Đại Kỷ Nguyên

Bát Tiên Truyền Kỳ (P.2): Trương Quả Lão thi triển thần thông, nhiều lần khiến vua Đường bội phục

Trong Đạo gia có tám vị tiên bất tử. Truyền thuyết kể lại rằng họ đều đã trải qua quá trình tu luyện gian khổ, buông bỏ mọi dục vọng chấp trước trên thế gian nên đắc Đạo thành Tiên, trường sinh bất tử. Bởi thế, Bát tiên được coi là biểu tượng của trường sinh và điềm lành, sự hiện diện của Bát Tiên đem đến bình yên và hạnh phúc cho dương gian.

Truyền kỳ về Bát Tiên có lẽ bắt đầu từ triều đại nhà Đường, và câu chuyện cũng thay đổi khác nhau qua từng triều đại. Tám vị tiên, theo ấn bản sau đời nhà Minh, là gồm có: Lý Thiết Quải, Hán Chung Ly, Lã Động Tân, Hàn Tương Tử, Trương Quả Lão, Lam Thái Hoà, Hà Tiên Cô và Tào Quốc Cữu. Các vị rất khác nhau về bề ngoài và cá tính, họ đều là Đại Tiên trong Đạo gia và thường tụ hội, du ngoạn cùng với nhau.

Lý Thiết Quải có tật ở chân nên bước đi với một cây gậy sắt, cuộc đời ông kinh qua rất nhiều gian khổ nhưng lại lập chí tu Đạo từ sớm; Hán Chung Ly luôn luôn xuất hiện với một tay phe phẩy cái quạt lá, trước khi thành tiên ông từng là Đại tướng quân của nhà Hán; Lã Động Tân từng làm Nho sinh, sau nhận Hán Chung Ly làm sư phụ và tu Đạo thành tiên; Hàn Tương Tử trước khi thành Tiên là cháu trai của Hàn Dũ – một văn nhân nổi tiếng ở triều đại nhà Đường, ông thường thích thổi sáo; Trương Quả Lão trông rất khỏe mạnh ở tuổi già của mình và thường cưỡi lừa ngược, ông có rất nhiều pháp thuật; Lam Thể Hòa tính tình thuần hậu, thường ưa ca hát, thích làm việc thiện, sau đắc Đạo thành tiên; Hà Tiên Cô trước khi đắc Đạo là một thiếu nữ vô cùng trẻ đẹp và hiếu thuận; Tào Quốc Cữu vốn dòng dõi hoàng tộc, tính tình rộng lượng, hào phóng vô ngần…

Dân gian tương truyền Bát Tiên thường ngự ở tám động đá của núi Bồng Lai trên đảo Bồng Lai nơi cõi Thiêng liêng. Sau đây là truyền thuyết về tám vị Tiên, viết theo “Ðông Du Bát Tiên Truyện”.

Xem thêm: Phần 1

*** 

Các ông già bà lão thuật chuyện về Trương Quả Lão: Khi các ông bà ấy còn con nít, thì đã biết và gặp Ông Trương, thường thấy Ông cưỡi con lừa trắng đi dạo khắp nơi. Điều kỳ lạ là khi cưỡi lừa, Ông thường ngồi ngược chiều, quay mặt ra phía sau. Ðến khi đi về tới nơi ở, Ông liền đè bẹp con lừa, biến ra lừa giấy, xếp cất vào khăn. Khi muốn đi chơi, Ông lấy lừa giấy ra, phun nước vào thì hiện ra con lừa trắng.

Khi các ông bà ấy già, vẫn gặp lại Ông Trương giống y như trước, không già hơn chút nào, thật là Ông đã đạt được phép trường sinh bất lão. Ðến đời vua Ðường Thái Tông, vua cho triệu Ông vào triều, nhưng Ông không chịu đến.

Qua đời Võ Hậu, Bà cũng biết tiếng Ông Trương, nên cũng cho sứ giả đến triệu vào triều. Ông Trương đi được nửa đường thì chết, trong giây lát thi thể thối rữa hóa giòi, sứ giả phải bỏ thây lại đó mà về triều tâu lại với Võ Hậu. Nhưng sau đó, người ta vẫn gặp Ông Trương cưỡi lừa trắng đi dạo như thường.

Ðến đời Ðường Minh Hoàng, vua sai quan là Bùi Ngộ đem chiếu đến rước ông Trương, ông Trương giả chết. Bùi Ngộ thắp nhang cầu khẩn, ông Trương từ từ sống lại, nhưng không chịu đi. Bùi Ngộ không dám ép, đành trở về triều tâu lại. Ðường Minh Hoàng lại sai hai sứ giả nữa là Dự Thông và Lư Trang Huyền, đem sắc chỉ đến rước nữa. Ông Trương thấy vua có lòng trọng vọng nên mới chịu tới, được nhà vua và bá quan kính trọng mười phần.

Vua Đường Huyền Tông và Trương Quả Lão. (Ảnh: ĐKN)

Minh Hoàng hỏi Trương Quả Lão về chuyện Thần Tiên, Ông Trương ngồi làm thinh, nín hơi mấy bữa, không chịu nói. Ngày kia Minh Hoàng làm tiệc đãi Trương Quả Lão, Ông từ chối, nói rằng:

– Tôi không biết uống rượu, duy có học trò tôi nó uống tới một đấu.

Vua Minh Hoàng xin vời tới. Giây phút có một đạo sĩ trẻ chừng 16 tuổi từ ngoài bay vào, ra mắt nhà vua. Trương Quả Lão nói:

– Nó là đệ tử của tôi, xin đứng hầu Bệ hạ. Minh Hoàng thưởng cho nó một đấu rượu, nó liền uống hết. Minh Hoàng lại ép uống nữa. Trương Quả Lão nói:

– Chẳng nên cho nó uống nhiều, nếu quá chén, ắt sanh điều quái gở.

Minh Hoàng cứ ép uống rượu để xem sự thể ra sao. Giây phút, trên đầu đệ tử hiện ra một cái quả bằng vàng, rồi người đệ tử biến mất, quả bằng vàng ở dưới đất trơ trơ, giở nắp ra thấy rượu đầy quả. Coi lại, đó là quả vàng của vua. Ai nấy đều phục phép Tiên của Trương Quả Lão.

Vua hỏi Ông Trương bao nhiêu tuổi. Ông Trương đáp:

– Tôi sanh năm Bính Tý đời vua Nghiêu.

Vua Ðường lấy làm lạ, vì thấy Ông Trương trạc tuổi 70 hay 80, liền truyền lệnh cho quan coi tướng là Hình Hòa Phát coi tuổi Trương Quả Lão, nhưng coi cũng không ra. Vua liền sai Sư Dạ Quang là người coi thấu việc quỷ thần, coi cũng không biết tướng tinh của Trương Quả Lão.

Khi ấy có Ðạo sĩ Diệp Pháp Thiện, học được phép Tiên, biết việc quỷ thần, rất được Minh Hoàng yêu mến, được Minh Hoàng vời đến hỏi tướng tinh của Trương Quả Lão. Diệp Pháp Thiện tâu rằng:

– Nếu Bệ hạ chịu cất mão cởi giày mà xin tội cho tôi với Trương Quả Lão thì tôi mới dám nói. Vua Minh Hoàng vì tính hiếu kỳ nên ưng chịu. Diệp Pháp Thiện tâu rằng:

– Tiên Ông Trương Quả Lão cưỡi lừa kỳ lắm, ngồi day ngược ngó ra sau, thiệt là con dơi trắng thời thượng cổ.

Trương Quả Lão nghìn năm cưỡi lừa ngược dạo chơi nhân gian. (Ảnh: tinhhoa.net)

Nói vừa dứt lời thì Diệp Pháp Thiện liền tắt thở. Vua Minh Hoàng kinh hãi, liền cất mão cởi hài như đã hứa, đến gặp Trương Quả Lão xin tội cho Pháp Thiện. Trương Quả Lão nói:

– Pháp Thiện đó nhiều chuyện lắm, nếu không trị thì lộ cơ Trời.

Minh Hoàng cứ đứng đó năn nỉ mãi, buộc lòng Trương Quả Lão phải tha cho Pháp Thiện. Ông đến làm phép phun nước vào mặt Pháp Thiện thì Pháp Thiện sống lại như thường. Minh Hoàng sắc phong cho Trương Quả Lão là Thông Huyền Tiên Sinh, lại sai vẽ chân dung của Ông Trương treo ở lầu Tập Hiền.

Ngày kia, Minh Hoàng đi săn, bắt được con nai tại đất Hàm Dương, truyền làm thịt đãi yến. Ông Trương can rằng:

– Nó là Tiên lộc ngàn năm, chẳng nên giết. Nguyên trước đây, vua Hán Võ Ðế săn được con nai này, vua cho đóng đính bài trên gạc bên tả rồi thả cho đi. Minh Hoàng truyền coi lại thì trên gạc con nai có đính bài đúng như Ông Trương nói, nhưng chữ trên đính bài đã mòn. Minh Hoàng hỏi:

– Từ đó đến nay bao nhiêu năm? Trương Quả Lão đáp:

– Năm Quí Hợi, Hán Võ Ðế đào ao Côn Minh, đến nay là năm Giáp Tuất, cộng lại là 852 năm.

Vua truyền quan Thái Sử coi lại thì y số.

Sau Trương Quả Lão xin về dưỡng già. Minh Hoàng giữ không được, liền ban tặng cho một chiếc xe, một cây lụa, hai lính hầu, đưa Trương Quả Lão về Hàng Châu. Ông Trương cho một tên lính hầu về triều, chỉ giữ lại một tên, rồi hai thầy trò đi vào núi Thiên Bửu.

Ít lâu sau, Minh Hoàng lại cho triệu Trương Quả Lão. Ông bèn giả chết, tên lính hầu lo chôn cất tử tế rồi báo về triều. Mấy hôm sau đó, người ta lại thấy Trương Quả Lão cưỡi lừa ngược đi dạo. Tên lính ấy lấy làm lạ, đào mộ của Ông Trương lên xem, chỉ thấy cái hòm không. Vua Minh Hoàng hay tin, cho lập một điện thờ tại núi Thiên Bửu để thờ Trương Quả Lão.

***

Trương Quả Lão nghìn năm cưỡi lừa ngược dạo chơi nhân gian, vương quyền và danh lợi không gì giữ chân nổi. Vì sao ông cưỡi lừa ngược? Người đời mê lạc trong danh lợi, tình cảm và quyền thế, thường tự cảm thấy mình đang phát triển tiến lên nhưng đạo đức kỳ thực đang xuống dốc. Trương Quả Lão cưỡi lừa ngược biểu thị cho con đường của người tu luyện là “phản bổn quy chân”, đi ngược lại dòng xoáy bại hoại của nhân gian mà trở về cảnh giới thuần chân lương thiện.

Đường Phong

Exit mobile version