết Hồng và những người khác đã chính thức tổ chức cuộc họp thành lập ĐCS Đài Loan trên tầng hai của một studio ảnh trên đường Hà Phi trong Khu tô giới Pháp ở Thượng Hải.
Cương lĩnh chính trị của ĐCS Đài Loan được hội nghị thông qua đã minh xác đề xuất “nền độc lập dân tộc của Đài Loan, kiến lập nước Cộng hòa Đài Loan”. ĐCS Đài Loan trở thành đoàn thể chính trị đầu tiên trong lịch sử Đài Loan chủ trương “Đài Loan độc lập”.
Đài Loan được nhượng lại cho Nhật Bản vào năm 1895 sau khi chính quyền nhà Thanh thất bại trong Chiến tranh Trung-Nhật 1895-1895. Đến năm 1928, Đài Loan vẫn còn nằm dưới sự chiếm đóng của Nhật Bản. Khi đó, chính phủ hợp pháp của Trung Quốc là Trung Hoa Dân Quốc, nhưng ĐCS Đài Loan không những không đề xuất Đài Loan phải trở về Trung Hoa Dân Quốc, mà chủ trương “Đài Loan độc lập” của họ cũng được xác lập dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương ĐCSTQ.
Bằng chứng 2: “Đề cương Hiến pháp nước Cộng hòa Xô viết Trung Hoa” ủng hộ “Đài Loan độc lập”
Ngày 7 tháng 11 năm 1931, khi Nhật Bản xâm chiếm ba tỉnh Đông Bắc Trung Quốc, quốc gia lâm nguy, ĐCSTQ với sự hỗ trợ của Quốc tế Cộng sản đã thành lập “quốc gia trong một quốc gia” – Cộng hòa Xô viết Trung Quốc tại Thụy Tiến, Giang Tây, trong lòng lãnh thổ của Trung Hoa Dân Quốc.
Điều 14 của cái gọi là “Đề cương Hiến pháp nước Cộng hòa Xô viết Trung Quốc” quy định:
“Chính quyền Xô viết Trung Quốc công nhận quyền tự quyết dân tộc của các dân tộc thiểu số nội cảnh Trung Quốc, đồng thời luôn công nhận quyền lợi của các nhóm dân tộc nhỏ yếu được thoát ly Trung Quốc và thành lập quốc gia độc lập của riêng mình. Người Mông Cổ, người Hồi, người Tây Tạng, người Miêu, Lê, người Cao Lệ, và những tộc khác, phàm là cư ngụ trong nội địa Trung Quốc đều hoàn toàn có quyền tự quyết: Gia nhập hoặc thoát ly Liên bang Xô viết Trung Quốc, hoặc kiến lập khu vực tự trị của bản thân.”
Đề cương này của hiến pháp không nêu rõ liệu Đài Loan có nằm trong “nội cảnh Trung Quốc” hay không. Nhưng xét theo ý nghĩa ban đầu của điều khoản này, nếu Mông Cổ độc lập, Tân Cương độc lập, Tây Tạng độc lập… tất cả các dân tộc thiểu số ở Trung Quốc toàn bộ độc lập, ĐCSTQ sẽ ủng hộ.
Theo đó, ĐCSTQ chắc chắn thừa nhận rằng người dân Đài Loan sinh sống trên đảo Đài Loan khi vẫn còn nằm dưới sự cai trị của Nhật Bản có toàn quyền dân tộc tự quyết, và có quyền thành lập quốc gia độc lập của riêng mình.
Bằng chứng 3: Mao Trạch Đông ủng hộ “Đài Loan độc lập”
Theo cuốn “Sao đỏ chiếu Trung Quốc” (Red Star over China) do nhà báo Mỹ Edgar Snow viết, ngày 16/7/1936, tại Diên An, Snow hỏi Mao Trạch Đông: “Nhân dân Trung Quốc có muốn thu phục lại toàn bộ lãnh thổ đã mất từ trong tay chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản không?”
Mao trả lời: “Chúng tôi không chỉ phải bảo vệ chủ quyền ở phía nam Vạn Lý Trường Thành, mà còn phải thu phục lại tất cả các vùng lãnh thổ đã mất. Điều này có nghĩa là Mãn Châu phải được thu hồi lại. Nhưng chúng tôi không bao gồm Bắc Triều Tiên là thuộc địa cũ của Trung Quốc. Khi chúng tôi thu hồi lại những lãnh thổ đã mất của Trung Quốc, sau khi thành đạt độc lập, nếu người dân Triều Tiên hy vọng thoát khỏi ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản, chúng tôi sẽ nhiệt liệt ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập của họ. Điều tương tự cũng áp dụng cho Đài Loan.”
Nói cách khác, đối với người dân Đài Loan lúc bấy giờ đang nằm dưới ách thống trị của đế quốc Nhật Bản, chỉ cần họ muốn độc lập thì ĐCSTQ sẽ ủng hộ cuộc “đấu tranh giành độc lập” của họ.
Sau khi cuộc kháng chiến chống Nhật kết thúc vào năm 1945, Trung Hoa Dân Quốc đã tiếp quản Đài Loan.
Năm 1947, “Sự kiện 28 tháng 2” nổ ra ở Đài Loan. Nhật báo Giải phóng đăng bài phát biểu “ủng hộ Đài Loan độc lập” của Mao Trạch Đông vào ngày 8 tháng 3. Bài phát biểu trên đài phát thanh của Mao ở Diên An cho biết: “Chúng tôi, bộ đội vũ trang do ĐCSTQ lãnh đạo, hoàn toàn ủng hộ nhân dân Đài Loan trong cuộc đấu tranh chống lại Tưởng Giới Thạch và Quốc dân đảng. Chúng tôi tán thành Đài Loan độc lập, chúng tôi tán thành Đài Loan thành lập một quốc gia theo yêu cầu riêng của mình.”
Bằng chứng 4: Truyền thông của ĐCSTQ đồng tình với việc Đài Loan độc lập
Vào ngày 1 tháng 5 năm 1945, tờ báo “Nhật báo Giải phóng” của ĐCSTQ đăng bài “Thông điệp chúc mừng của đảng viên Đài Loan và các nước khác tới Đại hội VII của ĐCSTQ”.
Trong đó đặc biệt đề cập rằng “Đài Loan và các quốc gia khác” đã đưa ra thông điệp chúc mừng bao gồm: Đài Loan, Philippines, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Hà Lan, Ấn Độ và Myanmar. Trong thông điệp chúc mừng có đề cập rõ ràng rằng ĐCSTQ từ lâu đã ủng hộ các phong trào độc lập của “tất cả các dân tộc ở phương Đông” (trong đó bao gồm Đài Loan).
Bằng chứng 5: Khảo chứng của các học giả danh tiếng
Nhà sử học Đài Loan Sử Minh, các nhà tội phạm học người Mỹ Frank Hsiao và Lawrence R. Sullivan, và nhà tội phạm học người Đức Jörg-Meinhard Rudolph đã thu thập một lượng lớn tài liệu, bằng chứng lịch sử và tiến hành nghiên cứu tinh xác về cuộc thảo luận của Mao Trạch Đông và ĐCSTQ đối với vấn đề Đài Loan.
Luận án tiến sĩ của Rudolf “ĐCSTQ và Đài Loan 1921-1981” được xuất bản năm 1986. Khi trả lời các câu hỏi liên quan, ông nhấn mạnh: “Vào khoảng năm 1947, quan điểm của các nhà lãnh đạo ĐCSTQ là Đài Loan nên trở thành một quốc gia độc lập.”
Hiện tại, ĐCSTQ phủ nhận một số điều mà Mao Trạch Đông năm đó đã nói, nhưng bản dịch trung thực của văn bản gốc của Mao vẫn có thể được tìm thấy trong tám tập “Con đường đến quyền lực của Mao: Những tác phẩm cách mạng 1912-1949” do nhà Hán học người Mỹ Stuart Schram biên tập.
Tại sao hồi đó ĐCSTQ lại cổ vũ “Đài Loan độc lập”?
Thứ nhất là, nó dựa trên lý luận cách mạng thuộc địa và độc lập của Lênin và sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản.
Hơn nữa, đương thời, ĐCSTQ không phải là một đảng chính trị hợp pháp chứ đừng nói đến đảng cầm quyền, mà chỉ là một tổ chức phi pháp trong lãnh thổ Trung Hoa Dân Quốc. Một trong những mục tiêu do ĐCSTQ đặt ra là không từ thủ đoạn lật đổ quyền lực chính trị hợp pháp của Trung Quốc, Trung Hoa Dân Quốc. Để có thể đạt đến mục tiêu này, ĐCSTQ đã giở hết thảy mọi thủ đoạn, bao gồm cả việc kích động tất cả các dân tộc thiểu số trong lãnh thổ của Trung Quốc đòi độc lập.
Trong suốt lịch sử một thế kỷ của đảng, hết thảy việc làm của ĐCSTQ đều là xoay quanh việc tranh đoạt quyền lực, củng cố quyền lực và duy trì quyền lực. Vì lý do này, ĐCSTQ có thể tráo trở bất cứ lúc nào.
Trước khi đoạt chính quyền, ĐCSTQ không chỉ đi đầu trong việc thành lập “quốc gia trong quốc gia” ngay trong lòng Trung Hoa Dân Quốc, theo đuổi “Cộng sản độc lập”, mà còn toàn lực ủng hộ Tây Tạng độc lập, Mông Cổ độc lập, Tân Cương độc lập, v.v., ủng hộ ĐCS Đài Loan dưới sự cai trị của Nhật Bản theo đuổi độc lập, ủng hộ cái gọi là “Đài Loan độc lập” mà sau này được Trung Hoa Dân Quốc thu phục. Nhưng sau khi đoạt được chính quyền, ĐCSTQ lập tức trở mặt, kiên quyết phản đối Đài Loan độc lập.
Đặc biệt, khi trao vô điều kiện lãnh thổ Trung Quốc tương đương hơn 40 lãnh thổ Đài Loan cho Nga và các nước khác, ĐCSTQ đã trở thành chính đảng bán nước lớn nhất thế giới hiện nay, nhưng nó vẫn ngỏng cổ hô to “chống Đài Loan độc lập”, tuyên xưng là để bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh.
Vì vậy, nhìn lại lịch sử, chúng ta có thể thấy rõ, ĐCSTQ không có đúng sai, không có nguyên tắc, không có đê tuyến đạo đức. Để đạt được mục đích của mình, hoa ngôn xảo ngữ nào nó cũng dám nói, việc thương thiên hại lý nào nó cũng dám làm.
- Trọn bộ Trăm năm chân tướng
Theo Epoch Times,
Mộc Lan biên dịch