Đại Kỷ Nguyên

Bí ẩn các họa tiết trên long bào của Hoàng đế cổ đại

Long bào là y phục quen thuộc của bậc đế vương thời cổ đại, họa tiết thêu trên long bào nằm ở vị trí nào đều có quy định rõ ràng, thậm chí có những hoa văn hoặc màu sắc chỉ được phép sử dụng trên trang phục của đế vương, vì đây là biểu tượng vương quyền tối cao. Vậy chúng mang hàm nghĩa gì?

Trang phục của các Hoàng đế thời cổ đại cơ bản phân làm 3 loại: lễ phục, cát phục và thường phục.

Long bào mà chúng ta thường thấy trong các bộ phim cổ trang là một loại thuộc cát phục với hoa văn trang trí chủ yếu là rồng. Đặc điểm chủ yếu của Long bào chủ yếu ở cổ áo, vạt áo bên phải, và màu sắc. Đây là loại long bào thấp hơn lễ phục một bậc, lễ phục là loại trang phục thường được các Hoàng đế mặc trong các buổi yến tiệc thông thường hoặc tiếp quan đại thần. 

Long bào được Hán Văn Đế Lưu Hằng mặc lần đầu tiên là màu vàng. Màu sắc này được sử dụng từ thời đó cho tới triều Minh, Thanh. Theo ghi chép trong quyển 147 Tô Châu phủ chí  tập sách Địa phương chí đời Minh, năm Vạn Lịch 29 đời Minh (1601) quan thái giám Tôn Long tới Tô Châu giám sát thuế và việc may long bào. Những bộ long bào của các Hoàng đế thời cổ đại lưu truyền tới nay không nhiều. 

Ảnh: Thongtingiadinh.

Hàm nghĩa hình tượng rồng trên long bào

Thời xưa gọi ngôi vị Hoàng đế là “Cửu ngũ chí tôn”. Trong Dịch kinh – Càn Long – Cửu ngũ có ghi: “Rồng bay trên trời, phúc cho bậc đại nhân khi nhìn thấy”. Số chín (cửu) là số dương, trong Dịch kinh biểu thị bằng một vạch liền (─), số năm (ngũ) là hào vị thứ năm trong quái tượng tính từ dưới lên. Khổng Dĩnh Đạt ghi trong “Ngũ kinh chính nghĩa” rằng: “Lời cửu ngũ, dương khí mạnh ngút trời, vì rồng ở trên trời. Hiện tượng này ví như thánh nhân có đức rồng, bay cao ở ngôi vị trên trời”. Chính vì thế, sau này “cửu ngũ” dùng để chỉ ngôi vua. Cũng từ văn hóa Đạo gia như vậy mà long bào có thêu chín con rồng, tượng trưng cho Hoàng đế.

Về hoa văn hình tượng rồng, trong một số tài liệu có mô tả như thế này: chín con rồng trên long bào có bốn con rồng được thêu ở phía trước, lưng và hai vai. Vạt trước và sau long bào thì mỗi vạt áo có hai con hành long, như vậy nhìn từ trước hay sau đều thấy năm con rồng, hàm ý sự tôn quý (cửu ngũ). Nhưng tính ra tổng cộng mới chỉ có tám con rồng, còn một con ở đâu? Thật ra con rồng cuối cùng này thêu bên trong vạt trước, muốn trông thấy phải vén vạt áo lên mới được. Tất nhiên, việc thiết kế hoa văn rồng trong mỗi triều đại cũng có sự đổi khác.

Ngoài chín con rồng ở trên thì còn có những hình rồng nhỏ ở cổ áo, eo và cổ tay áo. Còn vô số đường uốn lượn dưới long bào gọi là “chân nước”. Trên chân nước thêu rất nhiều gợn sóng cuồn cuộn, còn báu vật đá dựng đứng gọi là “hải thủy giang nhai”, không chỉ tượng trưng cho may mắn bất tận mà còn hàm nghĩa “thống nhất giang sơn”, “mãi mãi thái bình”.

Trang phục của Hoàng đế còn thêu các hình hoa văn mang ngụ ý cát tường, màu sắc tươi đẹp. Ngoài các mẫu rồng, còn có các mẫu phượng hoàng, các mẫu hoa mẫu đơn phú quý, bát bảo cát tường… nhiều mẫu được thêu họa tiết đám mây ngũ sắc, hoa tiết hình dơi, 12 chương (trình bày ở bên dưới) và các mẫu mang biểu tượng cát tường khác. Từ xưa tới nay, họa tiết rồng và phượng luôn là biểu tượng của Hoàng đế và hoàng hậu, ngoài ra không ai có thể sử dụng.

Hàm nghĩa của 12 họa tiết chính

12 họa tiết khác nhau còn được gọi là 12 chương là mẫu trang trí độc quyền của người có vị trí cao nhất trong hoàng triều thời cổ đại, nó chỉ được sử dụng trong trang phục của Hoàng đế, hoàng hậu và một vài hoàng tử, trang phục của tướng lĩnh không bao giờ có. 12 họa tiết đó bao gồm:

Nhật – Nguyệt – Tinh: Mặt trời, mặt trăng, ngôi sao mang hàm nghĩa “tươi sáng”, biểu trưng cho ánh sáng khắp thế gian, chiếu rọi cho muôn dân.

Sơn: Núi tượng trưng cho sự “ổn định và bền vững” của đất nước và triều đại.

Long: Rồng là chương quan trọng nhất trong trang phục của vua, trước và sau áo đều có. Rồng tượng trưng cho quyền lực tối cao của vua.

Ảnh: Kknews.

Hoa Trùng: Chim trĩ là một loài chim quyền quý, sang trọng. Tượng trưng cho tài năng văn chương, thi pháp của nhà vua. Trong xã hội, Trĩ tượng trưng cho chức quan văn. Trong trang phục cổ thì thường là hình ảnh một con chim trĩ đậu trên một hòn núi. 

Tảo: Tảo là biểu tượng cho đạo đức tinh khiết và cao quý của nhà vua.

Hỏa: Lửa biểu tượng cho sự cai trị đất nước, vinh quang của hoàng tộc. Khi ngọn lửa được đốt lên, tổ tiên sẽ trở về.

Phấn mễ: Gạo tượng trưng cho sự sung túc, no ấm của nhân dân, hòa bình của đất nước. Đề cao vai trò và tầm quan trọng của nông sản, nông nghiệp.

Phủ: Rìu tượng trưng cho khả năng làm việc và sự dũng cảm của Hoàng đế.

Phất: Hoa văn chữ “亞” tượng trưng cho 2 mặt đối lập Đúng – Sai, Tốt – Xấu trong mỗi con người.

Tông di – Cốc tế: thường là một cặp cốc có vẽ hình con hổ, là vật dụng dùng trong nghi lễ, tượng trưng cho lòng trung thành, đức hiếu thảo đối với Trời Đất, tổ tiên.

Mười hai họa tiết này ẩn chứa phẩm hạnh đạo đức, chí thiện chí đức của Hoàng đế, tượng trưng cho quyền lực to lớn bao quát trời đất, vạn vật, giống như ánh sáng của nhật nguyệt, bốn phương tám hướng. Dù trải qua hàng nghìn năm lịch sử, triều đại này thay thế triều đại kia, nhưng vì ý nghĩa thâm sâu nên luôn được bảo trì như thuở ban đầu và hầu như không có thay đổi. 12 họa tiết này cũng không thể so sánh với bất cứ họa tiết trang trí thông thường khác.

Nội hàm họa tiết đám mây ngũ sắc

Ảnh: Secret China.

Họa tiết đám mây ngũ sắc cũng là một mẫu trang trí không thể thiếu trên long bào, nó không chỉ thể hiện điều may mắn phúc lành mà còn đóng vai trò làm nền cho trang phục thêm nổi bật. Dơi có vai trò lớn trong nghệ thuật trang trí, nó biểu tượng cho chữ ‘Phúc’. Là do trong tiếng Hán Việt dơi là chữ “bức” (蝠) đọc gần giống chữ “phúc” (福), từ đó người ta dùng hình ảnh con vật này để chỉ phúc đức. Khi minh họa bằng hình 5 con dơi là hàm ý chỉ ngũ phúc: (1) Phú nghĩa là giàu; (2) khang ninh là yên lành, mạnh khỏe; (3) Thọ là sống lâu; (4) hảo đức là có đức tốt; (5) khảo chung mạng là hưởng trọn tuổi trời.

Y phục của một số vương công đại thần cũng có xuất hiện họa tiết hình rồng, tuy nhiên chúng khác so với những mẫu dùng cho long bào của Hoàng đế. Long bào chuyên chỉ thiết kế cho Hoàng đế, các vị quan viên đại thần không được tùy ý mặc. Chỉ khi được đích thân Hoàng thượng ban tặng mới có thể mặc. Tuy nhiên, trước khi mặc cần tháo chỉ thêu ở một móng của rồng để thể hiện sự khác biệt. Vào thời nhà Minh, những chiếc long bào được sửa đổi như vậy được gọi là mãng bào, là loại thường phục của quan lại được vua ban thưởng. Y phục của Hoàng đế được gọi là long bào, y phục của quân thần được gọi là mãng bào, tuy chỉ sai khác một chữ mà cách biệt một trời một vực.

Có nhiều cách phân tích về sự khác biệt giữa Long và Mãng (chữ mãng 蟒 trong từ mãng xà, trăn lớn). Ví dụ, rồng có 5 móng vuốt, còn mãng (xà) chỉ có 4, 3 hoặc không có. Ngoài ra, đầu rồng có sừng, còn mãng (xà) không có. Sự sai khác này mặc dù rất nhỏ bé, nhưng sự khác biệt về thân thế lại là rất lớn. Những hình họa tiết và vị trí của chúng tuyệt đối không được phép có sai sót, có rất nhiều mẫu họa tiết chỉ được thêu trên trang phục của Hoàng đế, là biểu tượng cho quyền lực tối cao của vương quyền. 

Kiên Định
Theo Secretchina

Exit mobile version