Có hay không câu chuyện Thiên Đàng – Địa ngục, hay thế giới Thiên Quốc mỹ diệu của Phật Pháp nhiệm màu? Câu hỏi này từng khiến nhân thế ngàn năm băn khoăn trăn trở: giới tu luyện chính Pháp, chính Đạo thì luôn tin đó là ‘Bến quê’ – nơi trở về của ngọn nguồn sinh mệnh, giải thoát mọi khổ đau phiền lụy trong cõi vô thường. Người chưa ngộ Đạo lại coi đó là chuyện huyền bí hoang đường, phi thực tại…
Trong khuôn khổ của loạt bài viết này, chúng tôi không đưa ra lời khẳng định từ cơ điểm khoa học hoặc tôn giáo mà chỉ đơn thuần khách quan giới thiệu lại câu chuyện trải nghiệm của một vị cao tăng – Pháp sư Khoan Tịnh về thế giới Tây phương Cực Lạc. Chuyện được ông kể lại trong buổi thuyết giảng tại núi Nam Hải Phổ Đà (Sin-ga-po) vào tháng 4 năm 1987, ngõ hầu đem tới cho quý độc giả những hình dung thú vị về một cảnh giới nào đó thuộc Thế giới cao tầng. Nếu không tin, các bạn cũng có thể xem như là mình vừa nghe một câu chuyện cổ tích.
“Tây phương Cực Lạc thế giới du ký” được Bút giả cư sĩ Lưu Thế Hoa căn cứ theo lời kể của Khoan Tịnh Pháp sư mà ghi lại, phóng viên thời báo Đại Kỷ Nguyên tổng hợp và giới thiệu.
Ra khỏi trời Đâu Xuất, tôi tiếp tục trì chú Lăng Nghiêm, khi này các tòa sen lại nâng bốc tôi lên. Chỉ nghe tiếng gió ào ào, cảnh tiên lướt qua và dạt về phía dưới rất nhanh.
Chúng tôi đến một nơi dưới đất óng ánh sắc vàng kim và trải đầy cát bằng vàng sáng chói. Đi thêm khoảng mười lăm phút sau thấy bên dưới tòa sen đường lối thênh thang trải đầy cát vàng lóng lánh chói rạng. Từng hàng, từng dãy những cây cổ thụ to cao cả chục trượng, cành vàng, lá ngọc. Lá cây cổ thụ có hình ba góc, năm góc, bảy góc v.v… đều phát ra tia sáng, hoa nở đủ màu, có cả rất nhiều những loại chim đậu đầy cành cây. Những chú chim có bộ cánh với đủ màu sắc tuyệt đẹp, thân chúng có hào quang. Chim chóc nơi này có con có hai đầu, có con có nhiều đầu, chúng cùng hót một loại giọng thánh thót âm vang và ca ngân Thánh hiệu Phật A Di Đà. Bầy chim nhảy nhót tưng bừng tỏ ra rất đỗi hoan hỷ. Tôi nhìn ra bốn chung quanh thấy đều có hàng rào lan can bảy màu. Bồ Tát Quán Âm bảo:
– Cảnh giới mà kinh Phật nói: ‘Thất trùng La Võng, thất trùng Hàng Thọ’ là chỗ này đây.
Bên tai tôi nghe thấy rất nhiều tiếng nói chuyện, nhưng mà nghe vậy chứ chẳng hiểu gì cả. Bồ Tát Quán Âm lại bảo:
– Những tiếng ấy đức Phật A Di Đà nghe hiểu.
Trên đường đi tới còn gặp rất nhiều bảo tháp cao lớn, chúng đều do thất bảo kết thành, phát từng luồng ánh sáng lung linh rực rỡ. Không bao lâu sau chúng tôi đến trước một ngọn núi bằng vàng chói lọi. Muôn ánh vàng kim sáng hắt ra, so với núi Nga Mi ở Trung Nguyên thì không biết ngọn núi này còn cao hơn gấp mấy chục ngàn lần.
Bồ Tát Quán Âm nói với tôi:
– Đến rồi đó, chúng ta đã đến trung tâm điểm của thế giới Tây phương Cực Lạc rồi đó! Ông có thấy không? Đức Phật A Di Đà ở trước mặt ông đó!
Tôi ngạc nhiên nói:
– Thưa Bồ Tát, con không thấy! Ở đây là vách núi bằng vàng ròng kia mà! Nó đã che hết tầm nhìn rồi cho nên con không thấy Đức Phật ở đâu?
Ngờ đâu câu trả lời của Bồ Tát Quán Âm đã khiến tôi vô cùng sửng sốt ngỡ ngàng:
– Không có vách núi gì đâu, ông đang đứng ở trước ngón chân cái của Đức Phật A Di Đà đấy!
Tôi nói:
– A Di Đà Phật, ôi thôi! Ngài cao lớn dường ấy làm sao con có thể nhìn thấy được!
Lúc này tôi có cảm giác như mình là một con kiến đang ngước nhìn tòa nhà chọc trời hơn 200 tầng lầu ở Mỹ quốc vậy! Không có cách gì nhìn cho trọn vẹn toàn cảnh của cao ốc ấy.
Bồ Tát Quán Âm dặn tôi quỳ xuống nhanh lên và khẩn cầu Phật A Di Đà gia trì cho để tiếp dẫn tôi được thấy thế giới Tây Phương Cực Lạc. Tôi vội quỳ xuống nguyện cầu đức A Di Đà Phật gia trì. Nguyện cầu được một lúc, tôi cảm thấy thân mình ầm ầm chuyển động, không ngừng cao lớn lên, cao mãi cho đến khoảng ngang rốn của Ngài. Lúc ấy tôi mới thấy rõ đức Phật A Di Đà ở trước mắt tôi, Ngài đứng phía trên vô vàn những tầng hoa sen rực ánh hào quang. Từng cánh hoa sen lại hiển lộ thắng cảnh, bảo tháp phóng ra muôn ngàn tia sáng, trong những tia sáng lại có vô vàn những vị Phật ngồi ngay ngắn trong tầng tầng luồng sáng chói chang ấy. Cũng cùng một lúc tôi còn thấy đại điện với những vách vàng óng ả, chói lọi, nhìn sâu vào mãi tôi thấy cả toàn cảnh của thế giới Tây Phương Cực Lạc.
Lúc ấy Sư Viên Quang lại hiện thân thật của Bồ Tát Quán Thế Âm với toàn thân trong suốt sắc óng vàng, trang phục phát ra muôn tia sáng khác nhau. Nhận không rõ là nam hay nữ, giờ đây Bồ Tát Quán Âm với thân hình cao lớn hơn tôi, ước độ bằng vai của Đức Phật A Di Đà. Tôi đứng ở nơi ấy, chưa bao giờ được thấy những cảnh giới vô cùng đẹp đẽ này, tôi ngắm tới ngất ngây cả người! Nhất thời tôi không thốt ra được một tiếng nói nào cả, đến bây giờ bảo tôi thuật rõ từng cảm nghĩ về những điều đã thấy, đã biết của cảnh giới thù thắng ấy chắc là tôi phải nói trọn cả bảy ngày bảy đêm. Chỉ đơn cử nói về nét tướng của đức Phật A Di Đà thôi, chắc tôi cũng phải kể suốt cả nửa ngày trời. Thí dụ như nói về mắt Ngài, có thể so sánh với cả một mặt biển lớn, nói ra có thể không ai tin, chứ thực tế mắt Ngài có thể sánh với cả một đại dương vậy!
Thiên Quốc Cực Lạc của thế giới Tây Phương, nếu theo như lời trong Kinh nói là cách đây tới những 10 vạn ức đất Phật. Nếu đi bằng tốc độ ánh sáng thì phải hết 150 ức năm ánh sáng mới đến nơi. Với tuổi thọ của con người thì không thể nào mà đi đến đó được, còn nói về vật chất, nếu đi bằng xác thân xương thịt này, dẫu có khởi từ mới lập trái đất, đi hết vòng quanh trái đất đến khi trái đất hư diệt, tạo lập lại rồi diệt, cũng khó lòng mà đến được. Thế mà chỉ với nguyện lực sẵn có và một lòng tín tâm vững dạ, cộng với sự khẩn cầu đức Phật A Di Đà gia trì cho thì chỉ cần một sát na, nhanh như duỗi tay, tôi đã đến được tận nơi.
Tôi kính cẩn đảnh lễ đức Phật A Di Đà xin Ngài gia trì, ban cho tôi phúc huệ được liễu sanh thoát tử. Ngài bảo tôi:
– Bồ Tát Quán Thế Âm tiếp dẫn con đến đây tham quan các nơi, con cứ đi tham quan đi, rồi sau đó con còn phải trở về nhân gian nữa.
Lúc ấy tôi đã say mê cảnh giới tốt đẹp của Tây phương Cực Lạc rồi! Cho nên tôi cảm thấy thế gian đầy rẫy những nhớp nhúa đau khổ, không muốn trở về nữa, tôi mới năn nỉ đức Phật:
– Cực Lạc Thiên Quốc quá là tốt đẹp, con không muốn về thế gian nữa! Nguyện cầu đức Phật A Di Đà phát tâm đại từ bi mà giữ con ở lại đây.
Ngài dạy:
– Không được, không phải ta không chịu giữ con ở lại thế giới Cực Lạc, mà chỉ vì hai kiếp về trước con đã vãng sinh đến đây nhưng rồi chính con đòi trở về thế gian cứu đời, độ người, cho nên giờ đây con cần quay về, làm cho xong tâm nguyện của con. Đem tình hình được thấy ở đây truyền đạt cho thế gian biết, lấy đó mà giáo hóa thế nhân.
Nói xong, Đức Phật lại ngâm kệ trùng tuyên lại lời ấy, Ngài vừa dứt ngâm kệ, tôi rúng động toàn thân và nhớ lại tất cả cảnh cũ của hai kiếp trước rõ ràng mồn một trước mắt.
Đức Phật A Di Đà lại bảo với Quán Thế Âm Bồ Tát hướng dẫn tôi đi tham quan các nơi. Tôi đảnh lễ Ngài ba lạy rồi cùng với Bồ Tát bước ra khỏi cửa Đài Thuyết Pháp. Lúc này tôi quan sát thấy khắp hành lang, bờ ao, lan can, núi, đất… đều được kết lại bằng bảy báu vật, đều phát ra tia sáng giống như ánh đèn màu vậy. Đặc biệt nhất là tất cả những dạng hữu hình như trên đều trong suốt không chướng ngại, có thể xuyên thấu qua được. Trên cửa Đài có bốn chữ vàng, hai bên cũng có đôi liễu đối, tôi nhìn không hiểu… chỉ nhớ được một chữ còn ba chữ kia không nhớ rõ. Bồ Tát Quán Âm giải thích:
– Nếu đọc theo nghĩa Hán văn thì đó là: ‘Đại Hùng Bửu Điện’, cũng có thể đọc là ‘Vô Lượng Thọ Phật’.
Cái tòa đại Điện lung linh ánh vàng ấy hùng vĩ vô cùng, có tới mấy vạn người ở trong, đồng thời tôi thấy rất đông chư vị Bồ Tát đang ngồi hoặc đứng, có vị thì ở ngoài Điện, toàn thân họ đều hiện sắc vàng óng trong suốt nhưng cao độ ánh sáng của Bồ Tát thì thấp hơn Đức Phật chút ít. Trong số chư vị Bồ Tát tôi gặp có cả Đại Thế Chí Bồ Tát, Thường Tinh Tấn Bồ Tát.. v.v…
Quán Thế Âm Bồ Tát lại bảo tôi:
– Thôi để tôi dẫn ông đi, chúng ta sẽ đến Hạ phẩm hạ sanh trước, thăm thú dần lên đến Thượng sanh Thượng phẩm nha!
Trên đường lướt đi ấy, thân hình Bồ Tát và tôi dần dần thu nhỏ lại và thấp xuống. Tôi thấy lạ, bèn hỏi:
– Thưa Bồ Tát Quán Âm tại sao lạ vậy? Thân người tại sao lại có tình trạng thu nhỏ như này?
Ngài trả lời:
– Chúng sinh ở từng phẩm, vì cảnh giới không giống nhau nên hình thể và độ cao cũng có lớn, nhỏ khác nhau. Chúng ta đang ở Thượng phẩm nơi trụ xứ của đức Phật A Di Đà, mà đi về hướng Hạ phẩm. Nên biết là trong chín phẩm sen vàng ấy, chúng sinh trong Thượng phẩm cao lớn hơn chúng sinh trong Trung phẩm; chúng sinh ở Trung phẩm lại cao lớn hơn chúng sinh ở Hạ phẩm… cho nên ta đi từ Thượng phẩm xuống thì cố nhiên thân hình cần thu nhỏ lại, thấp xuống để ta không khác thường với chúng sinh từng nơi ấy. Đó gọi là thích hợp cảnh giới vậy!
Đôi chút luận bàn:
Từng nghe Phật Pháp có giảng đại ý rằng: trên Thế giới Thiên Quốc ấy đâu đâu cũng là vàng, dù là vật thể hay sinh mệnh đều lấp lánh ánh vàng kim, thù thắng mỹ diệu vô cùng. Lại nghe nói các không gian, tầng thứ khác nhau là có tồn tại các thế giới và quần thể sinh mệnh khác nhau. Thế giới càng cao tầng, cảnh sắc càng mỹ diệu. Nhưng để hồi thăng tới thế giới cao tầng hơn thì người ta phải đề cao tâm tính và đạo đức thông qua con đường tu luyện. Ví như không thể đưa một phàm nhân với đủ cả thất tình lục dục và các chủng tâm thái không thuần tịnh như: Tâm tranh đấu, tâm ích kỷ, tâm đố kỵ, tâm hận thù, tâm gian ác… mà lên lên Thiên Thượng được.
Lại nói như trong câu chuyện trên, mặc dù ở cùng một thế giới Thiên Quốc nhưng theo như lời của Quán Thế Âm Bồ Tát giảng nói với Pháp sư Khoan Tịnh thì: “Chúng sinh ở từng phẩm, vì cảnh giới không giống nhau nên hình thể và độ cao cũng có lớn, nhỏ khác nhau… trong chín phẩm sen vàng ấy, chúng sinh trong Thượng phẩm cao lớn hơn chúng sinh trong Trung phẩm; chúng sinh ở Trung phẩm lại cao lớn hơn chúng sinh ở Hạ phẩm… Đó gọi là thích hợp cảnh giới vậy!
Dân gian ta vẫn thường ví von: “Người làm sao của chiêm bao làm vậy”. Phải chăng câu thành ngữ này cũng có truyền tải thông điệp cho các sinh mệnh thuộc cảnh giới nơi chốn nhân gian: Tâm tính và đạo đức tại miền nhân thế tốt đẹp đến đâu thì hoàn cảnh , môi trường sống chung quanh họ cũng sẽ trở nên tốt đẹp đến đó.
Đường Phong