Linh Lung Bảo Tháp rất lợi hại, vỗ vào tháp một cái “bốn bề lửa dậy phừng phừng, nóng như muốn tiêu cả xương thịt”, mà áo quần vẫn còn nguyên vẹn. Nguồn gốc sức mạnh của Tháp Linh Lung nằm ở đâu? Người viết xin mạn phép chia sẻ cùng quý độc giả chút kiến giải hạn hẹp về vấn đề này.

Na Tra tam thái tử là một nhân vật nổi tiếng trong văn hoá truyền thống Á Đông, với hình tượng khôi ngô tuấn tú, mặt đẹp như ngọc, mắt sáng như sao, tay phải cầm Hỏa Tiên Thương, tay trái cầm Càn Khôn Quyện, vai đeo dải lụa Hỗn Thiên, lưng giắt Cửu Long Thần Tráo và Đả Tiên Kim Chuyên, chân đi bánh xe Phong Hỏa, oai phong lẫm liệt. Bên cạnh đó, Na Tra cũng là một cậu bé hiếu động và nghịch ngợm, mấy lần gây hoạ liên lụy tới mẹ cha, dẫn đến mối oán thù khó giải với cha cậu là tướng quân Lý Tịnh. 

Oán oán chất chồng, ác duyên khó giải

Phong Thần diễn nghĩa cho hay Na Tra vốn là viên Linh Châu của Thái Ất Chân Nhân, được Nguyên Thủy Thiên Tôn an bài xuống trần gian giúp Khương Tử Nha phò Chu diệt Trụ, chuyển sinh vào bụng Ân Thị hóa ra kiếp người, trở thành con trai thứ ba của Lý Tịnh.

Na Tra lớn nhanh như thổi, mới bảy tuổi đã mình cao sáu thước, vai rộng hai thước, ngỗ nghịch muôn phần. Trong một lần ra ngoài dạo cảnh, Na Tra hồn nhiên giặt dải dây lưng đỏ khiến Long cung chao đảo, Long Vương cử tướng Dạ Xoa lên hỏi tội thì bị Na Tra liệng vòng Càn Khôn vỡ đầu, Tam thái tử Ngao Bính đến toan bắt thì lại bị Na Tra quăng Hỗn Thiên Lăng ra trói, rồi lột da bóc gân. Hoạ này chưa xong, hoạ khác đã tới, Na Tra tò mò giương Chấn Thiên Cung của Hiên Viên Hoàng Đế truyền lại cho ải Trần Đường, chẳng may bắn chết đệ tử của Thạch Cơ Nương Nương, may nhờ Thái Ất Chân Nhân bảo hộ nên mới khỏi vạ. 

Lý Tịnh và Ân phu nhân bị Tứ Hải Long Vương trói lại làm tội, Na Tra vì để bảo vệ cha mẹ khỏi liên luỵ mà tự mình bóc thịt trả mẹ, lóc xương trả cha, đền ơn sinh thành. Sau khi chết, hồn Na Tra bay về với Thái Ất Chân Nhân, Thái Ất bày cho Na Tra báo mộng cho Ân Thị lập miếu thờ để nhờ hương lửa mà trở lại hình người. Tuy nhiên, Lý Tịnh quá cố chấp với những việc Na Tra từng gây ra nên đã đập tượng, đốt miếu, khiến Na Tra không còn nơi nương tựa. May mắn thay, Na Tra được Thái Ất Chân Nhân giúp hoán thân tráo cốt vào cây sen, lại truyền thụ võ nghệ và các loại bảo bối. 

Hình ảnh Na Tra thái tử trong truyền thuyết. Ảnh dẫn qua qingguowh.blog.163.com.

Na Tra mang mối hận thù sâu sắc với cha, đã tìm Lý Tịnh để trả thù. Vốn biết đệ tử mình tâm phàm còn nặng, hiếu chiến ương ngạnh, nên Thái Ất đã cậy hai vị đại tiên là Văn Thù và Nhiên Đăng giáo huấn Na Tra. Văn Thù và Nhiên Đăng đại hiển thần thông, đánh bại Na Tra, rồi chỉ ra lỗi lầm của cả hai người, giúp cha con Lý Tịnh cởi bỏ hiềm khích, một lòng phò Chu diệt Trụ. Tuy nhiên Na Tra tính tình ngang bướng, hận lòng chưa dễ bỏ, nên để khắc chế Na Tra, Nhiên Đăng Đạo Nhân đã ban cho Lý Tịnh vật báu là Linh Lung Bảo Tháp. Bảo bối này lợi hại như thế nào? 

Hồi 14 Phong Thần diễn nghĩa có viết:

“Ðạo sĩ nhảy trái sang một bên, rũ tay áo một cái, tức thì một luồng hào quang tung ra sáng chói nửa lừng. Hào quang hiện ra một cái tháp chụp Na Tra nhốt vào trong ấy. Ấy là đạo sĩ dùng Linh Lung Tháp, bắt Na Tra trị tội.

Ðạo sĩ đưa tay vỗ vào tháp một cái, Na Tra thấy bốn bề lửa dậy phừng phừng, nóng như muốn tiêu cả xương thịt.

Na Tra kêu lớn:

– Xin tha tội tôi lần thứ nhất.

Ðạo sĩ cười khúc khích hỏi:

– Mày đã chịu nhìn cha mày chưa?

Na Tra nói:

– Ông ơi! Tôi xin tuân lời. Xin thả tôi ra.

Ðạo sĩ nói:

– Ngươi đã có ý tốt, ta tha ngươi đó.

Nói rồi niệm chú, tháp Linh Lung tự động giở lên. Na Tra mừng quá nhảy ra, xem lại quần áo không cháy chút nào, nghĩ:

– Lạ lùng chưa! Nóng như cháy thịt, mà quần áo vẫn nguyên vẹn là thế nào?

Ðạo sĩ nói:

– Ngươi đã chịu nhìn cha sao không cúi lạy ra mắt?

Na Tra có ý giục giặc. Ðạo sĩ cầm tháp giơ lên, Na Tra hoảng hồn cúi lạy đỡ, chứ thực lòng không phục.

Ðạo sĩ thấy vậy, bảo:

– Ngươi đã lạy sao không xin lỗi?

Na Tra đứng nhăn mặt làm thinh. Ðạo sĩ nói:

– Nếu ngươi không gọi Lý Tịnh bằng cha và xin lỗi, ta đốt.

Na Tra sợ quá, phải cúi mình, nói:

– Xin cha tha lỗi, từ nay con không dám ngỗ nghịch với cha.

Tuy ngoài miệng nói vậy, song trong lòng Na Tra vẫn nghi lão này không lẽ theo mãi Lý Tịnh, bắt ta gọi bằng cha? Ta chịu đỡ cho qua cơn nguy, rồi sẽ bắt Lý Tịnh trả thù.

Chẳng ngờ Ðạo sĩ biết rõ ý định của Na Tra, liền bảo Lý Tịnh.

– Ngươi quỳ xuống đây ta truyền phép này cho. Nếu thằng con đó còn trở lòng, ngươi dùng phép này đốt xác.

Na Tra không còn dám hung hăng nữa, nghĩ đến phép lạ giật mình.

Ðạo sĩ nói:

– Từ nay con thảo cha lành, sau cũng tôi hiền, chúa thánh, đồng làm quan một triều, đừng có chấp nhau nữa. Chuyện cũ bỏ qua, mưu đồ việc sắp tới”.

Tranh vẽ Lý Tịnh. Ảnh: Facebook/Epic.

Sau này Lý Tịnh tu thành chính quả, được trời phong chức Thác Tháp Thiên Vương, trong Tây du ký ta thấy hình tượng Lý Tịnh tay nâng Linh Lung Bảo Tháp chính là vì cố sự này. Linh Lung bảo tháp rất lợi hại, vỗ vào tháp một cái “bốn bề lửa dậy phừng phừng, nóng như muốn tiêu cả xương thịt”, mà áo quần lại còn nguyên vẹn. Nhờ có bảo bối này, từ đó về sau Na Tra không lần nào hỗn hào với cha, hai cha con dần dần cởi bỏ oán thù, đồng lòng phò Chu diệt Trụ, tu thành chính quả.

Ẩn ý đằng sau ‘Linh Lung Bảo Tháp’

Phong Thần diễn nghĩa là một thế giới huyền ảo đầy màu sắc của các loại bảo bối: Khương Tử Nha có roi Đả Thần, cờ Hạnh Hoàng; Triệu Công Minh dùng Định Hải Châu, dây Trói Rồng; Quỳnh Tiêu, Bích Tiêu, Vân Tiêu có gáo Hỗn Nguyên và kéo Kim Giảo; Xích Tinh Tử có kính Âm Dương; Nhiên Đăng Đạo Nhân có thước Càn Khôn, đèn Linh Cữu… Trong lịch sử, hiếm có bộ tiểu thuyết nào có thể đem các pháp khí, đạo thuật trong thế giới Thần Tiên miêu tả tường tận và diệu kỳ như thế. Cũng như Tây du ký, các bảo bối và pháp khí trong Phong Thần diễn nghĩa có lẽ không phải chỉ là tưởng tượng ngẫu nhiên, mà đều có hàm ý sâu xa. Ví như gậy Như Ý của Tôn Ngộ Không vốn là “Định Hải Thần Châm”, biểu tượng cho định lực của người tu luyện, nhờ định lực mà có thể hàng phục cám dỗ của yêu ma. Vậy thì Linh Lung Bảo Tháp của Nhiên Đăng Đạo Nhân có ngụ ý gì?

Nhìn lại toàn bộ hành trình tu luyện của Na Tra, có thể nhận ra đó là hành trình tu bỏ tâm tranh đấu và oán hận, mà người Na Tra hận nhất chính là Lý Tịnh. Trong giới tu luyện, tâm sân hận thường được ví như lửa: “Một niệm sân tâm khởi, đốt trụi rừng công đức”. Kinh Lăng Nghiêm cũng nói: “Sân chiêu cảm họa lửa”. Vậy nên, rừng lửa phừng phừng trong Linh Lung Bảo Tháp phải chăng chính là phản chiếu lửa hận lòng của Na Tra, dù quần áo không bị cháy nhưng tâm can đã bị thiêu đốt muốn tiêu cả xương thịt rồi.

Trong Phong Thần diễn nghĩa, hồi 13 cũng miêu tả kết cục bị thiêu của Thạch Cơ Nương Nương như sau:

“Còn Thạch Cơ bị chín con rồng lửa trong chiếc nơm thần vấn vít chặt cứng, hơi nóng phừng phừng, khói tỏa mù mịt.

Thương thay! Uổng công mấy ngàn năm tu luyện! Thạch Cơ bị hiện nguyên hình thành một cục đá xanh. Cũng bởi tại lửa trong tâm không dằn được nên mới bị lửa bên ngoài đốt ra tro”.

Có thể thấy, lửa ở đây là tâm nóng giận, nó không chỉ là một hình ảnh ẩn dụ, mà có lẽ cũng là thể hiện tại không gian khác của lòng sân hận. Linh Lung Bảo Tháp khiến Na Tra kinh sợ, phải chăng là vì nó biểu hiện ra quả báo của tâm oán hận, nhắc nhở Na Tra dằn lửa ở trong lòng?

Ngoài ra, Linh Lung Bảo Tháp có 33 tầng, biểu thị 33 tầng trời trong tam giới theo quan niệm của Đạo gia. Vượt qua 33 tầng trời này tức là siêu xuất tam giới, tu thành chính quả. 33 tầng của Linh Lung Tháp phải chăng ngụ ý rằng Na Tra nếu muốn tu thành thì phải vượt lên 33 tầng trời, mà tầng nào cũng chứa những ân oán cần kết giải.

Oán hận là một cái tâm, cũng là một chủng vật chất, trong một không gian nhất định nó hiện ra là lửa, ở mỗi tầng trời đều có lửa, nếu muốn nhảy thoát khỏi tam giới thì phải ức chế được 33 tầng lửa hận này. Đó là lý do vì sao con đường tu luyện lại lâu dài và gian nan đến thế, có những chủng tâm xấu tưởng như buông bỏ rồi mà sau lại xuất hiện trở lại: thầy trò Đường Tăng kinh qua 81 nạn, còn Na Tra cũng phải ma luyện bản thân qua 33 tầng lửa này.

Linh Lung Bảo Tháp thường bị nói nhầm, viết nhầm thành ‘Lung Linh Bảo Tháp’, vì chữ ‘lung linh’ quen thuộc với người Việt hơn. Kỳ thực, ‘Linh Lung’ (玲瓏) mới là cách viết đúng, đây là một từ Hán Việt, có nghĩa là “tiếng ngọc kêu leng keng”. Tiếng ngọc leng keng ở đây có hàm ý gì? Còn nhớ, Na Tra là viên Linh Châu ở cung Ngọc Hư trên thiên giới giáng trần để làm tướng tiên phong cho Khương Thượng, phò Chu diệt Trụ. ‘Châu’ (珠) là viên ngọc trai, thường gọi là ‘trân châu’, nên Linh Châu với Linh Lung rõ ràng có liên hệ. Tiếng ngọc leng keng phải chăng là tiếng nhắc nhở, gợi nhớ Na Tra về cội nguồn sinh mệnh linh thiêng và cao quý của mình trên thiên thượng? Dù giờ đây Na Tra chuyển sinh làm người, vì nghiệp lực nên vướng vào ân oán, nhưng sinh mệnh nguyên sơ của cậu là Linh Châu Tử tịnh khiết và thánh thiện, vốn không có những hận thù này. Nhìn thấy Linh Lung Bảo Tháp là nghe thấy tiếng gọi từ sâu thẳm sinh mệnh, giúp Na Tra giữ vững chân tâm lương thiện, buông bỏ hận thù, bước trên con đường phản bổn quy chân.

Trong Tây du ký, lá bùa trên núi Ngũ Hành Sơn trấn yểm Tôn Ngộ Không cũng có sáu chữ: “Úm Ma Ni Bát Mê Hồng”, còn được viết là “Om Mani Padme Hum”. Trong đó, ‘Om’ nghĩa là ‘quy mệnh’, ‘Mani’ nghĩa là ‘viên ngọc như ý’; ‘Padme’ nghĩa là ‘bên trong hoa sen’; ‘Hum’ nghĩa là ‘tự ngã thành tựu’. Câu chân ngôn giống như một lời nhắc nhở, như một nguyện ước trở về với bản mệnh nguyên sơ thuần khiết, mà ‘viên ngọc như ý’ chính là hình ảnh đầy hàm súc khiến ta liên tưởng tới ‘tiếng ngọc leng keng’ của Tháp Linh Lung. 

Vào năm 2019, bộ phim hoạt hình “Na Tra: Ma đồng giáng thế” khuynh đảo các phòng vé ở Trung Quốc và Việt Nam, trong đó Na Tra không còn là Linh Châu Tử thánh khiết mà lại trở thành một viên “ma hoàn”, sinh ra đã là ác ma với hình dung xấu xí. Trong nguyên tác, Na Tra vốn là tướng nhà trời giáng sinh để hoàn thành thiên mệnh, thuận theo ý Trời mà phò Chu diệt Thương, nhưng bộ phim nói trên lại gán cho Na Tra lời thoại “Mệnh của ta do ta quyết định chứ không phải ông Trời”. Bộ phim cũng giải thích nỗi oán hận của các nhân vật như Thân Công Báo, long tộc ở Đông Hải… cho việc “bị đối xử bất công”, bị “kỳ thị” vì xuất thân thú vật, đánh vào lòng trắc ẩn của người xem. Cốt truyện này đã cải biến hoàn toàn tiêu chuẩn thiện – ác, chính – tà của nguyên tác, khiến nội hàm tu luyện thần thánh của Phong Thần diễn nghĩa bị “ma biến” phá vỡ hoàn toàn. Vậy mà bộ phim trên lại trở thành phim hoạt hình Trung Quốc có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Thế thì, những khán giả, đặc biệt là khán giả nhỏ tuổi chưa từng biết đến Na Tra thực sự ra sao, sẽ lý giải thế nào về văn hoá truyền thống đây? Điều này khiến những người kính mộ văn hoá truyền thống chân chính không khỏi đau lòng.

Linh Lung Tháp trên tay Lý Tịnh là bảo bối hàng phục Na Tra, theo thiển ý của người viết, đây thực ra cũng là pháp khí cho Lý Tịnh tu hành. Trong oán duyên giữa hai cha con, ngoài Na Tra ngỗ nghịch thì Lý Tịnh quá khắc nghiệt cũng góp một phần tội lỗi. Người xưa dạy “Phụ từ, tử hiếu” (cha nhân từ, con hiếu thuận), đó cũng là một mục tiêu chủ yếu trên hành trình tu luyện của Lý Tịnh và Na Tra. Linh Lung Bảo Tháp nhắc Na Tra về bản mệnh tiên thiên, khắc chế lửa hận, đồng thời cũng răn Lý Tịnh phải buông bỏ sự hà khắc của mình vậy.

videoinfo__video3.dkn.tv||12f7cf45f__