Đại Kỷ Nguyên

Bát Nhã: 8 thú vui tao nhã của người xưa là gồm những gì?

Xưa nay, “cầm, kỳ, thư, hoạ, thi, tửu, hoa, trà” luôn được coi là tám thú vui thanh nhã của các bậc tao nhân mặc khách. Có bài thơ rằng:

Kẻ giỏi đàn thông đạt thong dong,
Kẻ giỏi cờ cơ mưu trí tuệ.
Giỏi đọc sách dưỡng tính chí tình,
Giỏi hội họa chí thiện chí mỹ.

Người giỏi thơ gieo chữ tiếng lòng,
Người giỏi rượu chân tình tri kỷ,
Kẻ yêu trà luyện tình dưỡng đức,
Kẻ yêu hoa dưỡng tính vui hòa.

1. Cầm – Kẻ giỏi đàn thông đạt thong dong

Tri âm một khúc kết trăm năm,
Quét sạch hồng trần mãi lưu danh.
Lạc nhạn bình sa ca chí khí,
Ngư tiều sơn thủy tâm an nhàn.

Nhẹ đàn giai điệu khiến lòng say,
Đập đàn dây đứt tìm đâu tỉnh?
Một mối chân tình vạn tơ vương,
Tử Kỳ đã khuất ai người nghe đây?

Đàn là dụng cụ của bậc Thánh hiền, quân tử. Kê Khang nói: “Trong các dụng cụ, đàn có đức cao đẹp nhất”. Bạch Cư Dị có thơ rằng:

Bản tính yêu thích đàn,
Cơ trần nghe sắc không.
Tiếng tơ lọt tai vẳng,
Vạn sự xa cõi lòng.

Sách Cầm luận đời Tống viết: “Học đàn như tham thiền, tháng năm ma luyện, bỗng chốc tỉnh ngộ, thì không còn gì không thông đạt, tung hoành diệu dụng, thưởng thức một lần mà dư âm còn mãi”. Lý Chí nói: “Cái đạo của âm nhạc có thể thông với thiền”. Trong cuộc sống ngày nay, vẫn còn có thể chơi một khúc nhạc, thì đó là việc vui vẻ nhất, cũng là con đường tốt đẹp nhất bao hàm cả tu dưỡng tinh thần, tâm tính và tình cảm.

Đàn là dụng cụ của bậc Thánh hiền, quân tử. Lý Chí nói: “Cái đạo của âm nhạc có thể thông với thiền”. (Ảnh: tinhhoa.net)

2. Kỳ – Kẻ giỏi cờ cơ mưu trí tuệ

Yên lặng như tờ khói súng bay,
Đen trắng mưa gió mây đảo điên.
Đăm đăm túi gấm mưu lược khéo,
Ngưng thần bí mật lặng xoay vần.

Sơn cùng thủy tận thuyền bè hết,
Xoay đường qua núi mảnh trời riêng.
Mảnh gỗ con con thế gian mộng,
Nghĩ kỹ mất quân vẫn hân hoan.

“Không làm những việc vô dụng, lấy gì tiêu khiển cuộc đời hữu hạn này?”, do đó chơi cờ là để tiêu khiển. Sở dĩ cờ có thể khiến nhiều người như thế say mê không biết mệt là vì nó hợp với cái tính thích cạnh tranh của nhân loại. Dưới giàn bầu, bên giàn đậu, những người nông dân, những cụ già nơi hoang dã không tranh giành với đời nay lại quyết tranh cao thấp, tiêu khiển quên tháng ngày. Trong quán trà nơi đô thị phồn hoa, cũng thường thấy những người nhàn rỗi chơi cờ tiêu khiển.

Lạp Ông viết trong Nhàn tình ngẫu ký rằng: “Chơi cờ không thú bằng xem chơi cờ, vì người xem không có cái tâm được mất”. Xem chơi cờ là việc thú vị, như xem chọi trâu, chọi gà, chọi dế vậy. Nhưng xem chơi cờ cũng có chỗ khó chịu, xem chơi cờ mà không nói thì rất thống khổ, cổ họng cứ ngứa ngáy một cách kỳ lạ, chỉ muốn nói ra cho khoan khoái.

Chơi cờ không thú bằng xem chơi cờ, vì người xem không có cái tâm được mất. (Ảnh: thesaurus.com)

3. Thư – Giỏi đọc sách dưỡng tính chí tình

Chẳng hoa chẳng cỏ cũng ngát hương,
Nghiên đá mực bay nhuốm ao chuôm.
Bút lướt rồng bay rồng uốn khúc
Loan bay phượng múa khắp ba sông.

Lư Sơn hiểm trở nơi sâu thẳm,
Nhân diện đào hoa thắm sắc hồng.
Họa thép móc bạc thư muôn thuở,
Muôn chuyện Xuân Thu đọng bút lông.

Người xưa có câu: “Hữu thư chân phú quý, vô sự tiểu Thần Tiên” (Có sách thực sự là phú quý, bình yên vô sự là tiểu Thần Tiên).

Do đó Kim Thánh Thán có nói: “Áo hồng hương ngát đọc sách nhàn, đó là việc vui thích lớn trong đời”. Người xưa đã thấy được nhân sinh đại đạo, coi thanh tâm, hàm dưỡng là sự hoàn mỹ lớn nhất của đời người.

Cổ nhân nói: “Khí chất con người là do Trời sinh, vốn khó thay đổi, chỉ đọc sách mới có thể thay đổi được khí chất”. Lại nói: “Chúng ta những người đọc sách chỉ có hai việc, một là việc thăng tiến đạo đức, việc nữa là tu luyện thành tựu sự nghiệp”.

Trước đây có người hiểu nghĩa mặt chữ, nhưng ít thực hành, nhìn mà không thấy; sau này trải qua sự đời tôi luyện, cuối cùng hoàn toàn tin tưởng, thấy đọc sách là việc vui vẻ nhất trên đời.

Những người đọc sách chỉ có hai việc, một là việc thăng tiến đạo đức, việc nữa là tu luyện thành tựu sự nghiệp. (Ảnh: doisongvietnam.vn)

4. Họa – Giỏi hội họa chí thiện chí mỹ

Mây trời non nước trong tờ giấy,
Gió sớm trăng tàn trong dấu hoa.
Nét bút ngàn thu tươi cảnh sắc,
Sắc màu mấy lượt quyện hòa hương.

Núi mòn tùng hát lẫn suối reo,
Bên lầu suối tuyết thuyền hoa đậu
Ai người giữ được xuân bất tận
Sắc màu xanh đỏ mãi thơm hoa.

Người xưa vẽ tranh, một cây bút, một tờ giấy, tung hoành thỏa sức, ý họa tràn trề. Trong Họa sơn thủy tự có chép: “Muôn vạn hứng thú dung hòa thần thái ý tứ”, “Thánh nhân phản ánh Đạo lên vật, hiền nhân biểu lộ lòng thanh tịnh ra hình tượng”. Vẽ tranh là tác giả ký lục thể hiện suy nghĩ của mình đối với thiên nhiên, chứ không phải giống như sao chép hình ảnh mà anh thợ cắt may nhìn thấy.

Thánh nhân phản ánh Đạo lên vật, hiền nhân biểu lộ lòng thanh tịnh ra hình tượng. (Ảnh: dkn.tv)

Duy Ma Cật có thơ rằng:

Xa xem núi non biếc,
Gần nghe nước suối reo.
Xuân đi hoa còn nở,
Người đến chim vẫn ca.

Người xưa vẽ tranh, đều có ý tứ sâu xa, suy tư rồi hạ bút, không nét nào là không có chủ ý. Đã có danh thì ắt toàn kẻ sỹ, lưu truyền đến nay ắt có những chỗ hơn người.

Người ngày nay xem tranh, không được bậc danh sư truyền thụ, không thích ký lục, nhưng cái gì hợp với họ thì là đẹp, không hợp ý là không đẹp, còn hỏi họ tại sao đẹp thì họ mập mờ chẳng biết phải nói sao.

5. Thi – Người giỏi thơ gieo chữ tiếng lòng

Thôi xao bằng trắc xuất thơ liền,
Mê mẩn hồn thơ đến đảo điên.
Sáng phú biệt ly sầu bi oán,
Tối ngâm tương ngộ ấy Thần tiên.

Hoa xuân mưa hạ vần thơ nảy
Trăng tàn sương lạnh ý văn hay.
Khi nảy lời hay quên tất cả,
Đường thi phong cách quên tháng ngày.

Dư Thu Vũ nói: “Sinh ra làm người Trung Quốc, cả đời gánh chịu khổ não, phẫn nộ và vô vị kể ra không hết. Nhưng có mấy nhân tố khiến tôi không nỡ rời đi, thậm chí còn muốn kiếp sau vẫn chuyển sinh làm người Trung Quốc. Một trong số đó chính là Đường thi”.

Tu thân đầu tiên phải bắt đầu bằng việc học thơ. Thơ ca là căn bản khai phát nhân tính, nhân tâm, thơ từ bày tỏ cuộc sống và thế giới tinh thần, có vần luật lại giàu sắc thái tình cảm.

Bất kể đó là nỗi sầu: “Vấn quân năng hữu kỷ đa sầu? Kháp như nhất giang xuân thủy hướng đông lưu” (Hỏi ông sầu bao nhiêu? Giống như dòng xuân cuồn cuộn chảy về đông), hay là sự đắc ý: “Xuân phong đắc ý mã đề tật, nhất nhật khán tận Trường An hoa” (Gió xuân đắc ý vó ngựa bay, một ngày ngắm hết hoa Trường An), thì người ta cũng sẽ kinh ngạc thấy điều thơ cổ nói đến đều là cảm thụ thời khắc này của ngàn năm sau, đều là xuyên vượt thời gian ngàn năm, phản chiếu lòng người với lòng người.

Thơ ca là căn bản khai phát nhân tính, nhân tâm, thơ từ bày tỏ cuộc sống và thế giới tinh thần, có vần luật lại giàu sắc thái tình cảm. (Ảnh:hoctotnguvan.net)

6. Tửu – Người giỏi rượu chân tình tri kỷ

Hương thơm thoang thoảng sáng lắt lay
Hạnh Hoa thôn ấy tỏa hương say
Biệt ly tay nắm tình vô hạn,
Gặp bạn nâng ly cứ cuồng say.

Bầu bạn tao nhân đối nguyệt ẩm,
Lại theo mặc khách dạo cùng thơ.
Chân trời vạn dặm tình lưu luyến,
Duy có chén vàng nhớ cố hương.

Cổ ngữ nói rằng: “Uống rượu, đó cũng là học vấn, chẳng phải chuyện ăn nhậu”, và cũng nói rằng: “Khi say càn khôn lớn, bầu rượu tháng ngày dài”. Xưa nay kẻ trí đa phần nhận thức thế giới trong cảnh giới cơn say vừa hết, triệt ngộ nhân sinh, tu luyện phẩm đức bản thân.

Rượu là một loại văn hóa, uống rượu truy cầu ý cảnh, không thể uống bừa. Sách Thượng thư – tửu cáo viết: “Vô di tửu” (Không uống rượu thường xuyên, bình thường ít uống rượu), “Cấm say sưa” (Cấm uống rượu quá độ). Gió mát trăng thanh, mưa bụi tuyết bay, hoa nở đầy sân, rượu ủ vừa tới, đều là những thời khắc đẹp uống rượu.

Gió mát trăng thanh, mưa bụi tuyết bay, hoa nở đầy sân, rượu ủ vừa tới, đều là những thời khắc đẹp uống rượu. (Ảnh: mb.dkn.tv)

7. Hoa – Kẻ yêu hoa dưỡng tính vui hòa

Cành khô dưới lá đợi xuân tươi
Xuân tình khai nở thầm đưa hương.
Má hồng e ấp nhìn bướm múa,
Môi son hé mở hát ong bay.

Xuân về nhuộm thắm vườn xinh xắn,
Gió mát đưa hương tỏa khắp nơi.
Lưu lạc cõi trần không oán hận,
Đời tươi cứ thế ngắm thịnh hưng.

Thi nhân cổ đại đại đa số đều yêu hoa, hoặc mượn hoa nói lên chí hướng, hoặc mượn hoa nói nỗi lòng. Khuất Nguyên yêu hoa lan, có các câu thơ nổi tiếng:

“Hoa lan thu xanh xanh,
Lá biếc tía cọng cành”

Và:

“Lan ẩn nơi u tịch mà tỏa hương”

Đào Uyên Minh yêu hoa cúc, để lại câu thơ truyền thế rằng: “Dậu rào đông hái cúc, thẩn thơ ngắm Nam Sơn”. Đỗ Phủ làm thơ luôn nghiêm túc, nhưng lại có câu: “Hoa đào một bó mà vô chủ, yêu lắm hồng đào với hồng phai”, hoa đào nở rộ, màu đỏ hồng, hồng nhạt, đậm nhạt đan xem, khiến người lưu luyến.

Danh sỹ đời Thanh là Chu Tích Thụ có viết trong U mộng tục ảnh rằng: “Hoa là kiếp sau của mỹ nhân: Hoa mai là trinh nữ, hoa lê là tài nữ, hoa cúc là tài nữ giỏi văn chương, hoa thủy tiên là tài nữ giỏi thơ từ, hoa trà mi là tài nữ giỏi đàm đạo thiền, hoa mẫu đơn là phụ nữ gia đình đại tộc, thược dược là phụ nữ của danh sỹ, hoa sen là con gái của danh sỹ, hoa hải đường là nàng hầu đẹp, hoa thu hải đường là người thiếp lấn át phu nhân, hoa nhài là a hoàn nhỏ hiểu việc đời, hoa phù dung là tỳ nữ trung niên yêu thơ, duy chỉ có hoa lan là mỹ nhân tuyệt thế”.

Nếu chúng ta cũng có nhã thú này, coi các loài cây cỏ mình trồng là người nữ giới có dung mạo và thân phận khác nhau, coi là của mình, là người mình yêu quý, thì có gì là không được?

Thi nhân cổ đại đại đa số đều yêu hoa, hoặc mượn hoa nói lên chí hướng, hoặc mượn hoa nói nỗi lòng. (Ảnh: dkn.tv)

8. Trà – Kẻ yêu trà luyện tình dưỡng đức

Cành khô dưới lá đợi xuân tươi
Xuân tình khai nở thầm đưa hương.
Tinh hoa nhật nguyệt tàng trong lá,
Tĩnh tâm tẩy rửa chẳng phô trương.

Nhẹ hòa bốn biển với ngàn sông,
Tươi tốt ngàn năm bốn mùa hương.
Ngoài cửa gió mây tùy nóng lạnh,
Ấm trà bạn hữu vẫn tỏa hương.

“Đêm đông khách đến trà thay rượu, bếp trúc nước sôi ánh lửa hồng”. Người Á Đông uống trà luôn coi trọng chữ “thưởng”. “Thưởng trà” không chỉ phân biệt trà ngon dở, mà còn có ý ngưng thần ý tưởng xa xôi và thưởng thức cái tình thú uống trà. Giữa trăm công nghìn việc, pha ấm trà thơm nồng, tìm nơi thanh nhã yên tĩnh, tự châm tự ẩm, có thể gột sạch phiền não, phấn chấn tinh thần, cũng có thể nhấm nháp chầm chậm, thưởng thức cái tinh tế, mỹ diệu của chén trà.

Đêm đông khách đến trà thay rượu, bếp trúc nước sôi ánh lửa hồng. (Ảnh: giau.co)

Trà không phân giàu nghèo, cũng không có sang hèn, có thể mộc mạc, chất phác, đơn giản, kiệm ước, cũng có thể đàng hoàng tinh tế, nho nhã, thông tục, tất cả đều trong từng chút từng chút trong đời sống thường nhật. Dùng trà giải cái khát của tâm tình, hay dùng trà để minh tỏ bản tính, tu dưỡng đức hạnh, biểu đạt thái độ khác nhau của mỗi người đối với trà. Thực ra cảnh giới mỗi người khác nhau, không nói đến phân biệt cao thấp, mỗi một người đều có thể có sở cầu, yên vui riêng của mình trong trà, còn có thể đắc đạo hay không, tất cả hoàn toàn dựa vào ngộ tính cá nhân.

Người xưa coi trọng tu thân cách vật, nuôi dưỡng tính tình, hun đúc tiết tháo, vào cảnh khốn cùng thì tu dưỡng để bản thân mình tốt đẹp, khi hiển đạt thì giúp cho cả thiên hạ đều tốt đẹp như mình. Vừa có lý tưởng nhập thế, lại vừa có cảnh giới tâm hồn khoáng đạt.

Phong nhã khởi nguồn từ sự yên tĩnh và đạm bạc của nội tâm, biết tách mình ra khỏi bận rộn, lưu giữ một không gian thanh nhàn từ nơi ngổn ngang tạp niệm. Tô Đông Pha đời Tống có câu rằng: “Trăng gió non sông, vốn không có chủ, người nhàn nhã mới đích thị chủ nhân”.

Vậy nên, nếu tâm không nhàn, thì “nhã” bám vào đâu được?

Theo aboluowang
Triêu Lộ biên dịch

Exit mobile version