Đại Kỷ Nguyên

Bày mưu gian cướp của hại người, rốt cuộc tự hại chính mình vì quả báo nhãn tiền

Cổ nhân có câu: “Lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng khó lọt” hay “Thiện ác đều có báo ứng, chỉ là sớm hay muộn mà thôi”. Một người cho dù nham hiểm đến đâu cũng khó lòng tránh được luật nhân quả.

Hại người, cướp của

Trương Minh Đức, hộ trưởng huyện Hoa Đình, bản tính gian xảo, giỏi làm giả văn bản, chuyên đi cửa sau lôi kéo quan hệ, nhờ vậy đã làm được chức Tao tư (chức quan thu lương thực). Sau khi đắc chí, càng không kiêng nể gì nữa, những người lương thiện nhát gan trong dân chúng đều từng bị ông ta hãm hại.

Chỉ cần có chút mâu thuẫn với người khác, ông thường bịa đặt thêm tội danh tăng thêm tội trạng. Bởi vậy, những người đồng sự đều nể sợ Trương mấy phần, không dám đối chọi hay làm trái ý ông ta. Có một sai dịch tên Trần Đại Trung, bản tính ngay thẳng, chính là không chịu nịnh bợ lấy lòng ông ta. Trương Minh Đức tỏ ra khó chịu, rắp tâm nếu có cơ hội sẽ tìm cách vu khống hãm hại Trần, nhưng mãi vẫn không tìm được cơ hội.

Cổ nhân có câu: “Lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng khó lọt” hay “Thiện ác đều có báo ứng, chỉ là sớm hay muộn mà thôi”. (Ảnh: pinterest.com)

Mùa xuân năm Nhâm Dần, việc thu thuế lương thực đã sắp hoàn thành, Trương Minh Đức liền mượn cớ còn có mấy trăm lượng bạc lẻ tẻ chưa thu đủ, căn dặn Trần Đại Trung đi xuống làng quê thu thuế rồi đổi ra thành tiền mặt giao nộp kho, cho ông biết mỗi một thạch (120 cân) thu 5 đồng 6 hào. Trần Đại Trung nghe xong liền khởi hành. Trương Minh Đức ngay lập tức đẩy giá cả lên đến 6 đồng 3 hào và báo lên huyện lệnh. 

Đợi đến khi Đại Trung quay trở về, khi bàn giao lại khoản tiền thu được, Trương Minh Đức đột nhiên nói: “Còn thiếu hơn 300 đồng nữa, không phải là ông đã lén nuốt riêng rồi chứ!”. Trần Đại Trung tức giận nói: “Lúc tôi khởi hành, chỉ là 5 đồng 6, trong thành đột nhiên tăng giá, tôi làm sao biết được chứ!“.

Hai bên tranh chấp một hồi, rồi tức giận bỏ về. Trương Minh Đức liền lấy chuyện Trần Đại Trung ăn bớt tiền thuế lương thực báo lên quan huyện. Quan huyện hạ lệnh bắt Đại Trung, buộc ông phải bồi thường. Đại Trung không thừa nhận, liền bị tống vào ngục giam, lấy tội tham ô công khoản phán quyết sung quân đến Hà Nam. 

Trần Đại Trung có mấy căn nhà cùng hơn chục mẩu đất, giờ đành phải bán sạch toàn bộ để thu xếp cho người nhà và dùng làm lộ phí cho bản thân, văn khế mua bán đã được hai bên ký kết thỏa thuận. Trương Minh Đức hay biết chuyện này, đích thân tìm đến người mua nói: “Trần Đại Trung thiếu nợ quan phủ, gia sản của ông ta đáng lẽ phải bán lấy tiền giao nộp lại cho quan phủ mới phải. Ông thu mua tài sản bán riêng của phạm nhân, chính là đồng tội với ông ta vậy“.

Chủ mua nghe nói vậy, không khỏi kinh hồn bạt vía, liền đưa một khoản tiền lớn cho Trương, cầu xin ông ta nghĩ cách giúp mình. Trương cố ra vẻ khó xử, nói: “Tiền đã trả rồi phải không?“. Người chủ nói vẫn chưa. Trương nói: “Vậy còn có thể vãn hồi. Ông mau đem khế ước và khoản giá đến đây. Tôi sẽ thay ông giao nộp cho quan phủ. Trần Đại Trung đến lấy tiền, thì hãy bảo ông ta đến chỗ quan phủ mà lấy. Như thế, ông chính là tránh được hậu hoạn rồi“. Chủ mua liền nghe theo, đem toàn bộ số tiền giao lại cho Trương. 

Khi Trần Đại Trung bị sung quân, biết được toàn bộ tài sản của mình đã mất sạch, muốn lấy phải đến chỗ quan phủ, ông không dám đi, đành phải nuốt hận. Mùa đông năm ấy, Trần Đại Trung bị đi đày, đành phải gửi gắm vợ con ở nhà người quen, gào khóc đi ra khỏi thành, thật đúng là thân mang nỗi oan, lưu đày nghìn dặm, cả nhà tản mát. Tự biết cơ hội trở về quê nhà gần như vô vọng, ôm hận cả đời, mang theo tâm trạng bi thương lên đường.

Quả báo nhãn tiền

Thiện ác hữu báo mới là thiên lý. Con người dù có bày vẽ ra trăm phương nghìn kế, cũng không bằng một lần tính toán của ông trời. (Ảnh: mashable.com)

Còn Trương Minh Đức, chỉ vì Trần Đại Trung không chịu xu nịnh ông ta, không chỉ gán ghép tội danh, mà còn cướp sạch hết toàn bộ tài sản của Trần. Trương Minh Đức sau lần này, bản tính càng thêm ngang ngược, tự cho rằng địa vị của bản thân vững chắc như núi Thái Sơn, từ này trở đi sẽ không còn ai dám làm khó dễ mình nữa.

Vừa khéo lúc này, Hoàng Hà vỡ đê, đường đi bị tắc nghẽn, những người bị đưa đi sung quân, nhận được công văn đều quay về nơi giam giữ của bổn huyện, đợi sau khi nước rút rồi mới lên đường. Trần Đại Trung vào ngày 12 tháng 1 năm Quý Mão trở về huyện Hoa Đình, ở trong ngục giam không đến 10 ngày thì Trương Minh Đức đã xảy ra chuyện.

Trước đây, thuế tào đinh (vận chuyển lương thực bằng đường thuỷ) của huyện Hoa Đình rất nặng. Người dân giao nộp chậm trễ, sẽ đóng trước một khoản cho đội thuyền xuất phát trước, khoản tiền còn thiếu, sẽ để lại một người cho đến khi thu đủ. Mấy năm đều làm như vậy cả, và cũng chưa từng xảy ra vấn đề gì.

Năm này, huyện lệnh mới nhậm chức là Lưu công nhậm chức chưa lâu, Trương Minh Đức muốn mượn dịp này khống chế huyện lệnh mới, cho huyện lệnh một đòn phủ đầu, liền nói trước với huyện lệnh rằng, đoàn thuyền vận chuyển lương thực phải đợi đến khi đóng đủ khoản tiền thuế mới có thể xuất phát. Huyện lệnh không tin, Trương Minh Đức liền mỗi ngày xui khiến thủy thủ đến phủ nha gây rối.

Huyện lệnh tức giận, trách mắng Trương Minh Đức . Trương nghĩ ra kế giả chết, liền nuốt nha phiến sống đến trước cổng phủ nha, ông ta muốn lấy cái chết để gây áp lực cho huyện lệnh. Không ngờ trong lúc Trương Minh Đức đang chuyện trò cùng người gác cổng, thì bị phát hiện trên ria mép ông có nha phiến sống.

Lưu công khi nghe được mật báo rất tức giận, lập tức hạ lệnh bắt giam Trương Minh Đức. Còn chưa đi đến cổng trại giam, đầu Trương choáng váng, hai mắt tối sầm lại, không thể nói chuyện nữa. Phàm là nuốt nha phiến sống, chỉ cần uống bát nước lạnh, thì độc tính sẽ được giải trừ, kỵ uống nước nóng, hễ uống là mất mạng ngay.

Trần Đại Trung ở trong ngục nghe nói Trương Minh Đức cũng bị giải đến, rất lấy làm cao hứng, chuẩn bị trà nóng chờ ông ta. Thấy Trương được dìu vào, liền bước đến nói với ông ta rằng: “Trương Minh Đức, ông cũng đến đây ư?“, bưng chén trà nóng mời ông ta uống. Trương Minh Đức thần trí mơ màng, chẳng nghĩ ngợi gì liền uống vào. Uống xong liền ngã lăn xuống đất, chưa được một lúc, đã chết lăn ra đó. Sau khi chết, vợ của Trương muốn đưa thi thể ra khỏi nhà giam, Trần Đại Trung và những người cùng bị giam giữ đều không đồng ý, nói: “Cần phải hoàn trả hết toàn bộ số tiền cho tôi, và phải đưa cho cai ngục một nghìn đồng mới được“.

Khi Trương Minh Đức còn sống, cậy quyền cậy thế, luôn giở thủ đoạn gian trá chèn ép lăng nhục đồng sự, mọi người đều căm hận ông ta. Chuyện của Trần Đại Trung bị vu oan, mọi người đều cảm thấy bất bình trong tâm. Trương Minh Đức chết rồi, không ai không hả hê. Đến lúc này, không một ai đứng ra khuyên giải. Con trai của Trương đã bỏ ra 1200 đồng, thi thể mới được khiêng ra khỏi nhà ngục.

Vụ việc này, cách thời điểm Trần Đại Trung về lại bổn huyện còn chưa được 10 ngày. Sau khi Trương Minh Đức chết được hai tháng, Trần Đại Trung lần nữa bị giải đi sung quân. Trước khi đi, Trần Đại Trung đã đem hết đầu đuôi câu chuyện hoạch tội Trương Minh Đức nói rõ hết ra, mong đem chuyện này in ra phân phát, để tỏ rõ xảo diệu của nhân quả báo ứng.

Thiện ác hữu báo mới là thiên lý. Con người dù có bày vẽ ra trăm phương nghìn kế, cũng không bằng một lần tính toán của ông trời. Trương Minh Đức dụng tâm nham hiểm, hại người hại mình, báo ứng quả thật mau lẹ vậy!

Theo NTDTV
Thiện Sinh biên dịch 

Exit mobile version