Đại Kỷ Nguyên

Bí ẩn không lời giải khiến 40 năm chưa ai dám mở nắp quan tài trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng (P.2)

Lời toà soạn: Lịch sử 5.000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Á Đông gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay. 

Là một trong những phát hiện khảo cổ vĩ đại nhất thế kỷ 20, đến nay lăng mộ Tần Thủy Hoàng vẫn còn ẩn giấu nhiều bí mật làm đau đầu các nhà khoa học và khơi gợi trí tò mò bất tận của công chúng. 

Xem thêm: Phần 1 

Tần Thủy Hoàng dùng quan tài bằng đồng hay bằng gỗ? 

Trong “Sử ký” và “Hán Thư” đều không ghi chép rõ ràng về chuyện này. Tư Mã Thiên chỉ chép một cách mơ hồ rằng: “Từ quan tài tới quách đều làm bằng đồng“. Thế là các học giả căn cứ vào câu nói đó mà cho rằng Tần Thủy Hoàng dùng quan tài bằng đồng. Tuy nhiên nếu tìm hiểu kỹ hơn các ghi chép lưu lại trong sử sách thì Tần Thủy Hoàng không thể dùng quan tài bằng đồng được.

Trong “Sử Ký” và “Hán Thư” đều mô tả quan tài là: “Dùng đồng hàn bên trong quan tài và quét sơn ở bên ngoài, lại dùng ngọc trai và phỉ thúy để trang trí nên cả quan tài và quách đều lung linh đẹp đẽ phi thường“. Nếu dùng sơn để quét bên ngoài và dùng ngọc phỉ thúy để trang trí thì chắc chắn chỉ có quan tài làm bằng gỗ mới làm được.

Theo các tài liệu cổ, việc chế tạo quan tài thời Tiên Tần và Tây Hán là noi theo “Chu lễ”, tức nghi lễ mai táng cho Thiên tử nhà Chu. Người ta thường đóng quan tài có cánh xòe ra, gọi là “Hoàng trường đề tấu”.

Hình ảnh mô tả nơi đặt quan tài của Tần Thủy Hoàng. Ảnh dẫn theo (youtube.com)

Không gian trống bên trong lăng mộ 

Với thiết kế bên trong dạng lỗ dọc và quan tài cỡ lớn kiểu “Hoàng trường đề tấu” thì lăng mộ và quan tài đều sẽ lấp kín phần lớn không gian bên trong, hẳn là không có chỗ trống. Tuy nhiên Thừa tướng Lý Tư khi ấy lại mô tả rằng: “Lăng mộ này đục cũng không sâu vào được bên trong, đốt cũng không cháy, gõ cũng như trống rỗng“. Lời ông quả không sai bởi rõ ràng khu lăng mộ còn có một lớp vỏ bọc bên ngoài. Lý Tư từng trực tiếp chỉ huy xây dựng lăng mộ nên hoàn toàn nắm rõ kết cấu công trình như lòng bàn tay.

Theo những lời Lý Tư mô tả thì đây chính là một địa cung kiểu lô cốt bị bịt kín và có chân không dưới lòng đất. Nếu không làm sao có thể gõ vào thấy trống rỗng mà đốt cũng không cháy? Theo các tài liệu khảo cổ, trong lăng mộ xác thực có một khoảng không gian trống hơn nữa còn tương đối rộng. Tuy nhiên vị trí mà các nhà khảo cổ thăm dò lại chưa vào tới phần trung tâm chủ yếu của lăng mộ. Bởi vậy bên trong lăng mộ có khoảng trống hay không hiện vẫn còn là một bí mật.

Di thể của vua Tần Thủy Hoàng có còn nguyên vẹn hay không? 

Vào giữa thập niên 1970 của thế kỷ 20, việc phát hiện khu mộ Mã Vương Đôi nổi tiếng thời nhà Hán và di thể phu nhân Tân Truy vẫn còn nguyên vẹn đã làm kinh ngạc giới khoa học. Việc toàn bộ di thể và hài cốt được gìn giữ nguyên vẹn sau hàng nghìn năm là hoàn toàn hiếm thấy. Do vậy có nhiều người suy đoán rằng di thể của vua Tần Thủy Hoàng cũng có được tình trạng nguyên vẹn như vậy.

Quan sát khách quan có thể thấy khu lăng mộ có đầy đủ điều kiện để lưu giữ di thể. Tuy nhiên di thể của Tần Thủy Hoàng có được lưu giữ hoàn hảo hay không hiện vẫn là một dấu hỏi lớn. Từ triều Tần tới thời Tây Hán của phu nhân Tân Truy chỉ không quá 100 năm. Do vậy kỹ thuật ướp xác hoàn toàn có thể được áp dụng để chống phân hủy di thể.

Di thể của Tần Thủy Hoàng có được lưu giữ hoàn hảo hay không hiện vẫn là một dấu hỏi lớn cho đến nay. Ảnh dẫn theo (en.wikipedia.org)

Tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ Tần Thủy Hoàng qua đời khi đang đi tuần ở ngoài giữa vào lúc thời tiết nóng bức. Di thể sẽ nhanh chóng phân hủy khi trải qua hành trình hơn 50 ngày di chuyển từ xa về Hàm Dương để phát tang. Do vậy khả năng bảo tồn toàn vẹn di thể của Tần Thủy Hoàng là rất nhỏ.

Cạm bẫy chết người hay lời nguyền cho kẻ xâm phạm? 

Lăng mộ Tần Thủy Hoàng được thiết kế không có cửa ra vào và gần như bất khả xâm phạm với vô số mũi tên tự động bắn ra khi có kẻ định tiếp cận đột nhập. Hệ thống bẫy rập rắc rối và bí ẩn bên trong lăng mộ cùng hàng nghìn kình nỏ bao quanh với lực sát thương rất lớn, có thể lấy mạng bất cứ kẻ nào xâm nhập.

Theo ước tính của các nhà khảo cổ phương Tây, loại nỏ trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng có tầm bắn lớn hơn 800 mét, sức căng lên tới hơn 350kg và tự động vận hành. Trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ cũng phát hiện được những dấu vết của kẻ xâm phạm và vết tích bị thiêu trên nền đất.

Tượng binh mã bị đốt

Trong quá trình thăm dò, dọn dẹp đội quân đất nung trong khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng, các nhà khảo cổ phát hiện rất nhiều dấu lửa đốt ở hố số 1 và số 2. Đồng thời, người ta cũng phát hiện nhiều tàn tro than củi bị cháy. Rốt cuộc ai đã phá hoại đội quân đất nung với quy mô lớn như vậy? Theo các tư liệu lịch sử ghi chép lưu lại thì người đó là Hạng Vũ.

Nguyên nhân là bởi khi Tần diệt Sở, ông nội của Hạng Vũ là Hạng Yên bị tướng Tần là Vương Tiễn giết chết, người chú Hạng Lương cũng bị chết dưới tay của quân Tần. Do đó, Hạng Vũ có thù sâu oán nặng với Tần Thủy Hoàng. Tuy nhiên nếu quả thật là Hạng Vũ đã hỏa thiêu khu lăng mộ thì vì sao những đồ vật quý báu như chim hạc đồng, thiên nga đồng… đều không bị lấy cắp? Đó là điều vô cùng khó lý giải.

Âm binh canh giữ

Suốt 4 thập kỷ, các nhà khảo cổ đã khám phá được rất nhiều di tích tại lăng mộ nhưng ấn tượng nhất phải kể đến 8099 binh sĩ bằng đất nung. Mỗi bức tượng đều mang một thần thái sinh động khác hẳn nhau. Romey, một nhà khảo cổ học người Mỹ đã phải thốt lên rằng: “Những gì thời đại Tần Thủy Hoàng làm được thật ngoài sức tưởng tượng”.

Ngoài những binh sĩ bằng đất nung, người ta còn tìm thấy tượng của quân sư, quan lại, nhạc công, thậm chí cả động vật. Về địa cung trong lăng mộ của Tần Thủy Hoàng, còn có giai thoại truyền lại rằng nơi đây được “âm binh” canh giữ. Theo đó, vào ban đêm, khi áp tai xuống đất, người ta còn nghe thấy tiếng quân hô ngựa hí, khí thế ầm ầm như ra trận. Tần Thủy Hoàng ở đó vẫn thường xem duyệt binh, cai quản thành trì, thanh danh oai hùng như thời còn tại thế.

Vào ban đêm, khi áp tai xuống đất, người ta còn nghe thấy tiếng quân hô ngựa hí, khí thế ầm ầm như ra trận. Ảnh dẫn theo (zh.wikipedia.org)

“Tháp 9 tầng” che đậy khu lăng mộ?

Nếu quan sát từ trên máy bay có thể nhìn thấy rõ ràng toàn bộ khu lăng mộ là một quần thể hình chóp vuông vức. Bởi vậy người Mỹ gọi đó là “Kim Tự Tháp Hoàng Thổ”. Kỳ thực những nhà khảo cổ học Mỹ hoàn toàn sai lầm. Lăng mộ Tần Thủy Hoàng không chỉ có 3 tầng kiểu hình chóp được che phủ trên nền đất mà là kết cấu kim tự tháp cỡ lớn 9 tầng bằng đất và gỗ, thậm chí quy mô còn lớn hơn kim tự tháp Khufu của Ai Cập. Không chỉ vậy, quy mộ của địa cung bên trong cũng là là quy mộ “kim tự tháp ngược” tương tự. Trong khu lăng mộ của mình, Tần Thủy Hoàng còn xây dựng các lầu cao tới 30m tương truyền là để cho các linh hồn dễ dàng đi lại trong lăng mộ.

Mũ tử ngọc và lời nguyền chết chóc

Giai thoại tâm linh được lưu truyền nhiều nhất phải kể đến lời nguyền xoay quanh một vật trân bảo bị chôn vùi ngay trong chính khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng – chiếc mũ tử ngọc. Tương truyền rằng, mũ tử ngọc được vua Tần sai người chế tạo để tặng cho một danh kỹ. Nhưng vật còn chưa trao tới tay người thì Hoàng đế băng hà. Chiếc mũ ấy cũng theo Thủy Hoàng xuống lăng mộ cùng yên giấc ngàn thu.

Năm xưa từng có một đội khảo cổ nhận nhiệm vụ khai quật các thông đạo vào lăng Tần Thủy Hoàng. Sau một thời gian đào bới, họ phát hiện ra được một đường hầm nhưng càng đi sâu vào trong càng thấy khó thở, lại ngửi thấy mùi thi thể thối rữa. Đội khảo cổ đánh liều tiếp tục đi về trước, phát hiện cách đó không xa có một cửa động có thể tiến vào. Một người trong số đó liền buộc dây vào thắt lưng và đi về phía cửa động.

Sau một hồi không thấy động tĩnh của anh này, đoàn khảo cổ linh tính có chuyện chẳng lành, liền lần theo dây thừng đi vào phía bên trong. Không ngờ rằng vừa với tới nơi đã thấy người đó chết rất thảm khốc mà không rõ nguyên nhân. Lúc đó, có người bất chợt phát hiện ra chiếc mũ tử ngọc.

Khi trưởng đoàn kể lại lai lịch của chiếc mũ này, người kia liền biết đó là vật quý, định mang ra ngoài. Nhưng chỉ vừa đụng đến mũ tử ngọc, toàn bộ hang động bắt đầu rung chuyển và sập xuống. Đoàn khảo cổ vội vã chạy ra ngoài mới thoát khỏi kiếp nạn chôn thây nơi hầm mộ. Chiếc mũ tử ngọc ấy mãi nằm lại trong đống đổ nát, nhưng giai thoại kinh dị về nó đã lan truyền khắp nơi.

Mũ tử ngọc và lời nguyền chết chóc. Ảnh dẫn theo (vi.wikipedia.org)

Căn phòng bí ẩn

Các ghi chép lịch sử mô tả về hầm mộ Tần Thủy Hoàng đều không nhắc gì tới căn phòng nằm sâu gần 10m dưới lòng đất. Căn phòng này chưa từng được mở ra. Người ta tìm thấy nó ở một nơi gần với kinh đô cổ Trường An (Tây An bây giờ) nhờ vào công nghệ cảm ứng từ xa. Một chuyên gia cho biết có thể căn phòng này được xây cất nhằm phục vụ mục đích tâm linh của vị Hoàng đế.

Hơn 2000 năm trước, các căn phòng được chôn vùi bên trong một khối hình kim tự tháp cao 51m, đặt bên trên mộ Tần Thủy Hoàng. Nhà nghiên cứu Duan Qingbo thuộc Viện nghiên cứu khảo cổ Thiểm Tây nói rằng căn phòng nằm ở gần nơi có đội binh đất nung to cỡ người thật và có bốn bức tường xây cất giống như những cầu thang.

Linh hồn của Tần Thủy Hoàng vẫn có thể thống trị tất cả?

Bởi thân thế Tần Thủy Hoàng quá bí ẩn nên có rất nhiều lời đồn liên quan đến cái chết và số phận của ông. Mọi người đều biết rằng Tần Thủy Hoàng luôn mong muốn được trường sinh bất lão. Có lời đồn rằng Tần Thủy Hoàng từng nhiều lần cử người đi khắp mọi nơi tìm tiên đan. Và một điều càng làm người ta kinh ngạc hơn đó chính là họ cuối cùng đã tìm thấy tiên đan. Tuy nhiên khi ấy Tần Thủy Hoàng buộc phải lựa chọn hoặc tiếp tục làm Hoàng đế hoặc trường sinh bất lão.

Linh hồn của Tần Thủy Hoàng vẫn có thể thống trị tất cả. Ảnh dẫn theo (vi.wikipedia.org)

Thế là ông liền bày binh bố trận, mượn cớ bị mưu sát trong một lần ra ngoài đi tuần để rời khỏi thế gian. Kỳ thực cho tới ngày nay ông vẫn sinh sống trên mảnh đất Trung Hoa này. Lại có lời đồn rằng sau khi qua đời, Tần Thủy Hoàng được tuẫn táng trong quan tài bằng vàng và linh hồn ông vẫn bay đi bay lại trên dòng sông thủy ngân. Di thể ông hoàn toàn không bị phân hủy và linh hồn vẫn đang thống trị tất cả.

(Hết)

Bình Nhi

Xem thêm:

 

Exit mobile version